Hộ nghèo Khmer thêm động lực vươn lên
Những năm qua, nhờ thực hiện nhiều chương trình, dự án của T.Ư và tỉnh Hậu Giang nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn đã có bước phát triển toàn diện.
Hạ tầng nông thôn đổi thay
Những năm gần đây, thực hiện Chương trình 135, những tuyến đường liên thôn, liên xã ở Xà Phiên, huyện Long Mỹ liên tục được đầu tư xây dựng, sửa chữa, góp phần đem lại diện mạo mới cho vùng quê này.
Cách chợ Xà Phiên chỉ khoảng 2km, nhưng mấy năm trước mỗi lần bà con ấp 5 đi chợ phải mất 15-20 phút chạy xe gắn máy mới đến nơi, vì đường sá xuống cấp nặng. Cuối năm 2014, tuyến đường này được đầu tư xây dựng khang trang, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Bà Thị Bận phấn khởi nói: “Khi tuyến đường này bắt đầu xây dựng, người dân mừng lắm, người thì hiến đất, hoa màu để giải phóng mặt bằng, người thì phụ giúp trộn hồ… Ngày khánh thành, ở đây vui như mở hội, từ nay trở đi học sinh không còn sợ cảnh lầy lội mỗi lần đến trường”.
Tuyến đường ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ được đầu tư xây dựng thông thoáng. Ảnh: Chúc Ly
Video đang HOT
Ông Danh Lanh ngụ cùng xã cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương bắc cầu qua kênh Giữa mà chúng tôi chạy xe máy bon bon về tận nhà. Trước chỉ là cây cầu khỉ qua lại rất khó, nhất là vào mùa mưa xe máy không thể di chuyển được”.
Được biết, thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn II), từ năm 2010 – 2015, toàn tỉnh Hậu Giang đã đầu tư, xây dựng, sửa chữa khoảng 120 công trình giao thông trong vùng đồng bào dân tộc, với kinh phí gần 43,6 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng tốt việc đi lại, sản xuất của người dân các ấp, xã.
Hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo
Cùng với nguồn vốn từ Chương trình 135, tỉnh Hậu Giang đã triển khai tốt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS khó khăn theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, từ năm 2008-2010, tỉnh đã hỗ trợ gần 2.000 hộ dân tộc nghèo, với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng.
Trước đây, gia đình bà Thị Thên (ấp 5, xã Xà Phiên) có 3 công đất ruộng. Năm 2008, do làm ăn thua lỗ nên bà cầm cố hết đất với giá 30 triệu đồng. Năm 2010, gia đình bà được địa phương xét hỗ trợ 20 triệu đồng để chuộc lại đất theo Quyết định 74. Từ đó, gia đình bà Thên tập trung chăm lo sản xuất, chăn nuôi lợn và đến năm 2012 đã thoát nghèo. “Nếu Nhà nước không hỗ trợ vốn thì không biết chừng nào gia đình tôi mới chuộc được đất. Có đất, chúng tôi yên tâm làm ăn, nhờ đó mới thoát nghèo” – bà Thên xúc động nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Kha – Trưởng ban Dân tộc tỉnh HậuGiang đánh giá: “Các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn đã đem lại hiệu quả rõ rệt đối với sản xuất và đời sống bà con, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tác động tích cực đến các lĩnh vực đời sống xã hội…”.
Theo Danviet
Người dân khiêng đá chặn xe quá tải
Cho rằng đoàn xe chở quá tải trọng đi vào con đường liên xã gây hư hỏng và mất an toàn giao thông, người dân xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) khiêng đá ra chặn đường ngăn cản, gây áp lực yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.
Sáng 1/10, lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Hoằng Hóa cho biết, đang đề nghị Chủ tịch UBND huyện xử phạt số tiền hơn 70 triệu đồng đối với hai xe tải hạng nặng của doanh nghiệp Long Hải do lỗi chở quá tải. Ngoài phạt tiền, cơ quan chức năng cũng tạm giữ phương tiện và bằng lái của tài xế.
Người dân xã Hoằng Quỳ chặn đoàn xe chở than quá tải hôm qua. Ảnh: H. Đức.
Trước đó trưa 30/9, bức xúc vì hàng loạt xe chở quá tải đi vào đường liên xã gây mất an toàn giao thông, nhiều người dân thôn Ích Hạ, xã Hoằng Quỳ, đã khiêng đá tảng và vật dụng ra chặn đường không cho những xe tải đi qua.
Phải mất nhiều giờ vận động, người dân mới để cảnh sát đưa số xe này về đồn công an cân tải trọng. Kết quả cho thấy, một xe chở than vượt hơn 40% tải trọng cho phép, chiếc xe đầu kéo còn lại vi phạm tải trọng đường. Dù tuyến đường hạn chế phương tiện tối đa 10 tấn, nhưng xe đầu kéo có tổng tải trọng gồm cả xác xe và hàng hóa là hơn 50 tấn.
Theo phản ánh của người dân, mặc dù UBND huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý những trường hợp xe cố tình chở quá tải và xe quá khổ tham gia trên các tuyến đường trong địa bàn. Tuy nhiên, tuyến đường Hoằng Quỳ - Hoằng Hợp vẫn thường xuyên có nhiều xe quá khổ, quá tải hoành hành khiến người dân bức xúc.
Hầu hết xe chở quá tải đi qua xã Hoằng Quỳ chở than cho một kho hàng ở xã Hoằng Lý (TP Thanh Hóa) cung cấp cho các nhà máy xi măng. Mặc dù đầu tuyến đường có biển quy định chỉ cho phép xe có tải trọng dưới 10 tấn lưu thông, nhưng mỗi ngày thường có hàng chục chuyến xe (trọng tải 50- 60 tấn) chạy qua. Để "qua mặt" cơ quan chức năng, các tài xế thường di chuyển vào sáng sớm hoặc thời điểm đêm tối vắng người.
Người dân ở khu vực nêu trên đã nhiều lần làm đơn thư kiến nghị gửi các cấp chính quyền song tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.
Lê Hoàng
Theo VNE