Hoàn thiện chuỗi logistics cho nông sản Việt
Mặc dù là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối nhưng cho đến nay, hoạt động logistics trong lĩnh vực nông nghiệp mới trong giai đoạn đầu của sự phát triển, chưa phát huy đầy đủ vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
Dây chuyền chế biến ngô ngọt xuất khẩu, công suất 4.000 tấn/năm tại nhà máy của Công ty Vifoco. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Không những vậy, tại nhiều địa phương doanh nghiệp nông nghiệp vẫn đang phải tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, chính điều này đã làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề logistisc trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và logistics cho nông sản nói riêng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Ông có đánh giá thế nào về hạ tầng logistics Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long?
Trong những năm gần đây hạ tầng logistics Việt Nam đã cải thiện đáng kể, đặc biệt là về hạ tầng giao thông với mạng lưới các tuyến đường bộ; trong đó đường cao tốc được mở rộng nhanh, hạ tầng cảng biển đáp ứng đủ năng lực để phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hạ tầng về hàng không, sân bay cũng có sự mở rộng, đường sắt phát triển chậm hơn tuy nhiên cũng đang có sự cố gắng để kết nối với các loại hình khác.
Bên cạnh hạ tầng về vận tải, hạ tầng về kho bãi và các cơ sở về sơ chế, bảo quản cũng có sự phát triển tương ứng. Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc thù của khu vực này là địa hình về sông ngòi chia cắt nên thời gian qua, việc phát triển hạ tầng còn gặp khó khăn, đặc biệt là hạ tầng về đường bộ, đường sắt.
Video đang HOT
Cho đến thời điểm này, Việt Nam cũng có các tuyến cao tốc, kết nối từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Thuận, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi… còn các tuyến đường khác vẫn chỉ là các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ. Trong thời gian sắp tới, dự kiến Chính phủ cũng sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và bên cạnh đường bộ, hạ tầng đường thủy, đường biển ở khu vực này cũng sẽ được nâng cấp đáng kể.
Nói về xuất nhập khẩu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 3,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Song số lượng doanh nghiệp logistics tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chiếm chưa tới 5% số lượng doanh nghiệp logistics cả nước. Ông có thể cho biết nguyên nhân của vấn đề này?
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long trong tỉ trọng chung của cả nước chưa phải là cao. Tuy nhiên, nếu nhìn vào một số mặt hàng đặc thù, chúng ta thấy tỉ trọng khác hẳn.
Như đối với sản phẩm gạo, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 95% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, đối với trái cây thì đây cũng là khu vực chiếm đến 70% xuất khẩu trái cây. Tương tự như vậy đối với thủy sản thì Đồng bằng sông Cửu Long cũng chiếm đến 65% khối lượng xuất khẩu thủy sản. Như vậy, mặc dù giá trị của các sản phẩm không lớn, không cao như các sản phẩm công nghiệp nhưng xét về mặt khối lượng rất lớn.
Do vậy nhu cầu vận chuyển, nhu cầu bảo quản, nhu cầu sơ chế cho các sản phẩm để duy trì được chất lượng cũng như đảm bảo giá thành là quan trọng.
Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu này phải thông qua các cảng để vận chuyển, với hạ tầng vẫn còn hạn chế như hiện nay cũng là yếu tố làm đẩy giá thành và chi phí về logistics lên, do vậy giảm hiệu quả về xuất nhập khẩu.
Việc thiếu hụt các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng… ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, thưa ông?
Nông sản là mặt hàng đặc thù, yêu cầu phải được bảo quản ngay sau khi thu hoạch. Việc xây dựng trung tâm logistics đặc biệt là các kho lạnh, kho mát để bảo quản các sản phẩm như thủy sản, trái cây là cần thiết để giúp cho giữ được chất lượng cũng như là đảm bảo được giá trị của sản phẩm.
Hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long có một số trung tâm logistics, kho lạnh, kho mát tập trung ở thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Trong khi đó, các khu vực khác như Đồng Tháp, An Giang hay Cà Mau, Bạc Liêu vẫn còn thiếu.
Việc hình thành các trung tâm logistics và bên cạnh đó là các hoạt động bổ trợ như chiếu xạ, sơ chế sẽ hình thành một chuỗi liên hoàn của trung tâm logistics phục vụ cho nông sản. Đây là mục tiêu của các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang hướng tới.
