Hộ nghèo thêm khổ vì được cấp bò bệnh
Nhiều hộ dân ở tỉnh Gia Lai sau khi được nhận bò giống (do Cty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền Núi Gia Lai cấp) phát hiện bò bị bệnh.
Bò giống do Cty Miền Núi cấp cho người dân
Năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư nguồn vốn bảo đảm xã hội với tổng kinh phí hơn 73,5 tỷ đồng. Trong đó, Cty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền Núi Gia Lai (gọi tắt là Cty Miền Núi Gia Lai) là đơn vị cung ứng, cấp phát bò giống cho các hộ nghèo trên địa bàn với tổng số tiền gần 39,2 tỷ đồng. Đến ngày 12/12, Cty Miền Núi Gia Lai đã cấp được 1.538 con bò giống với tổng giá trị gần 17,5 tỷ đồng. Theo quy định, bò cấp cho người dân phải bảo đảm các tiêu chí như trọng lượng từ 125-135 kg/con, từ 12-24 tháng tuổi, khỏe mạnh, được tiêm phòng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 5/12, 20 hộ dân ở xã Kông Htok (huyện Chư Sê, Gia Lai) được cấp 20 con bò (mỗi con trị giá hơn 16 triệu đồng). Tuy nhiên, sau khi nhận, con bò của ông Siu Glak (60 tuổi, xã Kông Htok) nằm vật bên đường, không đi được, phải nhờ người dân khênh lên công nông để chở về. Một số con bò khác gầy trơ xương khiến người dân lo lắng không biết có sống nổi hay không.
Hàng chục hộ dân tại xã Ayun, huyện Chư Sê cũng được cấp bò. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau con bò của gia đình chị Đinh H’nhơn, làng Tung Ke 1 bị bệnh, lở loét khắp thân. Có hộ còn cho rằng giá trị mỗi con bò cấp không tương ứng với 16,4 triệu đồng nên muốn nhận tiền mặt. “Bên xã cấp bò bị bệnh nên tôi không đồng ý. Nhưng khi báo bò bệnh cho thôn trưởng, cán bộ xã thì những người này nói cứ bôi thuốc là khỏi. Tôi làm theo nhưng đã một tuần nay bò vẫn không khỏi, cứ lủng thịt ra” – chị Đinh H’Nhơn nói.
Video đang HOT
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho rằng, do bò quen sống thành đàn và chưa bao giờ cột dây nên khi bị tách đàn và buộc dây, bò rất nhút nhát. Trong quá trình vận chuyển bằng xe tải, một số con bò sợ hãi, khi xuống khỏi xe đã bỏ chạy, nếu bị cột lại thì nằm “ăn vạ” một thời gian và đây là đặc tính của bò sống theo đàn.
Năm 2017 và 2018, Cty Miền Núi Gia Lai cũng cung cấp 70 con bò cho dân nghèo trong xã Ayun. Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, đến nay, 23 con đã chết. “Sau khi bò chết thì cán bộ xã, thôn trưởng dặn chúng tôi rằng nếu người ở trên xuống hỏi thì nói bò vẫn còn sống, đang đi thả cho ăn cỏ. Tôi thấy nói như vậy là không đúng nên dặn những hộ dân có bò chết không làm theo, bò chết thì nói là bò chết” – anh Đinh K’lốt (làng Tung Ke, xã Ayun) bức xúc.
TIỀN LÊ
Theo tienphong.vn
Cấp 2,5 tỷ đồng lắp camera an ninh: Thanh tra kết luận sai phạm của UBND huyện Chư Sê
Sau khi Thanh tra tỉnh Gia Lai ra kết luận xác định UBND huyện Chư Sê có nhiều sai phạm khi cấp hỗ trợ 2,5 tỷ lắp camera an ninh thì UBND huyện "phản pháo".
Ngày 13/12, Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết đã có văn bản trả lời kiến nghị của UBND huyện Chư Sê đối với Kết luận thanh tra số 15/KL-TTr ngày 3/12/2019 (KLTT số 15) của Chánh thanh tra tỉnh Gia Lai.
Tại Kết luận thanh tra số 15, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chỉ rõ UBND huyện Chư Sê đã cấp kinh phí cho quốc phòng, an ninh vượt dự toán được HĐND huyện phê duyệt các năm 2016 và 2018 với số tiền tổng cộng 3,7 tỷ đồng là vi phạm nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước.
Trong đó, cấp cho Công an huyện 2,5 tỷ đồng để lắp đặt camera. Đặc biệt, năm 2017, UBND huyện Chư Sê đã cấp kinh phí 1,5 tỷ đồng để công an huyện lắp đặt 10 camera nhưng năm 2018 mới hợp thức hoá bằng cách trình HĐND huyện ban hành nghị quyết cấp bổ sung kinh phí cho công an huyện.
"Như vậy có nghĩa là UBND huyện đã chi và quyết toán trước rồi mới trình HĐND huyện quyết định phân bổ vào năm sau để hợp thức hoá" - Thanh tra tỉnh Gia Lai nêu rõ.
Khi Thanh tra tỉnh Gia Lai làm việc, huyện Chư Sê cũng không cung cấp hồ sơ thanh, quyết toán với số tiền 2,5 tỷ trên mà đưa ra lý do là Công an huyện không cung cấp.
Cấp 2,5 tỷ đồng lắp camera vượt dự toán, UBND huyện Chư Sê còn phản pháo.
Sau khi Thanh tra tỉnh Gia Lai ban hành Kết luận thanh tra số 15, UBND huyện Chư Sê có văn bản kiến nghị nhiều nội dung cho rằng việc cấp kinh phí quốc phòng, an ninh không vượt dự toán như kết luận đã nêu; cấp 2,5 tỷ đồng lắp camera không phải không có hồ sơ thanh quyết toán mà là do Công an huyện Chư Sê không cung cấp và cho rằng nếu phải thu hồi nộp ngân sách thì Công an huyện Chư Sê phải nộp.
Vì vậy, Thanh tra tỉnh Gia Lai một lần nữa ra văn bản chỉ rõ những sai phạm của UBND huyện Chư Sê. Việc cấp 2,5 tỷ đồng lắp camera, ngay khi làm việc Thanh tra tỉnh Gia Lai đã yêu cầu cung cấp hồ sơ thanh, quyết toán khoản tiền 2,5 tỷ đồng mà UBND huyện cấp hỗ trợ cho công an huyện để lắp camera nhưng hết thời gian UBND huyện này không cung cấp. UBND huyện Chư Sê cho rằng do công an huyện không cung cấp, mặc dù lý do này là bất hợp lý, ngay cả hồ sơ dự toán UBND huyện cũng không đưa ra.
Tại Kết luận thanh tra số 15, Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm trước hết thuộc ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Sê và ông Nguyễn Đức Cường, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Chư Sê.
UBND huyện Chư Sê phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với việc cấp ngân sách vượt dự toán HĐND huyện giao cho quốc phòng, an ninh và trình phân bổ, phê duyệt dự toán kinh phí đặc thù cho phòng Tài chính - Kế hoạch.
Nguồn: Người Lao Động
"Thủ phủ vàng đen": Tạo sinh kế cho nông dân xóa nợ, làm giàu Sau khi "thủ phủ vàng đen" ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) trở thành mảnh đất nợ nần, nhiều gia đình tán gia bại sản phải rời xứ đi nơi xa làm ăn để trả nợ. Ngược lại, một số gia đình vì cha mẹ già, con thơ không thể đi nên đành bám trụ lại quê nhà. Trước tình hình đó,...