Hòa Phát: Thời tới cản không nổi?
Thống kê 1 năm trở lại đây cho thấy thị giá cổ phiếu HPG (sau điều chỉnh) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã tăng gấp đôi. Còn nếu so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2020, thị giá đã tăng gấp gần 3 lần.
Hòa Phát đang ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ kể từ đầu năm
Sức sinh lời cực kỳ ấn tượng bất chấp dịch Covid-19 này liên quan mật thiết đến kết quả kinh doanh ấn tượng (lợi nhuận sau thuế quý III/2020 tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng tăng 56%) cũng như triển vọng kinh doanh sáng sủa trong thời gian tới.
Thiên thời – địa lợi
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo phân tích công bố mới đây, ngành thép Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, nhằm đảo ngược xu hướng giảm của tăng trưởng GDP, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính khác suy yếu. Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân đầu tư công 10 tháng năm 2020 tăng 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 354,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành gần 70% kế hoạch cả năm.
Chuyên gia của VNDirect cho rằng giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục bứt phá trong quý IV/2020 và cả năm 2021, có thể hoàn thành 95-100% kế hoạch cả năm.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tin rằng Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu từ công trong giai đoạn cuối năm 2020 và sang cả năm 2021, góp phần làm tăng GDP, nhờ vậy những doanh nghiệp như Hòa Phát hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng sẽ được hưởng lợi.
Trên thực tế, sản lượng tiêu thụ thép đã cho thấy sự phục hồi đáng kể trong quý III/2020, khi tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 4,6 triệu tấn. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng từ tháng 7/2020 được cho là đã hỗ trợ nhu cầu thép trong quý III/2020.
Trước đó, sản lượng tiêu thụ thép đã giảm 13,2% trong quý I/2020 và giảm 0,4% trong quý II/2020.
Trong bối cảnh thách thức – cơ hội đan xen, các nhà sản xuất thép lớn đang sở hữu nhiều “địa lợi” như có sức mạnh áp đặt giá, khả năng tài chính tốt và sở hữu lợi thế theo quy mô đã nắm bắt cơ hội để giành lấy thị phần.
Hòa Phát – nhà sản xuất thép lớn nhất trong nước – đã tăng thị phần thép xây dựng từ 26,2% lên 32,6% trong 9 tháng năm 2020. Tương tự, doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tôn mạ – Tập đoàn Hoa Sen – cũng ghi nhận thị phần tăng từ 29,6% lên 32,4%. Tại mảng ống thép, nhóm 4 doanh nghiệp dẫn đầu (gồm Hòa Phát, Hoa Sen, Minh Ngọc và Thép TVP) cũng giành thêm thị phần, theo thống kê từ VNDirect.
“Nhờ việc mở rộng thị phần nhanh chóng, chúng tôi tin rằng Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ việc đẩy mạnh đầu tư công. Sản phẩm của công ty đang được sử dụng trong các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, bao gồm đường cao tốc Bắc Nam, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cùng nhiều dự án nhà máy nhiệt điện khác”, báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.
Không chỉ gặp thuận lợi ở thị trường trong nước, “thiên thời” còn đến từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Kể từ quý II/2020, Trung Quốc đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình phê duyệt và khởi công xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mới, kết hợp với các chính sách tài khóa mở rộng đã hỗ trợ đáng kể nhu cầu thép cho hạ tầng những tháng gần đây.
Theo S&P Global Platts, Trung Quốc đã phê duyệt 14 dự án sân bay với tổng vốn đầu tư lên tới 105,7 tỷ Nhân dân tệ (15,3 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020, cao hơn 13% giá trị phê duyệt của cả năm 2019.
Ngoài ra, 22 dự án đường sắt cũng đã được chấp thuận đầu tư trong vòng 7 tháng, bên cạnh 16 dự án khác dự kiến sẽ sớm được phê duyệt. Tổng chiều dài các dự án này đạt 5.801 km, tương đương tổng chiều dài của tất cả các dự án được phê duyệt năm 2019. Hầu hết các dự án trên sẽ được khởi công xây dựng trong 6 tháng cuối năm 2020.
S&P Global Platts ước tính nhu cầu thép của các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Trung Quốc (bao gồm các dự án mới được phê duyệt và các dự án đường sắt, sân bay lớn đã được phê duyệt trong giai đoạn 2016-2019) sẽ tăng 24% so với năm 2019, lên khoảng 23 triệu tấn trong năm 2020.
Xuất khẩu sắt thép từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 6/2020. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, Trung Quốc đã vượt qua ASEAN để trở thành thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020, đạt 2,53 triệu tấn (tăng 1.732% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 36,2% tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ.
Riêng đối với Hòa Phát, trong quý III/2020, sản lượng bán phôi thép đạt 509.000 tấn. Ước tính cả năm, doanh số có thể đạt khoảng 1,7-1,8 triệu tấn, trong khi năm ngoái Hòa Phát không bán chút phôi thép nào.
Theo nhận định của VNDirect, doanh số bán phôi thép của Hòa Phát được thúc đẩy chủ yếu nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, chiếm 71,1% sản lượng xuất khẩu phôi thép của tập đoàn này trong 10 tháng năm nay, khi giải ngân đầu tư công đang diễn ra mạnh mẽ tại thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.
‘Quân bài’ tăng trưởng HRC
Ngày 24/8/2020, lò cao số 3 thuộc dự án Dung Quất của Hòa Phát chính thức đi vào sản xuất, cung cấp thép cuộn cán nóng (HRC) từ cuối tháng 9.
Riêng trong tháng 10/2020, sản lượng thép HRC đạt 120.000 tấn. KBSV ước tính công suất sản xuất HRC của lò cao số 3 đạt gần 1,5 triệu tấn. Dự kiến sản lượng HRC sản xuất được của Hòa Phát năm 2020 sẽ đạt khoảng 360.000 tấn.
Sau khi lò cao số 4 của dự án Dung Quất dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2021, khi đi vào hoạt động thì công suất sản xuất HRC sẽ đạt 3 triệu tấn. Trong đó, KBSV ước tính sản lượng HRC bán ra ngoài trong năm 2021 sẽ ở mức 1,5 triệu tấn, gấp 5 lần sản lượng năm 2020.
Video đang HOT
Chuyên gia của KBSV nhấn mạnh sản phẩm chiến lược HRC sẽ “đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận năm 2021″ của Hòa Phát.
VNDirect thì dự báo tổng sản lượng HRC được sản xuất ra trong năm 2020 của Hòa Phát sẽ đạt 575.000 tấn. Trong đó, sẽ có 230.000 tấn HRC được sử dụng nội bộ và 345.000 tấn HRC được bán ra thị trường.
Công ty chứng khoán này dự báo sản lượng tiêu thụ HRC của Hòa Phát trong năm 2021 sẽ đạt 1,3 triệu tấn, là động lực tăng trưởng sản lượng chính trong năm 2021 của tập đoàn này.
Rủi ro
Theo nhận định của KBSV, mảng kinh doanh thép đang chiếm tới 85% doanh thu của Hòa Phát, do vậy biến động từ giá nguyên vật liệu đầu vào không thuận lợi cũng như giá bán đầu ra, sẽ tác động lớn đến kết quả kinh doanh của “ông lớn” này.
Chuyên gia của KBSV lưu ý từ nửa cuối năm 2020, giá quặng sắt 62% FE đã tăng mạnh do nhu cầu sản xuất thép tăng mạnh tại Trung Quốc sau khi Bắc Kinh triển khai loạt biện pháp kích thích kinh tế, bên cạnh đó còn có nguyên nhân gián đoạn trong nguồn cung tại Brazil, nơi nhiều mỏ sắt bị đóng cửa tạm thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2020, giá quặng sắt 62% FE dao động trong khoảng từ 115-121 USD/tấn, tăng 30% so với thời điểm đầu năm.
VNDirect cũng lưu ý rằng áp lực từ giá quặng sắt cao sẽ rõ ràng hơn đối với Hòa Phát trong quý IV/2020, ước tính sẽ tăng khoảng 15% so với quý III/2020.
Trước đó, chi phí quặng sắt đầu vào của Hòa Phát trong quý III/2020 đã tăng không đáng kể so với quý trước đó nhờ công ty đã tích lũy được lượng lớn quặng sắt giá thấp từ quý II/2020.
Có phần cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay: “Chi phí quặng sắt cao hơn dự kiến trong quý III làm gia tăng lo ngại của chúng tôi về áp lực biên lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2020″. Tuy nhiên bù lại, giá bán thép có thể đi vào chu kỳ tăng vào cuối năm 2020 và trong năm 2021.
Ngoài ra, giá than cốc đang ở mức thấp cũng góp phần bù đắp cho đà tăng giá quặng sắt.
Được biết, quặng sắt và than cốc là 2 sản phẩm đầu vào chính, chiếm khoảng 50-60% giá thành sản xuất thép của Hòa Phát.
VNDirect dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát sẽ tăng lần lượt 39% và 64% trong năm 2020. Sang năm 2021, mức tăng lần lượt là 22% và 20%.
Khá tương đồng, KBSV tin rằng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 sẽ tăng 44% và 64%. Với năm 2021, mức tăng là 22% và 21%.
VCSC thì dự báo doanh thu năm 2020 của Hòa Phát sẽ đạt mức tăng 30%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 49%. Năm 2021, doanh thu dự tính tăng 15%, lợi nhuận dự tính tăng 12%.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Có thể kỳ vọng vào sóng cổ phiếu bất động sản?
Ngoài nhóm ngân hàng, bất động sản cũng được kỳ vọng có khả năng tạo sóng khi đón đầu lợi nhuận quý cuối năm. Liệu kỳ vọng này có thể xảy ra?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Nhìn chung thị trường bắt đầu gặp khó khăn để có thể tiếp tục bứt tốc. Quan sát thị trường tuần qua có thể nhận thấy có những phiên thị trường tăng được nhờ rất nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Có thời điểm hầu như toàn bộ các mã lớn tăng trong khi các mã khác giảm giá tao nên xu hướng xanh vỏ đỏ lòng. Điều này khiến tối tôi e ngại đang báo hiệu điều không mấy tích cực phía trước.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Sau 1 tuần diễn biến khởi sắc, tôi cho rằng thị trường sẽ có thể sẽ đối mặt với rung lắc mạnh thời gian tới, mốc gần ở quanh vùng 93x với 1 số rủi ro cần lưu ý bao gồm: 1) kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể phục hồi chậm hơn kỳ vọng của nhà đầu tư; 2) những biến động của yếu tố ngoại biên đến từ sự khó lường trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ cùng với gói kích thích tài khóa mới của Mỹ vẫn đang bị trì hoãn; 3) Mặc dù cuộc điều tra "Việt Nam thao túng tiền tệ" của Mỹ vẫn chưa được xác định nhưng nếu kịch bản xấu xảy ra, thị trường có thể sẽ chứng kiến nhịp điều chỉnh tiêu cực.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt
Chỉ số VN-Index tăng 0,6% trong phiên cuối tuần ngày 9/10 và lần đầu chốt phiên cao hơn 920 điểm tính từ ngày 21/02 đến nay khi nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu nhờ thông tin tích cực liên quan đến mùa công bố kết quả kinh doanh sắp tới.
Ngoài ra, chỉ số VN-Index đã tăng 1,5% tính chung cả tuần, ghi nhận tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh
Quan điểm kỹ thuật: Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn duy trì ở mức Tích cực tại tất cả các chỉ số. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu đầu cơ vốn hóa vừa và nhỏ đang cho thấy dấu hiệu điều chỉnh ngắn hạn, nhường lại sự quan tâm của thị trường cho nhóm vốn hóa lớn.
Với việc khối lượng giao dịch sụt giảm và sự phân hóa tín hiệu giữa các chỉ số, chúng tôi cho rằng những VNMidcap, VNSmallcap có thể xuất hiện một nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn để kiểm định các hỗ trợ MA10, thậm chí là MA20 ngày.
Ngược lại, chỉ số VN-Index sau khi vượt qua kháng cự mạnh quanh 920 điểm sẽ có cơ hội tăng giá trong tuần tới, hướng lên ngưỡng cản tiếp theo quanh 940 điểm.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Thị trường đang trong đà leo dốc và đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 2, tuần vừa qua đã là tuần tăng thứ 4 liên tiếp và cũng là tuần tăng thứ 9 trong 10 tuần, chuỗi tăng này thậm chí tốt hơn cả trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5 vừa qua.
Chuỗi tăng vừa qua đã hút thêm lượng tiền mới vào thị trường, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đã tăng lên mức 6.900 tỷ đồng từ mức 3.700 tỷ đồng kể từ đầu tháng 8. Thanh khoản thị trường tiếp tục trong xu hướng tăng và chỉ còn thấp hơn so với thời điểm thị trường đạt đỉnh tháng 6 vừa qua.
Tuần tới cũng là thời điểm bắt đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, việc có thêm dòng tiền mới vào thị trường và thanh khoản đang ở mức cao cũng cho thấy dòng tiền đang mang tính đầu cơ lớn.
Thị trường có thể duy trì đà tăng nhưng quán tính tăng sẽ chậm lại và hiện tương phân hóa sẽ diễn ra rõ nét hơn trong 2 tuần tiếp theo. Dòng tiền đang có sự dịch chuyển từ nhóm bluechips sang nhóm smallcap.
