Hoàn thành nâng cấp 10 cầu đường sắt yếu ở miền Trung
Ngày 10/10, tại cầu sắt Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng), ngành đường sắt VN đã tổ chức khánh thành gói thầu xây lắp số 2 (CP2) nâng cấp 10 cầu đường sắt, đường dẫn đầu cầu ở khu vực miền Trung.
Đoàn tàu đầu tiên chạy trên cây cầu sắt mới hoàn thành
Đó là các cầu Phò Trạch, Truồi, Thừa Lưu (Thừa Thiên – Huế), Nam Ô (Đà Nẵng), Bầu Sấu, Châu Lâu, Bầu Thinh, Tam Kỳ, Bà Bầu và An Tân (Quảng Nam) thuộc dự án nâng cao an toàn các cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TPHCM.
Video đang HOT
Gói thầu CP2 được khởi công ngày 1/5/2010 với giá trị hợp đồng trên 3 tỉ Yên Nhật và gần 300 tỉ đồng bằng vốn vay ODA Nhật Bản. Dự án do liên danh nhà thầu Tekken – Yokogawa – Thang Long – Marubeni thi công, đương sắt VN làm chủ đầu tư.
Theo đánh giá của JICA, 10 cây cầu đã được thay thế đảm bảo an toàn và chất lượng. Kế hoạch chạy chậm phục vụ thi công được nhà thầu tuân thủ và trả tốc độ chạy tàu đúng lịch của đường sắt VN, góp phần nâng cao an toàn chạy tàu trên tuyến, nâng cao năng lực vận tải, rút ngắn hành trình chạy tàu tuyến Hà Nội – TPHCM.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho rằng, gói thầu CP2 dù gặp khó khăn do điều kiện địa lý, do di tích lịch sử để lại… nhưng với sự phối hợp nhịp nhàng của liên danh nhà thầu Việt Nam và Nhật Bản nên công trình đã về đích đúng tiến độ. Đây là 1 điểm sáng để các gói thầu khác trong dự án cũng như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông khác cần phải noi theo.
Theo Dantri
Cân nhắc một dự án thủy điện
Ngày 10.10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai để trao đổi những vướng mắc dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A - Ảnh: K.C
Ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Đức Long Gia Lai (viết tắt ĐLGL), nêu vướng mắc: "Với hơn 5 năm chuẩn bị thủ tục, cùng hàng trăm văn bản nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai". ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ: "Ý kiến của nhà đầu tư đáng phải suy nghĩ. Một doanh nghiệp chuẩn bị dự án trong thời gian dài, thực hiện đúng quy trình, nhưng không có một cơ quan nào phản biện lại đánh giá tác động môi trường, mà thay vào đó chỉ có các nhà khoa học".
PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN-MT (đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), cho biết thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 180 MW, thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó, ĐLGL đã thay đổi dự án thành 2 bậc thang là Đồng Nai 6 và 6A với tổng công suất 241 MW, có tổng sản lượng điện trên 929 triệu KWh/năm. Theo phương án này, diện tích chiếm đất của 2 thủy điện là 1.954 ha. Trong đó 372 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và 1.222 ha diện tích đất thuộc rừng phòng hộ của Đắk Nông và Bình Phước. Số dân bị ảnh hưởng phải tái định cư là 33 hộ (165 nhân khẩu) và phải di dời 3 công trình công cộng.
Dự án thủy điện được thiết kế theo dạng bậc thang, nhà máy đặt sau đập (tương tự như nhà máy thủy điện Trị An), nước tràn qua tua bin phát điện trả lại ngay dòng sông nên không gây ra "đoạn sông chết". Quá trình thực hiện dự án, đã có 7 bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông phê duyệt và cho phép chuyển đổi các phần diện tích chiếm đất tương ứng từ đất lâm nghiệp sang xây dựng thủy điện. Bộ NN-PTNT đánh giá 2 dự án này có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, tuy nhiên không đến mức thay đổi tiêu chí, mục đích nội dung xác lập Vườn quốc gia Cát Tiên.
Tham gia ý kiến, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai, cho rằng: "Dù dự án không nằm trên địa bàn, nhưng rõ ràng khi xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai, thì phía hạ lưu ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tôi cũng băn khoăn với đánh giá tác động môi trường khi mà trước đây các nhà khoa học phát biểu hoàn toàn trái ngược. Họ cho rằng dự án thủy điện 6 và 6A ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, bảo tồn thủy văn, ảnh hưởng dòng chảy, khu vực ngập nước Bàu Sấu... Do đó, cần phải đánh giá thêm". Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai, đề nghị ĐLGL làm rõ báo cáo đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng thế nào đến diện tích rừng bị mất, và tính đa dạng sinh học của vườn quốc gia. "Vừa qua động đất tại đập thủy điện Sông Tranh 2 đã gây hoang mang cho người dân, không biết chủ đầu tư làm thủy điện có tính đến yếu tố động đất hay không?", ông Vở đặt câu hỏi.
Kết thúc cuộc họp, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến 2 dự án này, tuy nhiên Đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp, ghi nhận ý kiến (kể cả trách nhiệm quản lý nhà nước) để phản ánh tại diễn đàn Quốc hội trong thời gian tới.
Theo TNO