Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ứng phó dịch Covid-19: Giảm thiểu cú sốc
Song song với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới sức khỏe cộng đồng và áp lực đối với hệ thống y tế công cộng, “cơn ác mộng” về nguy cơ tạm ngừng hoạt động, phá sản hay mất việc làm đang đè nặng lên các doanh nghiệp và người lao động trên toàn thế giới. Trong bối cảnh chưa thể vội vã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để duy trì tín hiệu tích cực trong nỗ lực ứng phó với dịch bệnh thời gian qua, các nước đang khẩn trương triển khai hàng loạt chính sách giúp giảm thiểu cú sốc do đại dịch gây ra, đặc biệt là với doanh nghiệp tự chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động trong các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp…
Hàng triệu người lao động trên toàn thế giới bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 81% lực lượng lao động đang bị ảnh hưởng do việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần nơi làm việc. Số người thất nghiệp trên toàn thế giới có thể tăng tới 24,7 triệu người, trên nền số người thất nghiệp sẵn có trong năm 2019 là 188 triệu người. Mức độ ảnh hưởng lớn nhất dự kiến ở các nước Arab, châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương, vượt xa tác động của cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009.
Trước tình cảnh các doanh nghiệp và người lao động phải chật vật xoay sở để vượt qua khó khăn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính các chính phủ trên khắp thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp tài chính với trị giá lên tới 8.000 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục chạy đua với thời gian để áp dụng thêm nhiều gói cứu trợ và hành động cụ thể hơn nữa.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành gói giải cứu kinh tế với quy mô chưa từng có trị giá hơn 2.000 tỷ USD, với 500 tỷ USD hỗ trợ chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tại các tiểu bang và 350 tỷ USD để cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đang yêu cầu Quốc hội bổ sung thêm khoản vay mới trị giá 250 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ khi đã có tới 17.500 công ty có quy mô nhân sự khoảng 500 nhân viên nộp đơn xin vay tiền thông qua các ngân hàng địa phương. Quốc gia láng giềng Canada cũng vừa thông qua chương trình trị giá 52 tỷ USD, trợ cấp lên tới 75% lương cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Video đang HOT
Nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… đã triển khai các biện pháp trị giá hàng tỷ USD để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp. Xứ sở Sương mù vừa tung ra gói giải cứu chưa từng có tiền lệ trị giá gần 400 tỷ USD, tương đương 15% GDP của nước này để thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có thể nộp đơn yêu cầu chính phủ chi trả tới 80% lương cho người lao động, còn các ngân hàng cũng áp dụng lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong lịch sử là 0,1%. Trong khi đó, Thụy Sĩ công bố gói hỗ trợ tài chính mới trị giá hơn 30 tỷ USD, hướng tới các doanh nghiệp nhỏ độc lập, các công ty một thành viên và người lao động. Tâm dịch của Lục địa già là Italia cũng đã thông qua gói thanh khoản 750 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trước dự báo tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể kéo dài nhiều tháng, một số quốc gia đã tập trung vào các biện pháp mang lại hiệu quả trong dài hạn. Bộ Đào tạo sau đại học, khoa học, nghiên cứu và sáng tạo Thái Lan đang tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho khoảng 40.000 người bị mất việc do dịch Covid-19 với chi phí 4,5 triệu USD, trích từ ngân sách tài khóa 2020. Bộ Giáo dục Australia cũng vừa công bố gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên nước này tham gia các khóa học ngắn hạn nhằm tái định hướng và bổ sung nguồn lao động đang thiếu hụt trong một số lĩnh vực. Còn ở Trung Quốc, hoạt động tuyển dụng đã sôi động trở lại khi các doanh nghiệp được hỗ trợ nối lại kinh doanh, với nhu cầu lao động tăng chủ yếu ở các lĩnh vực giáo dục, tài chính, vận tải…
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định, đại dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà đã dẫn đến khủng hoảng thị trường lao động, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Những biện pháp hỗ trợ của nhà nước giúp cân bằng giữa nỗ lực phòng dịch và ổn định cuộc sống cũng là cơ sở để kinh tế thế giới sớm phục hồi sau đại dịch.
Minh Hiếu
Doanh nghiệp da giày chật vật "vượt bão" Covid-19
Thiếu nguyên liệu sản xuất, cạn kiệt vốn trong khi vẫn phải chi trả lương cho người lao động,... là những khó khăn mà các doanh nghiệp da giày đang đối mặt
Gần 3 tháng nay, sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, ngành nghề lao đao. Da giày - một trong những ngành công nghiệp chủ lực của đất nước cũng đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động, đợi cơn bão "Covid-19" đi qua.
Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giày Phúc Yên chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, thị trường tiêu thụ chính của doanh nghiệp là Mỹ và châu Âu đã đóng cửa, ngừng nhập hàng, nhiều đơn hàng bị hủy do dịch bệnh. Đến nay, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa, thông thương trở lại, nguồn nguyên liệu được nhập về nhưng sản phẩm lại bí đầu ra, không tiêu thụ được, khiến tình hình của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Ông Vinh buồn rầu: "Sản lượng giày hiện đã giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước, hết tháng 5 tới không biết tình hình thế nào, doanh nghiệp sẽ đi đâu, về đâu. Do phần lớn sản phẩm sản xuất ra để dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường nội địa bởi giá thành cao".
Chỉ vài ngày nữa Công ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink có thể sẽ phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động do hết vốn, cạn kiệt nguyên liệu.
Từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu đơn hàng cũ, còn đơn hàng đang sản xuất khách hàng đã lùi thời gian giao hàng đến tháng 6, tháng 7. Với tình hình này, doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự sản xuất được đến cuối tháng 4 sau đó sẽ phải tiến hành giãn, giảm lao động hoặc cho nghỉ chờ việc.
"Với quy mô 1.500 lao động, nếu các đơn hàng vẫn không được xuất đi, đơn hàng mới không được ký kết thì sau tháng 4, mỗi tháng doanh nghiệp vẫn phải trả trợ cấp cho người lao động 70% lương tối thiểu vùng, tức là phải chi trả hơn 3 tỷ đồng/tháng, đây là số tiền lớn đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay", ông Trần Quang Vinh cho biết.
Với Công ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink tình hình còn bi đát hơn, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc điều hành cho biết, đây là thời điểm "đen tối" của doanh nghiệp, với đặc thù chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang, cả da giày và may mặc, khó khăn hiện hữu còn lớn hơn nhiều các doanh nghiệp khác.
Đến thời điểm này, vật tư nguyên phụ liệu của công ty đã gần hết, sản xuất bị ngừng trệ, dự tính đến ngày 20/4 sẽ hết nguyên phụ liệu sản xuất. Việc nhập khẩu nguyên liệu hiện giờ là không thể bởi thị trường châu Âu đã đóng cửa, trong khi 70-80% nguyên liệu phải nhập từ Italia, quốc gia đang là tâm dịch của EU. Ban lãnh đạo doanh nghiệp đang rất lúng túng, chưa biết sẽ phải chuyển đổi sản xuất như thế nào để duy trì doanh nghiệp.
Khó khăn tiếp theo là vốn, đối tác khách hàng đã dừng lại các đơn hàng, chưa có thông tin phản hồi để nhận đơn hàng tiếp theo. Các cửa hàng trong nước thì đóng cửa, hoàn toàn không tiêu thụ được sản phẩm, khiến doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn vốn.
Hiện tại, công ty đang sử dụng 300 lao động, để đảm bảo quyền lợi, giữ chân người lao động, doanh nghiệp vẫn đang chi trả mức lương tối thiểu chờ việc cho họ. Thế nhưng, với tình hình tài chính hiện tại, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì được 1 - 2 tháng. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn nữa thì sẽ phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động", ông Nguyễn Hữu Thành lo âu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19 khiến các thị trường mua hàng lớn của ngành da giày - túi xách Việt Nam là Mỹ, EU giảm mạnh đơn hàng, nhất là khi các quốc gia và khu vực này đóng cửa biên giới. So với cú sốc nguyên liệu, cú sốc thị trường nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi không chỉ ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp mà còn là vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động và biến động lao động sau dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý 2, thậm chí quý 3 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại EU, Mỹ giảm mạnh sau các lệnh phong tỏa, đóng cửa điểm bán ở những quốc gia này.
Để gỡ bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, Bộ Công Thương đã kiến nghị cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, 2020; hoãn nộp Thuế VAT đến hết quý 4/2020; Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh; Cho phép miễn nộp phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất; hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng chậm trả, giãn tiến độ giao hàng./.
Chung Thủy
Số tiền hỗ trợ doanh nghiệp tương đương hơn 300 nghìn tỷ đồng Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 10-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá...