Hoa tam giác mạch mở ra con đường thoát nghèo
Cây hoa tam giác mạch được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) gieo trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực. Ngoài ra, hoa có vẻ đẹp tinh khôi nên rất hấp dẫn du khách.
Cao nguyên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang được UNESCO công nhận vào tháng 10/2010 có diện tích trên 2.356 km2 và được trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ.
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của 17 dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, Na Chí, Pu Péo, Sán Dìu, Lô Lô, Hoa, Nùng, Giấy…). Hiện nay 4 huyện vùng Cao nguyên đá của Hà Giang nằm trong diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Cây hoa tam giác mạch được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên đá gieo trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực.
Cánh đồng hoa tam giác mạch.
Ngoài ra, hoa của cây tam giác mạch có vẻ đẹp tinh khôi có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước (từ mầu trắng đến phớt hồng, hồng đậm hay hồng tím). Trong năm 2015, tỉnh Hà Giang đã triển khai trồng trên 526 ha cây hoa tam giác mạch tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá và đã tổ chức thành công Lễ hội Hoa tam giác mạch (từ 12- 15/11/2015) đã thu hút gần 2.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự.
Trong năm 2016, Hà Giang đang triển khai trồng trên 800 ha cây tam giác mạch nhằm phục vụ cho Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ hai, dự định sẽ diễn ra vào trung tuần tuần tháng 10 tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc. Vì vậy, cây hoa tam giác mạch đang trở thành cây trồng thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của Hà Giang và mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân địa phương.
Trước đây, số diện tích đất canh tác của đồng bào 4 huyện vùng Cao nguyên đá chủ yếu để trồng ngô một hoặc hai vụ trong năm, năng suất đạt bình quân từ 4,0 – 5,0 tấn/ha tương đương với thu nhập từ 18 – 22 triệu đồng/ha, sau khi trừ các khoản chi phí (giống, phân bón, công lao động…..) còn thu về khoảng từ 8 – 10 triệu đồng/ha trong thời gian từ 4 đến 5 tháng.
Trong năm 2015, thực hiện chủ trương của tỉnh, các cấp chính quyền cơ sở tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá đã vận động nhân dân gieo trồng cây hoa tam giác mạch để làm cảnh quan du lịch và được hỗ trợ về giống, phân bón.
Do làm tốt công tác chăm bón nên các diện tích tam giác mạch cũng sinh trưởng tốt và cho hoa đẹp hơn bình thường. Trong dịp diễn ra lễ hội Hoa tam giác mạch vào tháng 11/2015, tỉnh Hà Giang đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến thăm quan, chụp ảnh, với mức thu bình quân 10 nghìn đồng/khách. Trung bình mỗi ngày một vườn hoa tam giác mạch thu về từ 2 – 2,5 triệu đồng, cá biệt có ngày đông khách có vườn thu về trên 5 triệu đồng.
Chị Đặng Thị Sâm, xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Cây hoa tam giác mạch rất dễ trồng, chỉ cần vãi hạt là cây lên được, không phải tốn công chăm sóc và hầu như không bị sâu bệnh phá hoại nhưng lại cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây ngô; trong khi đó lại được địa phương hỗ trợ về giống và phân bón. Lượng khách du lịch năm nay tăng hơn nhiều so với những năm trước nên thu nhập từ hoa tam giác mạch cũng khá lớn, có ngày thu được trên 4,0 triệu đồng.
Video đang HOT
Ngoài gia đình chị Đặng Thị Sâm ở huyện Quản Bạ, còn có hàng trăm hộ gia đình tại các xã trồng hoa tam giác mạch của huyện Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc có nguồn thu bình quân mỗi ngày từ 1,7 đến 2,0 triệu đồng.
Bên cạnh việc phục vụ du lịch cho du khách đến tham quan chụp ảnh, hạt của cây tam giác mạch còn được dùng làm bánh và sản xuất kẹo. Ngoài ra, hạt của cây tam giác mạch còn được xay nhỏ và phối trợn với bột ngô để làm rượu và loại rượu nấu từ bột tam giác mạch đã trở thành đặc sản của vùng cao nguyên đá.
Vì vậy, cây hoa tam giác mạch không chỉ tạo vẻ đẹp trong cảnh quan du lịch và là cây lương thực lâu đời của đồng bào 4 huyện vùng cao nguyên đá mà nó đã thực sự trở thành cây trồng thế mạnh mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá của Hà Giang.
Theo Phạm Văn Phú (NNVN)
Những trải nghiệm thú vị tại cao nguyên đá Hà Giang
Hà Giang không chỉ mê hoặc lòng người bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang, mà còn bởi chính cuộc sống của đồng bào dân tộc H'mong nhìn từ cổng trời Sà Phìn.
Thức dậy và đi dạo đón bình minh giữa cánh đồng hoa tam giác mạch
Hà Giang với không khí trong lành và dễ chịu của mỗi sớm mai luôn thu hút du khách. Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng và độc đáo của cao nguyên đá, với những bông nhỏ xíu màu tím hồng. Du khách sẽ có trải nghiệm thú vị khi thức dậy và đi dạo chào đón bình minh giữa cánh đồng hoa.
