Hỗ trợ từ cộng đồng giúp người cao tuổi thoát nghèo
Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi gia tăng, chiếm khoảng 11% dân số. Việc hình thành các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đang là cách làm hỗ trợ từ cộng đồng giúp người có tuổi cải thiện sinh kế.
Tương trợ giúp đỡ nhau giữa các thế hệ
Việt Nam luôn quan tâm đến công tác chăm sóc người cao tuổi, đồng thời phát huy những thế mạnh của người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp cận các điều kiện thiết yếu như: Nhà ở, nước sạch, thụ hưởng văn hóa… Đặc biệt, theo Luật Người cao tuổi, đối với người cao tuổi trên 80 tuổi không có nguồn thu nhập được hưởng trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế… “Tuy nhiên, tại Việt Nam, có khoảng 70% người cao tuổi không có lương hưu, phần lớn lại ở nông thôn trong khi mức hưởng trợ cấp hàng tháng còn thấp nên việc hỗ trợ giúp đỡ nhau qua xây dựng các mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLBLTHTGN) để tương trợ giúp đỡ nhau từ cộng đồng là giải pháp cần thiết”, bà Ngô Thị Mến, Trưởng Ban đối ngoại (Hội Người cao tuổi Việt Nam) cho biết.
Một buổi sinh hoạt CLB liên thế hệ tự giúp nhau thôn Chu, xã Tân Lập, huyện Bá Thước, Thanh Hóa
Tham gia CLB, người cao tuổi được giúp đỡ nhau cả vật chất lẫn tinh thần. Điều này thấy rõ qua các mô hình thành công từ Thanh Hóa. Gia đình bà Trần Thị Tâm ở xóm 1, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) thuộc hộ nghèo khi tham gia CLBLTHTGN được cho vay vốn 5 triệu đồng, được hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn vay ban đầu, gia đình bà Tâm đã có được đàn gia súc, gia cầm, ao cá, cho thu nhập ổn định. Từ một hộ gia đình trong diện nghèo nhờ sự hỗ trợ về vốn cùng kỹ năng chăn nuôi đến nay gia đình bà Tâm đã thoát nghèo bền vững. “Tham gia CLB, cái được nhất là sự tương trợ từ vốn, kỹ thuật và cả đầu ra nên hội viên đều có ý thức tích cực tham gia”, bà Tâm chia sẻ.
Từ nguồn vốn ban đầu được hỗ trợ là 100 triệu đồng, CLB tổ chức cho các thành viên vay vốn xoay vòng, từ 3 đến 5 triệu đồng/người/lần để hỗ trợ làm ăn, tăng thu nhập, nhờ đó 7 hộ nghèo trong CLB đã thoát nghèo.
Video đang HOT
Tương tự, gần 10 năm nay, căn bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh khiến em Lê Thị Xuân ở thôn Trường Sơn, xã Quảng Thịnh (thành phố Thanh Hoá) phải nằm một chỗ, gia đình chăm sóc và điều trị rất vất vả. Từ năm 2014, CLBLTHTGN ở thôn Trường Sơn được thành lập đã cử các tình nguyện viên đến tận nhà, thường xuyên phối hợp với gia đình chăm sóc, động viên giúp em Xuân vơi bớt nỗi đau bệnh tật. Bà Nguyễn Thị Thuận, mẹ em Lê Thị Xuân cho biết: Hàng tháng, chị em trong CLB đến động viên giúp đỡ, tình cảm, gia đình cũng thấy phấn khởi, cũng đỡ vất vả.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hóa) đã có 51 CLBLTHTGN hoạt động với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng; chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; hỗ trợ vay vốn tăng thu nhập…
Từ năm 2005, với sự trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế và sự tài trợ của một số dự án, Hội Người cao tuổi và một số tổ chức đã phối hợp chính quyền một số địa phương xây dựng thí điểm CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Mỗi CLB được hỗ trợ ban đầu số tiền hoặc hiện vật trị giá từ 50 đến 100 triệu đồng để làm quỹ cho các thành viên vay tăng thu nhập, với lãi suất tối đa là 1%/ tháng. Toàn bộ số tiền lãi nộp vào quỹ của CLB để duy trì các hoạt động chung.
Kết quả nghiên cứu đánh giá về tác động của CLB LTHTGN của Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, CLB là mô hình có tác động toàn diện tới người cao tuổi và cộng đồng. Các thành viên được vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, có thể tăng 50% thu nhập sau ba năm, góp phần giảm nghèo cho người cao tuổi và gia đình. Sức khỏe của thành viên tốt lên do rèn luyện và có kiến thức tự chăm sóc. Những hoạt động của CLB tạo sức lan toả trong cộng đồng, theo đúng phương châm “sống vui, sống khoẻ, sống có ích”.
Đa dạng cách làm, huy động vốn
Trong số khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu, nếu không có sự hỗ trợ của con cái hoặc không có tài sản tích lũy, họ buộc phải tiếp tục lao động kiếm sống. Do đó, cùng với sự bảo đảm từ ngân sách Nhà nước, quỹ lương hưu, những giải pháp mềm với cách làm từ cộng đồng như các câu lạc bộ, hội, đoàn thể, trong đó có CLBLTHTGN giúp người cao tuổi có khả năng tự lao động sản xuất bình thường phù hợp với khả năng của mình….”Đây là giải pháp hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo vì phần lớn số người cao tuổi hiện nay đang sống ở khu vực phi chính thức, nông thôn… những đối tượng ngoài diện điều chỉnh chính sách của việc tăng tuổi nghỉ hưu”, bà Ngô Thị Mến cho biết.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Trong khi mọi chuẩn bị về mặt an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở đầu tư, tích lũy cho đến thị trường lao động thì các giải pháp tạo việc làm cho người lao động có tuổi là cần thiết nhằm phát huy kinh nghiệm của người cao tuổi. Một số tỉnh thành có thể huy động các nguồn vốn quỹ từ giải quyết việc làm tại các được phương để các CLBLTHTGN vay vốn phát triển kinh tế.
Thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau, Trung ương Hội phối hợp với các bộ, ngành triển khai rộng khắp, một số Hội Người cao tuổi các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch thành lập CLB sớm đưa CLB vào hoạt động.
Đến 30/6, có 51 tỉnh thành phê duyệt đề án, kế hoạch thực hiện quyết định 1533/QĐ-TTg, cả nước đã thành lập được 1.458 CLB LTHGN tại 29 tỉnh thành. , trong đó hơn 900 CLB đã được thành lập từ trước khi triển khai Đề án 1533, phần lớn do các dự án tài trợ ở một số tỉnh hoặc do các tỉnh tự nhân rộng.
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam, trong mô hình CLBLTHTGN, người cao tuổi được hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Tổng kết các mô hình thời gian qua cho thấy, hơn 70% thành viên được vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, có thể tăng 30% thu nhập sau 3 năm. Sức khỏe của các thành viên cũng tốt lên do rèn luyện và có kiến thức tự chăm sóc. Người già neo đơn được tình nguyện viên đến nhà chăm sóc, được khám bệnh miễn phí, được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn nhất là nguồn vốn nên các tỉnh cần cụ thể hóa các dự án để người cao tuổi có thể vay vốn được.
Trong gần 2 năm qua, một số tỉnh đã bước đầu thành công trong việc vận động chính quyền hỗ trợ nguồn vốn để phát triển kinh tế, hoạt động của CLB như Hà Giang, Lai Châu, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Hải Dương… Một số tỉnh huy động từ Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi cấp tỉnh, huyện như Thanh Hóa, Bế Tre, Hải Phòng, Đà Nẵng… Các cấp Hội đã huy động đóng góp từ các thành viên và cộng đồng đã tạo sự gắn kết của thành viên với CLB. Một số tỉnh đã đề nghị chính quyền vận động các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp cho CLB thông qua hình thức ủng hộ hoặc cho vay không lấy lãi.
Nhờ tiếp cận vốn vay của CLB đã có nhiều hội viên đã tăng thu nhập và tiếp tục tham gia vào các hoạt động kinh tế địa phương. Các hoạt động khám, chữa bệnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tăng cường… “Trong thời gian tới, các địa phương cần nhân rộng mô hình, đồng thời tìm nguồn kinh phí để CLB thành lập mới và duy trì hoạt đông hiệu quả” bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.
Theo XC/Báo Tin tức
Tăng cường phòng chống cháy nổ tại nhà ở
Sau gần một năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh về tăng cường trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp, phương án phòng ngừa cũng như giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ.
Theo báo cáo của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh, trong 3 năm (từ 2015 đến 2017) đã xảy ra 1.173 vụ cháy, trong đó nhà ở hộ gia đình là 578 vụ; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (gọi chung là hộ kinh doanh) là 595 vụ. Thiệt hại về tài sản hơn 3 tỷ đồng và làm chết 24 người. Hiện toàn thành phố có 1.335.126 nhà ở hộ gia đình (không gồm các căn hộ chung cư, nhà ở các khu đô thị, khu dân cư mới chưa thành lập tổ dân phố) với 57.241 căn nhà có nguy hiểm về cháy, nổ do được xây dựng bằng vật liệu dễ cháy và có hệ thống điện không an toàn.
Theo nhận định của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố, qua điều tra nguyên nhân các vụ cháy, nổ xảy ra thời gian qua cho thấy, ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ cơ sở, chủ hộ gia đình không nghiêm, người dân còn chủ quan, lơ là với việc phòng cháy và chữa cháy, xem nhẹ sự an toàn cho chính bản thân và gia đình mình như: Vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện; sơ suất, bất cẩn trong việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; sắp xếp hàng hóa không đủ khoảng cách an toàn, lấn chiếm lối thoát nạn...
Trước những nguy cơ cháy, nổ cao tại nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố, ngay từ đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều kế hoạch cùng các giải pháp cụ thể hướng đến mục tiêu kiềm chế, kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và chữa cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh) cho hay, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; đồng thời tiếp tục duy trì công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình toàn bộ công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn. Để góp phần giảm các vụ cháy, nổ xảy ra, người dân cần quan tâm đến việc phòng cháy và chữa cháy nơi mình sống như: Tìm hiểu kiến thức, tham gia tập huấn chữa cháy, trang bị bình cứu hỏa mi ni; thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình và cẩn thận khi thắp hương, thờ cúng trong nhà, không để bàn thờ sát những đồ vật dễ cháy...
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố và Bộ Công an xây dựng ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng cháy và chữa cháy nhằm tiếp tục kéo giảm tình hình cháy trên địa bàn; tham mưu UBND thành phố ban hành, triển khai thực hiện quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh, cũng như tổng kiểm tra, rà soát xử lý các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ xen cài trong khu dân cư; đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đẩy mạnh tuyên truyền; cảnh báo, khuyến cáo người dân về nguy cơ cháy, nổ...
Để hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn xảy ra, nhất là những nhà ở kết hợp kinh doanh, hơn ai hết các chủ hộ kinh doanh phải tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tại các chung cư, người dân cần bảo quản tốt các thiết bị chữa cháy đã được trang bị, nếu phát hiện hỏng hóc phải báo ngay cho ban quản lý tòa nhà.
Thanh Tàu
Theo hanoimoi
Dân số Thủ đô: Hành trình vượt qua thách thức Kể từ khi điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2008) đến năm 2017, dân số Thủ đô đã tăng từ hơn 6,6 triệu người lên hơn 7,6 triệu người. Cùng với mức tăng dân số tự nhiên, vấn đề chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao, già hoá dân số, chất lượng dân số không đồng đều... đang...