Cổ phiếu ACB của ngân hàng ACB gây chú ý ở phiên cuối tuần qua khi bất ngờ có giao dịch thỏa thuận ở mức giá 24.000 đồng đạt giá trị tích lũy lên đến 960 tỷ. Cùng với sự kiện NAB của Nam Á Bank chào sàn UPCoM với giao dịch phiên đầu tiên ghi nhận tăng mạnh hơn 25% so với giá khởi điểm có tạo hứng khởi cho nhóm ngân hàng tiếp tục duy trì đà tích cực trong ngắn hạn?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Chúng ta có thể nhận thấy rất rõ hiệu ứng của nhóm Ngân hàng là chuyển sàn và trả cổ tức. Tùy vào mức trả cổ tức hay động lực chuyển sàn mà giá các cổ phiếu ngân hàng có sự tăng giảm không đồng nhất. Ví dụ như bật mạnh có VIB, CTG và ACB trong khi nhiều cổ phiếu ngân hàng khác đi ngang, có khi suy giảm như TCB, VPB.
Vì thế tôi không cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, theo góc nhìn của tôi nó chủ yếu sẽ là giữ nhịp thị trường hơn tạo ra động lực.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Ông Lê Anh Tùng
Với việc nhiều mã ngân hàng leo lên vùng giá tương đối hợp lý, tôi cho rằng dư địa tăng điểm sẽ có phần hạn chế nhưng vẫn duy trì được diễn biến tích cực nhờ 1) kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều ngân hàng được kì vọng ở mức tốt như VIB, TPB, CTG, ACB; 2) triển vọng kinh tế vĩ mô hồi phục tích cực cùng với chính sách tiền tệ vẫn được duy trì ở trạng thái nới lỏng giúp hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng; 3) một số ngân hàng sẽ có những "câu chuyện riêng" như niêm yết mới, chuyển sàn, tăng vốn, đối tác chiến lược hay bancassurance.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt
Ở trong kịch bản tăng điểm của thị trường như chúng tôi nêu trên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi và nhóm cổ phiếu ngân hàng lại là xương sống và chiếm tỷ trọng lớn trong những nhóm vốn hoá lớn của 3 sàn cũng như Vn30.
Do vậy, nếu tính đến sự lạc quan tiếp tục của thị trường thì chắc chắn cổ phiếu ngân hàng sẽ là nhóm dẫn dắt và tiếp tục duy trì đà tăng ngắn hạn nhưng sẽ phân hoá ở 1 vài cổ phiếu có kết quả hoạt động khả quan, có câu chuyện.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Mức độ tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn rất cao trong 2 tuần vừa qua, chiếm 30% thanh khoản toàn thị trường. Nhóm cổ phiếu này đang có sự phân hóa, ngoại trừ CTG, mức tăng chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu thuộc các ngân hàng tư nhân như ACB, VIB... Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường, tuy vậy chỉ các cổ phiếu có "câu chuyện" mới có khả năng tăng mạnh.
Ngoài nhóm ngân hàng, bất động sản cũng được dự báo có khả năng tạo sóng khi đón đầu lợi nhuận quý cuối năm. Tuy nhiên, ngoài một số cổ phiếu gợn sóng như DIG, phần lớn các mã bất động sản khác chỉ lình xình trong thời gian qua. Có quá sớm để kỳ vọng cho đợt tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản trong thời gian tới không, theo ông/bà?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Tôi nghĩ là khó xảy ra, nhóm cổ phiếu bất động sản đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 đồng thời lại đang bị NHNN hạn chế tín dụng chảy vào. Điều này rõ ràng khiến không ít doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Mặc dù thời gian gần đây xuất hiện những thông tin tích cực hơn về thị trường bất động sản như giá tăng lên, nhu cầu mua tăng cao... Tuy vậy, tôi vẫn đánh giá rằng nó không đồng nhất, có doanh nghiệp đang thu hút tốt khách hàng nhưng ngược lại khó khăn vẫn chất chồng. Do đó tôi không tin rằng nhóm cổ phiếu ngành bất động sản sẽ cùng nhau nổi sóng tăng mạnh.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Tôi chưa đánh giá cao sự phục hồi đồng bộ của nhóm bất động sản trong thời gian tới bởi những triển vọng kinh doanh trong nửa sau 2020 vẫn được dự báo còn nhiều khó khăn bao gồm: 1) Với bất động sản nhà ở, những vấn đề pháp lý chưa hoàn toàn khiến nguồn cung vẫn ở trong tình trạng thiếu hụt, ảnh hưởng tới sự phục hồi của doanh nghiệp;
2) Với bất động sản khu công nghiệp, gián đoạn trong việc hạn chế đi lại cùng với những thận trọng trong những quyết định đầu tư mới/mở rộng sản xuất do tác động của Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có những câu chuyện riêng hay có quỹ đất sạch lớn với đầy đủ tính pháp lý và có cơ cấu tài chính an toàn vẫn sẽ còn những dư địa tăng giá tốt.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Nhóm cổ phiếu bất động sản là 1 trong số các nhóm đang có mức tăng trưởng dương trong khi chỉ số Vnindex vẫn đang thấp hơn gần 4% so với thời điểm đầu năm. Điều đó cho thấy tác động từ đại dịch covid-19 đến hoạt động kinh doanh của nhóm này nhỏ hơn dự báo.
