Hoa quả Trung quốc đội lốt hàng Việt: Tiểu thương nói có, quản lý bảo không
Nhiều loại trái cây Trung Quốc như cam, lê, táo, mận… đang xuất hiện nhiều trên thị trường với mác hàng Việt Nam. Nhưng cơ quan chức năng cho rằng, số lượng nhập đang giảm.
Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Những ngày đầu tháng 8, trên đường Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), nhiều người bán xe thồ với đủ các loại hoa quả như: đào, mận, thanh long, nho… với giá rẻ bất ngờ. Cụ thể: Đào: 40.000 đồng/kg, mận xanh: 30.000 đồng/kg, nho: 20.000 đồng/kg. Những người bán hàng quảng cáo các loại quả trên đều ở Việt Nam như: đào Sa Pa, nho Ninh Thuận… nhưng thực tế đây đều là hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Nhiều trái cây Trung Quốc được bày bán tràn lan tại các sạp ở chợ Hàng Da (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Mai.
Tại chợ Long Biên (Hà Nội), vốn được mệnh danh “thủ phủ” hoa quả Trung Quốc, la liệt các loại quả như: nho, táo, lê tính giá theo thùng, khoảng 150.000 đồng/thùng.
Trong “vai” tìm hàng nhập về mở cửa hàng bán hoa quả, phóng viên gặng hỏi, được tiểu thương Nguyễn Nguyệt chỉ dẫn: “Em cứ nhập hàng cao cấp như cherry và kiwi về bán, đóng hộp đẹp và bảo hàng nhập khẩu thì không người tiêu dùng nào nhận ra đâu. Chỉ có người trong nghề mới biết đâu là hàng Tàu, đâu là hàng nhập khẩu châu Âu. Người buôn tại các chợ chính ở Hà Nội như: chợ Hôm, Hàng Da toàn ra đây nhập nên em yên tâm”.
Chỉ cách chợ đầu mối Long Biên chưa đầy 3km, những sạp hoa quả xung quanh chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày bán cherry đỏ với giá 550.000 đồng/kg, Kiwi: 350.000 đồng/kg. Những chiếc thùng xốp nhãn Trung Quốc vứt đầy trong sạp nhưng chủ sạp hàng vẫn tuyên bố hoa quả nhập khẩu từ… Canada. Như vậy, với giá nhập từ đầu mối, tiểu thương tại đây lãi khủng hơn 400.000 đồng/kg cherry.
Ai quản nguồn gốc?
Trao đổi với phóng viên chúng tôi, về hiện tượng này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) lại cho rằng: hiện các loại trái cây Trung Quốc vẫn bình thường, không có gì đột biến, thậm chí số lượng có giảm đi hàng năm.
Trong khi đó, hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này tăng lên. Với việc hàng Trung Quốc đội lốt thành hàng Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thư ký Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, điều này cho thấy các chủ quầy hàng là vi phạm pháp luật, đánh lừa người tiêu dùng.
“Mặc dù trước đó báo chí đã đưa nhiều thông tin hoa quả Trung Quốc tẩm nhiều chất bảo quản nên vỏ đẹp mà ruột hỏng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có căn cứ chứng minh hoa quả Trung Quốc có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, giá hoa quả Trung Quốc lại rất rẻ, phù hợp với tiêu dùng bình dân, đó là cái khó”, ông Hùng nói.
Quản lý thị trường cần vào cuộc
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên chiều 5/8, một đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc nhiều loại hoa quả xuất xứ Trung Quốc, đang được bày bán tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước, nhưng được gắn mác hoa quả xuất xứ trong nước là thực tế cần ghi nhận.
