Hoàng bào, vật dụng cung đình triều Nguyễn ở Sài Gòn
Những vật dụng chốn cung đình triều Nguyễn như trang phục, trang sức, mũ miện… được giới thiệu đến người dân Sài Gòn.
Ngày 21/12, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (quận 1) diễn ra triển lãm chủ đề “Vàng son nhung gấm” với những hiện vật gốc tiêu biểu, quý hiếm gồm trang phục, vật dụng cung đình thời Nguyễn (1802 – 1945) được giới thiệu đến công chúng.
Không gian phòng trưng bày được thiết kế như một buổi thiết triều: chính giữa là trang phục của vua; bên tả dành cho trang phục, vật dụng các quan võ; hữu dành cho quan văn và phía sau dành cho nữ phục cung đình.
Có tất cả 70 hiện vật bao gồm trang phục, mũ miện, đồ trang sức, vật dụng cung đình… được giới thiệu đến công chúng phương Nam.
Trong đó nổi bật nhất là chiếc Hoàng bào (chính giữa) được xác định là của vua Đồng Khánh (trị vì 1885-1889). Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên hoàng bào này được triển lãm.
Video đang HOT
Chiếc áo của vua có màu vàng, thêu hình rồng 5 móng trong tư thế nhìn chính diện, trên nền thêu rồng mây, thuộc loại hình áo mặc trong các lễ Thường triều. Trong làn lụa lót ở ngực áo có chữ Hán bằng mực đỏ “Đồng Khánh ngự lãm”.
Ngoài ra còn có 24 hiện vật là hoàng bào, phụng bào của vua, hoàng hậu, hoàng thái tử, trang phục của bá quan văn võ, cung nữ… Trong ảnh là áo Đại triều của Hoàng thái tử được triển lãm.
Bạn Trần Nguyên Tuấn (23 tuổi, quận Tân Bình) chăm chú ngắm trang phục của quan Đại triều của quan văn nhị phẩm. “Trước giờ mình thường tìm hiểu lịch sử, cuộc sống trong cung đình nhưng chỉ xem qua tranh ảnh, nay mới được thấy tận mắt nên rất thích thú”, Tuấn chia sẻ.
Trong triển lãm còn trưng bày các vật dụng của Đô thống chế thần sách Lê Văn Phong (em trai Tả quân Lê Văn Duyệt) được khai quật vào năm 1961. Niên đại bộ phẩm phục được xác định vào những năm đầu thế kỷ 19. Trong ảnh theo thứ tự từ trái sang là kính đeo một mắt, thẻ lệnh, đồ lấy ráy tai và cúc áo của quan võ Lê Văn Phong.
Triển lãm giới thiệu bốn mũ miện. Trong ảnh là chiếc mũ của của Đô thống chế thần sách Lê Văn Phong. Chiếc mũ này đã được phục nguyên năm 2014 và lần đầu tiên trưng bày trước công chúng.
Những cây trâm chạm khắc tinh xảo được tìm thấy trong lăng mộ của bà Trần Thị Hiệu, một nhân vật thuộc hoàng gia triều Nguyễn.
Các vật dụng chốn hoàng cung như hộp đựng bảo quản phẩm phục, rương hòm, tráp… được sơn son thiếp vàng.
Chiếc tủ đựng mũ của một vị quan võ.
Trong số các vật dụng cung đình, nổi bật là chiếc trấn phong bằng gỗ với kỹ thuật sơn thếp, kéo sợi vàng hoa văn điển hình của hoàng gia. Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng đến hết tháng 3/2017.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Công chúa đầu tiên của triều Nguyễn đỗ thạc sĩ
Công chúa Như Mai, con gái trưởng vua Hàm Nghi, là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đỗ thạc sĩ Nông lâm và là thủ khoa, vượt qua cả chục nhà khoa bảng của Pháp.
Năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, quan đại thần Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi rời ra Tân Sở. Tại đây, vua ra chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân sĩ cả nước giúp vua chống Pháp.
Cuối năm 1888, khi phong trào Cần Vương đang lên cao thì vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, Tôn Thất Thuyết bị giết tại chỗ khi đang ở Quảng Bình. Năm 1889 vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp đưa lên tàu đến Alger (thủ đô Algérie, Bắc Phi) và bị giam lỏng tại làng El Biar.
Chân dung công chúa Như Mai: Ảnh: Tư liệu
Tuy sống ở xứ người, nhưng vua Hàm Nghi rất chịu khó học tiếng Pháp và giữ cách ăn mặc của người Việt Nam với khăn xếp áo dài. Vào năm 1904, vua Hàm Nghi lấy vợ là bà Laloe, con gái chánh án tòa án Alger và sinh được 3 người con, là công chúa Nguyễn Phúc Như Mai (1905-1999), công chúa Nguyễn Phúc Như Lý (1908-2005), hoàng tử Minh Đức (1910-1990).
Trong cuốn "Các vương phi, công chúa, nữ cung triều Nguyễn", tác giả Tôn Thất Bình viết, công chúa Như Mai được gửi về Paris học, thi vào Đại học Nông lâm, đỗ thứ năm. Suốt thời gian học, công chúa là sinh viên giỏi.
Tốt nghiệp thủ khoa thạc sĩ Nông lâm ở Pháp, công chúa Như Mai trở lại Alger sống với vợ chồng vua Hàm Nghi, sau đó quay lại Pháp làm việc và tiếp tục học thêm, lấy bằng về Hóa học. Bà làm việc tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp, rồi đến tỉnh Dordogne và Correze. Tại tỉnh Correze quê mẹ, công chúa đã mang những gì học được hỗ trợ dân nghèo kỹ thuật trồng trọt nên rất được quý trọng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết thêm, công chúa Như Mai lúc học đại học có phong cách sống rất đơn giản giống vua Hàm Nghi, cách ăn mặc như phụ nữ Việt Nam, không giống phụ nữ Pháp lúc bấy giờ.
Mặc dù sống ở Correze nước Pháp nhưng công chúa Như Mai luôn nhớ đến tuổi thơ ở biệt thự Gia Long (Alger). Sau khi vua Hàm Nghi mất, bà cùng các em Như Lý, Minh Đức đưa hài cốt vua từ Alger về Pháp an táng trong nghĩa trang gia đình tại làng Thonac tỉnh Dordogne, gần tỉnh Correze. Vợ vua Hàm Nghi là bà Laloe cũng theo công chúa Như Lý, Như Mai về Pháp sinh sống. Năm 1974, vương phi Laloe mất và được an táng trong khu lăng nơi chôn vua Hàm Nghi. Để tỏ lòng chữ hiếu với cha mẹ, công chúa Như Mai không lấy chồng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, trước đây công chúa Như Lý (em gái công chúa Như Mai) lúc còn sống, trao đổi qua điện thoại nói khi về già, công chúa Như Mai sống nhiều năm trong viện dưỡng lão. Sau khi mất, hài cốt của bà được an táng trong nghĩa trang của gia đình, gần mộ vua Hàm Nghi.
Võ Thạnh
Theo VNE
Chiêm ngưỡng bảo vật triều Nguyễn trên đất cố đô Huế Những bảo vật thể hiện quyền uy của triều Nguyễn sau 71 năm được dời ra Hà Nội (1945-2016) đã quay về Hoàng cung Huế trong cuộc triển lãm Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn. Kim sách bằng vàng Sáng nay (6/12), tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo...