Hoa hậu Hoàn vũ sa lầy trong tai tiếng
Kể từ sau sự thành công mỹ mãn tại Nha Trang, Việt Nam năm 2008, liên tiếp nhiều năm liền, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ hạ thấp uy tín, hình ảnh hoen ố.
Năm 2011- Một ổ ăn chơi trụy lạc
Nếu như cuộc thi năm 2010 tại Las Vegas bị cho là rẻ tiền, ngay một năm sau đó tại São Paulo, Brazil, HHHV đã thực sự bị nhấn chìm vào tận cùng của sự chỉ trích. Thay vì được đi tham quan các danh lam thắng cảnh địa phương, tìm hiểu văn hóa nước chủ nhà và đến các tổ chức từ thiện, hoạt động chính của các thí sinh là tại những quán bar, vũ trường, tham gia các lớp học nhảy samba. Thậm chí các cô gái còn đi diễn trong một hộp đêm dành cho người đồng tính. Những thông tin mật bị rò rỉ ra ngoài đề cập đến việc sắp xếp giải thưởng của một số thí sinh sau đó đều trở thành sự thật (Angola, Brazil, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Panama, Colombia, Venezuela).
Những cô gái mang lại tai tiếng cho cuộc thi đều có vị trí cao như hoa hậu chủ nhà Brazil chụp ảnh khỏa thân khoe ngực, hoa hậu Colombia cố tình không mặc quần lót và bất cẩn để lộ hàng trước báo giới. Trong khi đó, các thí sinh thuộc khối Lusophone (khối những nước nói tiếng Bồ Đào Nha) đều lọt vào Top 10, Top 5 và chiến thắng thuộc về hoa hậu Angola – Leila Lopes. Chiến thắng của cô là xứng đáng, nhưng cô có một màn trình diễn bị đánh giá là dưới mức trung bình. Với tính cách thụ động, chậm chạp và thiếu sức sống, Leila Lopes bị nhận xét là một trong những HHHV chán nhất trong lịch sử, cùng một nhiệm kỳ dài kỷ lục.
Video đang HOT
Màn “lộ hàng” của Hoa hậu Colombia.
Chương trình đêm chung kết cũng bị chỉ trích khi cắt phần giới thiệu thí sinh trong trang phục dân tộc, phần nhạc nền không hay, cũng như chỉ có 500 vé được bán ra đã làm thất vọng rất nhiều người. Thêm vào đó, ứng cử viên được các chuyên trang sắc đẹp đánh giá cao nhất năm đó – Hoa hậu Malaysia không lọt được vào Top 16. Mặc dù trước đó cô hoàn thành khá tốt các phần thi ở vòng loại, cũng như khả năng ứng xử tuyệt vời. Lý do được nhiều người bàn tán là do cô từng lọt vào Top 15 của Hoa hậu Thế giới 2007 và Donald Trump không thích các thí sinh đại diện các quốc gia Hồi giáo.
Năm 2012 – Cho phép người chuyển giới tham gia
Người đẹp chuyển giới Jenna Talackova đòi kiện tổ chức HHHV Canada khi cô bị gạch tên khỏi danh sách các thí sinh lọt vào vòng chung kết toàn quốc vì “không phải là một phụ nữ được sinh ra tự nhiên” – quy tắc không được ghi trong thể lệ tham dự cuộc thi. Talackova đã phẫu thuật chuyển giới vào năm 19 tuổi. Cô là người đã đi vào lịch sử thi sắc đẹp khi buộc ban tổ chức HHHV Canada phải áp dụng các quy tắc mới về thể lệ tham gia cuộc thi để đảm bảo những cô gái chuyển giới cũng có quyền tham gia cuộc thi này.
Jenna Talackova (ảnh phải) với một thí sinh khác trong cuộc thi dành cho người chuyển đổi giới tính.
