Hồ sơ Panama chỉ là phần nổi của tảng băng trôi
214.000 công ty “né” thuế thuộc sở hữu của người dân 200 nước. 140 chính trị gia, bao gồm lắm thủ tướng, tổng thống dính líu. Đó là những con số chấn động trong vụ hồ sơ Panama. Nhưng cũng chỉ mới là phần nổi.
Mossack Fonseca chỉ là một trong rất nhiều hãng chuyên mở công ty offshore cho người giàu – Ảnh: AFP
Không nhất thiết cứ mở công ty offshore – công ty “bình phong” tại các nước, lãnh thổ cực kỳ ưu đãi hoặc không đánh thuế – là người mở nó có động cơ mờ ám. Nhưng bởi vì công ty offshore có tính chất bảo mật tối đa cho chủ sở hữu, lại ở nước ngoài và ưu đãi rất nhiều, có khi hoàn toàn không đánh thuế, không ít người dùng nó để che giấu những khoản tiền khủng bất chính.
Việc đông đảo những nhân vật cực kỳ quyền lực, cực kỳ nổi tiếng hoặc cực kỳ giàu có đua nhau mở công ty offshore trong bí mật khiến người ta không thể nào không nghi ngờ là để che giấu những khoản “tiền bẩn”, không thể không nghi ngờ động cơ trốn thuế, rửa tiền. Mọi chuyện đang lộ dần, đang làm chấn động cả thế giới. Nhưng giới chuyên môn cho rằng ngay cả các con số rất lớn trong vụ hồ sơ Panama cũng chỉ mới là phần nổi của tảng băng “tiền mờ ám” cực khủng đang chìm phía dưới. Nhưng nếu muốn tìm hiểu tường tận về dòng chảy của “tiền bẩn” thì đó là một nhiệm vụ bất khả thi.
Chỉ là một trong vô số
Mossack Fonseca, hãng luật bị lộ thông tin trong vụ hồ sơ Panama chỉ là một trong rất nhiều hãng lập công ty offshore cho khách hàng. Tất cả các thông tin trong vụ hồ sơ Panama đều chỉ mới từ một nguồn Mossack Fonseca. Trang web của Hiệp hội các phóng viên điều tra quốc tế, vốn đang ráo riết điều tra vụ này mô tả Mossack Fonseca “là một trong số các nhà thành lập công ty offshore hàng đầu thế giới có thể dùng cho mục đích che giấu chủ sở hữu tài sản”. Có rất nhiều công ty khác hoạt động tương tự như Mossack Fonseca.
Đâu chỉ Panama
Video đang HOT
Vụ hồ sơ Panama đang tạo nên những “cơn địa chấn”. Trong ảnh là người dân Iceland biểu tình đòi Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson từ chức – Ảnh: Reuters
Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama, một địa chỉ quen thuộc của những người muốn tìm “chỗ trú ẩn an toàn” cho khối tài sản của mình. Lý do: Panama khuyến khích điều đó bằng chính sách thuế cực thoáng, là một trong những nơi được mệnh danh là “thiên đường thuế”.
Theo thống kê của Tax Justice Network – tổ chức luôn “dòm ngó” các “thiên đường thuế” thì trên thế giới có khoảng 80 “thiên đường” kiểu như thế. Và theo một thống kê vào năm 2010 của Tax Justice Network thì khối lượng tài sản ở các “thiên đường” này ở mức từ 21 nghìn tỉ USD – 32 nghìn tỉ USD. Tính sơ sơ, chính phủ các nước đã thất thu tầm 280 tỉ USD tiền thuế thu nhập từ khối tài sản này.
Thêm một so sánh khác: trang tin Scroll.in của Ấn Độ dẫn ước tính của Ngân hàng thế giới cho thấy tổng sản phẩm thế giới, tức cộng dồn tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả thế giới này vào năm 2010 vào cũng chỉ tầm 62,2 nghìn tỉ USD, tức chỉ gấp đôi, hoặc cùng lắm là gấp 3 khối tài sản “trú chân” trên các “thiên đường thuế”.
Một nửa dân số này chỉ nắm 1% tài sản lưu thông trên thế giới trong khi 10% người giàu nhất sở hữu 86% toàn bộ tài sản. Còn 1% giàu nhất nắm 46% tài sản của toàn thế giới. Và đó mới là những người cần đến các “thiên đường”, còn người nghèo làm gì có nhiều tiền mà tuồn vào “thiên đường”?
Tạo điều kiện tối đa để giấu “tiền bẩn”
Các “thiên đường” ở Panama là nơi trú ẩn cực kỳ an toàn cho những người giàu không muốn lộ mặt vì họ có thể mở những tài khoản mật, cùng lúc lại được giúp mở những công ty không cần công khai chủ sở hữu. Tất cả đều cực kỳ thuận lợi cho những ai muốn che giấu những khoản “tiền bẩn”, chẳng hạn các chính khách giấu tiền tham nhũng, bòn rút của đất nước; hay tiền từ ma túy, tiền từ cướp bóc…
Còn một bất công lớn khác: việc không thu được tiền thuế từ người giàu tuồn tài sản ra nước ngoài khiến chính phủ các nước buộc phải tính tới những loại thuế gián tiếp như thuế tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Và đối tượng phải è lưng ra trả là người nghèo. Thế nên chỉ có người siêu giàu yêu các “thiên đường thuế”, còn người nghèo thì càng nghèo vì nó.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Báo Trung Quốc: 'Hồ sơ Panama' là mưu đồ chính trị của Mỹ
Tờ Hoàn Cầu Thời báo (Trung Quốc) ngày 5.4 cáo buộc truyền thông phương Tây do Mỹ hậu thuẫn dùng vụ rò rỉ thông tin "Hồ sơ Panama" với mục đích chính trị nhằm tấn công lãnh đạo các quốc gia ngoài phương Tây.
Bảng hiệu của Hãng luật quốc tế Mossack Fonseca ở Panama City, thủ đô của Panama - Ảnh: Reuters
Vào ngày 4.4, truyền thông thế giới đua nhau tung ra những thông tin chấn động thu được từ hơn 11,5 triệu tài liệu do Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) công bố, theo Reuters.
Được gọi là "Hồ sơ Panama", số tài liệu này bao gồm thông tin hoạt động chi tiết đến từng ngày của Hãng luật quốc tế Mossack Fonseca ở Panama trong suốt 40 năm.
Hồ sơ Panama cho thấy ít nhất 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia cùng người thân, hàng chục chính khách, tỉ phú và người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty "ma" với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế, rửa tiền hoặc che giấu những hành vi phạm tội khác.
Trong số những người được nhắc trong hồ sơ Panama có những người bạn của Tổng thống Nga Putin, người thân của các Thủ tướng Anh, Iceland và Pakistan, và Tổng thống Ukraine.
ICIJ cho biết hồ sơ Panama còn hé lộ những công ty nước ngoài có dính líu đến gia đình của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng một số lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc.
Theo Reuters, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có bình luận chính thức về vụ hồ sơ Panama và truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng khá kín tiếng về vụ việc này.
Tuy nhiên, trong bài xã luận ngày 5.4, tờ Hoàn Cầu Thời báo, một phụ bản củaNhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cáo buộc truyền thông phương Tây do Mỹ hậu thuẫn dùng vụ những vụ rò rỉ thông tin như thế này để tấn công những mục tiêu chính trị tại các quốc gia ngoài phương Tây.
"Truyền thông phương Tây kiểm soát thông tin mỗi lần xảy ra việc lộ tài liệu mật và Washington gây ảnh hưởng đến việc đăng tải thông tin", theo Hoàn Cầu Thời báo.
"Những thông tin tiêu cực đối với Mỹ luôn được cắt giảm, trong khi thông tin tiêu cực nhắm vào những lãnh đạo ngoài châu Âu, chẳng hạn như Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì được làm đậm", Hoàn Cầu Thời báo chỉ trích.
Tuy nhiên, bài xã luận đăng trên Hoàn Cầu Thời báo (phiên bản tiếng Anh lẫn tiếng Trung) không đề cập những quan chức Trung Quốc liên quan đến hồ sơ Panama.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Quả bom vụ rửa tiền khủng phát nổ Những tên tuổi thuộc hàng "tinh hoa" nhất của thế giới đã bị điểm danh trong vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử tài chính toàn cầu. Hãng luật Mossack Fonseca đang là tâm điểm điều tra sau vụ rò rỉ khổng lồ - Ảnh: Reuters Ngày 4.4, giới truyền thông thế giới đua nhau tung lên trang nhất những...