Hoãn xử phúc thẩm vụ án 2 cái mũ: Gia đình 4 bị cáo bức xúc
Nhiều người dân và thân nhân của 4 bị cáo là những đứa trẻ đã vượt một chặng đường dài ra dự phiên tòa phúc thẩm cùng nhiều hi vọng. Phiên tòa bất ngờ bị hoãn với lý do luật sư bào chữa sắp bận một phiên tòa khác cách đó vài chục mét.
Như báo Dân trí đã phản ánh, từ hành vi trêu đùa của những nam sinh với các bạn nữ sinh trong địa phương, tòa án huyện Tiên Lãng đã mở phiên tòa hình xử phạt 94 tháng tù giam cho 4 bị cáo.
Những đứa bé đang ngồi trên ghế nhà trường ngơ ngác vì không ngờ mình phạm phải tội nặng. Bậc làm cha làm mẹ của những đứa trẻ này bức xúc, hoảng hốt vì không nghĩ rằng con đường biến con họ từ những đứa trẻ ngoan thành tội phạm lại đơn giản thế.
Người dân bức xúc vì phiên tòa bị hoãn do luật sư bận vào phút cuối
Ngày 27/6 vừa qua, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Cướp giật tài sản” đối với 4 bị cáo Thành, Thịnh, Hùng, Lộc.
Theo thông báo của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng thì phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án nêu trên được diễn ra vào lúc 8h sáng ngày 27/6. Mang theo hi vọng lẫn sự tò mò, hàng chục người dân địa phương và thân nhân các bị cáo đã kéo nhau ra thành phố dự tòa.
Đến 9h30 thì tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng bất ngờ tuyên bố hoãn xử trước sự ngỡ ngàng của người dân và gia đình bị cáo. Lý do hoãn xử mà tòa đưa ra là “lỗi” thuộc về 1 luật sư tham gia bào chữa cho 1 bị cáo trùng lịch tranh tụng.
Video đang HOT
Trao đổi với luật sư Đoàn Văn Phương, CTV của trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hải Phòng, người được cử bào chữa miễn phí cho bị cáo Nguyễn Bá Thịnh ( trẻ vị thành niên – pv) thì ông này xác nhận: Do trùng lịch tham gia một phiên tòa lao động ở tầng 2 nên ông không thể tham gia bào chữa phiên hình sự xử vụ cướp mũ được.
Được biết tại phiên tòa phúc thẩm này, 2 bị hại cũng như người giám hộ không được tòa triệu tập tới. Bị cáo Vũ Văn Thành, người được cho là kẻ cầm đầu vụ cướp giật cũng không được triệu tập đến phiên tòa. Tuyên bố hủy phiên tòa đã khiến cho hàng chục người nông dân quê Tiên Lãng cất công ra dự tòa bức xúc.
Ông Nguyễn Bá Hùng, bố của bị cáo Nguyễn Bá Thịnh ý kiến: “Vì là luật sư miễn phí do trung tâm trợ giúp pháp lý cử nên gia đình chỉ biết chấp nhận. Trước lúc phiên tòa diễn ra, gia đình cũng không nhận được ý kiến gì từ luật sư nói là mình bận để đỡ phải dậy sớm kéo nhau ra thành phố. Mà luật sư đã nhận bào chữa cho cháu nó rồi thì đừng nhận phiên tòa nào khác nữa chứ. Hoặc không tham gia được thì báo với gia đình để chúng tôi tìm phương án khác. Gia đình chúng tôi mong mỏi từng ngày từng giờ để tới phiên phúc thẩm xem tòa thành phố có công tâm hơn với con mình. Một ngày cháu còn án tù ngồi là một ngày gia đình tuyệt vọng.”
Người dân thất vọng ra về sau nửa ngày từ quê ra phố để chờ dự tòa
Theo quy định, với vai trò của luật sư trong vụ việc này phải có thông báo với gia đình và thân chủ, đặc biệt phải có thông báo trước với tòa án để không phải triệu tập và tiến hành các thủ tục của một phiên tòa như triệu tập bị hại, bị cáo, lực lượng bảo vệ phiên tòa…
Mặt khác, luật sư phải có trách nhiệm thông báo với đơn vị tổ chức (Trung tâm trợ giúp pháp lý Hải Phòng – PV) để bổ sung luật sư thay thế nếu gia đình thân chủ có yêu cầu. Trước khi có lịch mở phiên tòa 15 ngày, luật sư đã nhận được thông báo tham dự của tòa án. Trong trường hợp này gia đình bị cáo bức xúc với việc tòa tuyên hoãn vì luật sư bận là hoàn toàn hợp lý.
Ngay sau khi phiên tòa bị hủy, PV Dân trí đã liên hệ với lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Hải Phòng, tuy nhiên đơn vị này không biết phiên tòa bị hủy. Việc luật sư Phương bận phiên tòa khác dẫn đến phiên tòa này không thể xét xử phía Trung tâm cũng không hề được luật sư thông báo.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, phó giám đốc Trung Tâm trợ giúp pháp lý Hải Phòng cho biết: trong thời gian chờ phiên tòa phúc thẩm mở lại trung tâm và gia đình các bị cáo sẽ có đơn đề nghị TAND TP Hải Phòng triệu tập các bị hại, bị cáo đến phiên tòa để làm rõ thêm một số tình tiết liên quan đến nội dung vụ án.
Thu Hằng
Theo Dantri
Vụ khánh kiệt vì án oan ở Hải Phòng: Chính quyền đổ tội cho cơ quan tố tụng
Báo Lao Động số ra các ngày 16 và 23.11 đăng bài Khánh kiệt vì đòi bồi thường án oan phản ánh vụ việc ông Nguyễn Hồng Cầu, SN 1964 (thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng) bị ngồi tù oan. Suốt 17 năm qua ông Cầu dù khánh kiệt vẫn kiên trì khiếu nại đòi bồi thường tổn thất do cơ quan chức năng gây nên.
Sau TAND Tp Hải Phòng, đến lượt UBND xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) có văn bản trả lời phỏng vấn của PV Lao Động và một số cơ quan báo chí. Tuy vậy, công văn trả lời của chính quyền cơ sở này vẫn một mực đổ lỗi cho cơ quan khác gây nên án oan cho ông Cầu.
Văn bản trả lời do ông Nguyễn Tiến Chinh - Chủ tịch UBND xã Đông Hưng ký. UBND xã khẳng định: "Sau khi sự việc xảy ra đối với ông Nguyễn Hồng Cầu, UBND xã Đông Hưng đã báo cáo toàn bộ sự việc lên Công an hyện Tiên Lãng và Công an huyện Tiên Lãng đã tiến nhận và xử lý theo thẩm quyền. Từ đó đến nay địa phương không nhận được thông tin gì có liên quan đến ông Nguyễn Hồng Cầu bị oan sai".
Trong vụ việc này, UBND xã Đông Hưng chính là đơn vị đầu tiên có hàng loạt sai phạm từ việc tự ý thu hồi ruộng của ông Cầu một cách vô lý dẫn tới ông Cầu gặt lúa của người khác gieo trồng trên đất của mình, bị UBND xã bắt sau đó chuyển lên công an huyện xử lý, TAND tuyên phạm tội trộm cắp tài sản. Sau rất nhiều nỗ lực theo kiện, minh oan ông Nguyễn Hồng Cầu mới được TAND tối cao tuyên vô tội. Suốt 17 năm qua ông Cầu theo kiện đòi bồi thường ấy vậy mà UBND xã Đông Hưng không hề biết.
Như Lao Động đã khẳng định: Sau khi bắt giam ông Nguyễn Hồng Cầu, UBND xã Đông Hưng đã tổ chức một đoàn người đến tịch thu thóc của gia đình ông Cầu. Từ đó đến nay, dù được tuyên vô tội nhưng ông Cầu không được nhận lại một kg thóc nào từ phía UBND xã.
Trong văn bản trả lời, UBND xã Đông Hưng khẳng định "việc thu hồi thóc của nhà ông Cầu thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng....Trách nhiệm thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng, địa phương không nhận được văn bản nào để giải quyết vụ án của ông Nguyễn Hồng Cầu".
Khẳng định nội dung trên, UBND xã Đông Hưng cho rằng chính quyền địa phương "vô can" trong việc gia đình ông Cầu bị tịch thu thóc.
Tuy vậy, tại các bản án sơ thẩm và phúc thẩm cả TAND huyện Tiên Lãng và TAND Tp Hải Phòng đều khẳng định: Cùng với việc bắt ông Cầu, chính quyền xã Đông Hưng đã đưa lực lượng đến, chở 9 bao thóc với trọng lượng 261kg.
Câu trả lời của UBND xã Đông Hưng cho rằng địa phương không tịch thu thóc của ông Cầu, trong khi đó các phán quyết của TAND từ 17 năm trước khẳng định như trên, vậy đơn vị nào đúng?
Ông Nguyễn Hồng Cầu sau 17 năm ròng rã theo kiện ở các cấp nhưng UBND xã Đông Hưng không hề biết rằng ông Cầu đã được TAND tối cáo tuyên vô tội. Chỉ tới khi báo chí vào cuộc, họ mới "ồ thế à!". Trả lời về trách nhiệm khi đẩy một công dân vào tù, họ một mực cho rằng mình vô can và "đá" quả bóng sang một cơ quan khác.
Với thái độ "thẳng thắn" như trên, có lẽ việc đòi bồi thường vụ án oan của ông Nguyễn Hồng Cầu còn lâu nữa mới được các cơ quan chức năng như vậy nhìn nhận, trả lời thấu đáo./.
Theo Laodong
Vụ nông dân bị tù oan: Cán bộ không bị xử lý vì đã... về hưu Liên quan đến việc một nông dân bị tù oan, 17 năm mang đơn đi kiện, PV Dân trí đã làm việc với TAND TP Hải Phòng đề nghị cung cấp thông tin về việc giải quyết hậu quả, đền bù, xử lý cán bộ gây oan sai cho nông dân này. PV Dân trí cùng một số PV báo bạn đã có...