Hòa Bình: Dân hối hả thu hoạch đặc sản khoai lang Ba Khan
Những ngày đầu đông, người dân sinh sống ở xã Ba Khan ( huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đều tất bật ra đồng thu hoạch khoai lang.
Nhờ thời tiết ủng hộ, những củ khoai lang vừa to vừa đẹp được các thương lái đến thu mua tại ruộng, khiến bà con ai ai cũng phấn khởi vì một mùa khoai lang bội thu.
Những năm trở lại đây, nhiều hộ dân sinh sống ở xã Ba Khan đã chuyển diện tích đất ruộng, nương rẫy sang trồng cây khoai lang. Do thích hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng; cây khoai lang sinh trưởng tốt cho sai củ, lại thơm ngon nên bán được giá cao.
Sau 1 thời gian trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện toàn xã Ba Khan có gần 50 ha trồng khoai lang ở cả 3 xóm, và trở thành cây trồng có diện tích lớn thứ 2 ở xã này chỉ sau cây ngô.
Nông dân thu hoạch khoai lang đến đâu là thương lái thu mua hết đến đó.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Đinh Văn Hậu, xóm Khan Hạ, cho biết: “Gia đình tôi năm nay có 3.000 m2 đất trồng khoai lang, thu được hơn 3 tấn củ. Tuy năng suất không cao so với năm ngoái nhưng giá bán lại ổn định. Đến vụ thu hoạch, nhiều thương lai đến tận ruộng tôi thu mua với giá từ 9.000 đồng/kg đối với khoai loại 1, 5.000 đồng/kg với khoai loại 2 và 3.000 đồng/kg với khoai loại 3. Trồng khoai lang 1 năm gia đình tôi thu nhập gần 40 triệu đồng. So với nhiều loại cây lương thực khác, tôi thấy trồng khoai lang không tốn kém chi phí đầu tư về phân bón, công sức chăm sóc.
Khoai lang ở Ba Khan khi luộc chín chắc, ruột vàng tươi và ngọt đậm nên được nhiều người tiêu dùng ưa thích.
“Giống khoai lang được sử dụng từ chính dây khoai lang của vụ trước, nên không cần mua giống. Để chọn giống cho vụ sau, tôi lựa những đoạn thân dây lang già nhưng chưa ra rễ và hoa, thẳng, khỏe mạnh, có từ 5 – 6 mắt thân, 3 – 4 ngọn, độ dài khoảng 30 – 35 cm là có thể sử dụng làm giống. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng diện tích trồng khoai lang trên nương rẫy để tăng cao nguồn thu nhập…”-anh Đinh Văn Hậu chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Hiện nay trên địa bàn xã Ba Khan, diện tích trồng khoai lang đạt gần 50 ha.
Cây khoai lang dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh và hiệu quả kinh tế cao gấp 3 – 4 lần trồng ngô. Thời gian qua, nông dân Ba Khan không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm khoai lang. Bởi khoai lang trên thị trường đang được rất nhiều người tiêu dụng ưa chuộng, bà con cứ thu hoạch đến đâu là thương lái thu mua hết đến đó.
Khoai lang rất thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở xã Ba Khan, khi luộc lên khoai lang thơm và ăn rất ngọt.
Anh Nguyễn Văn Quyết, tiểu thương buôn khoai lang, cho hay: Tôi buôn khoai lang Ba Khan được gần 4 năm, mỗi khi chạy xe xuống đổ hàng ở Hà Nội khách hàng rất ưa thích khoai này. Đến vụ thu hoạch, tôi đánh xe tận ruộng để cân khoai. Đối với những hộ dân mua quen tôi đặt cọc tiền từ trước khi thu hoạch. Khoai được tôi đổ buôn tại các chợ trên địa bàn thành phố Hòa Bình và một số chợ lớn Hà Nội.
Bà con nông dân vui mừng, khi năm nay khoai lang bội thu.
Vào những ngày đầu đông, bất kỳ ai đến xã Ba Khan cũng bị hấp dẫn bởi những củ khoai lang màu tím nhạt chắc nịch. Khi luộc chín chắc, ruột vàng tươi và ngọt đậm. Khoai lang trở thành món quà quê được khách du lịch đến huyện Mai Châu lựa chọn mua về làm quà. Khoai lang Ba Khan cứ thế được biết đến khắp nơi trong tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh thành lân cận, đặc biệt là ở Hà Nội.
Cây khoai lang đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở xã Ba Khan.
Ông Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, cho biết: Cây khoai lang đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Ba Khan. Nhờ trồng khoai lang nên tỷ lệ hộ có thu nhập khá và trung bình ở Ba Khan đạt trên 30%. Cây khoai lang trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Thời gian qua, chúng tôi luôn vận động người dân mở rộng diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng khoai lang, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc.
“Tuy nhiên, trăn trở của chúng tôi là hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký hợp đồng thu mua chính thức khoai lang, mà chỉ có tiểu thương đến thu mua. Đây là một khó khăn lớn khi mở rộng diện tích trồng khoai lang. Bởi khi nhân rộng diện tích lo ngại người dân gặp khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh khoai lang trên thị trường, thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con…”, ông Sơn bày tỏ.
Theo Danviet
Trồng chè Shan, nhẹ công chăm sóc, dân Pà Cò vẫn rủng rỉnh tiền
Nhờ trồng chè Shan tuyết trên đất dốc, ông Sùng A Chu, bản Chà Dáy (xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) thu lãi 60 triệu đồng/năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Thời gian vừa qua, nhiều hộ dân ở xã Pà Cò đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định nhờ trồng chè. Gia đình ông Sùng A Chu là một tấm gương tiêu biểu. Nhờ trồng chè mà cuộc sống của gia đình ông đã sung túc và ổn định hơn so với làm nương rẫy trước đây.
Trước đây, ông Chu chủ yếu trồng ngô, do giá cả bấp bênh nên ông chuyển sang trồng chè phát triển kinh tế.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Sùng A Chu cho biết: "Tôi thấy người dân ở huyện Mộc Châu (Sơn La) trồng chè Shan tuyết mạng lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Tôi nghĩ nếu mang cây chè về trồng, biết đâu sẽ đỡ vất vả hơn trồng ngô nên mạnh dạn đầu tư giống trồng trên 1.600m2 nương rẫy sau nhà".
"Để cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao, tôi luôn tập trung thâm canh, chăm sóc, đốn tỉa và trồng dặm theo đúng kỹ thuật mà cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn. Hàng năm cứ đến mùa vụ thu hoạch, các thương lái và nhà máy chè đóng trên địa bàn xã đến thu mua, sản phẩm chè của gia đình không lo ế ẩm và rớt giá".
Nhờ trồng chè, cuộc sống của gia đình ông Chu đã sung túc và ổn định hơn.
"Tôi thường bón phân lân, đạm kết hợp phân chuồng cho nương chè. Sau nhiều năm trồng chè, tôi thấy chăm sóc chè rất nhàn, ít chi phí đầu tư hơn trồng các loại cây công nghiệp khác. Mỗi năm tôi làm cỏ cho nương chè từ 1 - 2 lần, không phải mất nhiều thời gian như cây ngô, cây lúa... bởi cây chè ít bị dịch bệnh rất phù hợp với khí hậu ở địa phương"- ông Chu cho biết thêm.
Ngoài trồng chè, ông Chu còn tận dụng đất vườn trồng thêm đậu cô ve để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Để chè có chất lượng tốt, ông Chu thường thu hái chè vào những buổi sáng sớm. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Chu còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ khác trong bản.
Hàng ngày ông Chu đều lên nương theo dõi quá trình phát triển của nương chè.
"Một năm gia đình tôi thu hoạch được 5 lứa chè tươi, mỗi lứa gần 4 tấn, thu lãi 12 triệu đồng. Tính ra mỗi năm gia đình tôi thu lãi 60 triệu đồng từ trồng chè. Từ khi chuyển sang trồng chè trên nương rẫy, đời sống kinh tế của gia đình tôi đã khấm khá hơn. Tôi dự định thời gian tới, sẽ phát quang diện tích nương rẫy đang bỏ hoang để trồng thêm chè Shan tuyết" - ông Chu chia sẻ.
Nhờ cách chăm sóc tốt, nương chè Shan tuyết của ông Chu luôn xanh tốt.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, cho biết: "Trước kia bà con sinh sống ở xã Pà Cò chủ yếu trồng ngô, sắn, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn và thu nhập thấp. Nắm bắt được tình hình đó, chúng tôi luôn chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phải tìm hướng đi mới, tuyên truyền đến người dân thay đổi tư duy trong làm nông nghiệp để nâng cao mức thu nhập cho bà con.
"Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ban ngành, từ khi vận động người dân chuyển sang trồng chè Shan tuyết, thu nhập của bà con đã tăng lên. Nhận thức của nông dân cũng thay đổi nhiều, người dân ký hợp đồng liên kết sản xuất và bán sản phẩm cho nhà máy trên địa bàn xã Pà Cò. Ngược lại, nhà máy cam kết đồng hành, thu mua sản phẩm cho nông dân" - ông Sơn nói.
Theo Danviet
Trồng thứ khoai lang ông hoàng thơ tình khen ngon, bỏ túi 2 tỷ/vụ Khoai lang Lệ Cần-một món ăn dân dã từng được ông hoàng thơ tình Xuân Diệu ăn khen ngon và đề thơ, nay được nông dân Nguyễn Trình (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) trồng bạt ngàn, xây dựng nhãn hiệu đặc sản OCOP. Bén duyên và mở rộng đầu tư trồng khoai lang đặc sản Lệ Cần,...