Thưa ông, một số doanh nghiệp nông nghiệp vẫn đang phải tự cung cấp hạ tầng logistics cho chính sản phẩm của mình. Vậy theo ông, cần có giải pháp cũng như chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hoàn thiện mạng lưới chuỗi dịch vụ logistics?
Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn có điều kiện về quy mô vốn cũng như hạ tầng về mặt đất đai có thể là xây dựng một số hạ tầng phục vụ riêng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với đa số các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì điều này khó khả thi. Vì vậy, cần có các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp cùng bắt tay với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hình thành mạng lưới hoàn chỉnh.
Do vậy, sự đầu tư của các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là đầu tư về hạ tầng như trung tâm logistics, kho lạnh, kho mát, cơ sở chiếu xạ hoặc là trung tâm sơ chế là mắt xích thiết yếu trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản. Bởi thế, cần thiết có cơ chế đặc thù để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 Hà Nội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ với mong muốn đưa Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết, chế biến, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Đây cũng sẽ là động lực, là cú huých để hiện thực hóa mục tiêu mà chúng ta đã đề cập ở trên.
Xin cảm ơn ông!
Bến Tre: Phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng và công nghệ cao
Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch phát triển khu vực dịch vụ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành về chiến lược phát triển ngành dịch vụ trong thời gian tới.
Dưa lưới ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao. Tỉnh chú trọng cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: tài chính, ngân hàng; logistics, vận tải; công nghệ thông tin và truyền thông; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch...
Cùng đó, Bến Tre xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ thông qua việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ "cơ sở hạ tầng" bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục, logistics, vận tải, tài chính - ngân hàng; xây dựng "hệ sinh thái" dịch vụ để tạo đột phá trong phát triển dịch vụ. Mặt khác, tỉnh chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để tác động, lan tỏa đến nhiều lĩnh vực dịch vụ khác.
Cụ thể, giai đoạn 2021- 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,8%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP đạt 42,68% vào năm 2025. Đến năm 2025, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 75%. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục phát triển nguồn lao động trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng, có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, nhất là lao động thuộc ngành dịch vụ.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 90% phí dịch vụ công được thanh toán qua ngân hàng; tỷ lệ người dùng internet là 95%, tỷ lệ thuê bao internet băng thông rộng có dây là 80%; công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021- 2025 tăng 17%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 415.000 tỷ đồng; giá trị gia tăng thêm lĩnh vực thương mại trong nước đến năm 2025 đóng góp khoảng 22% vào GRDP.
Riêng về glogistics và vận tải, Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách đạt khoảng 14.306.800.000 hành khách/km (tương đương khoảng 309.500.000 lượt khách), tổng sản lượng vận tải toàn ngành khoảng 16.220.000.000 tấn/km (tương đương 70.000.000 tấn hàng hóa), vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 12% nhu cầu đi lại của tỉnh; tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 5%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 6%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% GRDP.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh chú trọng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên như dịch vụ du lịch, logistics, vận tải, dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông, dịch vụ tài chính - ngân hàng. Theo đó, phát triển Bến Tre trở thành điểm đến sinh thái và trải nghiệm văn hóa hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đối với khách quốc tế, là điểm dến nghỉ dưỡng ngắn ngày hàng đầu khu vực đối với du khách trong nước.
Thêm vào đó, Bến Tre phát triển thị trường vận tải gắn liền với nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics một cách đồng bộ, hợp lý; tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực logistics. Tỉnh hoàn thiện hạ tầng viễn thông, hạ tầng kết nối trục liên thông phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; cầu truyền hình trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã.
Bến Tre nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng theo hướng đổi mới quy trình, thủ tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng trưởng tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triến kinh tế - xã hội và mục tiêu của chính sách tiền tệ; triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng, chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay...
Hội thảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động logistics Việt Nam-Campuchia Trao đổi thông tin về hoạt động logistics xuyên biên giới, cập nhật những thủ tục mới nhất về thông quan điện tử, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu là nội dung chính của hội thảo với chủ đề "Cơ hội hợp tác và kết nối doanh nghiệp logistics Việt Nam-Campuchia" diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong sáng...