‘Hồ sơ Panama’ và vụ cướp vàng chấn động nước Anh
Hồ sơ mật vừa được tung ra cho thấy sự dính líu của Hãng luật Mossack Fonseca với một trong những vụ cướp lớn nhất nước Anh.
Gordon Parry (giữa) bị cảnh sát áp giải năm 1990 – Ảnh: Shutterstock
Mấy ngày qua, dư luận thế giới rung chuyển vì 11,5 triệu tài liệu do nhóm phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) tung ra về hoạt động của Hãng luật Mossack Fonseca, đặt trụ sở tại Panama.
Trong đó, ít nhất 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia cùng người thân, hàng chục chính khách, tỉ phú và người nổi tiếng trong nhiều giới đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty “ma” với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế hoặc thậm chí là rửa tiền.
Bên cạnh những cái tên trong chính giới, thương trường và giới giải trí, số tài liệu được gọi là “ Hồ sơ Panama” này còn hé lộ phần nào sự dính líu của Mossack Fonseca với vụ cướp số tài sản trị giá 26 triệu bảng (80 triệu bảng theo thời giá hiện nay) xảy ra 33 năm trước, theo BBC.
Vụ cướp thế kỷ
Rạng sáng 26.11.1983, một cảnh tượng kinh hoàng đã diễn ra tại kho Brink’s-Mat của Ngân hàng Johnson Matthey Bankers gần phi trường Heathrow, phía tây London. Sáu tên bịt mặt vũ trang hạng nặng xông vào khống chế các nhân viên an ninh, đổ xăng vào hạ bộ của họ và dọa thiêu sống nếu không khai ra mật mã mở kho tài sản. Sau đó, bọn chúng dùng xe tải chở đi 3,5 tấn vàng thỏi, kim cương và tiền mặt.
Đây là một trong những vụ cướp lớn nhất lịch sử nước Anh và được báo chí thời đó gọi là “Vụ cướp thế kỷ”. Ngoài 6 tên trực tiếp ra tay còn có hàng chục người khác dính líu. Sau đó, tất cả đã bị bắt và thụ án nhiều năm tù giam hoặc chết trong các vụ thanh toán nhằm giành giật chiến lợi phẩm.
Tờ The Guardian dẫn lại hồ sơ vụ án cho biết phần lớn số vàng đã bị bọn tội phạm nung chảy rồi đúc lại và tẩu tán thông qua mạng lưới phân phối khắp châu Âu để thu về hàng chục triệu bảng. Trong số tài liệu của “Hồ sơ Panama” có hàng trăm bản fax, thư tín và hồ sơ lưu trữ chứng tỏ một phần số tiền này đã được rửa qua nhiều công ty offshore (công ty bình phong mở ở những nơi có thuế suất ưu đãi “thiên đường thuế” khét tiếng như Panama, Thụy Sĩ, Síp, quần đảo Virgin thuộc Anh… với mục đích trốn thuế hoặc rửa tiền) và tất cả đều dính líu tới Mossack Fonseca.
Video đang HOT
Mưu ma chước quỷ
Theo “Hồ sơ Panama”, vào năm 1984, tức 12 tháng sau vụ cướp Brink’s-Mat, một công ty offshore tên Centre Services đặt tại quần đảo Jersey (Anh) liên hệ với Mossack Fonseca để yêu cầu giúp thành lập một công ty mới ở Panama. Đích thân nhà đồng sáng lập hãng luật là Jrgen Mossack tiến hành thủ tục để lập ra công ty mang tên Feberion và giữ luôn vai trò giám đốc. Sau đó, khoảng hơn 10 triệu bảng Anh đã được đổ vào Feberion cùng nhiều công ty vỏ bọc khác rồi chảy vào tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ, Liechtenstein, Jersey và Isle of Man (Anh).
Theo BBC, nhân vật đứng sau toàn bộ mạng lưới này là chuyên gia rửa tiền khét tiếng thế giới ngầm Gordon Parry, vốn chuyên “tẩy sạch” tài sản phi pháp cho giới tội phạm Anh. Chưa có bằng chứng cho thấy Jrgen Mossack biết rõ về nguồn gốc số tiền được luân chuyển qua các công ty nói trên.
Một điện tín nội bộ rò rỉ từ “Hồ sơ Panama” cho thấy vào năm 1986, một nguồn tin nặc danh đã cảnh báo với Mossack về vụ cướp Brink’s-Mat nhưng ông phớt lờ và thậm chí còn cố vấn cho Parry các thủ thuật tránh khỏi tai mắt của giới thanh tra tài chính.
Parry dùng số tiền đã được rửa mua nhiều bất động sản đắt giá tại Anh cho các thành viên của băng cướp, đồng thời “tự thưởng” một dinh thự rộng lớn ở hạt Kent, được định giá vào khoảng 1 triệu bảng. Năm 1990, kẻ này bị bắt và kết án 10 năm tù giam.
Điều đáng nói là dù xoay đủ cách nhưng nhà chức trách Anh không thể chứng minh ngôi biệt thự này mua bằng tiền phi pháp. Thế là từ sau khi ra tù đến nay, Perry vẫn đang ung dung sống cùng vợ tại đây.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Quả bom vụ rửa tiền khủng phát nổ
Những tên tuổi thuộc hàng "tinh hoa" nhất của thế giới đã bị điểm danh trong vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử tài chính toàn cầu.
Hãng luật Mossack Fonseca đang là tâm điểm điều tra sau vụ rò rỉ khổng lồ - Ảnh: Reuters
Ngày 4.4, giới truyền thông thế giới đua nhau tung lên trang nhất những thông tin chấn động thu được từ hơn 11 triệu tài liệu do Nhóm phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) tung ra. Thành viên của ICIJ đến từ hơn 100 cơ quan truyền thông quốc tế như The Washington Post (Mỹ), The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp...
Được gọi là "Hồ sơ Panama", số tài liệu này bao gồm thông tin hoạt động chi tiết đến từng ngày của Hãng luật quốc tế Mossack Fonseca trong suốt 40 năm. Nội dung tài liệu cho thấy ít nhất 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia cùng người thân, hàng chục chính khách, tỉ phú và người nổi tiếng trong nhiều giới đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty "ma" với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế hoặc thậm chí là rửa tiền.
Theo Reuters, dữ liệu của Mossack Fonseca do một nguồn nặc danh chuyển choSddeutsche Zeitung và tờ báo Đức lập tức chia sẻ với các đồng nghiệp tại nhiều nước. Hàng trăm nhà báo, chuyên gia đã bắt tay điều tra, phân tích lượng thông tin khổng lồ trước khi tung ra "quả bom" chấn động này.
Mossack Fonseca là một trong những hãng luật lớn nhất và cũng bí ẩn nhất thế giới. Hãng này đặt trụ sở tại Panama và có chi nhánh tại 42 quốc gia. Theo "Hồ sơ Panama", Mossack Fonseca hợp tác chặt chẽ với nhiều ngân hàng lớn trên thế giới để tư vấn cho các khách hàng mở công ty đầu tư và quản lý tài sản. Hầu hết số này bị cho là công ty offshore (công ty bình phong mở ở những nơi có thuế suất ưu đãi với mục đích trốn thuế hoặc rửa tiền) đặt tại những "thiên đường thuế" khét tiếng như Panama, Thụy Sĩ, Síp, quần đảo Virgin thuộc Anh... Kể từ năm 1977, hãng đã dựng nên hơn 240.000 công ty, hoạt động chặt chẽ với hơn 500 ngân hàng và chi nhánh, tạo thành một mạng lưới tài chính dày đặc và bí ẩn.
Hãng luật quốc tế Mossack Fonseca tại Panama City, nơi giúp các nhân vật "tai to mặt lớn" và người nổi tiếng trong nhiều giới lập vô số công ty, với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế hoặc thậm chí là rửa tiền - Ảnh: Reuters
Những khách hàng quyền lực
Theo AFP, tên của Tổng thống Nga Vladimir Putin không một lần xuất hiện trong "Hồ sơ Panama". Thế nhưng Mossack Fonseca quản lý tài sản của 4 công ty mang tên Sonnette Overseas, International Media Overseas, Sunbarn và Sandalwood Continental do những người được cho là vô cùng thân cận với ông Putin đứng tên. Trong đó có nghệ sĩ đàn cello Sergei Roldugin là cha đỡ đầu của con gái ông Putin. Tài liệu rò rỉ cho thấy các công ty này có thể đã "rửa tiền lên đến 2 tỉ USD" vì hoạt động của chúng đáng ngờ đến mức phi lý. Chẳng hạn như Sandalwood Continental từng mua một tài sản với giá chỉ 1 USD nhưng sau đó bán lại được... 113 triệu USD.
Bên cạnh đó, gia đình của 8 đương kim và cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc cũng bị điểm danh trong "Hồ sơ Panama". AFP trích nội dung tài liệu cho hay vợ chồng chị ruột của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông qua Mossack Fonseca lập 2 công ty ở quần đảo Virgin, tích lũy được "hàng trăm triệu USD". Một cái tên khác là bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng từng là người thụ hưởng một quỹ ở Liechtenstein được điều hành bởi một công ty đăng ký tại British Virgin Islands trong giai đoạn ông còn tại chức (1987 - 1998).
