Hỏa táng vua Thái: 90 triệu USD và những điển nghi trăm năm
Lễ hỏa táng cố quốc vương Bhumibol chính thức bắt đầu từ ngày 25.10, kéo dài trong 5 ngày với những nghi thức hoàng gia hàng trăm năm tuổi được tái hiện trước công chúng.
Đoàn khiêng bình tro cốt tượng trưng tập dượt trước sự kiện. Ảnh: Reuters.
AFP cho biết số tiền chi cho sự kiện này lên đến 90 triệu USD với tâm điểm là nghi thức hỏa táng diễn ra vào ngày 26.10. Ước tính khoảng 250.000 người dân Thái Lan sẽ trực tiếp theo dõi sự kiện diễn ra tại trung tâm thủ đô Bangkok để nói lời tạm biệt lần cuối với vị quốc vương được họ tôn sùng.
Dự kiến, lễ hỏa táng vua Bhumibol Adulyadej diễn ra theo quy trình sau: Ngày đầu tiên (25/10), lễ cúng viếng được tổ chức tại Cung điện Dusit Maha Prasat, nơi đặt linh cữu nhà vua. Hôm sau, linh cữu sẽ được đưa ra đài hóa thân tại quảng trường Sanam Luang để hỏa táng. Ngày thứ ba, tro cốt của nhà vua sẽ được thu nhặt. Ngày thứ tư, lễ cúng dường được tổ chức để cầu phúc cho tro cốt của nhà vua quá cố. Ngày cuối cùng, tro cốt nhà vua sẽ được chuyển về hoàng cung.
Đài hóa thân hoàn vũ
Trung tâm của đài hóa thân hoàn vũ là giàn hỏa thiêu mạ vàng cao 50 m tượng trưng cho núi Meru, nơi được xem là trung tâm vũ trụ theo quan niệm của đạo Phật, đạo Hindu và đạo Jain.
Giàn hỏa thiêu được trang trí bằng nhiều tượng động vật, thần linh và các sinh vật trong tưởng tượng của đạo Phật, đạo Hindu. Nằm ở vị trí nổi bật nhất là tượng những con chó cưng của cố quốc vương Bhumibol.
Bố trí đối xứng xung quanh ngọn tháp chính là 8 cấu trúc nhỏ hơn tượng trưng cho những ngọn núi vây quanh núi Meru. Cách sắp đặt này cũng có thể gợi liên tưởng đến đức quốc vương quá cố khi ông là vị vua thứ 9 của vương triều Chakri, hay còn gọi là vua Rama IX.
Đài hóa thân hoàn vũ được xây dựng trong một năm. Ảnh: Reuters.
Đài hóa thân hoàn vũ được xây dựng trong gần một năm, gần cung điện hoàng gia Thái Lan ở khu trung tâm lịch sử, văn hóa của Bangkok. Quần thể này có những tiểu cảnh tái hiện những dự án phúc lợi của vị vua lúc còn sống, bao gồm một cánh đồng lúa và một bánh xe nước.
Thi hài vua Bhumibol được đặt trong một quan tài riêng biệt với Bình tro cốt Hoàng gia, một vật mang tính biểu tượng. Chiếc bình này sẽ được chở đến đài hóa thân hoàn vũ và hỏa thiêu cùng quan tài để giúp linh hồn đức vua bước sang thế giới bên kia.
Nghi lễ hoàng gia
Video đang HOT
Theo quan niệm của người Thái, tang lễ là dịp để tiễn đức vua của họ lên thiên đường. Do đó, dù buồn, sự kiện sẽ có các màn ca hát và nhảy múa truyền thống.
Lễ hỏa táng sẽ chính thức bắt đầu vào tối 25.10 bằng một nghi thức của Phật giáo Thái Lan. Vua Maha Vajiralongkorn, hay còn gọi là Rama X, con trai duy nhất của vua Bhumibol, sẽ là người cử hành nghi thức này.
Vua Maha Vajiralongkorn, con trai duy nhất của cố quốc vương Bhumibol. Ảnh: Reuters.
Ngày hôm sau, Bình tro cốt Hoàng gia sẽ được đưa từ cung điện đến đài hóa thân. Những người khiêng chiếc bình sẽ mặc trang phục truyền thống rực rỡ, đi cùng binh sĩ và đội đánh trống. Dự kiến nhiều người dân mặc quần áo màu đen sẽ đứng hai bên đường di chuyển của chiếc bình để cúi chào và nằm lạy bất cứ khi nào có thể.
Nhiều vị sư sẽ hướng dẫn người dân thực hiện nghi lễ kéo dài cả ngày. Cuối ngày, vua Vajiralongkorn và các thành viên hoàng tộc khác sẽ tiến hành nghi thức đặt hoa đàn hương vào Bình tro cốt Hoàng gia.
