Hoang tàn dự án nuôi bò nghìn tỷ
Dự án nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú có mức vốn đầu tư ban đầu hơn 2.600 tỷ đồng nhưng sau một thời gian triển khai thực hiện, dự án không mang lại hiệu quả nên giảm mức đầu tư xuống còn 100 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án này vẫn không thể hoạt động và bị bỏ hoang cho đến nay…
Tháng 1/2016, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đầu tư thực hiện Dự án Trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), trên diện tích 1.500ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng.
Dự án nhằm phát triển chăn nuôi tạo thành trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo mô hình trang trại, tập trung, chuyển giao kỹ thuật cho ngành chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương… Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng chuồng trại, nhập bò về và trồng cỏ.
Thế nhưng, sau một thời gian triển khai, dự án vẫn không mang lại hiệu quả, bị bỏ hoang một thời gian. Đến đầu năm 2018, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho điều chỉnh quy mô của dự án xuống còn 71ha, vốn đầu tư cũng giảm từ hơn 2.600 tỷ đồng xuống còn 100 tỷ đồng.
Năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định điều chỉnh chủ trương dự án này sang dự án “Trang trại heo giống – Trang trại chăn nuôi Quảng Phú”, với mức đầu tư 254 tỷ đồng, trên diện tích gần 71ha. Mặc dù vậy, dự án nói trên vẫn không thể tiếp tục triển khai mà bị bỏ hoang cho đến nay.
Những hình ảnh hoang tàn, xuống cấp tại dự án.
Chia sẻ với chúng tôi, bà HJoe (trú tại thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) cho biết, trước thời điểm dự án được triển khai, bà vẫn canh tác trên 2ha đất do gia đình khai phá trước đó. “Với 2ha đất trồng hoa màu, cây công nghiệp thì mỗi năm gia đình mình cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi dự án được triển khai, gia đình bị thu hồi đất và chỉ được hỗ trợ vỏn vẹn 5 triệu đồng/ha.
Video đang HOT
Điều đáng nói là sau khi thu hồi đất, dự án chỉ được triển khai xây dựng một thời gian rồi dừng hẳn, bỏ hoang cho đến nay. Trong khi người dân thiếu đất canh tác thì dự án lại bỏ hoang, gây lãng phí đất đai”, bà HJoe bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Phan Tâm (cùng trú tại thôn Phú Xuân) cho hay, gia đình ông có 5,7ha đất (trong đó có 3,7ha trồng mì, 2 ha trồng môn), mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi dự án được triển khai, toàn bộ diện tích đất của gia đình bị thu hồi và chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha và sau đó được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/ha. “Sau khi bị thu hồi đất, nhiều người dân không có đất để canh tác. Trong khi đó, dự án công ty thu hồi để trồng hoa màu”, ông Tâm bức xúc nói.
Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho hay, ngay từ khi triển khai, dự án đã gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng. Do đó, dự án có quy mô thu hồi đất ban đầu là 1.500ha nhưng thực tế chỉ thu được 71ha. Sau đó, thấy việc thu hồi giải phóng mặt bằng khó khăn nên chủ đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh giảm quy mô dự án.
Còn ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, về nguồn gốc đất do lâm trường quản lý đã thu hồi được hơn 70ha. “Đây là dự án theo chủ trương của tỉnh, về phía địa phương cũng mong muốn dự án đi vào hoạt động để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng dự án còn có nhiều bất cập như: Nguồn nước thiếu, nguyên liệu trồng cỏ không bảo đảm, bò nhập từ Úc về không phù hợp khí hậu nên dự án hoạt động không hiệu quả… dẫn đến dự án bị bỏ hoang một thời gian”, ông Hùng nói.
Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Quý (cán bộ hỗ trợ pháp lý ở Đắk Nông – thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai) cho hay, dự án Trang trại nuôi bò chất lượng cao Quảng Phú có quy mô ban đầu 1.500ha nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, UBND huyện Krông Nô cưỡng chế một lần nhưng không thành nên dự án chỉ gói gọn có gần 71ha và không mang lại hiệu quả nên đã được điều chỉnh sang dự án nuôi heo.
