Hoàng Công Cường: “Cứ 5h sáng vợ dậy nấu yến, mua đồ ăn mang ra Bờ Hồ cho tôi”
Đạo diễn Hoàng Công Cường sụt 5kg và áp lực triền miên trước ngày điều hành 10.000 người tham gia Ngày hội văn hóa vì hòa bình vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đạo diễn Hoàng Công Cường sụt 5kg sau khi hoàn thành chương trình.
Số lượng công việc khủng khiếp
PV: Đạo diễn Hoàng Công Cường vừa hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ để tạo ra Ngày hội văn hóa vì hòa bình với sự tham gia của 10.000 người. Nghe nói sau chương trình anh đã “sập nguồn”?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Đến thời điểm này, tôi đã được tái tạo năng lượng nhờ phản hồi tích cực từ truyền thông và mạng xã hội, mang lại cho tôi sức khỏe tinh thần cực tốt nên hồi phục nhanh chóng. Suốt 5 tháng thực hiện chương trình, tôi đã họp gần 100 cuộc. Trong 3 tháng gần đây, ngày nào tôi cũng cầm điện thoại 12 tiếng để nghe và nhắn tin cho tất cả các nhóm với khối lượng công việc khủng khiếp.
Tôi phải điều khiển 10.000 người, trong đó chỉ có 400 diễn viên chuyên nghiệp, còn lại là diễn viên không chuyên, bà con từ các làng nghề, quần chúng nhân dân. Việc kết hợp các quận huyện khác nhau để tạo thành một tiết mục cũng là thử thách rất khó khăn. Văn hóa di sản vật thể và phi vật thể khi trình diễn trên sân khấu phải đúng yếu tố lịch sử và mang tính bản thể của nó từ trang phục, đạo cụ đến quy định về tín ngưỡng phải chuẩn xác và chi tiết.
Sự kiện có 10.000 người tham gia.
PV: Đọc kịch bản mới thấy khối lượng công việc anh cần thực hiện quá lớn bởi phải viết chi tiết để tạo ra một chương trình có giá trị trong khi phải điều hành, kết hợp cả vạn người tham gia. Khi nhận lời đạo diễn “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”, anh có lường trước được những thách thức phải đối mặt? Có khi nào anh muốn bỏ cuộc vì quá áp lực?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Nhiều lần tôi có suy nghĩ muốn bỏ cuộc bởi quá nhiều việc không tên. Chưa bao giờ tôi phải quán xuyến nhiều khâu như thế đến mức stress. Ngoài việc chịu áp lực trước hàng triệu nhân dân, tôi còn phải chịu trách nhiệm với các sở ban ngành và đầu mối của các tiết mục.
Tôi xem đi xem lại bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao và clip đó đã tiếp thêm cho tôi năng lượng và ngập tràn cảm xúc. Khi tưởng tượng ra sân khấu thì tất cả vỡ òa. Đó là điều giữ tôi lại và tạo động lực rất lớn. Ngoài di sản các làng nghề và tín ngưỡng phi vật thể lẫn vật thể, thứ truyền cho tôi cảm xúc mạnh mẽ là khoảnh khắc Đại đoàn 308 tiến về Thủ đô và chào cờ vào 3 giờ chiều ngày 10/10/1954. Khi xem clip đó tôi vô cùng xúc động và nghĩ rằng có lẽ mình được trao gửi rồi nên tự động viên phải cố gắng vượt qua.
Suốt 3 tháng lúc nào tôi cũng trong trạng thái căng thẳng
PV: Khán giả ấn tượng nhất với đại thực cảnh tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, đây có phải tiết mục anh hài lòng nhất?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Đây cũng là phần làm tôi xúc động nhất bởi ngay từ đầu đã xác định đó là điểm nhấn của chương trình Ngày hội văn hóa vì hòa bình. Khi bắt đầu viết đề tài này, tôi chỉ nghĩ về mỗi hình ảnh đó và bị tự kỷ ám thị cho rằng nó sẽ cực kỳ thú vị.