“Trước thông tin nhiều loại hoa quả Trung Quốc được báo chí vạch mặt việc đội lốt hàng Việt đang được bày bán tràn ngập trên thị trường như: Nho xanh Ninh Thuận (thực tế đã hết mùa nho ở Ninh Thuận từ gần 3 tháng nay); Mận tím, mận xanh (mận Việt Nam chỉ có vào tháng 5-6); dưa lưới Trung Quốc giả danh dưa lưới Tiền Giang hay như giả danh đào Tây Bắc…các cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý thị trường”, ông này đề nghị. Về phía Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cần vào cuộc kiểm tra, xử lý các cửa hàng bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hoa quả. “Các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để kiểm tra nguồn gốc, bảo vệ cho hoa quả trong nước”, vị này nói.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ NN&PTNT tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để có thể xuất khẩu chính thức một số loại trái cây vào các thị trường như Trung Quốc (bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, roi), Nhật Bản (thanh long ruột đỏ, vải thiều), Hàn Quốc (vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm), Úc (xoài, thanh long) và Mỹ (xoài, vú sữa).
Việt Nam chi hơn 80,7 triệu USD nhập rau quả từ Trung Quốc
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, tháng 6/2016, cả nước nhập khẩu 351,2 triệu USD hàng rau quả. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt trên 630 triệu USD.
Thống kê cũng cho thấy, Việt Nam đang nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Úc… trong đó chủ yếu từ Thái Lan, chiếm 40,8% tổng kim ngạch, tăng 81,96%; Trung Quốc đứng thứ hai về nhập khẩu rau quả vào Việt Nam với kim ngạch đạt 80,7 triệu USD, tăng 30,95%.
Theo Tiền Phong
Bốn loại quả Trung Quốc đội lốt hàng sạch lừa dân Việt
Năm 2015, số lượng hoa quả Trung Quốc nhập về là 165.337 tấn. Bốn tháng đầu năm 2016, nhập 5.300 tấn. Lãnh đạo Chi cục kiểm dịch thực vật Lạng Sơn cho biết, mỗi ngày có khoảng trên dưới 200 tấn hoa quả Trung Quốc nhập về Việt Nam.
Vậy, trong số hàng trăm ngàn tấn hoa quả Trung Quốc được nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), loại quả nào đang được nhập về và bán nhiều nhất tại các chợ Hà Nội ở thời điểm hiện tại?
Dưa lưới vàng Trung Quốc đang tràn ngập chợ
Khảo sát trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây thấy loại dưa lưới vàng Trung Quốc đang được chất đống bán khắp vỉa hè một số tuyến phố. Trong khi đó, tại các sạp hoa quả ở chợ, loại dưa lưới vàng cũng tràn ngập với mức giá 25.000-30.000 đồng/kg.
Đặc điểm của loại dưa quả dài hình bầu dục, nặng khoảng 3-4kg/quả, ăn ngọt. Theo các tiểu thương bán hoa quả tại chợ đầu mối, những ngày này đang vào vụ cao điểm của loại dưa vàng bên Trung Quốc nên giá rẻ, hàng về chợ đầu mối ồ ạt, độc chiếm thị trường.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Kỹ thuật viên Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cho biết, số dưa này (785 lô, 11.000 tấn) được nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh. Trong đó, lượng dưa về nhiều nhất vào các tháng 8, 9 và 10, thời điểm chính vụ mùa dưa lưới bên Trung Quốc.
"Vào những tháng cao điểm, mỗi ngày, có khoảng 90 tấn dưa lưới được nhập về Việt Nam qua cửa khẩu", bà Vân Anh nói. Sang năm nay, số lượng dưa nhập khẩu có giảm đi chút ít so với cùng kỳ năm ngoái.
Mận tím bầm, mận xanh đều là hàng Tàu
Ngoài dưa lưới vàng đang độc chiếm thị trường, thời điểm này, khi mận Việt Nam hết mùa thì mận Trung Quốc được đà "tấn công" chợ Hà Nội.
Cụ thể, trên thị trường hiện nay đang bày bán la liệt loại mận đen tím bầm, quả to bằng nắm tay người lớn. Bên trong thịt mận có màu vàng, mọng nước, ăn vị hơi chua ngọt và không giòn. Dân buôn bán hoa quả vẫn quảng cáo là "mận Sapa".
Các loại mận Trung Quốc đang được bán tại chợ hiện nay
Song hành với loại mận tím bầm, trên thị trường còn xuất hiện loại mận cơm. Loại này có đặc điểm vỏ xanh, quả chín vỏ sẽ màu hơi vàng, thỉnh thoảng có điểm quả mận đỏ, ăn giòn, ngọt, lúc cắn đôi quả mận, hạt sẽ tách rời luôn ra nên được rất nhiều người chuộng mua. Loại mận đang được bán với giá 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại và cũng được dân buôn gắn mác "đặc sản mận Sapa" hay "mận Lào Cai".
