Hỗ trợ kịp thời sản xuất, kinh doanh
Với nguồn vốn 650 tỷ đồng bổ sung, tính đến năm 2020, TP đã bố trí và ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội là 1.020 tỷ đồng để thực hiện cho vay ưu đãi với các đối tượng ưu tiên chính sách của TP, nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh TP Hà Nội. Ảnh: Thảo Nguyên
Hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ chịu ảnh hưởng nặng
Gia đình chị Nguyễn Thị Thơm ở tổ 1, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm vốn tạm đủ sống bằng nghề làm bún nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường, chợ búa ế ẩm, bún không bán được nên sản xuất cầm chừng, tồn 2 – 3 tấn gạo. Nghe thông tin Chính phủ và TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại, chị Thơm rất mừng, nếu được giãn, gia hạn nợ thì đỡ được phần nào khoản nợ 50 triệu đồng trước đó.
Cùng với những tháo gỡ, giải pháp của Chính phủ, UBND TP, Thường trực HĐND tiếp tục rà soát các đối tượng còn lại bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội, kịp thời hỗ trợ, bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, việc làm và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn ngay sau dịch bệnh xảy ra.
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà
Gia đình chị Trương Thị Huyền ở tổ 2, phường Phú Đô trước đây cũng được vay vốn NHCSXH để kinh doanh nhỏ tại nhà, nay đến kỳ trả nợ cũng gặp khó khăn do dịch bệnh. Chị kể, trước khi dịch bệnh xảy ra, việc kinh doanh của gia đình rất ổn định, trừ tất cả các khoản chi phí, mỗi tháng cũng lãi hơn chục triệu đồng. Từ khi dịch bùng phát, việc kinh doanh bị ảnh hưởng. “Tôi đã đầu tư rất nhiều vốn để nhập hàng Hè nhưng giờ không thể bán được vì phải đóng cửa hàng. Nếu tình hình dịch bệnh phải kéo dài thì không biết phải xoay xở ra sao” – chị Huyền lo lắng. Biết được chủ trương của NHCSXH, chị Huyền rất phấn khởi. “Để tháo gỡ khó khăn, tôi mong muốn các cấp chính quyền miễn và giảm lãi cho đến khi hết dịch bệnh” – chị Huyền bày tỏ.
Theo bà Lê Thị Phượng – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phú Đô, Hội có hơn 280 hộ đang vay vốn của NHCSXH Hà Nội. Đến thời điểm này, 80% số hộ gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đối với các hộ, được gia hạn nợ chưa phải trả ngân hàng trong lúc khó khăn này là rất ý nghĩa. Hơn nữa, khi hết dịch bệnh mà lại được vay vốn bổ sung để tiếp tục làm nghề là mong muốn của rất nhiều hộ.
Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn
Video đang HOT
Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và đặc biệt là dịch bệnh Covid- 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất của người nghèo và các hộ chính sách trên địa bàn. Sau khi được HĐND TP thông qua, Hà Nội bổ sung nguồn vốn ngân sách TP ủy thác cho Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội năm 2020 là 650 tỷ đồng; thứ nhất, ưu tiên cho hộ được giãn nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn. Thứ ba là các đối tượng chính sách khác. Cuối cùng là cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, DN vừa và nhỏ thu hút lao động.
Với nguồn vốn 650 tỷ đồng bổ sung, tính đến năm 2020, TP đã bố trí và ủy thác cho NHCSXH là 1.020 tỷ đồng để thực hiện cho vay ưu đãi với các đối tượng ưu tiên chính sách của TP. Với nguồn vay ưu đãi này, theo thống kê sẽ đáp ứng được khoảng 25.000 khách hàng có nhu cầu vay và giải quyết được rất nhiều người lao động chưa có việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp có khoảng 17.000 lượt lao động bị ảnh hưởng. Sự đồng hành kịp thời của chính quyền với người dân Thủ đô là một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống.
Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Nguyễn Thị Đức Hạnh cho biết, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp cần nắm bắt diễn biến của dịch bệnh Covid-19, chủ động thường xuyên rà soát những trường hợp khách hàng vay vốn bị thiệt hại để có biện pháp gia hạn nợ, cho vay bổ sung khôi phục sản xuất, kinh doanh. Với 650 tỷ đồng vừa được ủy thác, NHCSXH Hà Nội sẽ kịp thời tham mưu phân bổ nguồn vốn về địa phương để người dân tiếp cận ngay, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cuộc sống.
Thảo Nguyên
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: DNNVV là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng giải cứu các tập đoàn lớn cũng là việc cần làm!
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một đề xuất một số kiến nghị chung về biện pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhân Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 10/4.
Đầu tiên, ông Lộc đề nghị Chính phủ phải chú trọng "5 mũi giáp công": Mở ngân khố, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh thể chế và khai thị trường.
Theo ông, quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ rất cao và các giải pháp được đưa ra như vậy là khá đồng bộ. Nỗ lực của các bộ ngành, địa phương rất đáng được trân trọng, nhưng kết quả còn chưa được như mong muốn.
"Cảm giác chung là, trên trận tuyến chống đỡ dịch bệnh, thì chúng ta có thể yên tâm, nhưng trong hỗ trợ doanh nghiệp thì chúng ta không thể không quan ngại", ông nói.
Nguyên nhân việc thực hiện các chủ trương chính sách mà trực tiếp là Chỉ thị 11, 16 của Thủ tướng còn chậm và thiếu nhất quán. Bên cạnh đó, nếu đã xác định phải thực hiện nhiệm vụ kép chống dịch là ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng, thì dường như việc hỗ trợ doanh nghiệp đã chưa được triển khai thật quyết liệt, khẩn trương, rốt ráo như chống dịch và vẫn có hiện tượng mỗi địa phương làm một kiểu.
Ông Lộc cũng đề cập đến việc khái niệm sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đang được hiểu khác nhau được hiểu rất khác nhau.
Cụ thể, ông cho rằng sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu không thể nào quan niệm chỉ bao gồm khâu lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm cuối cùng, mà còn bao gồm cả khâu sản xuất nguyên, nhiên vật liệu, dán nhãn, bao bì.
"Ai bảo sản xuất chip Intel là không thiết yếu, phải ngừng sản xuất, khi linh kiện này là thành tố không thể thiếu để sản xuất các thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho chữa trị Covid-19, phục vụ cho điều trị y tế từ xa ? Ai bảo nhà máy sản xuất bìa carton là không thiết yếu, phải ngừng sản xuất, khi nếu không có bao bì thì lấy gì đóng gói chở máy trợ thở đến với các bệnh nhân ?... Tất cả đều liên quan - nguyên lí sản xuất chuỗi là như vậy", ông nói.
Vậy nên, dù không thể mất cảnh giác trước dịch bệnh, ông Lộc cho biết vẫn muốn đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà xét, dỡ bỏ ngay các quy định bất hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh - trừ những ngành, những lĩnh vực rất hạn chế phải ngừng hoạt động do yêu cầu chống dịch như hàng không, nhà hàng, du lịch...
"Khi hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm quy mô sản xuất, hay đóng cửa ngừng hoạt động thì doanh nghiệp nào còn có thị trường, có nguyên liệu để có thể duy trì được sản xuất kinh doanh, chúng ta phải rất trân quý, chắt chiu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ với điều kiện họ phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh", ông nói.
Theo đó, để trợ giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này, ông Lộc đề nghị Chính phủ ban hành ngay danh mục các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi giá trị, để có phương án chủ động bảo đảm sản xuất cung ứng các mặt hàng này được thông suốt ngay cả trong trường hợp phải siết chặt thêm các biện pháp cách ly hay phong tỏa.
Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng, ở giai đoạn hiện nay, ông Lộc cho biết là phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng.
Các biện pháp đều hướng đến mục tiêu trọng tâm là "trợ giúp" chứ chưa cần "giải cứu" cho doanh nghiệp. Chủ yếu là các biện pháp giúp doanh nghiệp hạ được giá thành, cải thiện khả năng thanh khoản, để có thể cầm cự hay "ngủ đông".
Hai công cụ quan trọng nhất của Chính phủ vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng. Các biện pháp khác đóng vai trò bổ trợ.
Khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các doanh nghiệp bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì kịch bản "giải cứu" sẽ được triển khai.
Lúc đó, trọng tâm chính sách là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của nhà nước, thậm chí nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, để tránh đổ vỡ dây chuyền.
Theo ông, DNNVV là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng việc giải cứu các tập đoàn lớn cũng là việc cần làm.
Bên cạnh đó, cần tăng đầu tư công vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng những cơ sở hạ tầng của tương lai như công nghệ thông tin, viễn thông và chuyển đổi số... là hướng đi quan trọng vừa để kích cầu vừa tạo lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Mặt khác, trong thời kỳ dịch bệnh, sẽ có một bộ phận lớn doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường như một phần sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt.
Do đó, ông nhận định định hướng chính sách cũng cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh.
"Hỗ trợ là hỗ trợ phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh", ông nói và lưu ý: "Hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng sẽ không chỉ giúp nền kinh tế không đổ vỡ khi dịch bệnh mà còn định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi".
Ngoài ra ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh đến việc tận dụng thị trường nội địa cũng như thành lập ngay Ban chỉ đạo và Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch với sự tham gia của các hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại.
Đức Minh
EVN đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống Tâp đoan Điên lưc Viêt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đang tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động tại Trung tâm điều khiển hệ thống điện Quốc gia. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN...