Đạo diễn Trần Hữu Tấn: ‘Tôi biết ơn sự khắt khe của khán giả’
Đạo diễn của bộ phim – Trần Hữu Tấn là cái tên quen thuộc trong dòng phim kinh dị Việt. Những tác phẩm trước đó của anh như ‘ Bắc Kim Thang’, ‘ Rừng thế mạng’, ‘ Chuyện ma gần nhà’ mang đến cho khán giả câu chuyện điện ảnh và ẩn sau đó là dáng dấp văn hóa Việt Nam.
“Tết ở làng Địa Ngục” là bộ phim dài tập kinh dị cổ trang đầu tiên trên truyền hình tại Việt Nam. Phim được K đầu tư mạnh về bối cảnh, phục trang với những tình tiết gay cấn dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang từng gây sốt trong năm 2022. Đạo diễn của bộ phim – Trần Hữu Tấn cũng là cái tên quen thuộc trong dòng phim kinh dị Việt. Những tác phẩm trước đó của anh như “Bắc Kim Thang”, “Rừng thế mạng”, “Chuyện ma gần nhà” mang đến cho khán giả câu chuyện điện ảnh và ẩn sau đó là dáng dấp văn hóa Việt Nam.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn (giữa) trên phim trường “Tết ở làng Địa Ngục)
Muốn ghi dấu ấn ở thể loại kinh dị cổ trang lần đầu tiên trên sóng truyền hình
PV: Điều gì ở dự án “Tết ở làng Địa Ngục” hấp dẫn anh?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Trước hết tác phẩm gốc từ tiểu thuyết đã có 1 câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi được đọc 1 tác phẩm kinh dị nhưng rất đậm dấu ấn về văn hóa nước ta. Bên cạnh đó các tình tiết kinh dị cũng thuộc loại “nặng đô” xen kẽ 1 câu chuyện hấp dẫn cuốn người đọc ngay từ những chương đầu tiên. Nhưng điểm khiến tôi và nhà sản xuất Hoàng Quân muốn làm dự án này nhất chính là mục tiêu ghi dấu ấn ở thể loại kinh dị cổ trang lần đầu tiên trên sóng truyền hình.
PV: Anh phải đối mặt với những khó khăn gì khi chuyển thể từ trang sách lên phim?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Thử thách và khó khăn của dự án nhiều vô kể từ việc ghi hình cho đến quá trình hoàn tất hậu kỳ. Nhưng áp lực lớn nhất đối với tôi chính là làm sao có được sự hình dung gần nhất với độc giả về nhân vật, bối cảnh lẫn tình tiết, bởi tác phẩm đã có 1 chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng.
PV: Vì sao anh chọn Hà Giang làm bối cảnh cho bộ phim của mình?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại chọn Hà Giang. Nhưng quả thật có 1 điều kỳ lạ là, khi tôi đọc sách, những hình ảnh của ngôi làng xuất hiện trong đầu tôi y hệt như những gì tôi biết về Hà Giang, những bức tường đá, những ngôi nhà mái ngói âm dương, những ngọn núi hùng vĩ quanh năm mây bao phủ…nên chắc là phải có thế lực tâm linh đưa lối dẫn đường rồi (cười).
PV: Tạo hình của các diễn viên đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Anh có tiêu chí gì khi lựa chọn diễn viên?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Tôi thường chọn diễn viên bằng trực giác, gần như không thông qua casting. Vì với một dự án đặc biệt như “Tết ở làng Địa Ngục”, sự tưởng tượng và thực tế về diện mạo của nhân vật không được phép khác nhau. Khi đã có hình ảnh cụ thể, tôi làm việc với họa sỹ để phác thảo ra chân dung, ngũ quan của các nhân vật chính, từ đó tôi tiến hành làm việc với các bạn diễn.
PV: Có nhân vật nào từng khiến anh phải đau đầu tìm diễn viên? Vai diễn nào là khó tìm diễn viên nhất? Anh có thể chia sẻ về quá trình casting?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Thập Nương chính là nhân vật khó khăn nhất trong quá trình tìm kiếm diễn viên. Bởi vì đây không chỉ là “trùm cuối” của phim, mà còn là phản diện rất đặc biệt trong tác phẩm. Bên cạnh khả năng diễn xuất tốt, bạn phải có thần thái đặc biệt để khán giả ấn tượng mỗi lần xuất hiện. Và nói thật với bạn, nếu không phải là Lan Phương, tôi cũng chưa biết ai sẽ là người phù hợp. Bởi vì có những vai diễn gần như sinh ra chỉ để cho 1 người.
Video đang HOT
Lan Phương với vai Thập Nương
PV: Anh ấn tượng với diễn xuất của ai nhất trong dàn diễn viên?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Mỗi diễn viên đều thể hiện đúng nhân vật của mình. Tôi rất tự hào về diễn xuất của tất cả cô chú, các anh chị và các bạn trẻ. Nhưng nếu đứng ở khía cạnh là 1 người khán giả, tôi thích nhất diễn xuất của Thập Nương – Lan Phương và ông Thập – Quang Tuấn, bởi vì đây cũng là 2 nhân vật mà tôi dành tình cảm đặc biệt nhất cho phim. Với bộ phim này, 2 bạn đúng là bước ra từ trong tưởng tượng của tôi.
Quang Tuấn
PV: Đây cũng là lần đầu anh làm phim truyền hình. So với những dự án điện ảnh trước đó, anh thấy có sự khác nhau như thế nào?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Mỗi thể loại sẽ có những khó khăn khác nhau. Với phim truyền hình, tôi nhận ra việc duy trì cảm xúc của khán giả sau mỗi tập phim không dễ dàng chút nào. Từng tập đều là câu chuyện nhỏ, phải có sự tính toán y như 1 bộ phim điện ảnh để giữ chân người xem trong khoảng thời gian nhất định.
PV: Dòng phim kinh dị Việt rất kén khán giả. Vì sao anh lại quyết định theo đuổi con đường khó khăn này, khi mà thị hiếu khán giả thường hướng đến những bộ phim hài, tình cảm… dễ xem, dễ đón nhận?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Tôi chỉ làm những gì tôi có thế mạnh nhất, dù biết thể loại này không hề dễ làm cũng như đầu ra sản phẩm không được rộng rãi như những dòng phim khác. Tuy nhiên, dù ở thể loại nào thì phim ảnh cũng có sứ mệnh kể chuyện, nhìn xa hơn là quảng bá văn hóa như cách tôi đang làm với “Tết ở làng Địa Ngục”.
PV: Việc quảng bá văn hóa Việt được anh thể hiện như thế nào qua các bộ phim của mình?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Như mọi người cũng biết, “Tết ở làng Địa Ngục” là bộ phim cổ trang kinh dị dựa trên nền văn hóa và tâm linh của nước ta. Ngay cả bản thân tôi lần đầu tìm đến tác phẩm, tôi cũng rất bất ngờ vì những thông tin, kiến thức mà câu chuyện mang lại như các tình tiết về người lái đò chở vong, những tập tục cúng bái tâm linh…
Khi bắt đầu vào triển khai và làm việc với bên cố vấn sử học, tôi còn được mở mang thêm hiểu biết về kiểu dáng cổ phục xưa, kiến trúc phục dựng từ những ngôi làng cổ ở nước ta… Và sau khi phim được phát sóng vài tập, chính khán giả cũng thích thú với những chi tiết, hình ảnh ấy để rồi bắt đầu mọi người cùng tìm hiểu sâu hơn về nó. Với tôi, như vậy đã là 1 thành công nho nhỏ từ bộ phim.
Tôi biết ơn những lời khen, chê của khán giả
PV: Anh đã có sự chuẩn bị như thế nào để bước vào dòng phim này? Sự đầu tư của K đã giúp anh thế nào trong dự án này?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Tôi đã mất 6 năm học hỏi, tập tành làm thử những phim ngắn trước khi làm phim điện ảnh đầu tay, cũng như quan sát thấu hiểu tâm tư và “gu” của khán giả về thể loại kinh dị ở Việt Nam. Để làm được một bộ phim kinh dị tốt, tất nhiên kịch bản vẫn là yếu tố cốt lõi.
Nhưng những khâu khác như phục trang, bối cảnh, hóa trang… cũng phải được xem trọng đến mang đến những khung hình điện ảnh trọn vẹn cho khán giả. Tôi rất may mắn khi có K đồng hành ở dự án này. Sự “chịu chi” cũng như các công tác hỗ trợ từ phía K giúp cho chúng tôi thuận lợi hơn để hoàn thành dự án.
PV: Phim kinh dị Việt thường bị chê khi kết hợp yếu tố hài để hút khách hoặc dùng thủ pháp đơn giản để hù dọa khán giả? Anh có sợ mình đi vào lối mòn này? Anh chuẩn bị thế nào để tạo hướng đi riêng cho mình?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Tôi nghĩ rằng cách làm phim và cách kể chuyện của mình hoàn toàn khác biệt, đủ để có hướng đi của riêng mình. Thật ra với tôi, thủ pháp hay bất kỳ yếu tố nào dù quen thuộc hay mới lạ cũng không quan trọng bằng việc mang lại cảm xúc cho người xem. Sau bộ phim họ thấy gì ở câu chuyện mình vừa xem và họ đồng cảm, thương xót, hay yêu ghét 1 nhân vật, 1 tình tiết nào mới là vấn đề.
PV: Làm phim kinh dị, anh nhận được nhiều ý kiến khen, chê trái chiều. Anh đối diện với những ý kiến đó như thế nào?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Tôi biết ơn điều đó, vì có lời khen lẫn lời chê mới giúp bản thân mình nhìn lại những điều mình đã làm được và những khuyết điểm thiếu sót của bản thân. Chính sự khắt khe này sẽ giúp tôi hoàn thiện hơn nữa các tác phẩm trong tương lai.
PV: Đâu là thời điểm khó khăn nhất trong quá trình làm nghề của anh? Anh vượt qua giai đoạn đó như thế nào?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Tôi đã từng bị trầm cảm gần 1 năm, thời điểm sau khi quay “Bắc Kim Thang”, cũng không hiểu vì sao mình lại rơi vào trạng thái đó, mà phải sau khi vượt qua được thì mới biết căn bệnh đó được gọi là trầm cảm. Thời gian đó vô cùng khó khăn với tôi, tụt ký không phanh, suy nghĩ tiêu cực và có ý định sẽ không đeo đuổi việc làm phim nữa. Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi cũng có gắng vượt qua, nghĩ tích cực hơn, dần dần lấy lại được tình yêu với công việc.
PV: Phim kinh dị thường gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm duyệt. Nhưng nếu e ngại kiểm duyệt thì sợ rằng phim sẽ làm không tới? Đặc biệt với “Tết ở làng Địa Ngục” lại là phim truyền hình, không thể giới hạn độ tuổi khi lên sóng, anh cân bằng như thế nào để vừa đảm bảo được yếu tố rùng rợn, lại vừa có thể qua được ải kiểm duyệt mà không phải cắ xén nhiều?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Đây cũng là 1 điều tôi rất băn khoăn trong quá trình ghi hình. Bởi nếu làm không tới thì tôi sẽ rất có lỗi với nguyên tác, mà làm tới tôi sợ vướng kiểm duyệt. Vì vậy tôi chọn cách cân bằng hình ảnh, đánh mạnh vào cảm xúc của người xem. Có những khung hình máu me hay bạo lực không nhất thiết phải cần hình ảnh đặc tả, mà chỉ cần tiếng động, âm thanh hoặc mập mờ dụng ý, kích thích sự tưởng tượng để tăng cảm giác. Không gì đáng sợ bằng hình ảnh tự tưởng tượng của con người.
PV: Anh có khao khát làm một bộ phim kinh dị như thế nào trong tương lai?
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: Tôi rất thích kể những câu chuyện về các nhân vật phản diện, nhất là trong văn học hoặc cổ tích theo góc nhìn kinh dị. Vì vậy, tác phẩm điện ảnh tiếp theo dự kiến bấm máy vào cuối năm này sẽ nói về nhân vật Cám, trong cổ tích Tấm Cám. Tôi tin khán giả sẽ vô cùng bất ngờ với câu chuyện này.
PV: Xin cảm ơn anh!
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lý giải những tranh cãi trong 'Đất rừng phương Nam'
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa lên tiếng giải thích về những chi tiết gây tranh cãi trong phim 'Đất rừng phương Nam'.
Sau hơn 10 ngày phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" ra rạp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có bài viết trên trang cá nhân, bày tỏ quan điểm về những ồn ào, tranh cãi xoay quanh tác phẩm điện ảnh này.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết thời gian qua, ông đã theo dõi và đọc hết các bình luận về phim "Đất rừng phương Nam" trên mạng xã hội và nhận thấy có nhiều người công kích, thóa mạ tác phẩm này dù chưa xem phim.
Nam đạo diễn lên tiếng những tranh cãi về nội dung, tạo hình các nhân vật trong phim.
Về những tranh cãi tạo hình nhân vật mặc trang phục Trung Quốc, anh cho biết trong phim không chỉ có nhân vật người Hoa mà còn có các dân tộc khác ở Nam Bộ như Chăm, Khmer.
"Với tôi người Hoa ở Việt Nam, cùng góp sức xây dựng Việt Nam thì là người Việt Nam. Bạn xem phim bạn sẽ thấy ngoài người Hoa còn có một số người dân tộc khác ở Nam Bộ (Chăm, Khmer...)", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.
Còn về MV "Đất rừng phương Nam", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng lý giải MV là diễn viên góp mặt để thu âm, mặc đồ tự do, có người sơ mi, vest, nhà thiết kế đưa trang phục nào thì họ mặc.
Về chi tiết trong phim có những hội nhóm Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay, trong phim chỉ có 4 câu thoại nói về các hội nhóm. Đó là một phần rất nhỏ của phim. Chi tiết này mô tả bang hội nhóm của nhóm người Hoa tại Việt Nam.
Anh chia sẻ, khi ê-kíp quyết định sử dụng hai tên này vì trong bản phim truyền hình cũng có chi tiết nhân vật ông Tiều thuộc nhóm Thiên Địa Hội. Bản phim truyền hình có nhà văn Sơn Nam là cố vấn cho đạo diễn Vinh Sơn, cả hai đã thống nhất đổi thời điểm xảy ra của tiểu thuyết thay vì những năm 40 đổi thành trước 1930, chưa có Việt Minh, nên bản truyền hình có tập về Đồng Nọc Nạn.
Vì vậy, "Đất rừng phương Nam" cũng đổi theo mốc thời gian đó. Bởi theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, điều này cho thấy cậu bé An sẽ lưu lạc qua nhiều môi trường, qua nhiều hội nhóm, qua nhiều văn hóa, lý tưởng của người dân vùng đất Nam bộ khi đấu tranh ở thời kỳ còn rất tự phát.
Mỗi nhóm, mỗi người 1 cách, qua đó An cũng dần lớn lên theo cùng những cuộc đấu tranh để tìm ra lý tưởng thật sự sau này.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định "Đất rừng phương Nam" là bộ phim dành cho cả gia đình, là phim gia đình, kết nối thế hệ. Để tránh những hiều nhầm về thông điệp bộ phim, đoàn phim đã sửa lại, đáp ứng yêu cầu của Cục Điện ảnh.
"Đây là bộ phim chúng tôi muốn kết nối các thế hệ. Tư tưởng của bộ phim này là đề cao tình người, tình yêu với vùng đất. Tất cả nhân vật người lớn dù có khác biệt lý tưởng cũng nhìn về một hướng bảo vệ cho thế hệ sau. Bác Ba Phi cũng nói với tên lính "chỉa súng vô dân mình hả". Tên lính cũng có thoáng nghĩ và trầm xuống suy nghĩ.
Về việc đoàn phim sửa lại tên bang hội trong bản phim mới thật sự rất nhanh, bởi vì nó rất ít, không phải vấn đề quan trọng của phim. Nhưng vì nó bị hiểu lầm, nâng cao quan điểm ảnh hưởng đến người chưa xem nên chúng tôi đã sửa mong cho khán giả xem bộ phim rõ những mục đích chính của phim hơn bị lăn tăn những chi tiết nhỏ", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.
Anh cho biết đối với những khán giả đã xem phim rồi khen, chê, anh đều ghi nhận. Tuy nhiên, có nhiều người dùng lời lẽ nặng nề, nhằm tìm mọi cách để ngăn khán giả đến rạp.
"Tôi vào các trang có thiện cảm với phim, nhiều người dùng lời lẽ nặng nề nhằm tìm mọi cách để cản bước ai muốn đến xem phim, họ đề cao lòng yêu nước mà thóa mạ người khác. Với các ngôn ngữ cay độc bất chấp như vậy, bản tính như vậy, với văn hóa ứng xử như vậy thì những lý tưởng bạn vin vào thật đáng nghi ngờ.
Thật sự tôi cũng không đề cao quá bản thân mình, tôi cũng hiểu không có nghĩa phim đầu tư nhiều, tâm huyết là phải bắt người ta yêu quý. Ai xem phim rồi khen chê tôi đều ghi nhận. Mình cũng có cái non, cái chưa tới. Gu có người thích, người không thích, rất bình thường. Làm nghề chúng ta lớn lên, phát triển nhờ những khách hàng khó tính. Tôi nghĩ vậy. Nhưng sự thóa mạ, vùi dập triệt tiêu thì quá ái ngại", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói thêm.
Đạo diễn Quang Dũng: Những người công kích Đất rừng phương Nam đa phần chưa xem phim Đạo diễn Quang Dũng cho rằng, những người công kích, thóa mạ Đất rừng phương Nam đa phần chưa xem phim. Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về bộ phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Quang Dũng. Trên trang Facebook cá nhân của mình, đạo diễn này vừa có chia sẻ thẳng thắn...