Hòa Bình: Lời kể thắt lòng của chiến sĩ tìm kiếm nạn nhân vụ lở đất
Một số cán bộ chiến sĩ bị sụt xuống bùn sâu đến nửa người, nếu không may đất đá sạt lở tiếp thì khó có thể tự thoát ra khỏi đống bùn đất đó… song công tác tìm kiếm vẫn được tiếp tục.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Hòa Bình đang gắng sức tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở đất tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc. Ảnh: Thành An
Thâu đêm cứu nạn
Vụ sạt lở đất xảy tại xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình xảy ra vào khoảng hơn 1h sáng 12.10 chôn vùi 5 ngôi nhà khiến 18 người mất tích. 9 người tử vong đã tìm thấy, 9 người khác đang được lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tỉnh Hòa Bình gấp rút tìm kiếm.
Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi không thể hình dung được sức tàn phá của lũ quét vừa xảy ra tại nơi đây. Dòng nước lũ cuồn cuộn đổ từ trên đỉnh núi kéo theo hàng nghìn, hàng vạn khối đá, hòn nào nhỏ bằng cái gùi, cái thúng, còn hòn to cỡ cả… ngôi nhà sàn của người dân địa phương.
Đất đá vùi lấp 5 ngôi nhà và 18 người dân trong đêm tối mịt mùng, hàng trăm người dân chạy tán loạn và tri hô “cứu cứu…”.
Trong ngày đầu tìm kiếm, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn bởi khối lượng đất đá, cây cối vùi lấp rất lớn. Ảnh: Thành An
Khoảng 1h30 ngày 12.10, sau khi nhận được tin báo, Huyện uỷ, UBND huyện Tân Lạc báo cáo ngay tin dữ về tỉnh, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ để tiến hành cứu hộ, cứu nạn.
Ngay sau đó, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh, Công an huyện Tân Lạc, Công an xã Phú Cường và các xã lân cận cùng cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Lạc, K802, dự bị động viên trong huyện đã được huy động đến hiện trường với tất cả nỗ lực nhằm cứu giúp những người bị nạn.
Theo ghi nhận của PV, tại hiện trường, nhiều phương tiện, máy móc thuộc các lực lượng quân đội, công an và y tế miệt mài đào bới, túc trực. Ngoài ra, chó nghiệp vụ cũng được cảnh sát cơ động đưa vào để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Trao đổi với PV Dân Việt, một chiến sĩ trong đội cứu hộ cứu nạn những nạn nhân tại xóm Khanh (xin được giấu tên) cho biết, rạng sáng 12.10, anh và các đồng đội được lệnh điều động gấp của cơ quan lên ứng cứu và tìm kiếm người dân mất tích do đất đá sạt lở vùi lấp ở xã Phú Cường, khoảng 2h sáng anh cùng lực lượng mới đến được hiện trường.
Đập vào mắt anh là những khối đất, đá cùng cây cối to, lớn, dòng nước đang chảy cuồn cuộn từ trên núi xuống, vọng ở xa xa là tiếng kêu cứu, tiếng gào thét, khóc than ỉ ôi.
Sau khi nắm bắt tình hình, 5 ngôi nhà của 4 hộ gia đình sinh sống cùng hơn 10 người bị vùi lấp, chỉ huy đã lệnh cho anh cùng đồng đội trong tổ công tác, phân công nhau ngay lập tức bắt tay vào tìm kiếm những nạn nhân.
“Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi được phân công tìm kiếm và cứu một gia đình có 5 người. Lập tức, anh em trong đội tiến hành tìm kiếm và đưa 3 nạn nhân tử vong ra khỏi hiện trường vụ sạt lở”, chiến sĩ này cho hay.
Nhiều chiến sĩ bị ngập sâu xuống bùn không thể tự thoát
Video đang HOT
Người chiến sĩ tuổi chạc 30 cho biết, việc xác định vị trí của người dân bị nạn rất khó khăn bởi khối lượng đất, đá đổ xuống rất lớn, các nhân sự trong đội phải tập trung sức lực, trí lực để tìm được nạn nhân.
Dù khó khăn nhưng lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn miệt mài tìm kiếm. Ảnh: Thành An
Anh nhớ lại, khi tìm thấy một vị trí có một nam và một nữ, anh và đồng đội tập trung đào bới, vận chuyển những tảng đá to ra ngoài để cố gắng đưa hai người ra khỏi đống đất đá.
Trong hai người bị mắc kẹt, người phụ nữ đưa ra ngoài dễ dàng hơn bởi chị bị chăn, chiếu đè lên người. Người đàn ông bị đất đá đè, đội cứu hộ phải mất hơn 2 giờ để đưa anh ra ngoài.
“Chúng tôi phải lấy tay để moi đất, đá, mỗi khi gặp tảng đá to, chúng tôi phải xúm lại khoảng gần 10 người cùng nâng tảng đá ra chỗ khác để đưa người đàn ông ra ngoài. Sau 2h cố gắng, chúng tôi đã đưa được hai người trong đống đổ đất, đá ra khỏi hiện trường”, anh chia sẻ.
Theo chiến sĩ trẻ này, việc tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường còn gặp nhiều khó khăn bởi đêm tối và trời còn mưa rất lớn, nguy hiểm cận kề. Nhưng với sự động viên của chỉ huy và mong muốn tìm kiếm, cứu nạn người dân được nhanh nhất các anh không quản ngại gian khó.
Anh kể: “Trong lúc đưa các nạn nhân bị mắc kẹt ở đống đất đá, một số cán bộ chiến sĩ đã bị sụt xuống bùn sâu đến nửa người và không thể tự mình lên được. Chúng tôi nói với nhau, bị sụt xuống sâu như thế mà không may đất đá sạt lở tiếp thì rất khó chạy được”.
Một cán bộ trong lực lượng tìm kiếm cứu nạn cho biết, do công việc tìm kiếm khó khăn, nhiều diễn biến nên lượng lượng tìm kiếm cứu nạn phải thay nhau vào hiện trường, vừa để nghỉ lấy sức vừa không làm gián đoạn quá trình cứu nạn.
Đinh Công Thịnh đau buồn khi mất bà nội và bố trong vụ sạt lở. Ảnh: Thành An
Trong số lực lượng tìm kiếm cứu nạn, đau thương nhất là trường hợp chiến sĩ Đinh Công Thịnh. Anh nghe tin nhà mình bị sập nên xin phép đơn vị về quê. Tại hiện trường, Thịnh bật khóc nức nở bởi bố và bà nội anh đã mất trong sự việc, may mắn mẹ và em trai anh không ở nhà nên thoát được. Trước đó Thịnh là quân dự bị động viên, đang thực hiện lệnh huy động quân của địa phương đi hỗ trợ cứu lũ trên địa bàn tỉnh.
Theo đại tá Nguyễn Anh Dũng – Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng): Để triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 300 chiến sĩ tham gia đào bới, tìm kiếm nạn nhân. Khó khăn lớn nhất của lực lượng tìm kiếm là địa hình hiện trường có nguy cơ sạt lở cao nên không thể cùng lúc triển khai toàn bộ lực lượng để đào bới, mà chỉ có thể chia theo tốp nhỏ.
Sáng nay (13.10), lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Hòa Bình tiếp tục công việc tìm kiếm 9 nạn nhân bị gặp nạn. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm đến nạn nhân cuối cùng. Các lực lượng vẫn đang tích cực và phát điện để tìm kiếm các nạn nhân. Hiện, đã tìm thấy nạn nhân thứ 9″.
Theo Danviet
Nóng 24h qua: Vỡ đê ở Hà Nội, 19 người bị vùi lấp ở Hòa Bình
19 người ở Hòa Bình bất ngờ bị vùi lấp trong đêm, vỡ đê sông Bùi 2, hàng trăm nhà dân chìm trong biển nước,... là những thông tin nóng nhất trong 24h qua.
19 người ở Hòa Bình bị vùi lấp trong đêm
Ông Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết, vào gần 1h sáng 12/10 có 19 người trong 4 gia đình ở xóm Khanh bị đất đá vùi lấp. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng công an, công binh đã xuống hiện trường cứu hộ, cứu nạn.
Đến 10h sáng ngày 12/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 9 thi thể bị vùi lấp ở Hòa Bình.
Ông Khải cho hay, đến 8h30 sáng 12/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 8 thi thể bị vùi lấp trong đó có cả người già và trẻ em. Hiện tại, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động nhiều lực lượng đến hiện trường cứu hộ. Máy xúc được điều động đến hiện trường xúc đất đá, tìm kiếm các nạn nhân.
Tại hiện trường, một vạt núi đất đá với hàng nghìn khối đã vùi lấp hoàn toàn 5 căn nhà của người dân ở xóm Khanh.
Theo ông Khải, khu vực bị sạt lở cách quốc lộ khoảng 1 km. Nơi này có nhiều hộ dân sinh sống. Hiện tại, lực lượng Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã điều động thêm 2 xe ô tô cùng hơn 20 cán bộ chiến sĩ Phối hợp CA huyện Tân Lạc tham gia cứu hộ cứu nạn.
Vỡ đê sông Bùi 2 ở Hà Nội, hàng trăm nhà dân chìm trong biển nước
Ngày 12/10, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, (Hà Nội) cho biết, tối 11/10, nước lũ dâng cao tràn qua đê Bùi 2, thuộc xã Hoàng Văn Thụ. Đến sáng 12/10, một đoạn đê Bùi 2 đã vỡ. Nước tràn vào gây ngập nhà dân. Đê vỡ không có thiệt hại về người.
Đê bị vỡ khiến khoảng 200 nhà dân bị ngập sâu trong biển nước
Ông Trần Ngọc Thông, Chánh Văn Phòng UBND huyện Chương Mỹ cho hay, theo báo cáo của xã Hoàng Văn Thụ, có khoảng 200 nhà dân bị ngập sâu trong biển nước. Toàn bộ người dân ở trong nhà đã được di dời lên các vị trí cao.
Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 10m. Hiện tại, các lực lượng vẫn đang khẩn trương khắc phục, giúp đỡ bà con. Đoạn đê Bùi 2 bị sạt lở, vỡ nối liền với đê ở xã Tân Tiến.
