Hỗ trợ đúng đối tượng
Các cơ quan chức năng cần hết sức tỉnh táo trong các khâu rà soát đối tượng thực sự bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 , để không bỏ sót doanh nghiệp , hộ kinh doanh cá thể thực sự khó khăn, nhưng cũng không để lọt những phần tử cơ hội trục lợi chính sách .
Rà soát kỹ để nguồn vốn hỗ trợ đến đúng đối tượng.
Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 , Chính phủ đã đưa ra chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các gói tín dụng ưu đãi lên tới hơn 300 nghìn tỷ đồng, cùng với đó là giãn, giảm nợ thuế… Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiến tới phát triển lớn mạnh. Trong khi có không ít doanh nghiệp lao đao, phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh, đứng bên bờ vực phá sản khó tiếp cận các gói hỗ trợ, thì một số doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng nhiều của đại dịch lại “lăm le xà xẻo” các gói hỗ trợ.
Bộ Tài chính khẳng định, qua rà soát đã phát hiện một số trường hợp một số cá nhân, tổ chức tuy không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 , nhưng lại viện lý do dịch bệnh để nấn ná chưa chịu nộp thuế cho Nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước khẳng định, có đến gần 80.000 doanh nghiệp hết sức khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã được cơ quan thuế thực hiện chính sách giãn, giảm nợ thuế. Song, cũng kiên quyết không giải quyết đối với một số doanh nghiệp viện cớ dịch bệnh để chây ỳ nộp thuế.
Đáng nói, không chỉ lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ nộp thuế, một số doanh nghiệp còn có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh để trốn thuế. Đối với những trường hợp này, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ, đồng thời sẽ đưa ra những biện pháp mạnh nếu cần thiết, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, truy cứu trách nhiệm về tội trốn thuế. Quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Thuế là sẵn sàng hỗ trợ nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực sự gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng sẽ kiên quyết xử lý những đối tượng chây ỳ, có biểu hiện trốn thuế.
Với một khối lượng hồ sơ đồ sộ của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể xin miễn giảm đủ loại thuế như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…, cơ quan thuế sẽ phải “căng ra” để rà soát, nhằm đảm bảo không bỏ sót doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực sự khó khăn, nhưng cũng không để lọt những đối tượng lợi dụng chính sách để hưởng lợi. Chỉ cần tắc trách, thiếu trách nhiệm, hay có nhấm nháy tiêu cực thì hậu quả sẽ là khó lường đối với các doanh nghiệp nói riêng và với nền kinh tế đất nước nói chung.
Hậu quả đối với doanh nghiệp có hai vế, đó là có trường hợp trục lợi gây thất thoát ngân sách nhà nước, trong khi có doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực sự khó khăn lại không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Những trường hợp trục lợi thì thôi miễn bàn, bởi chỉ cần rà soát chặt chẽ là có thể phát hiện và loại ra. Song, nếu bỏ sót những doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực sự bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ dẫn họ đến hiện trạng nhẹ thì ngừng sản xuất kinh doanh, nặng thì phá sản.
Và tất nhiên càng nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, càng nhiều doanh nghiệp phá sản thì càng nguy hại cho nền kinh tế nước nhà. Làm sao có thể không “nguy” cho nền kinh tế, khi mà đóng góp của các doanh nghiệp chiếm tới 60% GDP ?! Vậy nên chỉ cần hỗ trợ không kịp thời, hoặc bỏ sót không hỗ trợ dẫn đến các doanh nghiệp lao đao, khốn khó không thể phát triển cũng đồng nghĩa với việc giảm thu ngân sách đáng kể. Vậy nên việc rà soát để chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng là vô cùng quan trọng.
Không chỉ xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ thuế, còn có hiện trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh không bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng làm hồ sơ vay vốn ưu đãi lãi suất thấp. Một số khác thì làm hồ sơ xin giãn nợ, giảm lãi vay của các ngân hàng với lý do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên phải ngừng hoạt động, thiếu tiền trả nhân công…
Tóm lại, với bất cứ chủ trương nào của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phục hồi sản xuất kinh doanh, đều có thể bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để hưởng lợi bất chính. Vì thế, các cơ quan chức năng cần hết sức tỉnh táo trong các khâu rà soát đối tượng thực sự bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, để không bỏ sót doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực sự khó khăn, nhưng cũng không để lọt những phần tử cơ hội trục lợi chính sách . Có như vậy mới vực được nền kinh tế phát triển nhanh trong thời gian tới.
Gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội: Cân nhắc đối với nhà ở thương mại
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên linh động cho phép sử dụng gói tín dụng 3.000 tỷ đồng theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 cho cả các dự án nhà ở thương mại được vay vốn trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thị trường khát vốn
Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay trên thị trường BĐS tồn tại một số dòng vốn chính, gồm vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng, vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI, trái phiếu DN. "Tuy nhiên, phần lớn nguồn vốn đổ vào thị trường đều là vốn từ hệ thống ngân hàng, chiếm tới trên 60% tổng số vốn của thị trường" - ông Lực cho hay.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, từ cuối năm 2018, thị trường BĐS bắt đầu rơi vào tình trạng khát vốn. Các dự án nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, bao gồm cả về tài chính và thủ tục hành chính, từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình giảm nguồn vốn trung - dài hạn cho vay ngắn hạn, làm cho nguồn vốn vay của DN bị thu hẹp.
Khách hàng tham khảo thông tin một dự án nhà ở xã hội tại quận Hà Đông. Ảnh: Chiến Công
Không những vậy, lãi suất cho vay có chiều hướng nhích dần, cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay BĐS tăng từ 150% lên 200%, cho thấy DN BĐS có thể gặp khó đối với nguồn vốn vay từ ngân hàng.
"Từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình giảm nguồn vốn vay, dòng vốn đổ vào thị trường BĐS đã bị siết chặt hơn, dẫn đến sự chững lại của thị trường từ năm 2019 đến nay" - ông Châu nhìn nhận.
Linh động cơ chế
Tại Nghị quyết của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ KH&ĐT cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14. Đồng thời bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định gồm: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, qua thực tế triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng thống kê với 1 đồng từ ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm được 33 đồng từ nguồn vốn xã hội (gấp 33 lần) nên rất hiệu quả.
"Như vậy, với khoảng 2.000 tỷ đồng được cấp bổ sung, thì ngân hàng thương mại có thể huy động được từ 60.000 - 66.000 tỷ đồng. Đây là lượng vốn rất lớn, trước những khó khăn về tín dụng của thị trường BĐS, đề nghị Chính phủ linh động cho cả các dự án nhà ở thương mại được vay từ nguồn này" - ông Châu nói.
Từ đầu năm 2020 đến nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của thị trường BĐS tiếp tục giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nghiêm trọng hơn và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào lĩnh vực này cũng giảm mạnh.
Trong 5 tháng đầu năm tổng nguồn vốn thu hút vào BĐS chỉ bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019, đạt khoảng trên 720 triệu USD, khiến cho nguồn vốn của thị trường càng trở nên khó khăn. Vì vậy Chính phủ nên cân nhắc nới rộng các cơ chế về tài chính - tín dụng để hỗ trợ DN.
"Nhà nước cần phải nới rộng hơn các chính sách liên quan đến vấn tài chính - tín dụng, từ việc cơ cấu thêm thời hạn trả nợ gốc, lãi; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập. Đặc biệt là cân nhắc gói kinh tế bổ sung cho ngân hàng thương mại cho cả các dự án nhà ở thương mại được vay." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam
Bất cập gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng Trong khi ngân hàng sẵn sàng cho vay thì khâu xét duyệt hồ sơ gặp trở ngại, cùng với những bất cập trong điều kiện cho vay khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn Sau hơn 1 tháng triển khai gói tín dụng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp (DN) vay để trả cho người lao...