Hoa lạc giữa dòng
Trên chuyến xe từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, tôi gặp em. Ban đầu, tôi nghi em là người xấu, vì hai đứa trẻ đi cùng em trông lờ đờ, còn em liên tục hỏi xe đang đi đến đâu.
May sao, hai đứa bé thức dậy gọi mẹ. Nhìn cái hôn đằm thắm lên mái tóc cháy nắng của thằng bé và cử chỉ yêu thương khi em mang lại giày cho đứa con gái, tôi mới tin em là mẹ của hai đứa trẻ.
- Em muốn đến đâu mà cứ hỏi mãi thế?Có lẽ, những người có mặt trên chuyến xe đều cảm thấy em kỳ lạ. Em nói oang oang, lối kể chuyện rất hồn nhiên và táo bạo. Có thể vì vậy mà người đàn ông ngồi cạnh “khai thác” nhiều điều từ em khiến gần như mọi người đều nghe thấy:
- Em xuống Chu Văn An. Chị dịch vụ hẹn đón ở đó để ngày mai đưa ba mẹ con em về bển.
- Về bển là về đâu?
- Trung Quốc. Nhà chồng em ở bển.
- Quê em ở đâu?
- Em người Cần Thơ. Lấy chồng về bển bảy năm rồi.
Video đang HOT
Rồi em kể về hành trình kiếm chồng, bắt đầu từ khi em rời quê năm 17 tuổi lên Sài Gòn theo lời mối lái. Họ đưa cho cha mẹ em hai chỉ vàng để làm tin rồi dắt em đi. Em ăn ở tại điểm tập kết của họ mất cả năm trời mới có người chọn em và làm đám cưới.
Em nói những ngày ở đó rất vui, chỉ có ăn, ngủ và làm đẹp. Em bảo con gái quê em ưa da trắng nên ghét nắng nôi lắm. Đám cưới xong, trừ hết chi phí ăn uống, son phấn, quần áo… cha mẹ em nhận được hai chục triệu đồng.
Ở băng ghế trước, hai bác trung niên kể câu chuyện về những cô gái lấy chồng ngoại, những hoàn cảnh bi đát khi chẳng may gặp ông chồng quá già hay xấu xí, tật nguyền, thậm chí tâm thần. Người phụ nữ trẻ kế bên cười cười: “Mấy ông chồng ngoại đó không thể kiếm nổi cô vợ bản xứ, phải đi mua vợ ở một đất nước khác đó mà”. Họ cứ kể, như thể em không có mặt ở đó. Mà hình như em cũng chẳng nghe thấy, vì đang mải kể câu chuyện đời mình.
Em bảo “năn nỉ 5 năm trời thằng chồng em mới cho về thăm nhà”. “Thằng chồng” mà em nói, gần gấp đôi tuổi em. Nhà chồng làm nông nên kiếm tiền chẳng dễ dàng gì.
- Sao chồng em không về cùng mấy mẹ con?
- “Nó” không biết tiếng Việt nên không thích về, với lại còn phải làm.
- Nhà chồng em không sợ em mang theo cả hai đứa con về rồi ở lại luôn sao?
- Không sợ đâu anh ơi. Mình em làm sao nuôi nổi hai đứa con. Ba mẹ em nghèo lắm. Về chơi thì vui, chứ về ở luôn thì hổng có ai vui đâu!
- Thế bao giờ em lại về thăm nhà?
- Thằng chồng em nói ít nhất cũng phải 5 năm nữa mới cho về tiếp. Lúc đó, biết có còn ba mẹ để mà về thăm không. Ba em bệnh cũng nặng rồi…
Em trầm ngâm nhìn đường sá rồi lại hỏi đã đến Chu Văn An chưa. Có mấy người ngồi phía trước hiếu kỳ ngoái lại nhìn em, rồi xì xào với nhau.
Tôi lặng người. Thương em, thương những phụ nữ như em vẫn còn nhiều trên đất nước này. Bất giác xót xa khi nghĩ đến nỗi niềm của những người làm cha mẹ, như cha mẹ em. Con gái đi lấy chồng là coi như “mất con”, cả quãng đời còn lại số lần gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, có khi chết cũng không kịp nhìn thấy nhau. Thế nhưng, họ vẫn chấp nhận ra đi, bởi đã rơi vào cảnh khó. Những cánh hoa lạc giữa dòng cứ trôi mải miết, mang cả tâm sự của kẻ ở lẫn người đi…
Vũ Hải An
Theo phunuonline.com.vn
Hãy cho con một giờ trọn vẹn
Giữa vô vàn lý do khiến chúng ta trở nên bận rộn, có lý do rằng chúng ta - những người làm cha mẹ đang sở hữu thói quen lo sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó ngoài kia.
Giữa vô vàn lý do khiến chúng ta trở nên bận rộn, có lý do rằng chúng ta - những người làm cha mẹ đang sở hữu thói quen lo sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó ngoài kia. Mà như thế, ta sẽ bỏ lỡ luôn những điều đang cần được quan tâm, chăm sóc, bằng sự hiện diện hoàn toàn.
1. Trong làng báo, nhắc đến chị, người ta nhớ ngay hình ảnh một phụ nữ giỏi nghề, lăn xả, thành công khó người nào sánh kịp. Ấy vậy, ở tuổi 62, trong một cuộc trò chuyện, chị kể như muốn khóc: "Phụ con chăm cháu ngoại, tôi nhận ra mình là bà mẹ thất bại". Thôi nôi cháu ngoại, chị nhớ cũng ngày này của con, mặc chồng xử lý, chị theo đưa tin đoàn bác sĩ lên biên giới chữa bệnh cho người nghèo. Hôm cháu ngoại tung tăng vào lớp một, cũng ngày này của con, chị say sưa phỏng vấn một chính khách... Chị ray rứt, miên man ngẫm cả chặng đường cô con gái khôn lớn; những thời khắc quan trọng, có ý nghĩa của con hiếm khi chị có mặt. Tệ hơn, đôi lần vợ chồng con gợi nhắc thời họ mới phải lòng nhau, yêu thương rồi giận hờn suýt chia tay mấy lần; chị ái ngại cúi mặt. Quãng đó của con bé chắc có nhiều tâm sự, vui buồn, mà trong ký ức chị lại là một khoảng trắng.
Chị đúc kết: "Chẳng phải cuộc đánh đổi gì cả. Chỉ là tôi quá mải mê công việc khiến quên mất phải thu xếp dành thời gian cho con. Bây giờ, hào quang năm xưa sáng bao nhiêu, càng giày vò tôi bởi thiếu sót này bấy nhiêu". An ủi chị nhất có lẽ cô con gái rất ngoan, học giỏi. Thế nhưng, chị trăn trở, những đứa con ngoan đâu phải không có những vấn đề của mình. Đôi khi, chúng cư xử ngoan ngoãn đơn giản vì thương yêu cha mẹ quá bận rộn; hoặc sợ hãi cha mẹ nổi giận hay kỳ vọng cha mẹ lắng nghe hết câu chuyện của mình chỉ đem lại hụt hẫng. Thà chọn im lặng.
2. Cuộc khảo sát bỏ túi của chúng tôi dành cho hơn một trăm cha mẹ về việc dành sự hiện diện hoàn toàn cho con ở một khoảng thời gian trong ngày đã khiến họ... giật mình. Kết quả thu được: trường hợp cha mẹ quá bận bịu, họ vẫn tranh thủ tìm hiểu tâm tư con diễn ra chủ yếu trong các bữa cơm, giờ đón đưa con thông qua các câu hỏi. Những đứa trẻ luôn đáp "ổn" và vì thế, cha mẹ an tâm. Trường hợp cha mẹ không bận rộn, họ an tâm đã dành nhiều thời gian cho con. Thế nhưng, dù là chơi với con hay trò chuyện thì quá trình này cũng diễn ra trong sự... gián đoạn. Chiếc điện thoại nằm đó đầy cám dỗ: tin nhắn đến cần phải trả lời, cô bạn vừa đăng chiếc túi mới mua đang muốn "còm" để biết giá...
Giờ đây, điện thoại thông minh đã trở thành tác nhân gián cách sự tương tác trực tiếp. Ngồi bên con, nhưng nỗi lo bị bỏ lỡ điều gì khiến chẳng ai còn toàn tâm cho con. Để rồi, cũng giống như người lớn, những đứa trẻ luôn có nhu cầu được nói, kỳ vọng được cha mẹ lắng nghe sẽ cảm thấy khó chịu bởi sự thiếu tập trung của người đang trò chuyện. Phản ứng lại, chúng có thể gào lên: "Mẹ có nghe con nói không?", "Buông điện thoại, máy tính vài giây được không mẹ?". Khi sự tái lặp của cha mẹ trở thành chuỗi hành vi, thói quen, những đứa trẻ chắc chắn sẽ thu mình, chẳng cần được quan tâm hay lắng nghe, giúp đỡ.
Hãy kể với chúng tôi những câu chuyện dành thời gian cho con của bạn, tính hiệu quả và không hiệu quả, vì sao? Những đứa trẻ đã gào thét thế nào cùng cách bạn giải quyết ra sao? Phương pháp bạn "cai" các thiết bị công nghệ để là một ông bố, bà mẹ hiện diện hoàn toàn với con mình...
3. Hơn cả thước đo bạn đã ở bên con trong thời khắc quan trọng nào, từng làm bạn với con ra sao; sự thiêng liêng của mối quan hệ cha mẹ - con cái nằm ở sự gắn kết, cảm xúc và ý nghĩa đẹp đẽ ra sao trong thời gian cùng nhau hiện diện đó. Gửi kết quả về cuộc khảo sát, chị Minh Tuyền - một giảng viên đại học xúc động: "Dẫu không còn nhớ nổi mẹ tôi đã từng nói những lời "mắng vốn" thầy dạy toán ra sao, song tôi không bao giờ quên cái đêm của hơn 20 năm về trước". 22g, mẹ chị Tuyền đặt con gái lên yên chiếc xe đạp vượt ba cây số. Đến nhà thầy, bà gân cổ cãi đứa trẻ học lớp Bốn, mắc bệnh tim thì làm sao có thể thức nguyên đêm chép cho xong 300 lần bài toán làm sai. Liệu ký ức lung linh này có được lưu dấu nếu đêm đó mẹ chị để mặc, hoặc không biết con chép phạt thay cho câu hỏi: "Lớp Bốn mà bài vở nhiều lắm à con?" và chứng kiến con bật lên tức tưởi.
Còn nhớ con gái 10 tuổi của tỷ phú Mohamed El-Erian - CEO Tập đoàn Pimco (Mỹ) ngày càng ngang bướng; sau cuộc "đối đầu" với cha đã biến El-Erian thành ông bố toàn thời gian thế nào. Câu chuyện khiến bao người làm cha mẹ sững sờ trước tiếng nói của con trẻ kêu gào sự quan tâm.
Khi còn bận sinh kế, ta không thể là một El-Erian - ông bố toàn thời gian cho con. Nhưng, một tiếng đồng hồ thôi, cho con trọn vẹn. Không điện thoại, máy tính; không bất cứ lo toan, vướng víu nào gián đoạn trong câu chuyện với con.
Liệu có quá khó để thực hiện?
Tuyết Dân
Theo phunuonline.com.vn
8/3 ở "xóm bà bầu" Sài Gòn: Những người phụ nữ gian nan đi tìm thiên chức làm mẹ và tình người trong con hẻm hy vọng Không biết từ lúc nào, cái gánh nặng con cái luôn bị đổ hết lên đôi vai yếu ớt của người phụ nữ, để rồi có những người đi suốt cuộc đời, hy sinh hết tất cả chỉ để tìm cho mình một đứa con. Qua con đò này là đến chân núi, người có tiền thì đi cáp treo với giá 200...