Việc hỏa thiêu sẽ diễn ra vào lúc 22h cùng ngày khi vua Vajiralongkorn châm lửa.Ba ngày sau đó là các nghi lễ tách gỡ di vật khỏi tro cốt. Tro cốt sẽ được đưa về hoàng cung còn các di vật sẽ được đưa vào 2 ngôi chùa.
Danh sách khách mời
Vua Vajiralongkorn sẽ dẫn đầu đoàn rước linh cữu trong khi công chúa Maha Chakri Sirindhorn sẽ dẫn đầu đoàn thành viên hoàng gia. Hiện vẫn chưa rõ hoàng hậu Sikirit, vợ vua Bhumibol, có tham gia nhiều trong các hoạt động hay không vì sức khỏe bà đã yếu trong những năm gần đây.
Công chúa Sirindhorn tham gia buổi tập dượt cho nghi lễ hỏa táng. Ảnh: Reuters.
Các thành viên của chính quyền quân sự do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu cũng như các thành viên của Hội đồng Cơ mật cũng sẽ là những nhân vật chính của đoàn rước.
Theo dự kiến, đại diện hoàng gia và chính phủ của hơn 40 nước sẽ tham gia nghi lễ chính diễn ra vào ngày 26/10, bao gồm hoàng tử Andrew của Anh, hoàng tử Akishino của Nhật Bản, hoàng hậu Maxima của Hà Lan, vua và hoàng hậu Bhutan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Các quan chức Thái Lan ước tính khoảng 250.000 người dân nước này sẽ xuống đường để theo dõi sự kiện. Những người tham gia sẽ phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt đã được thông báo từ trước. Việc chụp ảnh trực tiếp vị cố quốc vương bị cấm trong khi các phóng viên nam đã được yêu cầu cạo râu.
Du khách có bị ảnh hưởng?
Khu vực trung tâm lịch sử của Bangkok sẽ tạm dừng mọi hoạt động trong ngày diễn ra nghi lễ hỏa thiêu. Các con đường quanh hoàng cung sẽ bị phong tỏa nhưng sẽ có phương tiện công cộng đưa du khách đến nơi diễn ra nghi lễ một cách miễn phí.
Khu vực xung quanh hoàng cung sẽ bị phong tỏa trong ngày 26/10. Ảnh: Reuters.
Du khách không cần phải mặc trang phục màu đen như người Thái nhưng họ được khuyên ăn mặc và cư xử đúng mực. Hoạt động giải trí về đêm sẽ giảm bớt nhưng việc uống rượu chưa bị cấm.
Nhiều ngân hàng và cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa trong phần lớn thời gian của ngày 26.10 để bày tỏ lòng kính trọng với đức vua quá cố, người qua đời hồi tháng 10 năm ngoái ở tuổi 88 sau 70 năm ngồi trên ngai vàng.
Theo Đông Dương (Zing)
Cuộc đời binh nghiệp của quan nhiếp chính 96 tuổi Thái Lan
Quan nhiếp chính Prem Tinsulanonda là người có sức ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Thái Lan và có mối quan hệ gần gũi với Quốc vương Bhumibol.
Chủ tịch Hội đồng cơ mật hoàng gia Thái Lan Prem Tinsulanonda. Ảnh: Bangkok Post
Sau khi Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời, Chủ tịch Hội đồng cơ mật Thái Lan, tướng Prem Tinsulanonda lên giữ quyền nhiếp chính theo quy định của hiến pháp Thái Lan, do Thái tử hoãn lại việc kế vị.
Ông Prem Tinsulanonda, 96 tuổi, có gốc gác ở miền nam Thái Lan, là tâm phúc gần gũi nhất của Quốc vương trong suốt 4 thập kỷ trị vì cuối cùng của ông, theo BBC.
Sinh ở tỉnh Songkhla năm 1920, ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp vào năm 1941. Vào thập niên 1950 và 1960, ông Tinsulanonda được đào tạo quân sự tại Mỹ.
Từ cuối thập niên 1950, khi Thái Lan bị đặt dưới quyền cai quản của một loạt chính phủ quân sự, ông Tinsulanonda vừa là sĩ quan quân đội vừa là quan chức chính trị. Ông đảm nhận vai trò chính trị đầu tiên vào năm 1959, với tư cách là thành viên của ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan. Sau đó, ông trở thành thượng nghị sĩ và cuối cùng làm thứ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan vào năm 1977. Ông thăng tiến nhanh chóng trong quân đội và có lẽ vai trò quan trọng hơn cả là sĩ quan hầu cận của hoàng gia vào năm 1968 và năm 1975, thời điểm ông được Quốc vương Bhumibol chú ý.
