Họa sĩ thất nghiệp bán sách ‘đồng nát’
Cái tên họa sĩ trang trí Quang Thụy thường được xướng lên cùng với tên diễn viên trong mỗi vở diễn sân khấu chèo, cải lương miền Bắc những năm 80. Nghệ thuật truyền thống thoái trào, ông Thụy thất nghiệp.
Ông Thụy với người khách quen trẻ tuổi. Ảnh: Xuân Tùng
Trong góc khuất khu Nghĩa Tân (Hà Nội) có một tiệm sách cũ hoạt động từ 18 năm. Đằng sau dàn hoa tigôn phủ kín biển hiệu thường vang lên những bản nhạc không lời du dương. Năm 1994, loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp khó khăn, không được biên chế trong các đoàn chèo, ông Thụy thất nghiệp ra mở tiệm sách cũ này.
Tiệm sách của ông rộng chừng 50m2, dựng lên từ những tấm tôn, trông lụp xụp nhưng qua bàn tay nghệ sĩ lại trở nên đồng điệu, nên thơ. Gương treo khắp nơi thu ánh sáng nhẹ ảo. Sau bàn tiếp khách, có một tấm mành treo phất phơ vài lá nhựa, giỏ lan giả đã úa màu theo năm tháng… càng khiến không gian nơi đây thoát hẳn cái xô bồ bên ngoài.
Ông cựu họa sĩ ngồi trên chiếc ghế salon cũ, cùng hai người bạn sách vừa nhâm nhi tách cà phê, vừa nói chuyện vẩn vơ từ câu Kiều cho đến nhân vật Jean Valjean trong Những người khốn khổ.
Ông tên thật Nguyễn Thụy, nghệ danh Quang Thụy, năm nay 64 tuổi, con nữ thi sĩ Ngân Giang – người thêu thơ trên gấm biếu Bác Hồ và được Người tặng lại hai câu thơ “Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”.Thuở thiếu thời, chàng trai tốt nghiệp mỹ thuật, ra trường làm trong một công ty mỹ thuật ở Tràng Tiền, sau đó trở thành họa sĩ cho đoàn chèo Hà Nội, đoàn cải lương Kim Phụng, đoàn cải lương Tuấn Sửu.
Video đang HOT
“Những năm 80 là thời huy hoàng của sân khấu, tôi vẽ phông biểu diễn khắp các rạp Đại Nam, Chuông Vàng… Khi vở diễn bắt đầu, phông sân khấu từ từ mở ra, một cánh rừng, một bầu trời, một ánh trăng hiện hữu khiến khán giả trầm trồ khen đẹp”, ông nhớ lại.
Ký ức của ông vẫn lưu giữ niềm tự hào mỗi khi có một vở diễn ra mắt thì cái tên Quang Thụy thường được xướng danh cùng các đạo diễn, họa sĩ, diễn viên lớn. Thế nhưng người nghệ sĩ này chỉ luôn nhận mình là một họa sĩ thể hiện. “Đích xác tôi chỉ là một công nhân diễn đạt lại theo ý tưởng của các họa sĩ lớn thời bấy giờ”, ông tự nhận.
Ngày đó sân khấu đi vào từng tiểu tiết nhỏ, ví như phông Vạn Lý Trường Thànhphải vẽ đến từng viên gạch, có bóng trăng tròn vành vạnh tận chân trời. Những năm sau, nghệ thuật phông màn mang tính ước lệ hơn, chỉ cần vài xô màu phết một khoảng màu tối lớn, vẽ thêm vài chiếc cột thì đã ra Vạn Lý Trường Thành, còn bầu trời, ánh trăng thì không cần nữa. Cái nghề của ông vì vậy cũng không còn được trân trọng. Họa sĩ sân khấu Nguyễn Thụy thất nghiệp.
Tiệm sách cũ nằm trong một góc khuất ở khu chợ Nghĩa Tân, cửa vào tiệm đi qua nhà gửi xe nên ít người biết đến dù nó đã tồn tại gần 20 năm. Ảnh: Phan Dương.
Ông kể, cái duyên nghề sách cũ đến thật tình cờ. Khi mới thất nghiệp, ông làm tượng với kẹp tóc để bán trong khu Mai Dịch, sợ người quen nhận ra mình nên ông thường ngồi trong một ngõ khuất. Tính ham đọc sách, mỗi lần thấy người đồng nát đi qua ông lại mua vài quyển đọc. Chẳng ngờ, cặp tóc không ai mua mà sách lại đông khách hỏi. “Tôi được lộc từ đó. Người mua sách đến đông nghịt, đến mức tôi phải lấy áo mưa che hết lại không bán cho ai vì sợ mất sách”, ông Thụy cười.
Không lâu sau, ông thuê được một cửa hàng để vừa bán sách vừa vẽ tranh trong khu Nghĩa Tân. Những năm đầu, cửa hàng luôn có tới 5 nhân viên giúp việc. Cưới đến 3 đời vợ, sinh 5 đứa con nhưng hiện ông phải sống một mình, ngoài lục tuầnvẫn phải còng lưng kiếm tiền chu cấp nuôi con nhỏ 6 tuổi đang sống với mẹ.
18 năm nay, số ngày tiệm sách đóng cửa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm, ông chỉ ra ngoài vào sáng mùng một Tết đi thắp hương cho mẹ, thời gian còn lại sống trong “ốc đảo” của mình. Cửa hàng mở từ sáng sớm đến tối mịt. Ban đêm ông lại vùi đầu làm tranh từ nhựa composite.
“Ngày xưa văn hóa đọc được coi trọng, sách quý như vàng, giờ nghề sách đang chết dần. Người đến cửa hàng tôi thường là khách quen lâu năm thôi”, ông Thụy cho biết.
Xen giữa câu chuyện không đầu, không cuối, đôi khi có những người buôn đồng nát ghé qua bán cho ông vài cuốn sách cũ hay chiếc bình sứ, giỏ hoa nhựa. Đôi khi có khách quen ghé qua mua vài quyển sách, tạp chí. Một trong những khách “truyền thống” của ông Thụy là bác sĩ Tùng, 28 tuổi, công tác ở Bệnh viện nhi Trung ương. Người khách này tâm sự đây là nơi cho anh cảm giác thư thái nhất. Tháng đôi ba lần, anh ghé qua tiệm sách này săn tìm những cuốn sách cũ, nhâm nhi tách trà với ông chủ tiệm.
“Từ hồi học cấp 2, cứ tan trường là tôi từ Đông Anh đạp xe sang đây lục tìm những cuốn sách tham khảo, tiểu thuyết, truyện ký”, anh Tùng nói.
“Tôi đặc biệt thích các bản nhạc không lời phát ra từ những chiếc loa cũ kỹ mà ông chủ bố trí khắp quán. Đến nay đã 15 năm, tôi vẫn giữ thói quen đến hiệu sách sau giờ làm việc căng thẳng ở bệnh viện, không chỉ mong tìm được sách hay mà còn để tìm lại cảm giác bình yên, thư thái”, anh Tùng cho biết thêm.
Quá trưa, trời đột ngột đổ cơn mưa nặng hạt nện từng đợt ầm ầm lên mái nhà. Một số nơi trong nhà bắt đầu dột. Ông chủ tiệm chạy ào đi thu những cuốn sách. Một chàng trai ướt như chuột lột bước vào quán, đặt lên bàn 2 cuốn sách và nhận về vài chục nghìn đồng. Trước lúc ra đi, chàng trai còn tặng luôn ông chủ cái cặp sách vừa mang.
“Khi một người phải bán đi những cuốn sách yêu quý của mình là lúc họ đã bần cùng lắm rồi. Đó cũng là lúc nghề sách không còn chỗ đứng nữa, tôi phải tìm hướng đi mới trên đôi tay của mình thôi”, ông họa sĩ hết thời hướng đôi mắt về phía bàn làm việc – nơi hằng đêm ông miệt mài nghiên cứu một loại tranh mới mang tên mình.
Phan Dương
Theo VNE
Bán lẻ giấy khám sức khỏe rởm ngay cổng viện
Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Cầu Giấy, Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Văn Dự (SN 1984) HKTT tại Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Vụ án ban đầu được CAP Nghĩa Tân phát hiện vào khoảng cuối tháng 5 vừa qua. Qua công tác quản lý địa bàn, CAP Nghĩa Tân phát hiện một nam thanh niên thường xuyên đứng ở khu vực cổng bệnh viện E gặp gỡ những người ra vào để mồi chài mua giấy khám sức khỏe. Tổ chức xác minh, mật phục, CAP đã kiểm tra bắt quả tang khi nam thanh niên này đang bán cho chị Lê Phương Thảo một giấy chứng nhận sức khỏe có đóng dấu đỏ của bệnh viện E với giá 80 nghìn đồng.
Quá trình mở rộng vụ án, CAQ Cầu Giấy xác định vào khoảng tháng 3 vừa qua, Dự đến bệnh viện E để khám lấy giấy chứng nhận sức khỏe làm hồ sơ xin việc. Dự khai thấy việc khám sức khỏe tuy đơn giản nhưng mất nhiều thời gian nên nảy sinh ý định làm giấy chứng nhận sức khỏe giả mạo để bán kiếm lời. Sau khi nhận được giấy khám sức khỏe do bệnh viện cấp, Dự mượn máy tính rồi đánh máy theo mẫu giấy trên mang ra hàng
photocopy lại thành 600 bản. Sau đó Dự mua một máy làm dấu của một người đàn ông không quen biết ở Đông Anh cùng chất liệu tạo phôi, chất lỏng tạo mẫu dấu về làm giả mẫu dấu của bệnh viện E. Bằng thủ đoạn này, Dự khai đã bán được khoảng 500 giấy chứng nhận sức khỏe giả, thu lợi khoảng 25 triệu đồng. Một số người dân sau khi mua giấy chứng nhận sức khỏe của Dự, phát hiện là giấy giả đã mang đến cơ quan công an trình báo. Để phục vụ cho quá trình điều tra vụ án, CAQ Cầu Giấy thông báo, những ai là bị hại thuộc vụ án trên đề nghị tới CAQ Cầu Giấy tại 62 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội để trình báo.
Hoàng Phong
Theo ANTD
"Thần đồng 4 tuổi tại Bắc Ninh có khả năng phi thường" "Tôi xếp em bé này vào dạng những người có bộ óc máy tính" - ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - đánh giá về khả năng đặc biệt của cậu bé Phạm Tuấn Minh. Để tìm lời giải cho khả năng đặc biệt của bé Phạm Tuấn Minh ở...