“Do bò nhập từ Úc về không phù hợp với khí hậu; đất đai không có nhiều; vùng nguyên liệu không có nên việc đầu tư của dự án không mang lại hiệu quả. Về chủ trương điều chỉnh dự án, UBND tỉnh đã có quyết định, hiện nhà đầu tư đang thuê tư vấn hoàn chỉnh thiết kế để trình cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông thẩm định. Sau khi xong, chủ đầu tư mới tiến hành triển khai xây dựng đồng loạt”, ông Quý nói.
Đắk Nông: Trồng thứ rau gì mà nông dân chặt hối hả, lãi đậm, thương lái Sài Gòn tìm lên tận vườn thu mua?
Những ngày này, người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch rau bắp cải với niềm vui được mùa, được giá.
Ông Thái Vĩnh Thạnh, một người dân ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cho biết, thời gian qua, giá cả các loại cây công nghiệp và cây ăn trái xuống thấp, nên gia đình ông đã chuyển đổi 4 ha đất để trồng cây bắp cải.
Rút kinh nghiệm những năm trước, gia đình ông chú trọng chăm sóc cây bắp cải bảo đảm quy trình, từ khâu chọn giống cho đến lúc lên luống, bón phân...
Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch rau bắp cải với niềm vui được mùa, được giá
Nhờ chăm sóc bài bản, nên 4 ha bắp cải cho năng suất khá cao, đạt khoảng 60 tấn/ha. Bên cạnh niềm vui được mùa thì thương lái cũng đến tận vườn thu mua bắp cải với giá cao.
Hiện nay, gia đình ông Thạnh bán được bắp cải với giá dao động từ 4.000 - 12.000 đồng/kg. Tính sơ bộ, gia đình ông đã thu được lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng/ha bắp cải.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hanh, ở huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), cũng đang bước vào vụ thu hoạch 2 ha rau bắp cải.
Theo ông Hanh, năm nay thời tiết thuận lợi, nên cây bắp cải phát triển rất tốt, đạt năng suất cao hơn năm trước, bình quân đạt gần 50 tấn/ha.
Ông Hanh vui mừng cho biết: "Gia đình tôi rất phấn khởi khi chỉ mất 4 tháng trồng và chăm sóc bắp cải, nhưng thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Trong bối cảnh giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, cây bắp cải đang là "phao cứu sinh" để cho người dân chúng tôi có mức thu nhập khá".
Nhiều người dân trồng bắp cải cho biết, chi phí cho một cây bắp cải từ khi trồng đến thu hoạch vào khoảng 2.000 đồng. Một cây bắp cải khi thu hoạch thường có trọng lượng trên 1 kg. Năm nay, giá bắp cải liên tục biến động, có thời điểm lên đến 12.000 đồng/kg.
Giá bắp cải dao động từ 4.000 - 12.000 đồng/kg, nông dân trồng loại rau này ở tỉnh Đắk Nông vẫn có thu nhập khá
Thời điểm này, giá bắp cải giảm xuống còn 4.000 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn có lãi cao. Điều khiến người dân phấn khởi nhất là trong những năm qua, chưa khi nào giá bắp cải giảm xuống dưới mức 2.000 đồng/kg.
Có nghĩa là người trồng bắp cải luôn có lãi, thậm chí có những vụ mùa lãi đậm.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), thời gian qua, cây bắp cải được các thương lái từ Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... đến tận vườn của người dân để thu mua với số lượng lớn.
Năm nay, cây bắp cải được mùa, được giá, nên bà con nông dân trồng bắp cải ở tỉnh Đắk Nông hết sức phấn khởi.
Cũng theo ông Vinh, nhằm hạn chế thấp nhất việc cung vượt cầu khiến cho cây bắp cải mất giá, sau mỗi vụ thu hoạch, cán bộ ngành nông nghiệp lại đến từng thôn, từng gia đình để nắm bắt thông tin về diện tích, thăm hỏi tình hình sản xuất, lợi nhuận, rồi tuyên truyền kinh nghiệm cho bà con nông dân cùng nhau sản xuất.
Để nâng cao giá trị cho cây bắp cải, các địa phương của tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực tổ chức tạo mối liên kết giữa nông dân với các thương lái, doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
Điều này đã từng bước giúp người trồng bắp cải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được uy tín cho sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh Đắk Nông.