“Hoa hồng” cho đại lý xăng tới 1.000 đồng/lít: Người dùng gánh thiệt!
Giá xăng chỉ được giảm hơn 300 đồng/lít hôm 4.7 mới đây trong khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang mạnh tay chiết khấu hoa hồng bán hàng cho các đại lý tới 1.000 đồng/lít xăng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn mới có thể làm được như vậy…
Chi cao thì giảm lãi!?
Trả lời phóng viên về mức chi hoa hồng quá cao của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho các đại lý xăng dầu (tới 1.000 đồng/lít xăng, dù định mức kinh doanh của mặt hàng xăng chỉ là 1.050 đồng/lít), bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, quy định về chi phí kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối đã có trong Thông tư liên tịch của liên Bộ Công Thương – Tài chính về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn trong khi người tiêu dùng vẫn chịu thiệt.
Chi phí quy định trong Thông tư này (1.050 đồng/lít xăng, 950 đồng/lít dầu) là mức tối đa để tính giá cơ sở dùng để tham chiếu làm cơ sở cho cơ quan quản lý điều hành giá xăng dầu.
“Chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp và việc chi hoa hồng cho đại lý thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh của mình. Nếu họ chi vượt hoặc chi cao hoa hồng cho các đại lý cao đồng nghĩa với việc lợi nhuận của họ sẽ thấp đi” – bà Nga khẳng định.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thực tế có phải việc chi hoa hồng cho đại lý của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cao sẽ đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm đi hay không? Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thẳng thắn: “Nếu đúng như giải thích của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp xăng dầu sẽ không bao giờ dám chi hoa hồng lớn như thế!”.
Ông Long khẳng định: “Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi cao, không chỉ lãi 300 đồng/lít xăng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc xác định chi phí kinh doanh xăng dầu của Nhà nước đã chưa hợp lý, chưa có cơ sở để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Điều này cũng cho thấy, lợi nhuận của doanh nghiệp thì cao mà người tiêu dùng phải chịu cảnh giá xăng dầu giảm ít”.
Lãi “gửi nhờ” đại lý?
Số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, lượng xăng dầu nhập khẩu đã tăng vọt, hơn 23%. Điều đáng nói, xét về giá trị nhập khẩu xăng dầu lại giảm tới gần 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tiêu thụ khả quan và giá tốt là hai nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp tích cực nhập xăng dầu về nhiều.
Rõ ràng, giá trị nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh là do giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm theo xu hướng của giá dầu thô. Tính bình quân sơ bộ, hiện mỗi tấn xăng dầu thành phẩm các loại nhập khẩu có giá trên 573 USD trong khi mức giá của cùng kỳ năm ngoái là trên 943 USD.
Trao đổi với báo chí, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng thừa nhận: Chính sách điều hành giá xăng dầu những tháng đầu năm nay đã luôn đảm bảo lợi nhuận, hiệu quả cho doanh nghiệp xăng dầu. Ở kênh bán lẻ của tập đoàn này (bán trực tiếp tại các cửa hàng trực thuộc), lượng hàng bán ra tăng dao động 10-12% so với cùng kỳ (tùy vị trí, khu vực).
Trong bối cảnh giá nhập khẩu tốt và chính sách điều hành giá xăng dầu trong nước luôn có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đương nhiên đã khiến các đầu mối xăng dầu không có mạng lưới cửa hàng trực thuộc lớn phải cạnh tranh trong việc bán hàng cho tổng đại lý, đại lý.
Một doanh nghiệp xăng dầu tiết lộ: “Cách để các đầu mối thu hút đại lý phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là tăng chiết khấu (hoa hồng). Có những thời điểm vừa qua, chiết khấu xăng dầu cho đại lý lên đến cả 1.000 đồng/lít dù định mức kinh doanh của mặt hàng xăng chỉ là 1.050 đồng/lít, còn dầu là 950 đồng/lít”.
“Tất nhiên phải có lãi, doanh nghiệp mới tăng chiết khấu cho đại lý đẩy mạnh bán hàng thu tiền về quay vòng nhập hàng lúc giá thế giới giảm như vậy!” – một đại lý xăng dầu cho biết.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, vấn đề ở đây là chúng ta xác định chi phí định mức kinh doanh xăng dầu bất hợp lý. Doanh nghiệp xăng dầu lợi nhuận cao có thể lợi dụng “đẩy” phần lợi ấy cho đại lý rồi được “lại quả” còn giảm giá cho người tiêu dùng thì ít. “Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường và người tiêu dùng thì luôn chịu thiệt” – ông Long nói.
GS.TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cũng cho rằng, doanh nghiệp kêu chi phí kinh doanh định mức thấp, không bù đắp đủ chi phí nhưng lại hào phóng chi mức hoa hồng “khủng” cho các đại lý kinh doanh xăng dầu là một dấu hỏi lớn với người tiêu dùng bởi người tiêu dùng hiện nay đang phải “gánh” các chi phí này.
“Vấn đề quan trọng là chi phí kinh doanh định mức, chiết khấu kinh doanh xăng dầu trong điều kiện thị trường còn độc quyền như hiện nay thì phải được các cơ quan nhà nước khách quan, công tâm kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bộ Tài Chính nên giám sát chặt chẽ việc chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Không để người tiêu dùng vốn đã chịu thiệt lâu nay giờ phải gánh thêm cả chi phí hoa hồng cho đại lý”- GS. Đào nói.
Theo Dân Việt
Xăng tăng giá 275 đồng/lít
Theo tin từ Bộ Công thương, kể từ 15 giờ chiều nay 19.6, giá xăng được điều chỉnh tăng 275 đồng/lít.
Giá xăng tăng từ 15 giờ chiều nay - Ảnh: Ngọc Thắng
Cụ thể, theo Bộ Công thương, sau 15 ngày kể từ ngày điều chỉnh giá xăng, dầu lần trước, theo chu kỳ tính giá nêu trong cơ chế điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công thương đã thống nhất với Bộ Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng RON 92 thêm 275 đồng/lít, giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 275 đồng/lít.
Cũng theo quyết định của liên bộ Công thương-Tài chính, giá một số mặt hàng dầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá dầu diesel 0,05 S giảm 287 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 275 đồng/lít; giá dầu ma dút 3,5S giảm giá 423 đồng/kg.
Như vậy, sau các mức tăng, giảm như trên, giá xăng bán ra sau 15 giờ chiều nay sẽ không được cao hơn mức 20.711 đồng/lít; giá xăng E5 không quá 20.381 đồng/lít; giá dầu diesel không được bán quá 16.077 đồng/lít; giá dầu hỏa không quá 15.099 đồng/lít; giá dầu ma dút không quá 12.730 đồng/kg.
Cùng với quyết định trên, liên bộ Công thương-Tài chính đồng ý giữ nguyên mức chi bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng là 1.047 đồng/lít và xăng E 5 là 882 đồng/lít.
Mạnh Quân
Theo Thanhnien
Gần 11 nghìn tỷ tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng đi đâu? Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên gấp 3 lần đã thu về gần 11 nghìn tỷ đồng. Nhưng theo đại diện Tổng cục Môi trường đơn vị này không hề biết tới số tiền trên. Vậy gần 11 nghìn tỷ đồng đi đâu? Thuế tăng gấp 3, thu về hơn 10 nghìn tỷ đồng Giá xăng trong nước đã...