Đại thực cảnh tái hiện đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.
Khi xây dựng kịch bản mới thấy khối lượng công việc thật sự kinh khủng. Lựa chọn di sản hay làng nghề nào, tín ngưỡng nào cũng là điều không dễ. Ban đầu tôi chỉ muốn làm một đại thực cảnh nói về Hà Nội từ những năm tháng kháng chiến đến khi giải phóng thế nào, Đại đoàn 308 tiến về Thủ đô thế nào.
Nếu đưa yếu tố văn hóa Hà Nội vào thì khối lượng công việc cực lớn nhưng rất may tôi được sự hỗ trợ của ban cố vấn lẫn lãnh đạo Sở VH-TT. Khi mọi người bước ra sân khấu và đúng đội hình thôi đã là thành công lớn. Đứng thành bao nhiêu hàng lối như vậy với diễn viên chuyên nghiệp còn khó chứ đừng nói đây hầu hết là không chuyên.
PV: Chương trình diễn ra hoành tráng và thành công như khán giả đã thấy trên sóng trực tiếp hay các clip đăng trên mạng xã hội. Nhưng không rõ trong hậu trường lúc đó đạo diễn điều hành công việc ra sao và sự căng thẳng của Hoàng Công Cường ở mức độ nào? Vì chương trình này anh đã sụt mất bao nhiêu kg?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Suốt 3 tháng lúc nào tôi cũng trong trạng thái căng thẳng nhưng khi tổng duyệt mức độ còn khủng khiếp hơn bởi nhiều người tham gia, nhiều tiết mục và nhiều lát cắt trong kịch bản quá. Nhưng không hiểu sao cứ trước khi diễn ra một chương trình cực lớn, tôi lại được truyền một nguồn năng lượng không lý giải nổi. Sau tổng duyệt đầu óc tôi lại trong veo, nhìn được hết mọi vấn đề và giữ được tinh thần mạnh mẽ để vượt qua.
Chương trình thực sự lắm rủi ro vì mỗi đoàn diễu hành lại có phần nhạc nền khác nhau. Có quá nhiều người tham gia nên tôi sợ họ không đáp ứng được kịch bản bởi hầu hết là diễn viên nghiệp dư. Việc bố trí sơ đồ cho các đoàn người tập kết quanh Bờ Hồ gần 1 cây số và sắp xếp theo thứ tự kịch bản cũng nhiều bất trắc.
Tôi may mắn có một ê-kíp thiện chiến và 1 tuần trước sự kiện gần như chúng tôi không ăn, không ngủ. Có ngày thức đến 2 giờ sáng nhưng 4 giờ sáng bật dậy vì áp lực khiến mình không thể ngủ nổi. Tôi sụt 5kg trong quá trình thực hiện chương trình.
Đạo diễn Hoàng Công Cường chỉ đạo tại chương trình Ngày hội văn hóa vì hòa bình.
PV: Nếu bây giờ lại có đơn đặt hàng muốn anh đạo diễn một chương trình quy mô như ngày 6/10 vừa qua, Hoàng Công Cường có dám nhận ngay?
Video đang HOT
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Cuộc đời tôi luôn phải đối mặt với thử thách với nhiều chương trình lớn nhưng tôi rút ra là càng áp lực bao nhiêu thì chương trình đó càng thành công vang dội bấy nhiêu như đại thực cảnh ở Thác Bản Giốc hay SEA Games… Tôi đa phần nhận những dự án khó khăn từ thời gian, quy mô, con người…. với áp lực lớn. Tôi sẽ không dừng lại ở Ngày hội văn hóa vì hòa bình bởi sứ mệnh của tôi là được lựa chọn làm việc khó.
Nhân đây tôi muốn nói lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo của Hà Nội, Sở VH-TT, các sở, ban, ngành và quận, huyện đã quyết tâm, đồng lòng vì sứ mệnh chung của Thủ đô, chịu nhiều áp lực lẫn khó khăn và thử thách để tạo ra Ngày hội văn hóa vì hòa bình. Đây là tâm huyết của tất cả mọi người để tạo ra sự bùng nổ và thành công rực rỡ.
Trong 3 tháng, tôi không có thời gian để chơi với con
PV: Nhận đạo diễn những chương trình tốn nhiều thời gian, công sức và nhiều áp lực như vậy, người thân trong gia đình có lo lắng cho sức khỏe của anh và hỗ trợ đắc lực cho Hoàng Công Cường?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Trong 3 tháng, tôi không có thời gian chơi với con, lúc nào cũng mang stress về nhà. Rất may vợ tôi hiểu và đồng hành với tôi qua nhiều chương trình. Dù đang mang bầu và dễ xúc động nhưng cô ấy rất thông cảm cho công việc của chồng.
Tôi gần như không có thời gian đi chơi hay hòa chung vào không khí của gia đình vì lúc nào cũng cắm mặt vào điện thoại và máy tính để làm việc. Ông ngoại ở cùng và chăm sóc tôi rất đặc biệt. Cụ quá thấu hiểu tôi đang làm việc lớn cho quốc gia, cho Hà Nội nên động viên về tinh thần.
PV: Vậy là đáng lẽ anh phải chăm vợ vì cô ấy đang mang bầu thì ngược lại bà xã lại phải chăm sóc chồng để anh yên tâm làm việc?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Cứ 5h sáng cô ấy dậy nấu yến và mua đồ ăn cho tôi mang ra Bờ Hồ làm việc. Việc tôi dậy sớm cũng làm đảo lộn sinh hoạt của gia đình vì mọi người cũng dậy theo. Ròng rã nhiều tháng tôi đi sớm về khuya và không có thời gian tâm sự với con trai như trước.
PV: Đó là điều anh phải chấp nhận và đánh đổi để tập trung hoàn toàn cho công việc?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Tôi không có thời gian đưa vợ đi khám. Nghề của tôi chua chát lắm vì khi đã được giao trọng trách lớn thì việc nhà cũng bỏ đấy. Thời gian tôi làm SEA Games hay Ngày hội văn hóa vì hòa bình, dù gia đình có chuyện hệ trọng tôi cũng không thể về được vì liên quan đến nhiều người.
PV: Anh có thể chia sẻ thêm về chương trình chiếu 3D Mapping ấn tượng trên nền tòa nhà trụ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông cuối tháng 8 vừa qua?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Sự kiện nằm trong chuỗi Hành trình thắp sáng di sản Việt Nam mà tôi đã ấp ủ đề tài này 2 năm nay. Văn hóa, lịch sử, con người thông qua phần trình chiếu 3D Mapping lên các di sản văn hóa Việt sẽ dễ dàng tiếp cận với công chúng và các bạn trẻ.
Đôi khi đọc tài liệu sẽ không dễ nhớ và đọng lại. Dùng hình ảnh và âm nhạc để trao kể câu chuyện văn hóa, lịch sử của di tích nào đó đến người xem là nhanh nhất. Tiếp nối chuỗi chương trình này, tôi dự định trình chiếu 3D Mapping câu chuyện về Bộ Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ và đây sẽ là lần đầu tiên một cơ quan Nhà nước làm điều đó.
Các mô hình di tích đặc trưng của Hà Nội được tái hiện lại trên sân khấu.