Không bỏ qua cơ hội để quảng bá cho cuộc thi, chính ông Donald Trump cũng tranh thủ bày tỏ sự đồng tình trong việc cho phép người chuyển đổi giới tính tham dự cuộc thi của mình. Thông tin này bị công chúng phản đối kịch liệt vì họ cho rằng đây là một điều sỉ nhục dành cho những người phụ nữ thực thụ và nó phá vỡ mọi quy tắc trong việc tuyển chọn thí sinh tham gia. Họ còn lập luận cái gì cũng cần phải có ranh giới của nó và đã có những cuộc thi hoa hậu uy tín dành cho người chuyển giới ở Thái Lan hay ở Mỹ.
Không có nước nào muốn đăng cai HHHV khi ban tổ chức “hét giá” quá cao mà lại không mang đến lợi ích kinh tế, nên cuộc thi một lần nữa đành phải tổ chức tại Las Vegas. Do không đủ kinh phí nên cuộc thi đã diễn ra theo dạng “mì ăn liền” gói gọn trong 2 tuần và bị dời đến tận lễ Giáng sinh. Kết quả là một bất ngờ lớn. Hoa hậu chủ nhà Mỹ – Olivia Culpo chỉ cao 1,68m nhưng đã chiến thắng nhờ câu trả lời thuyết phục. Còn ứng cử viên sáng giá nhất năm đó được Globalbeauties đánh giá cao là Hoa hậu Nam Phi – Melinda Bam với vẻ đẹp nữ thần chỉ về hạng 6 chung cuộc.
Năm 2013 – Thí sinh bị cưỡng bức, công khai đồng tính
Sau nhiều năm liên tiếp bị dính đến những tai tiếng không đáng có, HHHV 2013 tại Moscow, Nga đã lấy lại được chút danh giá và được xem là kỳ tổ chức có sự đầu tư quy mô nhất kể từ đầu thập niên 2010. Mặc dù gặp một số rắc rối về chính trị nhưng cuộc thi đã diễn ra một cách tốt đẹp, suôn sẻ và chỉ gặp một số sự cố vào phút chót khi hoa hậu Honduras bị nhân viên an ninh chuốc rượu và cưỡng bức. Bên cạnh đó, một số thí sinh khác có những biểu hiện tình cảm đồng tính công khai như Nga, Kazakhstan, Tây Ban Nha.
Gabriela Isler – Hoa hậu Hoàn vũ 2013.
Cũng trong năm 2013, cô gái được các chuyên trang hoa hậu bình chọn có khả năng cao nhất đoạt vương miện – hoa hậu Tây Ban Nha Patricia Rodriguez chỉ giành vị trí á hậu 1. Lý do là cô từng vào Top 15 Hoa hậu Thế giới 2008. Trong khi đó, tân hoa hậu người Venezuela – Gabriela Isler bị chê quá già, nét thô cứng. Nhiệm kỳ của Gabriela Isler bị đánh giá nhạt nhòa, không đáng nhớ.
Một số ứng cử viên không được vào Top 16 tứ kết đều có lý do như hoa hậu Israel là người Do Thái da màu gốc Ethiopia (Beta Israel) và cô ủng hộ tổng thống Mỹ – Barack Obama (thuộc đảng Dân chủ), trong khi ông Donald Trump là người trung thành tuyệt đối với đảng Cộng hòa. Còn hoa hậu Ba Lan rất được ưu ái, thậm chí được đích danh hãng tài trợ thời trang cho cuộc thi mời mặc bộ đầm dạ hội mới của họ nếu vào Top 10 bán kết, nhưng cô từ chối thẳng thừng. Vé vào Top 16 nhờ bình chọn của khán giả đáng lẽ thuộc về hoa hậu Myanmar nhưng giờ chót ban tổ chức “nhường” cho hoa hậu Philippines để làm hài lòng người hâm mộ nước này – vốn là những “con chiên ngoan đạo” của cuộc thi HHHV và cuộc thi này có một tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với văn hóa, xã hội của Philippines.
Theo Zing