Thủ tướng Anh David Cameron cũng bị liên can khi người cha quá cố của ông - Ian Cameron khi còn sống cũng là khách hàng của Mossack Fonseca và sở hữu một mạng lưới công ty đầu tư lớn ở nước ngoài. Trong khi đó, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và vợ đối mặt cáo buộc đã sử dụng một công ty offshore tên Wintris Inc, để "giấu hàng triệu USD tiền đầu tư" ngay trong giai đoạn nước này suýt vỡ nợ vì khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một số nguyên thủ, lãnh đạo khác dính líu đến "Hồ sơ Panama" gồm Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko... và nhiều chính trị gia thuộc 7 đảng phái ở Brazil, theo Reuters.
"Không làm gì sai"
Hôm qua 4.4, người đứng đầu Hãng Mossack Fonseca, ông Ramon Fonseca, thừa nhận cơ sở dữ liệu của hãng đã bị tin tặc xâm nhập nhưng ông khẳng định công ty mình lẫn các khách hàng "không làm gì sai".
Thật ra, việc có tên trong "Hồ sơ Panama" hay nói chung là lập công ty đầu tư ở nước ngoài không đồng nghĩa với việc phạm pháp. Đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy những nhân vật bị nêu tên muốn trốn thuế hay rửa tiền. Tuy nhiên, chỉ riêng việc dính đến các công ty hoạt động ở "thiên đường thuế" hay thông tin về tài sản kếch sù của gia đình chính khách cấp cao cũng đủ khiến dư luận nghi ngờ.
Trong ngày 4.4, hàng loạt quốc gia như Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Na Uy, New Zealand... đã thông báo mở điều tra về các thông tin trong "Hồ sơ Panama". Reuters dẫn lời người phát ngôn cho Thủ tướng Anh Cameron nói chuyện đầu tư của cha ông là "vấn đề riêng tư", nhưng London ngỏ ý muốn được cung cấp tài liệu để tìm hiểu thêm.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang im lặng; còn Nga phản ứng khá quyết liệt. AFP dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố những thông tin nói trên "không chính xác, chẳng có gì mới" và là "âm mưu bôi nhọ ông Putin với ý đồ ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử sắp tới". Tương tự, giới công tố Ukraine nói "không tìm ra bằng chứng Tổng thống Poroshenko phạm pháp", còn Thủ tướng Iceland Gunnlaugsson bác bỏ mọi cáo buộc. Tuy nhiên, phe đối lập Iceland đã nhân cơ hội này kêu gọi ông từ chức, đồng thời thúc đẩy bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông.
Các con của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tuyên bố tài sản của họ "có được nhờ làm ăn hợp pháp và chưa bao giờ phải che giấu". Bộ trưởng Thông tin Pakistan Pervez Rasheed nhấn mạnh thêm: "Ai nấy đều có quyền với tài sản của mình, dù là quẳng ra biển, bán tống bán tháo hoặc thiết lập quỹ ủy thác quản lý. Luật Pakistan lẫn luật quốc tế đều không có điều khoản nào cho thấy làm như vậy là phạm pháp", theo Reuters.
Từ Thành Long đến Messi
Ngoài chính giới, còn có nhiều ngôi sao điện ảnh, thể thao... xuất hiện trong danh sách khách hàng của Mossack Fonseca. Trong đó có huyền thoại điện ảnh Ấn Độ Amitabh Bachchan và con dâu ông, cựu Hoa hậu Thế giới Aishwarya Rai Bachchan, theo tờ The Indian Express. Thành Long cũng có ít nhất 6 công ty do Mossack Fonseca làm đại diện. Còn giới thể thao lộ các tên tuổi như siêu sao Lionel Messi (sở hữu một công ty tên Mega Star Enterprises), Chủ tịch UEFA Michel Platini, cựu danh thủ Chile Ivan Zamorano...
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Hồ sơ Panama chỉ là phần nổi của tảng băng trôi 214.000 công ty "né" thuế thuộc sở hữu của người dân 200 nước. 140 chính trị gia, bao gồm lắm thủ tướng, tổng thống dính líu. Đó là những con số chấn động trong vụ hồ sơ Panama. Nhưng cũng chỉ mới là phần nổi. Mossack Fonseca chỉ là một trong rất nhiều hãng chuyên mở công ty offshore cho người giàu -...