Hoàn thiện pháp luật kinh doanh rượu qua thương mại điện tử
Hiện nay, các quy định về quản lý kinh doanh rượu và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam chia sẻ tại lễ công bố.
Chia sẻ tại “Lễ công bố chương trình đào tạo trực tuyến và tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử” do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức ngày 24/11, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, trong những năm gần đây mua sắm hàng hóa qua các trang thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng tiêu dùng mới, đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người bán hàng.
Trước xu thế đó, Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua năm 2019 và Nghị định 24/2020/ND-CP hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã chính thức cho phép kinh doanh rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, kèm theo các quy định nhằm đảm bảo kinh doanh rượu hợp pháp, an toàn trên nền tảng thương mại điện tử. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn và thương nhân kinh doanh nhóm mặt hàng này, bởi các quy định pháp lý trên mở ra cơ hội mở rộng kênh kinh doanh, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp chủ động tìm hiểu tuân thủ pháp luật.
“Kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử có thể là một hình thức mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, thương nhân tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn. Chương trình đào tạo trực tuyến cung cấp đầy đủ những thông tin và hướng dẫn cần thiết cho các doanh nghiệp mong muốn triển khai hoạt động kinh doanh này tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Việt cho biết.
Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề liên quan. Sau hội nghị, VBA và VECOM sẽ đăng chương trình tập huấn lên website, để các doanh nghiệp quan tâm có thể dễ dàng khai thác, thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Đại diện Liên minh các Doanh nghiệp rượu Quốc tế tại Châu Á – Thái Bình Dương (APISWA) chia sẻ, APISWA đặc biệt đề cao trách nhiệm tuân thủ cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và đồng hành với các cơ quan hữu quan quản lý kinh doanh rượu trên nền tảng thương mại điện tử. Chương trình đào tạo trực tuyến tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh rượu theo hình thức thương mại điện tử góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, thương nhân tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, qua đó tận dụng tối đa lợi ích mà nền kinh tế số mang lại, vì sự phát triển của tất cả các bên.
Video đang HOT
Chia sẻ tại sự kiện ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu tính đến tháng 8/2022, trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn), Bộ Công Thương đã tiếp nhận 130 hồ sơ thông báo, đăng ký website, ứng dụng thương mại điện tử có bán rượu và đã duyệt 40 hồ sơ đáp ứng điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.
Theo ông Sơn, quy định về bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử được ghi nhận tại Điều 16 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời, tuân thủ theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, việc quản lý người mua rượu trên Sàn giao dịch thương mại điện tử đang gặp khó khăn trong việc xác định người đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua bia, rượu. Việc xác định đối tượng nhận hàng đủ 18 tuổi hay không cũng gặp khó khăn.
“Theo quy định, hình thức thanh toán đối với kinh doanh rượu, bia trên sàn, thương mại điện tử sẽ áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên, với cơ chế thông qua bên vận chuyển để giao hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không áp dụng được triệt để, không đảm bảo xác định được người mua có đủ 18 tuổi hay không”, ông Sơn cho hay.
Đặc biệt, hiện nay, các sản phẩm rượu được làm giả, nhái rất tinh vi, xuất hiện nhiều và được phân phối qua các sàn thương mại điện tử. Do đó, việc quản lý đầu vào chất lượng sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước
Do đó, theo đại diện Bộ Công Thương, các quy định về quản lý kinh doanh rượu và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử.
Tận dụng lợi thế sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hoá miền núi
Nhiều địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương.
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đang dần khẳng định vị trí quan trọng và là giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giữ vững chuỗi cung ứng, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp 2 năm vừa qua.
Các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của TMĐT để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. Các sản phẩm như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn ... được chào bán ở những vị trí ưu tiên trên những sàn TMĐT có uy tín như Alibaba, Vỏ sò, Postmart, Lazada,...
Tỉnh Bắc Giang đã ký hợp tác đưa sản phẩm vải thiều lên 6 sàn TMĐT trong nước và xuyên biên giới. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục kích hoạt sàn TMĐT hiện có là "vaithieu.net". Hiện nay, Bắc Giang đang tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở gian hàng trên sàn Alibaba.com để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Tại xã Chi Lăng (Lạng Sơn), đã có hơn 1.000 hộ gia đình, chiếm 70% số hộ dân trong xã được chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử để giao dịch trên nền tảng TMĐT.
