Hoài niệm mùa bánh trông trăng
Một mùa trung thu nữa lại về. Đi trên con đường mùa thu thấy náo nức sắc đỏ của đèn lồng và thoảng trong hương gió mùi bánh trung thu thơm nức. Chẳng còn là trẻ con, nhưng cầm trên tay chiếc bánh nướng, bánh dẻo xinh xinh vẫn thấy bồi hồi lắm. Dẫu rằng bồi hồi, có lẽ vì nhớ về chiếc bánh trung thu ngày xưa.
Trẻ con ngày nay có lẽ chẳng còn háo hức trông bánh nướng, bánh dẻo mỗi độ thu về như ngày xưa. Những chiếc bánh đẹp đẽ gói trong hộp giấy sang trọng chỉ xuất hiện trong đêm rằm như món trang sức chứ chẳng còn mấy ai thiết tha nếm thử. Dù bánh đắt tiền đấy, đẹp đấy, đầy tính “ sáng tạo” từ vỏ, từ nhân đấy, nhưng có ngon hơn ngày xưa không, đôi khi những người hoài cổ vẫn lưỡng lự chẳng thể trả lời.
Bánh trung thu truyền thống làm bật lên những cảm xúc thiêng liêng
Khi tôi còn nhỏ, niềm vui mỗi dịp trung thu có lẽ phần nhiều vì được phá cỗ trông trăng, với những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đã được háo hức nâng lên, hạ xuống hít hà từ mấy ngày trước. Bánh to chừng bằng lòng bàn tay người lớn, chẳng màu mè mà chỉ được gói lại bằng lượt bóng kính đơn sơ. Bên cạnh đó, còn có hai cột bánh nướng, bánh dẻo không nhân, mỗi cột chừng năm chiếc nhỏ xíu. Những chiếc bánh này, mẹ ưu tiên cho tôi ăn trước, còn bánh có nhân dành đến đêm trung thu mới cắt ra mời cả gia đình.
Video đang HOT
Được ăn bánh trung thu với lũ trẻ con khi ấy là một niềm hạnh phúc lớn lắm. Dẫu chiếc bánh đơn sơ chỉ có một loại nhân thập cẩm: lạp xưởng hồng hồng, mứt bí ngọt lịm, hạt dưa, vừng rang thơm lựng, và đôi khi cả miếng mỡ phần béo ngậy. Vỏ bánh nướng thường loáng thoáng mùi dầu mỡ ngai ngái, còn bánh dẻo nhiều khi cắn vào vẫn thấy hơi sạn sạn. Nhưng đó là khẩu vị của tôi phân tích bây giờ, còn khi ấy, đó vẫn là miếng bánh trung thu ngon nhất trên đời.
Lớn lên, con cái tìm mua bánh trung thu biếu ngược lại mẹ cha, nhiều khi hoa mắt bởi trăm thứ bánh: nhân thịt gà quay, trứng muối, bào ngư, vi cá, yến sào…với cái giá cũng ở trên trời. Nhưng thử qua thử lại, vẫn thấy hương vị bánh trung thu cổ truyền mới là hương vị ăn sâu vào lòng người hơn cả.
Hà Nội chẳng thiếu những thương hiệu bánh trung thu lớn, nhưng những cửa hàng bánh trung thu truyền thống mới là địa chỉ luôn “cháy hàng” mỗi dịp thu về. Và dẫu có “sáng tạo” thêm hương vị nào, thì loại bánh nhân truyền thống vẫn luôn được yêu thích nhất. Cứ đến ngày này, khách đến tiệm bánh cổ truyền nào cũng sẽ được chứng kiến các khâu rang vừng, xát đậu, trộn nhân, làm vỏ…
Bao nhiêu năm vẫn một công thức, nhưng sự tỉ mẩn chẳng bao giờ giảm bớt. Các loại bánh công nghiệp dù phong phú từ vỏ đến nhân nhưng thường chỉ sử dụng một loại bột và cho hương liệu. Còn ăn bánh truyền thống sẽ luôn là hương vị thực sự của đậu xanh, hạt sen…được xát nhuyễn thơm lành. Vỏ bánh nướng thơm ngậy và giòn, trái ngược với vỏ bánh dẻo mềm mại, thường ngọt hơn so với bánh công nghiệp, bởi nó được nêm đường thay vì hóa chất.