Cuộc đời tôi lận đận với nghề
PV: Có vẻ như Hoàng Công Cường có duyên với những chương trình có yếu tố văn hóa, di sản? Anh thích lĩnh vực này hay nghĩ mình là người được chọn?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Cuộc đời tôi lận đận với nghề. Tôi theo học khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ra trường tôi vào Đài Truyền hình Việt Nam và chuyển sang làm đạo diễn sân khấu. Lúc đầu tôi chủ yếu đạo diễn chương trình sân khấu, thời trang và ca nhạc. Tôi đi lễ và thấy văn hóa tín ngưỡng rất hay nên lại thích đọc lịch sử. Sau đó, tôi chuyển qua đạo diễn lễ hội. Từng có người nhận xét là tôi biết gì về văn hóa và lễ hội mà đạo diễn, cho rằng tôi làm chương trình ca nhạc, hoa hậu thì văn hóa nông. Tôi thấy mình thích những chương trình văn hóa lễ hội và cảm giác được lựa chọn để làm.
Tôi nghĩ một chương trình lớn của quốc gia hay địa phương thì người đảm nhiệm bắt buộc phải có đạo đức, là con người tử tế và trách nhiệm. Nếu không đàng hoàng và có tâm với nghề sẽ dẫn đến một chương trình thảm họa và khó khăn đủ đường.
PV: Xin cảm ơn anh!
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: 'Điện ảnh Việt vẫn còn rất yếu và cần được khán giả ủng hộ'
Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nền điện ảnh Việt vẫn còn rất yếu và cần được khán giả ủng hộ thay vì vùi dập nó và để đánh giá một nền điện ảnh không chỉ đánh giá về tiền.
Tại Bế mạc Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tối 25-11, "Tro tàn rực rỡ" đã thắng 5 giải trong đó phim đã đoạt giải Bông sen vàng và giúp đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất.
Phim "Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 23
Nhân dịp này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dành cho PLO buổi trò chuyện để chia sẻ về niềm vui lớn cũng như những trăn trở với điện ảnh nước nhà.
"Điện ảnh không chỉ nói về doanh thu"
. Phóng viên: Chúc mừng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng dự án "Tro tàn rực rỡ" đã chiến thắng tại LHP Việt Nam lần thứ 23. Chiến thắng này có nằm trong dự đoán của anh và anh có bất ngờ ?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi đang chuẩn bị một bộ phim mới và phim này cũng đã lâu rồi nên thành ra là tôi cũng không đoán, hay nhớ gì về đến nó. Tôi thấy đây là một sự kiện vui tốt cho điện ảnh.
Còn bất ngờ hay không thì thực sự cũng hơi bất ngờ. Bởi vì vừa rồi phim cũng giúp tôi đoạt cánh diều vàng nay lại đến Bông sen vàng. Thực sự ít dự án nào đạt được cả hai giải thưởng cao quý như vậy.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất
. Mỗi giải thưởng lại mang đến nhiều ý nghĩa. Vậy với Bông sen vàng lần này có ý nghĩa như thế nào với anh?
Như cũng đã phát biểu lúc nhận giải, tôi cùng ê-kíp làm Tro tàn rực rỡ thì riêng tôi 10 năm không làm được phim và thực sự thấy làm được một bộ phim rất khó khăn. Vì vậy giải thưởng này như một động lực cho tôi thực hiện những bộ phim sau này.
. Nhìn lại "đứa con" mình đã ấp ủ và thực hiện sau 10 năm không làm phim, anh có điều gì muốn chia sẻ?
Thường thì bộ phim làm xong rồi nó ở trong khán giả. Mọi người nói về nó rất nhiều từ lúc nó được trình chiếu cho đến bây giờ đã được hơn 1 năm. Hiện nay tôi đang làm một bộ phim mới nên tôi lại nghĩ về phim mới nhiều hơn còn phim cũ xin được để khán giả được nói ý kiến của mình và người làm phim sẽ lắng nghe những ý kiến đó.
. Với "Tro tàn rực rỡ", anh muốn truyền tải thông điệp gì đến cho khán giả?
Tôi cũng chẳng còn nhớ nó có thông điệp gì (cười). Thực sự tôi chỉ nói một điều đó là câu chuyện chữa lành cho tôi. Như các bạn đã biết 10 năm tôi không làm phim và tôi bị trầm cảm, vùng đất ấy đã chữa lành cho tôi và cho tôi năng lượng để tôi làm phim. Đấy là giá trị đặc biệt của bộ phim mà tôi thực hiện và tôi tìm thấy nó rất ý nghĩa.
