Hỗ trợ sinh con gái: Bao nhiêu cho đủ?
Chính sách hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề được cho là gây lãng phí, không hiệu quả.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả khi chính sách hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con gái một bề được thực hiện.
Chính sách không tưởng
Nghi ngờ hiệu quả của Đề án, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) phân tích: “Thử hỏi, trong xã hội, những đối tượng thích sinh con trai là ai? Đó chính là những giới có tiền, có kiến thức mới sinh thêm con trai, còn đối với người vùng sâu vùng xa thì chuyện sinh con trai hay con gái cũng không quan trọng lắm. Trong khi đó các đối tượng giàu, sinh hai con gái rồi muốn sinh thêm con trai thực tế cũng không cần hỗ trợ”.
Theo ông Tiến, vô hình trung, việc làm trên lại càng tăng thêm định kiến, thậm chí là khẳng định các định kiến về giới vốn có sẵn trong xã hội. “Sau này giả sử tỷ lệ giới tính lại lật ngược lại, giới tính nữ lại áp đảo thì chính sách lại không phù hợp. Vì thế, biện pháp lâu dài cần phải tăng cường truyền thông và thay đổi hành vi nhận thức, đồng thời giám sát, xử lý tình trạng chẩn đoán giới tính thai nhi…”, ông Tiến nói.
Có ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ sinh con gái sẽ dễ bị “hớ” (Ảnh minh họa)
Là một trong những người ngay từ đầu đã không đồng tình với ý tưởng hỗ trợ sinh con gái một bề, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nhận định: Đề án không những không làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước một cách không cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Chuyên viên Vụ Bình đẳng giới, nêu kiến nghị: “Bất cứ một văn bản pháp quy nào trước khi ban hành cũng đều cần phải lấy ý kiến của người dân, những đối tượng chịu sự quy phạm của văn bản đó. Nên chăng với chính sách này, Bộ Y tế cũng nên thăm dò ý kiến của chính những gia đình sinh con một bề, để xem họ có cần được hỗ trợ hay không?”
“Cá nhân tôi cho rằng đây là chính sách không tưởng và cũng không cần thiết phải đưa ra một chính sách đi ngược lại với số đông người dân…”, bà Hồng nhận định.
Nhiều không có, ít không thông
Video đang HOT
Bộ Y tế cho biết, Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020, trong đó có đề án nhỏ hỗ trợ kinh tế gia đình sinh con gái một bề sẽ tiêu tốn khoảng 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, những gia đình sinh con một bề là gái sẽ được hỗ trợ tiền mặt, con gái của các gia đình này sẽ được miễn giảm học phí, ưu tiên cộng điểm cho nữ trong các kỳ thi đại học, cao đẳng, được ưu tiên học nghề, xin việc…
Theo ông Nguyễn Đình Cử , nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, một chính sách liên quan đến tâm tư, tình cảm của hàng triệu gia đình và tiêu tốn kinh phí lớn thì nên cẩn trọng. “Nếu gọi là tạo động lực kinh tế thì quá nhẹ rồi vì chắc chắn không có nhiều tiền đâu, còn bảo hỗ trợ về tinh thần thì cũng khó, không thấm vào đâu so với những người “mắc bệnh di truyền khát con trai” đã có từ hàng trăm đời nay trong nếp nghĩ của người dân”.
Ông Cử tỏ ra băn khoăn với câu hỏi nếu có hỗ trợ thì bao nhiêu mới đủ, liệu chính sách có bị rơi vào thế: “Nhiều không có,ít thì không thông”. “Với những gia đình có khát vọng con trai, đây là đối tượng chính gây nên mất cân bằng giới tính khi sinh thì bao nhiêu cũng là ít, thậm chí là thưởng cả tiền triệu”, ông Cử nói.
Thêm vào đó, chính sách trên sẽ rất dễ bị “hớ” với những trường hợp người dân đã nhận tiền nhưng vẫn sin thêm con. “Độ tuổi sinh đẻ của chị em phụ nữ kéo dài đến khoảng 49 tuổi. Giả sử, một phụ nữ sinh con đúng theo kế hoạch thì 27 tuổi đã có hai con. Nếu thưởng cho họ ngay thì ai đảm bảo rằng hơn 20 năm nữa họ không thay đổi ý định sinh con? Khi ấy có đòi lại tiền không? Có đòi được không? Có khi lại là chủ đề để dư luận phê phán chính sách thưởng tiền của Nhà nước”, ông Cử phân tích.
Theo ông Cử, ngay lúc này, khi chính sách trên còn chưa được phê duyệt, Việt Nam nên nghiên cứu kỹ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc. “Trung Quốc đã thưởng tiền cho các gia đình sinh con gái, cấp 600 nhân dân tệ/tháng cho cha mẹ lúc về già khi có hai con gái nhưng tỉ số giới tính khi sinh của Trung Quốc vẫn tăng lên không ngừng”, ông Cử cho biết.
Theo 24h
3.000 tỷ đồng hỗ trợ sinh một bề gái
"Trong toàn bộ Đề án can thiệp giảm thiểu mức cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đề xuất từ năm 2013 đến năm 2020, dự kiến kinh phí đề xuất 3.000 tỷ đồng"- ông Dương Quốc Trọng, cho biết.
Trong buổi giao lưu trực tuyến "Đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái", ngày 28/2, phóng viên đã có cuộc trao đổi với T.S Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình.
PV: Thời gian qua, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Vậy hiện nay, một số tỉnh đã thực hiện chính sách ưu tiên nữ, cụ thể ra sao thưa ông ?
TS. Dương Quốc Trọng: Để giải quyết vấn đề án mất cân bằng giới tính khi sinh, Tổng cục DS-KHHGĐ đã xây dựng Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và triển khai tại 43 tỉnh, thành phố trong cả nước. Một trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra trong đề án là "khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái, gia đình sinh con một bề là gái".
Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều triển khai các hoạt động nêu trên, đặc biệt là việc tôn vinh những gia đình thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ mà sinh con một bề là gái.
Tại Phú Yên còn tôn vinh các bà mẹ sinh con một bề mà sản xuất kinh doanh giỏi. Mỗi trường hợp được tôn vinh được tặng một món quà có ý nghĩa vinh danh. Có nơi còn được tặng giấy khen của UBND huyện. Tại Thái Bình, còn tặng mỗi gia đình sinh con một về một chiếc quạt cây trị giá 1 triệu đồng...
Vậy những chính sách, quy định mang tính hỗ trợ kinh tế đến với những gia đình sinh con một bề là gái khi nào được áp dụng thưa ông?
Tại các tỉnh, thành phố mới chỉ có các hoạt động (bao gồm cả quà tặng) mang tính tuyên truyền, tôn vinh. Những chính sách, quy định mang tính hỗ trợ kinh tế một cách trực tiếp với tất cả các đối tượng sinh con một bề là gái thì chưa. Chính vì vậy, chúng tôi mới có đề xuất này và đưa vào trong Đề án can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020 và trình Chính phủ. Nếu được Chính phủ phê duyệt, chính sách sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Từ năm 2013 đến năm 2020, dự kiến kinh phí đề xuất 3.000 tỷ đồng để giảm thiểu mức cân bằng giới tính khi sinh. (Ảnh minh họa)
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với những gia đình sinh con một bề là nữ chỉ có giá trị tạm thời. Đôi khi trở thành sự an ủi vỗ về các gia đình sinh hai con gái, cũng có khi trở thành tác dụng ngược. Vậy ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Trước nhất tôi phải nhấn mạnh rằng, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đã tìm ra 3 nhóm nguyên nhân và cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp tương ứng.
Trong đó nhóm giải pháp về tuyên truyền, vận động, giáo dục là nhóm giải pháp quan trọng nhất và bền vững nhất. Nếu như người dân không hiểu, không thay đổi được hành vi thì không thể giải quyết được vấn đề này. Nhưng do tư tưởng thích con trai đã có từ hàng ngàn năm nay nên việc thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi cần có thời gian chứ không thể một sớm, một chiều.
Nhưng nếu chúng ta không xử lý vấn đề này một cách quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ thì sẽ để lại những hệ luỵ rất lớn cho dân tộc và cho sự phát triển bền vững quốc gia.
Vì vậy, chúng ta phải có nhóm giải pháp thứ hai là khuyến khích, hỗ trợ kinh tế cho những người sinh con một bề là nữ. Tôi cho rằng, không ai vì đồng tiền mà từ bỏ ý định sinh con trai. Tôi nhận thấy, việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn và đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là nữ. Điều đó giá trị hơn tiền rất nhiều và có giá trị nhân văn sâu sắc. Xã hội cần ghi nhận điều đó.
Kết quả thống kê ở Việt Nam cho thấy những người từ 60 tuổi trở lên, cứ 1 cụ ông có 1,5 cụ bà; 80 tuổi, 1 cụ ông có 2 cụ bà; 85 tuổi, 1 cụ ông có 2,5 cụ bà.
Như vậy, ở VN hiện nay, về tỷ số giới tính trong toàn bộ dân số không có hiện tượng mất cân bằng (98,1 nam giới/100 nữ) nhưng đang có hiện tượng mất cân bằng giới tính một cách trầm trọng ở 2 cực của cuộc sống, trẻ em đang trong tình trạng "thừa" nam giới và người cao tuổi đang trong tình trạng "thiếu" nam giới.
Quan điểm của ông như thế nào với ý kiến cho rằng đề án này sẽ không khả thi?
Tôi cho rằng việc hỗ trợ này mang tính nhân văn. Kinh nghiệm của chúng ta trong những năm qua đã thấy rất rõ, chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền, số người sử dụng các phương tiện tránh thai ta đều có sự hỗ trợ.
Ví dụ như người đặt vòng tránh thai thì ngoài việc miễn phí phương tiện tránh thai, miễn phí tiền thuốc, miễn phí công đặt, thậm chí lại còn được thêm tiền.
Người triệt sản được miễn phí toàn bộ, trong chu kỳ 2006 -2010 vừa qua mỗi trường hợp triệt sản đều được 200 nghìn từ nguồn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt các tỉnh miền Tây nam bộ đã huy động tới gần 1 triệu hỗ trợ cho người đi triệt sản.
Còn hiện nay, chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Bộ Tài chính và Bộ Y tế vừa kí, mỗi người triệt sản được 300 nghìn đồng. Từ trước đến giờ không ai nói rằng coi thường kế hoạch hóa gia đình trong đó có triệt sản. Vậy việc hỗ trợ cho người sinh con gái thì đây là hỗ trợ mang tính nhân văn và các quốc gia trên thế giới đều làm.
Riêng cá nhân tôi, tôi tin rằng giải pháp cơ bản lâu dài là tuyên truyền vận động giáo dục nhưng cái giải pháp ấy hiệu quả, kết quả chậm nhất.
Giải pháp hỗ trợ, khuyến khích là giải pháp tình thế, khẳng định nó không phải là giải pháp mãi mãi nhưng nó mang ý nghĩa tức thì, có tác dụng sớm.
Chính sách hỗ trợ sinh con 1 bề là gái sẽ chiếm 1 ngân sách nhất định nhưng so với tổng thể ngân sách nhà nước, so với sự phát triển của đất nước thì lại là nhỏ. Trong toàn bộ Đề án can thiệp giảm thiểu mức cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đề xuất từ năm 2013 đến năm 2020, dự kiến kinh phí đề xuất 3.000 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!
Theo 24h
Chế giễu sinh con một bề: Căn cứ nào? Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định phạt tiền từ 500.000 -1.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh con một bề khó khả thi trong thực tế. Khó xác định hành vi chế giễu hay vui đùa Trong một nghiên cứu của Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình về các yếu tố...