Vẻ đẹp mê hoặc lòng người của cánh đồng hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: Hachi8.
Bạn nên thưởng thức món bánh cuốn phố cổ Đồng Văn trong bữa sáng để nạp năng lượng hứng khởi cho ngày mới. Sự kết hợp hoàn hảo của món lạnh ăn cùng chén nước dùng nóng hổi giúp bạn cảm thấy ấm bụng hơn trong thời tiết lành lạnh.
Chiêm ngưỡng ruộng bậc thang vào mùa lúa chín của huyện Hoàng Su Phì
Rời thành thị để đến với Hoàng Su Phì, du khách như lạc bước vào bức tranh thiên nhiên sắc màu xanh biếc của mây trời và được chiêm ngưỡng hàng nghìn thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín vàng uốn lượn bao quanh thung lũng.
Ruộng bậc thang vào mùa lúa chín ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Ảnh: Văn Giang.
Những thửa ruộng tại Hoàng Su Phì luôn thay màu áo mới khi thời tiết bốn mùa chuyển mình, như vào mùa nước đổ trắng xóa, hè sang lúa xanh mướt mát hay thu tới vàng óng.
Chinh phục cung đường đèo đẹp như mơ Mã Pì Lèng
Mã Pì Lèng trải dài trên 20 km là một trong những cung đèo hiểm trở, được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất đèo, với một bên là vách núi cao dựng đứng và vực sâu hun hút.
Nơi đây luôn lôi cuốn du khách bởi vẻ đẹp của đất trời và cảnh vật có sông, núi, hùng vĩ và hòa quyện với nhau. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, bạn sẽ thấy dòng sông Nho Quế bốn mùa quanh năm xanh mát uốn lượn, như một sợi chỉ cắt ngang những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, tạo nên cảnh sắc hiếm nơi nào có được là mây, trời, sông, núi hội tụ.
Trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc H'mong
Đồng bào dân tộc H'mong mộc mạc, chất phác chiếm trên 31% dân số các dân tộc trong tỉnh ở Hà Giang. Họ sống chủ yếu tạicác huyện phía bắc như Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn và phía tây Hoàng Su phì, Xín Mần. Sống trong cùng một nhà với người dân tộc H'mong là một trải nghiệm văn hóa bạn sẽ khó quên.
Cuộc sống bình dị của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Văn Giang.
Người H'mong có truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu. Sản xuất thủ công mỹ nghệ của họ đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc. Bà con thường đem hàng hóa xuống các phiên chợ vùng cao để giới thiệu sản phẩm tới khách du lịch trong và ngoài nước.
Thưởng thức mèn mèn đặc sản độc và lạ
Mèn mén là cơm vàng truyền thống của người dân tộc H'mong. Cách chế biến không khó, nhưng đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể tạo ra mèn mén tuyệt hảo. Món ăn làm từ ngô bột được xay nhỏ bằng cối đá, đem sàng sẩy sạch, cho nước vừa phải để nhào trộn thật tơi xốp, để vào chõ đồ. Bước cuối cùng để tạo ra món mèn mén là hấp.
Khi nấu, người H'mong chú ý đến hơi tỏa đều trên mặt chõ. Khi đó, họ đổ ra nia nhào nước và đồ lần thứ hai cho tới khi chín kỹ. Để thêm hấp dẫn và ngon miệng, người Mông thường thêm vào đó những gia vị chỉ có ở nơi đây như đậu xị, rau thơm, tương ớt.
Mèn mén có hương thơm lan tỏa nhẹ nhàng, vị ngọt bùi mà chẳng ngấy. Mèn mén được dùng trong những bữa ăn hàng ngày, kèm canh rau cải, đậu chúa.
Ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng đẹp như trong tranh từ cổng trời Sà Phìn
Đến với Hà Giang, du khách không thể bỏ qua điểm dừng chân lý tưởng tại cổng trời Sà Phìn cách huyện Đồng Văn 15 km về phía huyện Yên Minh. Tại Cổng Trời, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng Sà Phìn thơ mộng và lâu đài của vua Mèo - Vương Chí Sình.
Lâu đài vua Mèo. Ảnh: Chính Tông Đoàn Thị.
Lâu đài vua Mèo nằm trên một ngọn đồi thấp trong thung lũng Sà Phìn. Đây là một công trình có kiến trúc độc đáo, hiếm có của vùng cao nguyên nơi đây. Công trình này thuộc sở hữu của dòng họ Vương quyền cao chức trọng và được xây dựng trong vòng 8 năm, tiêu tốn 15 vạn đồng bạc trắng.
Theo Zing News
Hà Giang rực rỡ mùa hoa tam giác mạch Từ Quản Bạ, Yên Minh cho đến Phố Cáo, Đồng Văn và khắp các đường đèo uốn khúc quanh co của Hà Giang đang dần được phủ một màu hồng của hoa tam giác mạch. Tam giác mạch là loài hoa vùng cao, nở rộ vào dịp cuối thu đầu đông, khoảng các tháng 10, 11. Nhiều năm qua, loài hoa này đã...