Sự ủng hộ của hoàng gia có lẽ đã hỗ trợ nhiều cho con đường thăng tiến của ông Tinsulanonda lên vị trí quyền lực nhất trong quân đội vào năm 1978, khi ông vượt qua các ứng cử viên sáng giá khác để ngồi vào ghế tổng tư lệnh quân đội. Sự hậu thuẫn của hoàng gia cũng một phần giúp cho tướng Tinsulanonda ngồi vào ghế thủ tướng năm 1980, trong bối cảnh Thái Lan đang trong chế độ quân quản.
Ông giữ chức thủ tướng trong 8 năm, một nhiệm kỳ chưa có tiền lệ. Trong thời gian này, Thái Lan bắt đầu trở nên ngày càng ổn định và thịnh vượng.
Chìa khóa của sư ổn định này là mối quan hệ hợp tác gần gũi giữa ông Tinsulanonda và Quốc vương Bhumibol Adulyadej.
Nổi tiếng với tính kỷ luật cao cũng như sự thận trọng, tướng Tinsulanonda có sức hút đối với Quốc vương, người không thích đối mặt với nền chính trị thường hỗn loạn của Thái Lan.
Sự ủng hộ của cá nhân Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã giúp tướng Tinsulanonda vượt qua hai vụ đảo chính do các phe phái quân đội bất mãn tiến hành vào năm 1981 và 1985. Đổi lại, ở cương vị thủ tướng, ông Tinsulanonda đã thúc đẩy hoàng tộc như một chính thể không thể thiếu được ở Thái Lan. Dưới thời kỳ cầm quyền của tướng Tinsulanonda, nền kinh tế Thái Lan bắt đầu tăng trưởng mạnh.
Khi tướng Tinsulanonda rời ghế thủ tướng năm 1988, ông ngay lập tức được cất nhắc vào ghế chủ tịch Hội đồng cơ mật hoàng gia Thái Lan, một ban cố vấn cho Quốc vương. Ông giữ cương vị này từ đó cho đến nay.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej (phải) và Thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda vào năm 1981. Ảnh: AP
Sức ảnh hưởng lớn
Sự nghiệp quân đội lâu năm đã giúp ông có sức ảnh hưởng không ai sánh được trong các lực lượng vũ trang. Ông cũng chứng tỏ mình là một người xây dựng mạng lưới rất khéo trong giới kinh doanh thượng lưu. Tướng Tinsulanonda được cho là có tác động quyết định đến các đề bạt trong quân đội, cho đến khi Thái Lan bầu ra thủ tướng theo chính sách dân túy là ông Thaksin Shinawatra năm 2001.
Khi ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính của quân đội tháng 9/2006, những người ủng hộ ông cáo buộc tướng Tinsulanonda đã tổ chức cuộc đảo chính. Hai tháng trước đó, chủ tịch Hội đồng cơ mật, trong một bài phát biểu trước các sĩ quan quân đội, đã so sánh Thái Lan với đàn ngựa. Ông ví thủ tướng chỉ là người nài ngựa còn Quốc vương mới là chủ đàn ngựa.
Tướng Tinsulanonda làm việc cho đến tận ngày nay. Ở tuổi 96, ông vẫn thường xuyên cảnh báo về mối đe dọa của nạn tham nhũng đối với xã hội Thái Lan. Ông được cho là đã mất một số ảnh hưởng sau cuộc đảo chính vào năm 2014, được tiến hành bởi nhóm sĩ quan thuộc bộ phận cận vệ của Hoàng hậu Thái Lan. Dư luận vẫn tiếp tục suy đoán về mức độ ảnh hưởng của ông trước các sự kiện hiện nay.
Theo BBC, tướng Tinsulanonda là người gây tranh cãi ở Thái Lan. Một số ý kiến cho rằng động thái can thiệp không ngừng của ông đã góp phần khiến cho nền chính trị Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn trong thập kỷ qua. Một số người khác thì ghi nhận ông có công trong việc củng cố mối quan hệ đối tác quân đội - hoàng cung, giúp duy trì các thời kỳ ổn định trong quá khứ và giúp nâng cao tầm vóc đặc biệt của Quốc vương Bhumibol Adulyadej.
"Prem Tinsulanonda là người đóng vai trò quan trọng trên chính trường Thái Lan kể từ thập niên 1980 và ông cũng là cánh tay phải của Quốc vương Bhumibol Adulyadej", Patrick Jory, chuyên gia ở Đại học Queenland, Australia nhận định.
Hồng Vân
Theo VNE
Để tang Quốc vương, Thái Lan vẫn tổng tuyển cử theo kế hoạch Truyền thông Thái Lan hôm nay 17/10 cho biết, cuộc tổng tuyển cử ở nước này sẽ diễn ra theo đúng lịch trình vào năm tới mặc dù người Thái vẫn đau buồn vì Quốc vương qua đời. Người dân Thái Lan vái vọng Quốc vương bên ngoài Cung điện Hoàng gia. (Ảnh: Reuters) Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời hôm...