‘Hố tử thần’ dưới sông Vàm Nao có thể nuốt nhà 10 tầng, rộng 4,5 ha
Tại khu vực sạt lở trên sông Vàm Nao ở An Giang xuất hiện hố sâu 42 m, dài 380 m, rộng 120 m, tương đương căn nhà cao 10 tầng xây trên khu đất rộng 4,5 ha.
Trao đổi với Zing.vn, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho biết lúc 9h ngày 24.4, ông đã ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sạt lở đất sông Vàm Nao. Khu vực sạt lở đã được ban bố tình trạng khẩn cấp thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.
Theo ông Thi, sạt lở bắt đầu xuất hiện từ chiều 20/4, tại khu dân cư ven sông Vàm Nao có 107 căn nhà. Tại đây, trên tuyến lộ liên xã đi từ Kiến An qua Nhơn Mỹ xuất hiện vết nứt dài khoảng 70 m.
Sạt lở ven sông Vàm Nao ở An Giang. Ảnh: Minh Anh.
Một ngày sau đó, thêm nhiều vết nứt xuất hiện và càng lúc càng mở rộng, ảnh hưởng đến 40 hộ với 176 nhân khẩu. Đến sáng 22.4, 16 căn nhà ở khu vực này bị sụp xuống sông.
“90 căn còn lại và một nhà máy xay xát hiện chỉ là nhà trống, tài sản đã được di dời hết. Qua khảo sát của ngành chức năng, hiện nay chiều dài 160 m dọc theo bờ sông có hố xói áp sát khoảng 17 m, có chiều sâu 20 m, tạo thành mái dốc thẳng đứng rất nguy hiểm”, ông Thi nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, đoạn sạt lở xuất hiện tại ngã ba sông Vàm Nao tiếp giáp sông Hậu, có chiều ngang 500 m. Hiện, cách bờ 180 m có hố sâu 42 m, dài 380 m, rộng 120 m, tương đương với căn nhà cao 10 tầng xây trên khu đất rộng 4,5 ha.
“Sạt lở làm mất đường giao thông liên xã, 90 căn có nguy cơ tiếp tục bị nhấn chìm, thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng. Có thể nhận định đoạn sông dài 260 m đang trong quá trình sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm”, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ.
Những kiến nghị của UBND tỉnh An Giang gửi Thủ tướng Chính phủ trong việc khắc phục sạt lở sông Vàm Nao. Ảnh: Việt Tường.
Video đang HOT
Hiện, địa phương đã bố trí lực lượng chốt trực 24/24 tại tổ 12 của ấp Mỹ Hội, để ứng phó kịp thời khi xảy ra tình huống xấu. Tuyến đường tránh thay thế tuyến liên xã này cũng đang được địa phương khẩn trương xây dựng. Tỉnh đã xuất 1,6 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ những hộ di dời và mất nhà.
Nói về phương án khắc phục sạt lở, ông Thi cho rằng muốn lấp hố xoáy dưới sông Vàm Nao phải tốn 100 tỷ đồng. Vì vậy, địa phương đang mời các chuyên gia từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đến An Giang để khảo sát, tìm hướng chỉnh dòng chảy, kết hợp với việc tạo hành lang bảo vệ bờ sông.
Theo Việt Tường (Zing)
Sạt lở bủa vây người dân sống dọc sông miền Tây
Người dân sống ven sông miền Tây đang lo âu sau khi "thủy thần" liên tục nuốt chửng nhà, rừng phòng hộ, kè đê biển, đường sá... trong phút chốc.
Hai ngày trôi qua sau sự cố bờ sông Vàm Nao - đoạn qua xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, An Giang - sạt lở trên 160 m, ăn sâu vào đất liền hơn 50 m, làm 16 căn bị sụp xuống sông, người dân ở đây bao trùm nỗi lo âu. Nhiều gia đình phải sống tạm bợ vật vờ.
Hiện "hố xoáy" tiếp tục lấn đất liền, khiến giao thông liên xã Mỹ Hội Đông đi Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới bị chia cắt. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã bố trí các hộ có nhà bị sạt lở ở tạm tại Trường tiểu học A Vĩnh Hội Đông. Riêng học sinh của trường này được cho nghỉ trong hai ngày 24 và 25/4.
Địa phương cũng tính đến phương án đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo chuyển các học sinh đến cơ sở khác học tạm, nếu sạt lở tiếp tục xảy ra trong vài ngày tới. Ngoài ra, tỉnh cũng gấp rút triển khai xây dựng khu dân cư vượt lũ nhằm bố trí khoảng 200 nền cho bà con vùng bị ảnh hưởng sạt lở.
Khu vực sạt lở ven sông Vàm Nao (An Giang) vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: AX.
Ông Trần Văn Bi - một trong 16 hộ dân có nhà bị nhấn chìm ba hôm trước - chưa hết thất thần, nói: "Gia đình tôi và các hộ xung quanh đã chuyển đồ đạc trước khi sạt lở hai ngày vì cảm thấy nhà rung lắc. Tuy nhiên, những ngày qua và sắp tới chúng tôi không biết nương tựa ở đâu vì nhà mình không còn", ông lo lắng.
Đã mấy ngày trôi qua nhưng chị Lê Thị Chính khi nhắm mắt lại vẫn thấy giây phút những căn nhà rung chuyển rồi chìm dần xuống lòng sông. "Cảnh tượng hôm đó rất hoảng loạn, mạnh ai nấy chạy, có người té ngã sưng cả đầu", chị kể.
Còn bà Trần Thị Hiệp cho biết mấy hôm nay người dân kế bên khu sạt lở luôn nơm nớp lo sợ. "Những hộ dân có nhà phía trên như gia đình tôi cũng ăn ngủ không yên", bà Hiệp nói và cho biết nhiều gia đình đã sơ tán đồ đạc, con cái đi nơi khác.
Riêng các hộ cùng dãy với 16 căn nhà bị nuốt chửng dù đã di chuyển đồ đạc lên bờ, song họ vẫn chần chừ chưa muốn đi vì còn luyến tiếc căn nhà. Một số người cứ vào ra xem nhà của mình có bị "thủy thần" ngoạm chưa.
Ông Võ Minh Thao - Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới - cho biết hiện khu vực sạt lở được chốt chặn hai đầu, lực lượng chức năng luôn túc trực sẵn sàng ứng phó, và hỗ trợ người dân khi có sự cố. "Chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh để người dân ý thức không vào vùng nguy hiểm", ông Thao nói.
Không chỉ riêng An Giang, nhiều địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đang canh cánh nỗi lo sạt lở. Tại cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), hàng nghìn hộ dân sống trong tâm trạng thấp thỏm từng ngày.
Dọc theo cửa biển Vàm Xoáy, những vạt rừng mênh mông ngày trước như "lá chắn" bảo vệ người dân xứ Mũi đã không còn. Thay vào đó là những dãy đất nhô lên, lõm xuống nằm trơ trọi cách xa bờ hàng chục mét, bị sóng đánh liên hồi.
Hàng nghìn ngôi nhà ven sông chợ Vàm Đầm (Cà Mau) đang đối mặt sạt lở cao. Ảnh: Phúc Hưng.
Anh Nguyễn Công Tuấn than rằng sạt lở như là "hung thần" rình rập, có thể cuốn trôi nhà cửa, tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân vùng này bất cứ lúc nào. "Người dân vùng sông nước thích cất nhà theo các tuyến sông, nhưng giờ họ phải 'chạy làng' lên bờ", anh Tuấn nói.
Sạt lở không chỉ có ở ven cửa biển, mà nó còn xuất hiện theo các tuyến sông. Người dân ở chợ Vàm Đầm (xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi) vẫn chưa quên được đợt sạt lở làm 16 căn nhà bị nhấn chìm 9 năm trước. Hai năm sau, 16 căn khác và một cây xăng cũng bị "hà bá" nuốt chửng trong đêm.
Đau lòng nhất là vụ sạt lở ở ven sông Cửa Lớn (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) vào đêm 15/7/2007 làm bốn người cùng ngôi nhà bị cuốn xuống lòng sông, hai ngày sau các thi thể mới được tìm thấy.
Ông Tô Quốc Nam - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau - cho biết sạt lở đang diễn ra ở ven biển Đông và biển Tây, bình quân ăn vào đất liền từ 20 đến 25 m mỗi năm, cá biệt có nơi lên đến 50 m. Mỗi năm bờ biển Cà Mau mất hơn 450 ha đất.
Tại tỉnh Bạc Liêu cũng có hàng chục km đất nằm chạy dài theo các cửa sông, cửa biển thuộc huyện Đông Hải, Phước Long và Giá Rai. Những năm gần đây sạt lở diễn ra gay gắt, có đến hàng nghìn hộ dân cần được di dời khẩn cấp.
Điểm nóng của sạt lở đang diễn ra tại cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải). Tuyến kè ở đây đã bị sóng đánh vỡ toác, nhiều nhà dân gần bờ biển phải di dời. "Những đêm nước lên sóng biển đánh mạnh vào thân kè cao 3-4 m, làm đất phía trong rung bần bật, trẻ con được gửi ngủ nhờ tại nhà người quen sâu bên trong", bà Hồ Thị Dân cho biết.
Hàng chục mét kè bêtông kiên cố ở đê biển Gành Hào, Bạc Liêu bị sóng đánh hư hỏng trong một đêm. Ảnh: Phúc Hưng.
Riêng ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ... nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị cuốn trôi xuống sông. Năm 2014, bờ sông Tiền (Cao Lãnh) xảy ra sạt lở với chiều dài 100 m, ăn vào đất liền hơn 25 m, xoáy sâu xuống lòng sông 20 m. Tỉnh Đồng Tháp khi đó đã khắc phục hậu quả 9 tỷ đồng nhưng sau đó tình trạng này tiếp tục tái diễn.
Trước tình trạng sạt lở xảy ra cho thấy chưa có dấu hiệu dừng lại, Bạc Liêu và An Giang, Đồng Tháp đã quyết định bân bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế địa phương.
Phúc Hưng - Cửu Long
Theo VNE
Vụ sạt lở nghiêm trọng ở An Giang có khả năng tiếp tục diễn ra Do khu vực bờ sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có thể sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng, cơ quan chức năng đã vận động các hộ dân tại đây di dời đến nơi an toàn. Chiều nay (23.4), thông tin từ Trung tâm Quan trắc (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) cho biết,...