Trong khi nền kinh tế đang dần thoát đáy với tăng trưởng GDP quý cao hơn quý 2 và nền lãi suất thấp sẽ là các nhân tố hỗ trợ cho triển vọng tích cực của nhóm cổ phiếu này. Điểm rơi lợi nhuận đối với nhóm cổ phiếu này thường vào quý 4, do vậy có thể kỳ vọng cho đợt tăng giá của nhóm cổ phiếu này vào thời điểm cuối năm.
Ông Ngô Quốc Hưng
Dù dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có đạt được con số tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng nhiều khuyến nghị vẫn cho rằng, nên ưu tiên tập trung các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 khả quan. Còn quan điểm của các ông/bà? Và cụ thể là nhóm cổ phiếu nào?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Giai đoạn này tôi đang cho rằng những cổ phiếu được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực giá đã phản ánh vào nhịp tăng vừa qua. Xu hướng của thị trường, theo tôi nghiêng về kịch bản "tin ra là bán" bởi kỳ vọng được dự báo trước như vậy.
Nếu như kết quả cao hơn dự kiến thì là rất tốt, giá có thể không tăng mạnh nữa nhưng sẽ giữ được vùng giá. Tuy nhiên, rủi ro cho những doanh nghiệp nào có kết quả kinh doanh kém hơn kỳ vọng thì nguy cơ bị bán mạnh ra là rất cao, và đây là điều nhà đầu tư cần lưu ý.
Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam
Sau khi mặt bằng các cổ phiếu đã ghi nhận đà hồi phục cùng với xu hướng thị trường chung, tôi cho rằng đây là giai đoạn mà nhà đầu tư cần phải bắt đầu có sự chọn lọc hơn, ưu tiên các cổ phiếu kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 khả quan.
Trong đó, một số ngành đáng chú ý bao gồm 1) các mã ngành chứng khoán nhờ diễn biến phục hồi về giá và thanh khoản của thị trường chứng khoán; cùng với diễn biến sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua; 2) các cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng nhờ hưởng lợi từ đầu tư công; 3) các mã ngành xuất khẩu thủy sản hưởng lợi từ hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, với diễn biến dịch bệnh được kiểm soát, ngành bán lẻ, tiêu dùng được kì vọng sẽ có thêm nhiều diễn biến tích cực trong thời gian tới.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt
Ở trong kịch bản tăng điểm của thị trường, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét việc cấu trúc lại danh mục theo hướng chốt lãi dần các cổ phiếu đầu cơ và tăng tỷ trọng ở các mã dẫn dắt đang có nền tảng tích lũy tốt.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Dù triển vọng thị trường vẫn tích cực trong quý 4 nhưng khả năng thị trường sẽ đi vào vùng phân hóa khi kết quả kinh doanh quý 3 sẽ bắt đầu vào tuần sau không bị loại trừ.
Một số cổ phiếu đã tăng mạnh có thể đã phản ánh thông tin quý 3 vào giá, do vậy theo tôi nên chốt dần hoặc hạ tỷ trọng đối với các cổ phiếu này. Tập trung vào các cổ phiếu chưa tăng hoặc mua trong các nhịp điều chỉnh.
Nhóm cổ phiếu ưu tiên có thể gồm: Ngân hàng, chứng khoán, thực phẩm, thủy sản, nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, hóa chất, cảng biển...
Cổ phiếu thăng hoa, Chủ tịch Trần Đình Long lọt top 3 tỉ phú giàu nhất Việt Nam Trong thời gian gần đây, các cổ phiếu vốn hóa lớn nhận được sự quan tâm của dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng không phải ngoại lệ. Từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu cũng đạt được mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Ông Trần Đình Long, Chủ...