Chiều nay mua bánh trung thu biếu ba mẹ, tôi cũng chọn hương vị truyền thống thay vì những hộp bánh sang trọng, bắt mắt. Hóa ra, cách tân chẳng phải lúc nào cũng tốt. Bánh nướng thoảng vị lá chanh, bánh dẻo tinh khiết mùi hương hoa bưởi, nhấp cùng tách trà nóng là thấy đong đầy hương sắc mùa thu và thấm đẫm hồn cốt quê hương.
Theo Tapchiamthuc
Mía ướp hoa bưởi - tìm lại hương xưa
Mía ướp hương bưởi chỉ còn là hoài niệm - một món ăn dân dã mà thật thanh tao.
Trong tâm thức của những người yêu ẩm thực Hà thành xưa mía ướp hương bưởi chỉ còn là hoài niệm - một món ăn dân dã mà thật thanh tao!
Tìm lại hương xưa
Chẳng biết tự bao giờ hương bưởi trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ. Trong bài Hương Thầm nữ thi sỹ Phan Thị Thanh Nhàn đã dùng hương bưởi để thể hiện tình yêu vừa đằm thắm kín đáo, vừa mãnh liệt dữ dội của cô gái đối với chàng trai "ngày mai ra trận": "... Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao /không giấu được cứ bay đi dịu nhẹ/cô gái như chùm hoa lặng lẽ/nhờ hương thơm nói hộ tình yêu..."
Hương bưởi làm nên một món ăn nức tiếng trong cuộc sống của người Hà thành xưa (Nguồn ảnh: internet)
Còn với thi sỹ Tô Hùng thì "... Chân anh đi khắp rừng khắp núi / mỗi nẻo đường mỗi xóm làng xa / hẳn đâu cũng thơm mùi hoa bưởi/ hương vị non sông hương vị quê nhà" (Mùa Hoa Bưởi) thì mùi thơm của hoa bưởi như hương vị của quê hương, của non sông, của người con gái chung thủy... làm yên lòng người lính, giúp họ vượt qua núi cao, rừng thẳm để chiến đấu với kẻ thù. Mùi hoa bưởi không chỉ dừng lại trong những vần thơ đó, hương bưởi còn làm nên một món ăn nức tiếng trong cuộc sống của người Hà thành xưa... mà trong truyện ngắn "Đôi mắt" nhà văn Nam Cao đã từng nhắc đến...
Hương xưa còn vương trong nỗi nhớ...
"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An..."Xưa kia, Hà Nội không đông đúc, chen chúc như bây giờ, xóm làng bình yên, hương bưởi cứ phảng phất trong những căn nhà như quấn quýt, vương vấn không rời. Người Hà Nội xưa không những sâu sắc mà còn rất tinh tế vì thế nên "mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi" cũng là lúc đôi bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị tìm cách níu giữ hương bưởi nồng nàn trong từng khúc mía còn thơm mùi mật và cũng từ đó mía ướp hương bưởi trở thành thức quà riêng có, không thể thiếu mỗi dịp cuối xuân với người dân Hà thành. Mía ướp hương bưởi - một món ăn bình dân mà thanh nhã, toát lên nét thanh lịch của con người nơi đây.
