Hoàn thiện thể chế phòng, chống thiên tai
Việt Nam hiện đã xây dựng 62 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai (PCTT). Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, việc hoàn thiện thể chế pháp luật về PCTT là đòi hỏi cấp thiết.
Luật PCTT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2014 được xem là bước đột phá, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác PCTT.
Thực tiễn triển khai cho thấy, Luật PCTT đã tạo hành lang pháp lý trong công tác ứng phó thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật PCTT đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Gia cố đê sông Bùi tại huyện Chương Mỹ trong mùa mưa lũ 2018.
Theo TS Bùi Nguyên Hồng – nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão (Bộ NN&PTNT), Luật PCTT và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có quy định và phân cấp trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai thuộc phạm vi cấp vùng và cấp tỉnh, TP.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan thì đây là “khoảng trống” lớn. TS Bùi Nguyên Hồng cũng cho rằng, cần xem xét bổ sung quy định vai trò của phụ nữ trong việc tham gia xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch PCTT, tham gia xây dựng quy hoạnh, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội có lồng ghép nội dung PCTT. Bên cạnh đó, luật cần bổ sung quy định Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham gia vào quá trình vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực để cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp…
TS Ian Wilderspin – chuyên gia nghiên cứu đề tài “Đánh giá khoảng trống năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam dưới lăng kính trẻ em” cho rằng, đa số các tỉnh, TP của Việt Nam hiện nay không có chương trình PCTT riêng cho các đối tượng dễ bị tổn thương như: Phụ nữ, người nghèo, chủ hộ đơn thân, các hộ có người khuyết tật và trẻ em. Phần lớn các tỉnh thiếu hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ về việc hỗ trợ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương…
Trước những thách thức trong công tác PCTT hiện nay, TS Ian Wilderspin khuyến nghị, cơ quan chức năng của Việt Nam cần rà soát tất cả luật và văn bản pháp lý có liên quan tới quản lý rủi ro thiên tai, xác định các vấn đề cần được ưu tiên điều chỉnh. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cần giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ quan PCTT cấp huyện và cấp xã, nhằm giúp họ phản ứng chủ động và nhanh hơn trước các tình huống khẩn cấp trên cơ sở điều kiện của địa phương…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Vũ Xuân Thành cho biết, trước diễn biến thiên tai ngày một phức tạp hiện nay, việc hoàn thiện thể chế, chính sách PCTT là cần thiết. Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục PCTT sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tổng hợp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung nhằm lấp đầy những “khoảng trống” về luật pháp. Đồng thời, sửa đổi các quy định chưa hoặc không còn phù hợp, tiến tới hoàn thiện thể chế về PCTT.
Video đang HOT
Theo Kinhtedothi
63 tỉnh, thành xây dựng thành công chuỗi nông sản an toàn
Sáng 22/2, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã thu được những kết quả rất lớn.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019. Ảnh: N.Q
Cụ thể, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi đã được thông qua, xây dựng được tiêu chí rõ ràng về chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp, tạo hành lang pháp lý để đưa các ngành sản xuất nông nghiệp vào chuỗi khép kín.
Việc rà soát các vật tư nông nghiệp cũng được ngành triển khai một cách mạnh mẽ. Chỉ trong năm 2018, ngành đã loại bỏ 1.774 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật, 1.052 sản phẩm thuốc thú y, 3.621 sản phẩm phân bón kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Năm 2018, đã có hơn 1.800 cơ sở trồng trọt với diện tích khoảng hơn 80.000 ha, khoảng hơn 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi hơn 2.600 ha, hơn 2.800 trang trại và hộ chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. 63 tỉnh thành phố xây dựng thành công gần 1.250 chuỗi, 1.450 sản phẩm và gần 3.200 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.
63 tỉnh thành phố xây dựng thành công gần 1.250 chuỗi nông sản an toàn trong năm 2018. Ảnh: N.Q
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp liên kết với Hợp tác xã, hộ nông dân tổ chức chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn quy mô lớn như Tập đoàn Vingroup, Dabaco, công ty Hùng Nhơn, Sanha, Ba Huân... Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng đã tổ chức hệ thống siêu thị kết nối với hơn 100 hợp tác xã nông nghiệp hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn...
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã có chuyển biến rất tích cực, minh chứng là năm 2018 không phát hiện chất cấm Salbutamol trong các mẫu thịt và nước tiểu được kiểm tra.
Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh là 13,1%, giảm 51% so với năm 2017; số mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chiếm tỷ lệ 0,2%, giảm 68,2% so với năm 2017.
Theo thống kê sơ bộ, sau khi thực hiện giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, số vụ vi phạm an toàn thực phẩm đã giảm 38% và số người bị ngộ độc thực phẩm giảm 26% - ông Tiệp cho hay.
Chủ động vượt qua thách thức
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Có được kết quả này một phần là do công tác thanh tra, giám sát được đổi mới theo hướng tăng thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm cũng được điều chỉnh theo hướng có tính răn đe cao hơn, từ mức xử phạt vài trăm ngàn/vụ lên hàng chục triệu đồng/vụ, tùy mức độ vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.Q
Tuy nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn một số thách thức nhất định. Tỷ lệ phát hiện số mẫu vi phạm về chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm rau củ quả và hóa chất kháng sinh trên thủy sản lại có xu hướng tăng so với trước.
Cụ thể, năm 2018 phát hiện 18 mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 1,41% và tăng so với tỷ lệ 0,6% của năm 2017; cùng đó, 46 mẫu thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh - chiếm 1,5% và tăng so với tỷ lệ 0,89% của năm 2017.
Tình trạng trên đã và đang tác động không tốt đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu rau củ quả và thủy sản, những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Hậu quả trước mắt là đã có lô hàng xuất khẩu bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất, kháng sinh bị trả lại, tiêu hủy gây thiệt hại về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung.
Để khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần củng cố lại quy trình sản xuất; trong đó, người sản xuất, chế biến cũng như kinh doanh nông sản cần chủ động cập nhật các quy định mới về an toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm túc quy định, khuyến cáo về thời gian cách ly, thời gian ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh...
Việc quản lý an toàn thực phẩm chỉ mang lại hiệu quả cao nhất khi được thực hiện, giám sát đồng bộ, liên tục trong suốt chuỗi sản xuất từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến tới tiêu thụ.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: Bộ Nông nghiệp vẫn phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ việc giám sát, quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời, cập nhật hệ thống trang thiết bị và phương pháp thử... để làm sao xử lý và đảm bảo những tiêu chí quốc tế đề ra.
Chỉ có như vậy thì nông sản Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn, đạt được mục tiêu Chính phủ đã giao năm 2019 là 42-43 tỷ USD USD và xa hơn là chuyển đổi nền nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ, tự cấp tự túc sang nền nông nghiệp hội nhập và phát triển bền vững, Thứ trưởng khẳng định.
Theo Danviet
Đăk Lăk: "Mặc áo hoa" cho nhiều con đường nông thôn mới Ở Đăk Lăk, nhiều con đường nông thôn mới (NTM) đã được người dân "mặc áo hoa" thêm tươi đẹp, rực rỡ. Không chỉ tạo mỹ quan, từ khi có những con đường hoa, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao. Rực rỡ những miền quê Năm 2014, sau khi những con đường được nâng cấp mở...