Tuy nhiên, theo dân buôn tại chợ đầu mối Long Biên, mận Việt Nam chỉ có vào tầm tháng 5-6. Thời điểm hiện tại chủ yếu là mận Trung Quốc. Và với hai loại mận bán với giá rẻ trên thị trường hiện nay thì 100% là hàng Tàu.
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn) và vùng VIII (Lào Cai), tính từ đầu mùa mận đến cuối mùa mận năm 2015, mận Trung Quốc được nhập về Việt Nam với số lượng 4.206 tấn mận các loại. Trong đó, mận Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Lào Cai là chủ yếu với số lượng khoảng 3.668 tấn.
Đào Trung Quốc phủ sóng
Hiện nay đào mỏ quả Trung Quốc, đào tiên (quả nhẵn bong, to và đẹp) cũng đang được bày bán tràn lan đội lốt đào Sapa với mức giá bán chỉ 35.000-40.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Lâm, một mối chuyên bỏ sỉ đào Trung Quốc tại chợ Long Biên cho biết, hiện nay trên thị trường có 90% là đào Trung Quốc, đào Việt Nam số lượng ít, mẫu mã xấu nên dân buôn không chuộng.
Đào mỏ quạ cũng là đào Trung Quốc
Trước đó, lão đạo Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, Lào Cai chỉ có trên 400ha đào. Sản lượng mỗi năm khoảng 6.000 tấn, chỉ đủ cung cấp trên địa bàn và một số tỉnh lân cận ngay trong vụ mùa.
Đào Lào Cai được thu hoạch từ hồi tháng 5 đến đầu tháng 7 sẽ hết vụ. Theo đó, đào bán trên thị trường hiện nay chính là đào Trung Quốc đội lốt đào Sapa.
Hàng ngàn tấn nho xanh, nho đỏ Trung Quốc đổ về chợ
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Kỹ thuật viên trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết, năm 2015, số lượng nho Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Tân Thanh về Việt Nam là 389 lô, khoảng gần 11.000 tấn. Thời kỳ cao điểm năm 2015, mỗi ngày có 100 tấn nho Trung Quốc được nhập về qua cửa khẩu Tân Thành.
Sang đến năm 2016, tuy chưa phải vào mùa cao điểm nhập nho Trung Quốc, nhưng chúng ta đã nhập lên tới con số gần 1.000 tấn nho chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm.
Theo bà Vân Anh, nho là mặt hàng được nhập khẩu quanh năm. Song, vào mùa cao điểm, số lượng nhập về cực kỳ lớn và chủ yếu nhập các loại nho đỏ, nho xanh (cả loại có hạt và không hạt).
Thực tế, trên thị trường, từ siêu thị cho đến chợ lớn, chợ nhỏ, các loại nho Trung Quốc được bày bán tràn lan với giá khá rẻ chỉ ở mức 30.000-40.000 đồng/kg tuỳ loại và tuỳ vào thời điểm. Thâm chí, vào thời kỳ cao điểm, nho chỉ có giá 20.000-25.000 đồng/kg. Song, ở chợ, trên các tuyến phố, chỉ thấy xuất hiện nho Ninh Thuận với giá 50.000-60.000 đồng/kg loại ngon, hay nho Mỹ giá 150.000 đồng/kg. Tuyệt nhiên không thấy bất cứ một cửa hàng hay hàng rong nào thừa nhận mình đang bán nho Trung Quốc.
Theo Vietnamnet
Con tem có làm nên miếng thịt sạch? Ý tưởng quản lý thịt heo qua con tem để truy xuất nguồn gốc tại TP. HCM được xem là hay nhưng nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi... Người tiêu dùng được trao quyền kiểm soát? Theo đề án này do Sở Công Thương chủ trì, tại các trại nuôi, ngay khi chào đời, mỗi con heo sẽ được gắn một...