. Có một sự thật rằng, "Tro tàn rực rỡ" dù chiến thắng nhiều giải nhưng doanh thu lại không như mong muốn. Anh nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Nói về điện ảnh không phải chỉ để nói về doanh thu và để đánh giá được một nền điện ảnh không chỉ đánh giá về tiền. Dù tiền rất quan trọng để tạo nên một nền công nghiệp điện ảnh thế nhưng luôn luôn có một thang bậc khác hay nhiều cách khác nhau để đánh giá một bộ phim.
Nền điện ảnh mạnh không phải chỉ là nền điện ảnh có doanh thu tốt mà còn phải có sự đa dạng về tâm hồn, sự hấp dẫn về cốt truyện, cách kể chuyện nó phải còn rất sang trọng, phong phú, giàu sức sống.
Ngoài việc chúng ta có một rạp chiếu đầy khán giả thì cần có những bộ phim đi vào tận cùng thân phận con người những cái ngôn ngữ điện ảnh mới . Đó cũng là một điều rất cần thiết cho những người làm nghề và cả người thưởng thức điện ảnh.
Hình ảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ". Ảnh: NSX
"Điện ảnh Việt vẫn còn rất yếu"
. Sau COVID-19, công nghiệp điện ảnh đã được chú trọng nhiều hơn và tại LHP Việt Nam lần thứ 23 vấn đề này cũng được đề cập rất nhiều. Anh có suy nghĩ, cảm xúc ra sao?
Thực sự tôi rất vui. Vui là vì điện ảnh được nhắc đến và tôi nghĩ một điều trong slogan của LHP "Phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam" điều đó rất quan trọng.
Theo tôi, nền điện ảnh Việt Nam là nền tảng của những nhà sản xuất phim, một nền điện ảnh mạnh chính là một nền điện ảnh có những nhà sản xuất phim mạnh. Những người có thể có được năng lực để đầu tư, tái đầu tư cho phim mới và nền sản xuất mạnh ấy cần được hỗ trợ, chia sẻ, thấu hiểu.
Tôi cũng muốn nói nhiều điều ở lúc nhận giải nhưng không thể vì lúc ấy rất xúc động và thời gian có hạn. Nhưng thực sự tôi muốn chia sẻ một điều, nền điện ảnh Việt Nam chưa phải là mạnh đâu, nó rất là yếu.
Thành ra, nó cần được khán giả ủng hộ chứ không thể nào mà vùi dập nó được, những bộ phim tốt, thấy tâm của người sản xuất phim hơn là để ý vào những chi tiết không cần thiết.
Nó không đáng để có những phản ứng quá mức bởi vì thực sự ra tất cả đều phải xây dựng nền công nghiệp điện ảnh này, mà muốn xây dựng nó thì phải có sự ủng hộ của mọi người, đó là điều tôi thấy rất hay trong LHP lần này và đã thấy nhấn mạnh đến yếu tố sản xuất phim cần được hỗ trợ, nâng đỡ, thấu hiểu và khuyến khích... LHP lần này là một sự khích lệ rất to lớn đối với các nhà sản xuất phim.
. Nói đến vấn đề cần sự thấu hiểu, ủng hộ thay vì vùi dập thì phải chăng anh đang nhắc đến câu chuyện phim "Đất rừng phương Nam"?
Tôi chỉ nói chung thôi. Thực sự không chỉ có " Đất rừng phương Nam" mà rất nhiều những bộ phim bị phán xét hơi thái quá và cực đoan nên tôi nghĩ phải rất cân bằng, công tâm về chuyện đó.