Sáng 12/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại huyện Chương Mỹ, trực tiếp nắm tình hình và thăm hỏi đời sống, tặng quà một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở thị trấn Xuân Mai.
Ninh Bình sơ tán gấp 200.000 dân do lũ lịch sử sau 32 năm
Nhận thấy tình hình mưa lũ phức tạp, để đảm bảo an toàn về người và tài sản, 18h tối 11/10, UBND tỉnh Ninh Bình đã phát lệnh di dân khẩn cấp.
Theo đó, 200.000 dân thuộc 12 xã của 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan nằm trong vùng ảnh hưởng của tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn) phải di dời gấp trong đêm. Lực lượng bộ đội và các cơ quan chức năng địa phương được huy động tối đa để giúp dân di dời khỏi vùng sẽ xả lũ.
Tình hình mưa lũ ở Ninh Bình phức tạp, nước ngày càng dâng cao. Ảnh minh họa: Nghiêm Anh Hải
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp tại Ninh Bình, sáng 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạm hoãn chương trình tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, di chuyển tới tỉnh Ninh Bình để thị sát, chỉ đạo việc gia cố, ứng phó mưa lũ và bảo vệ đê Hoàng Long.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh không chủ quan, bảo vệ các loại cây trồng phục vụ Tết Nguyên đán; triển khai công tác phòng chống lũ theo cấp báo động đã được phê duyệt, tập trung tổ chức lực lượng tuần tra canh gác để phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập trên địa bàn đặc biệt quan tâm các điểm xung yếu.
Hàng nghìn người bật khóc hát từ biệt PGS Văn Như Cương lần cuối
Sáng nay ngày 12/10, rất đông bạn bè, đồng nghiệp cùng hàng ngàn học sinh trường Lương Thế Vinh đã tề tựu tại Nhà tang lễ quốc gia (đường Trần Thánh Tông, Hà Nội) tiễn đưa PGS Văn Như Cương - người thầy lớn của nhiều thế hệ học sinh THPT Lương Thế Vinh - rời cõi trần về nơi yên nghỉ.
Rất nhiều người đã bày tỏ tình cảm biết ơn và tiễn biệt bạn hữu, đồng nghiệp, người thầy đáng kính trước giờ cử hành tang lễ.
Rất nhiều người đã bày tỏ tình cảm biết ơn và tiễn biệt bạn hữu, đồng nghiệp, người thầy đáng kính.
Dù thời gian viếng được tăng thêm 1 tiếng so với dự định ban đầu nhưng kết thúc giờ viếng vẫn còn hàng trăm người đứng đợi.
Chiều 12/10, thực hiện một trong các di nguyện cuối của PGS Văn Như Cương là đưa thi hài thầy về thăm trường lần cuối để tạm biệt các học trò, từ 13h30 - 14h30, gia đình đã đưa thi hài thầy Văn Như Cương qua cơ sở A (Nam Trung Yên) và cơ sở 1 (Tân Triều) của Trường Lương Thế Vinh và làm lễ tiễn đưa thầy.
Tại đây, học sinh của trường xếp thành hàng dài hai bên hát vang bài ca truyền thống trong nước mắt để chào, từ biệt thầy lần cuối.
Nữ sinh bị bạn đánh, xé toang áo, hở cả nội y đã đi học trở lại
Liên quan đến clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh một nhóm học sinh nữ mặc áo đồng phục đánh hội đồng một bạn nữ sinh khác ngay trong lớp học, xé áo, làm hở cả nội y, lãnh đạo trường THCS Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, đại diện địa phương, nhà trường, phụ huynh của các cháu đánh bạn đã đến gia đình cháu H.T.T. thăm hỏi. Nhà trường cũng thường xuyên trao đổi, nắm bắt tư tưởng của phụ huynh cháu H.T.T., tránh mâu thuẫn phát sinh. Ngày 9/10, cháu H.T.T. đã đi học bình thường.
Nữ sinh bị đánh hội đồng, xé áo hở nội y trên bục giảng (ảnh cắt từ clip)
Đại diện UBND huyện Chương Mỹ cũng cho biết, lãnh đạo Huyện đã chỉ đạo Phòng GD huyện Chương Mỹ làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường để làm rõ vụ việc.
Ngoài ra huyện cũng yêu cầu nhà trường ổn định tình hình, đảm bảo công tác dạy và học tại trường, theo dõi sức khỏe, tư vấn tâm lí cho cháu H.T.T. để không làm ảnh hưởng đến việc học tập của cháu.
Sau sự việc, huyện Chương Mỹ cũng chỉ đạo xã Trường Yên tăng cường an ninh trật tự trường học, không để sự việc tái diễn; quản lí đạo đức, lối sống cho học sinh.
Theo Danviet
Hòa Bình: Tìm xuyên đêm các nạn nhân bị vùi trong vụ sạt lở đất Chiều 12.10, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ làm việc thâu đêm để tìm kiếm các nạn nhân một cách nhanh nhất. Chiều 12.10, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh...