Hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XV vừa ban hành Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 11/8/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Nhân viên y tế chốt kiểm soát dịch COVID-19 Đu Lau, xã Tân Lang, huyện Phù Yên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN
Theo đó, phạm vi và đối tượng áp dụng gồm: Lực lượng tham gia tổ công tác liên ngành tại các trạm kiểm soát phương tiện giao thông phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh do cấp tỉnh, cấp huyện thành lập; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ vùng dịch trở về địa phương (thuộc diện tỉnh đón về hoặc được tỉnh ủy quyền đón về); người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do và các trường hợp đặc biệt khác) làm việc trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nghị quyết quy định rõ nội dung và mức hỗ trợ từng đối tượng. Cụ thể, đối với lực lượng tham gia tổ công tác liên ngành tại các trạm kiểm soát phương tiện giao thông phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh do cấp tỉnh, cấp huyện thành lập, mức hỗ trợ là 130.000 đồng/người/ca (8 giờ); hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ. Thời gian hỗ trợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền và số ngày công thực tế.
Hỗ trợ một lần đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ vùng dịch trở về địa phương (thuộc diện tỉnh đón về hoặc được tỉnh ủy quyền đón về) là 500.000 đồng/người thuộc hộ nghèo và 300.000 đồng/người thuộc hộ cận nghèo.
Hỗ trợ người bị nghỉ việc do tạm dừng sản xuất, kinh doanh dưới 30 ngày là 50.000 đồng/người/ngày (số ngày thực tế tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền). Hỗ trợ một lần cả đợt dịch (theo công bố dịch của cấp có thẩm quyền) bị nghỉ việc do tạm dừng sản xuất kinh doanh từ 30 ngày trở lên là 1.500.000 đồng/người. Trường hợp chính sách quy định tại Nghị quyết này trùng với chính sách do Trung ương ban hành chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.
Nguồn kinh phí thực hiện trích từ ngân sách địa phương và nguồn huy động tài trợ, ủng hộ theo quy định của pháp luật. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
* Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa tỉnh Cà Mau tuy đã được kiểm soát, song tình hình diễn biến còn phức tạp. Bên cạnh tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi, vận động cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực đóng góp bằng nhiều hình thức vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, nhằm đáp ứng tốt nguồn lực, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và kịp thời hỗ trợ, san sẻ khó khăn của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Video đang HOT
Với cơ sở vật chất hiện đại, Phòng khám Đa khoa Thành Lợi được bố trí thành điểm tiêm vaccine cho hơn 1.200 người dân khu vực phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN
Tính đến sáng 13/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau vận động Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh được trên 25,5 tỷ đồng và vật chất (gạo, mì gói, cá khô, mắm…) trị giá gần 1,4 tỷ đồng của hơn 480 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và khoảng 100 lượt cá nhân ủng hộ, đóng góp vào Quỹ.
Tỉnh đã hỗ trợ tiền mặt và nhu yếu phẩm với tổng trị giá gần 14 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn trong, ngoài tỉnh và hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch COVID-19, khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chính quyền, đoàn thể các địa phương tổ chức cấp phát trên 342 tấn gạo cho 16.874 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khó khăn trên địa bàn tỉnh; vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp vật chất trị giá hơn 800 triệu đồng để giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung hơn 300 triệu đồng gồm tiền mặt và hiện vật.
Thông qua Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh hỗ trợ (3 đợt) cho gần 5.000 người Cà Mau đang lao động, học tập, điều trị bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn về cuộc sống do ảnh hưởng dịch COVID-19. Mỗi suất hỗ trợ gồm tiền mặt, gạo, mì gói, rau củ quả và nhu yếu phẩm khác, với tiền mặt gần 4 tỷ đồng và hiện vật trị giá 5,4 tỷ đồng. Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ đợt 4 cho gần 4.300 người dân đang gặp khó khăn trong cuộc sống tại đây.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau còn hỗ trợ đồng hương tại Cần Thơ 1 tấn gạo và 200 kg cá khô; TP Hồ Chí Minh 10 tấn tôm, 50 tấn gạo; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương mỗi tỉnh 25 tấn gạo để kịp thời hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau còn trích 3 triệu đồng từ Quỹ Cứu trợ của tỉnh hỗ trợ hộ ông Phạm Văn Non (ngụ tại ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh) có người thân tử vong do COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.
Triển khai toàn quốc phần mềm quản lý công dân vùng dịch
Ngày 11/8, Bộ Công an cho biết đã chính thức đưa vào triển khai toàn quốc phần mềm quản lý công dân vùng dịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người dân khi qua các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại Phú Yên thực hiện khai báo bằng QR code rất thuận lợi. Xuân Triệu/TTXVN
Phần mềm quản lý công dân vùng dịch trên nên tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) họp bàn với các đơn vị liên quan để xây dựng phần mềm, hệ thống, máy móc, thiết bị sử dụng, tận dụng không phát sinh kinh phí đầu tư mới, được lắp đặt và vận hành tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.
Sau khi triển khai thí điểm tại Hà Nội và Quảng Ninh, hệ thống đã thu thập hơn 1.500 dữ liệu công dân và hơn 1.000 kê khai bằng giấy do không có thiết bị thông minh. Bước đầu nhận định, các kê khai đều đảm bảo chính xác. Dữ liệu kê khai được lưu lại trên hệ thống và sử dụng qua nhiều chốt trạm kiểm dịch trên cả nước.
Để triển khai toàn quốc, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có văn bản gửi Giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và triển khai thực hiện phần mềm quản lý công dân vùng dịch tại địa phương từ 11/8.
Các bước thực hiện kê khai, kiểm tra và truy vết
Công dân thực hiện đăng ký khai báo y tế (qua máy tính, điện thoại thông minh có kết nối Internet) trước khi đi qua trạm kiểm soát dịch bệnh tại địa chỉ: https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn tương tự như khai báo qua các ứng dụng của Bộ Y tế tuy nhiên bổ sung thêm thông tin thường trú, lưu trú, tạm trú sau khi nhập đủ thông tin, hệ thống sinh ra mã QR code để cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin.
Cán bộ Công an tại chốt kiểm dịch (sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối Internet) kiểm tra thông tin công dân khai báo y tế bằng QR code tại địa chỉ https://kiemdich.dancuquocgia.gov.vn, mã QR code được sinh ra sau khi công dân khai báo y tế xong bên trên.
Trước đó, cán bộ Công an tại chốt kiểm dịch được cấp tài khoản để truy nhập phần mềm và đối chiếu thông tin công dân đã khai báo với giấy tờ tùy thân, chứng minh thư/căn cước công dân và xác nhận thông tin công dân khi đi qua chốt kiểm dịch. Trường hợp công dân không có điện thoại Smartphone để khai báo, cán bộ trạm kiểm soát phát phiếu khai báo y tế (mẫu thông tin khai báo y tế do Bộ Công an xây dựng) cho người dân để kê khai.
Sau khi kê khai, cán bộ tại trạm kiểm tra đối chiếu với giấy tờ tùy thân và xác nhận thông tin công dân đi qua. Với các tờ phiếu khai báo y tế được người dân kê khai, cán bộ tại trạm kiểm soát tiến hành lưu thông tin khai báo y tế cho người dân tại địa chỉ: https://kiemdich.dancuquocgia.gov.vn. Sau khi cán bộ tại chốt kiểm dịch xác nhận thông tin công dân, hệ thống sẽ lưu lại thông tin và tiến hành xác thực thông tin công dân qua kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hàng ngày, cán bộ Công an được giao trách nhiệm thực hiện thống kê, báo cáo tình hình công dân ra/vào vùng dịch; truy vết đối với người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công dân khi sử dụng phần mềm sẽ kịp thời cập nhật thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh nơi công dân sinh sống, làm việc, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa; chủ động kê khai trước thông tin, tạo mã QR Code để kiểm tra qua chốt kiểm dịch, không mất thời gian kê khai giấy thủ công, giảm ùn tắc.
Đối với cơ quan quản quản lý, dữ liệu sau khi công dân kê khai được kiểm duyệt, xử lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo xác định chính xác thông tin công dân kê khai. Thông tin này được thông báo về cấp phường/xã nơi công dân đi, đến để quản lý kịp thời đúng thông tin và con người thực tế. Qua đó truy vết lộ trình di chuyển của công dân dễ dàng, nhanh chóng, chính xác nhất và tiết kiệm chi phí trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Hiện, Bộ Công an đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm để triển khai các giai đoạn tiếp theo giúp nâng cao hiệu quả phòng chống dịch. Cụ thể, giai đoạn 2 triển khai mở rộng việc thực hiện kiểm soát ra/vào tại các nơi đông người (siêu thị, bến tàu xe). Giai đoạn 3 triển khai thực hiện quản lý người dân trong vùng dịch, công dân nhập cảnh phục vụ phòng chống COVID-19.
Phản ứng gay gắt, quanh co của người ra đường không lý do khi bị kiểm tra Dù biết quy định chỉ ra ngoài khi cần thiết, nhưng không ít người ra đường không có lý do chính đáng vẫn tìm cách quanh co, thậm chí phản ứng gay gắt để mong lực lượng chức năng không xử phạt. Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Trần Quốc Hoàn (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội). Hai ngày qua, theo...