Đến nay, việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT đã đem lại một số kết quả nhưng so với tổng nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ bắt đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, đối với các hộ sản xuất, kinh doanh hay thậm chí là doanh nghiệp thuộc khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì TMĐT vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), khẳng định: Cơ hội của phát triển nông sản ở trên các sàn TMĐT là rất lớn, đồng thời việc hầu hết các sàn của Việt Nam đều nằm trong top 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Trong 10 sàn lớn nhất Đông Nam Á thì chúng ta có 7 sàn đang có mặt tại Việt Nam. Điều đó là một cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân cũng như những sản phẩm của các vùng miền đặc trưng.
"Mách nước" để nông sản cạnh tranh trên sàn TMĐT, đại diện VECOM cho hay: "Phải bán thật rẻ nếu tất cả sản phẩm mọi người đều giống nhau; hoặc phải có sự khác biệt. Đây chính là sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù vùng miền vì có sự khác biệt".
Bước đầu thành công trong việc đưa hàng nông sản lên sàn TMĐT, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang) chia sẻ: Đòi hỏi của người tiêu dùng với chất lượng, nguồn gốc sản phẩm rất khắt khe. Do đó, ngoài việc cải tiến chất lượng, mẫu mã, doanh nghiệp, hợp tác xã cần thay đổi cách bán hàng. Hợp tác xã đã tuyển lao động trẻ có trình độ khoa học kỹ thuật tốt hơn, biết chụp ảnh, đưa lên mạng, giao tiếp với khách hàng qua mạng; cải thiện hệ thống logistic, vận chuyển...
Ông Phạm Công Toản, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, để sản phẩm tiêu thụ ổn định thì các hợp tác xã, các nhóm hộ sản xuất phải có một lượng sản phẩm đủ cung cấp ra thị trường.
Theo ông Toản, tỉnh đã thực sự tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các cơ quan trực thuộc Bộ giúp Bắc Giang tiếp cận mở rộng thị trường, thông qua tất cả các kênh phân phối. Trên cơ sở đó, Bắc Giang bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản của Bắc Giang thông qua chuyển đổi số.
"Chúng tôi làm điều này thường xuyên với tần suất dày đặc, chúng tôi cố gắng tận dụng, không bỏ sót một cơ hội nào để miễn làm sao sản phẩm Bắc Giang đến được tay của người tiêu dùng trong và ngoài nước", ông Toản cho hay.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng, người dùng đã quá quen với các ứng dụng di động các website mobile, hoạt động ở trên Internet, trong khi nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp triển khai website mobile, chưa kịp triển khai ứng dụng di động. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang tỏ ra chậm hơn so với người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi số.
Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp biết tận dụng việc dân số việt Nam là dân số trẻ và trình độ công nghệ tương đối cao và quá trình chuyển đổi của người tiêu dùng cũng rất nhanh, học công nghệ mới rất dễ.
Ví dụ, ứng dụng công nghệ về chat box hay định danh khách hàng điện tử nhận diện khuôn mặt... ở Việt Nam triển khai được những hoạt động sẽ trở nên đơn giản, nhanh và tiện hơn, doanh nghiệp sẽ tận dụng được tiềm năng rất lớn từ thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý phát triển đầu tư các hoạt động về marketing, quảng bá và làm thương hiệu ở trên Internet. Việc đầu tư làm thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều doanh nghiệp cần đầu tư và sẽ mang tới cho doanh nghiệp một bước nhảy mới trong thời kỳ chuyển đổi số.
Theo đánh giá chung, thời gian tới, để có thể phát triển hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh TMĐT, bên sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cũng như các doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức công nghệ, nguồn nhân lực, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung làm cơ sở cho phát triển sản phẩm hàng hóa tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cũng như là quy định của các sàn TMĐT.
Bình Thuận thu ngân sách nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng trong 10 tháng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận cho biết, 10 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của tỉnh này là hơn 9.000 tỷ đồng, đạt 106% dự toán cả năm. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, lũy kế 10 tháng năm 2022, thu ngân sách của tỉnh ước tính 9.065,31 tỷ đồng, đạt 106,80% dự toán năm và giảm 9,09% so...