Khán giả có quyền nhận xét đánh giá nhưng làm sao đấy để cho nền điện ảnh mạnh lên, như các bạn đã biết sau 2 năm dịch nền điện ảnh lỗ nhất vẫn là rạp chiếu, nhà làm phim. Thì có một bộ phim mà theo tôi nghĩ tốt, có chăng là vấn đề nó phức tạp nên tôi chỉ mong mọi người cùng nhau thấu hiểu, hỗ trợ cho điện ảnh thì điện ảnh mới phát triển được nếu không thì nó cứ lay lắt như thế mãi.
Đoàn phim "Đât rừng phương Nam" tại thảm đỏ LHP phim Việt Nam lần thứ 23
"Phim mới sẽ ở vùng đất hoàn toàn mới"
. " Tro tàn rực rỡ" đã dự nhiều LHP trên thế giới, trong những chuyến đi đó anh có kỷ niệm nào đáng nhớ?
Có một kỷ niệm khi chiếu phim ở Nhật thì suất chiếu gối đầu nhau thành ra khi phỏng vấn cuối buổi thì khán giả không được trong rạp mà phải ra trước sảnh thì tôi cũng ra ngoài trả lời các câu hỏi của khán giả và tôi thấy rất vui khi khán giả xếp hàng dài để chờ đến lượt để hỏi, họ rất kiên nhẫn để chờ. Tôi thấy rất hay và vui khi phim Việt được chiếu ở các quốc gia khác.
. Vậy cách anh kể văn hóa Việt cho những người nước ngoài hiểu?
Tôi cũng chẳng biết làm cách nào, bởi tôi cũng chỉ kể những điều mình yêu thôi.
. Qua những điều bản thân đã làm và đạt được anh có muốn nhắn nhủ gì đến các nhà làm phim trẻ hiện nay?
Tôi chỉ mong việc làm phim nó trở thành một sự thôi thúc cá nhân của các bạn làm phim trẻ. Và chỉ mong các bạn bền gan, kiên nhẫn.
. Như anh chia sẻ đang thực hiện dự án phim mới, anh có thể chia sẻ thông tin về dự án? Và vùng đất anh lấy làm bối cảnh phim?
Tôi chưa nói được. Nhưng là một người nghệ thuật tôi cũng sẽ làm những gì mà bản thân thấy yêu. Vùng đất thì sẽ hoàn toàn mới chắc mọi người chưa từng thấy đâu. Ít thấy lắm thậm chí là chưa từng có luôn (cười).
Sau 10 năm không làm phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã trở lại với dự án điện ảnh "Tro tàn rực rỡ", chuyển thể theo nội dung hai truyện ngắn "Tro tàn rực rỡ" và "Củi mục trôi về" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Phim cũng đã chiến thắng tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế 3 châu lục (Festival des Trois Continents), nhận giải thưởng tài trợ trong chương trình Asian Project Market tại LHP Busan 2017 (Hàn Quốc), tranh giải tại LHP quốc tế Tokyo 2022,...
Phim được quay vào cuối năm 2020 đến tháng 2-2021 và chính thức công chiếu toàn cầu tại LHP Tokyo lần thứ 35 năm 2022.
Tại Việt Nam, phim cũng đã nhận giải Ngôi sao xanh hồi tháng 1-2023 và mới đây nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 23, "Tro tàn rực rỡ" đã thắng lớn với 5 giải gồm: Bông sen vàng, đạo diễn xuất sắc nhất, nam diễn phụ xuất sắc nhất, quay phim xuất sắc và âm nhạc xuất sắc
VĂN HÀ
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: 'Tôi biết ơn sự khắt khe của khán giả' Đạo diễn của bộ phim - Trần Hữu Tấn là cái tên quen thuộc trong dòng phim kinh dị Việt. Những tác phẩm trước đó của anh như 'Bắc Kim Thang', 'Rừng thế mạng', 'Chuyện ma gần nhà' mang đến cho khán giả câu chuyện điện ảnh và ẩn sau đó là dáng dấp văn hóa Việt Nam. "Tết ở làng Địa Ngục"...