Vị ngọt thanh thanh tự nhiên của mía hòa quyện với hương nồng nàn hoa bưởi đã tạo nên một mùi hương khó phai (Nguồn ảnh: internet)
Trong ký ức của tôi vẫn còn thấp thoáng hình ảnh bà dùng con dao sắc ngọt róc những tấm mía đã được bà chọn lựa kỹ càng khi mua và mẹ tôi nhanh tay tiện những tấm mía đã được róc sạch sẽ thành từng khúc mía mịn màng, đều tăm tắp. Những khúc mía sau khi tiện có màu vàng óng như mật ong trông thật bắt mắt. Chỉ nhìn thôi đã thấy ngọt lịm nơi đầu lưỡi rồi.
Để có được món mía ướp hoàn hảo thì ngoài việc chọn mía, khâu lựa hoa bưởi cũng đòi hỏi sự kỹ càng. Tôi thường theo mẹ ra vườn chọn những bông cứng cáp, đài to, tươi tắn và vừa chớm nở, với kinh nghiệm do bà truyền lại mẹ vừa lựa hoa vừa giảng giải cho tôi, nếu cánh hoa uốn quá cong thì đó là những bông đã nở từ hôm trước, hương hoa đã bay đi ít nhiều còn nếu cánh hoa vừa chớm thì chưa đủ chín để tỏa hương. Hoa bưởi không nên hái quá sớm hay quá trưa mà tốt nhất là lựa bông vào lúc nắng mới lên, khi ấy hoa đượm hương nhất.
Hoa bưởi không nên hái quá sớm hay quá trưa mà tốt nhất là lựa bông vào lúc nắng mới lên, khi ấy hoa đượm hương nhất. (Nguồn ảnh: internet)
Khi tôi và mẹ đem những bông bưởi trắng ngần vào cũng là lúc bà đã cho xong những khúc mía vào túi nylon trắng. Nhanh tay cho những bông bưởi vào những túi mía ấy và buộc chặt đầu túi lại. Mẹ dùng nước giếng sâu mát lạnh vẩy ra ngoài vỏ túi và đặt vào nơi thật mát mẻ, có như vậy thì hương bưởi mới ngấm sâu vào những thớ mía. Sau một giờ đem ra, cả nhà tôi quây quần bên đĩa mía ướp hoa bưởi ngát hương. Vị ngọt thanh thanh tự nhiên của mía hòa quyện với hương nồng nàn hoa bưởi đã tạo nên một mùi hương khó phai trong lòng...
Còn đâu hương vị một thời?
Thời gian trôi, bà tôi khuất núi, mẹ cùng những người đồng trang lứa phải xoay vần để theo kịp cuộc sống thời mở cửa, món ăn thanh tao mà dân dã của một thời cũng dần rơi vào quên lãng, nhịp sống hiện đại đã tạo nên một quỹ thời gian chật hẹp cho mỗi người.
Trong tâm thức của những người yêu ẩm thực Hà thành xưa, mía ướp hương bưởi chỉ còn là hoài niệm. (Nguồn ảnh: internet)
Người dân Hà Nội chẳng mấy ai còn giữ được thói quen ướp mía bằng hoa bưởi nữa bởi hoa bưởi thì khó kiếm và việc chế biến mía từ khâu chọn tới róc, tiện mía cũng khá cầu kỳ. Vì thế mía ướp hương bưởi chỉ còn trong ký ức của một thời xa xưa ấy. Trên đường phố Hà Nội còn chăng cũng chỉ là những gánh hàng rong với những tấm mía trơ trọi, tìm đâu ra mía ướp hương bưởi bây giờ! Trong tâm thức của những người yêu ẩm thực Hà thành xưa mía ướp hương bưởi chỉ còn là hoài niệm.
Theo 24h
Hồi niệm ký ức ở Cliché cà phê Ngoài không gian đầy hoài niệm, khơi gợi ký ức, Cliché cũng khiến bạn không ngừng bật lên câu nói "cái này ngày xưa nhà mình cũng có". Cách Hồ con rùa một quãng ngắn, Cliché nép mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Cao Vân. Quán không lớn song khiến khách lạ chậm bước trong không gian đầy hoài niệm,...