Hồ Đầm Trị, Hà Nội: Công trình sai phạm “trơ gan cùng tuế nguyệt”
Một công trình kiên cố như nhà ở ngang nhiên lấn chiếm mặt hồ Đầm Trị (P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội) đã nhiều năm nay khiến người dân bức xúc và phản ánh tới chính quyền, báo chí. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn tồn tại, thách thức pháp luật và dư luận.
Xin làm lều, xây nhà kiên cố
Đã nhiều năm nay, diện tích mặt hồ Đầm Trị bị HTX Nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An lấn chiếm một cách công khai để xây dựng nhà và công trình phụ cận.
Theo lời ông Hồi, đây là chiếc “lều” mà ông Vũ Hoa Thảo xin UBND phường Quảng An được làm để trông coi, bảo vệ hồ và sơ chế chè sen.
Được biết, để khai thác và quản lý có hiệu quả hồ Đầm Trị, ngày 5.1.2015, UBND phường Quảng An (bên A) đã ký hợp đồng số 01/HĐ- HLCS giao khoán khu vực hồ Đầm Trị cho ông Vũ Hoa Thảo (bên B, ở phường Quảng An, chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An) để nuôi trồng thủy sản.
Trong hợp đồng này tại Khoản 3.2, Điều 3 hợp đồng nêu rõ về trách nhiệm của bên B: “…Bảo quản, quản lý trông coi, canh tác diện tích hoa lợi. Không được phép lấn chiếm hay tự ý san lấp, tôn tạo, xây dựng các công trình nổi hoặc ngầm nếu không được phép của bên A”.
Ghi nhận của PV, tháng 5.2017, chiếc “lều” này vẫn mọc sừng sững trên mặt hồ Đầm Trị.
Nếu bên B xây dựng các công trình tạm phục vụ mục đích hỗ trợ thu hoa lợi mà không được sự đồng ý bằng văn bản của bên A hoặc để người khác lấn chiếm, xây dựng các công trình thuộc diện tích được giao khoán mà không thông báo hoặc phối hợp bên A giải quyết… sẽ bị bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng và không được đền bù thiệt hại.
Hồ Đầm Trị có diện tích khoảng 67.260m2, là một trong những hồ sen nổi tiếng nằm trong quần thể khu du lịch Hồ Tây. Hàng năm, khi đến mùa sen, hồ Đầm Trị cũng là một trong những nơi nổi tiếng thu hút du khách đến thăm quan, chụp ảnh.
Đáng chú ý, cùng hợp đồng này, ông Thảo còn viết một Bản cam kết: “… không lấn chiếm hoặc để người khác lấn chiếm, xây dựng các công trình tạm… mà không được phép bằng văn bản của UBND phường…”.
Nhưng trên thực tế, những gì ông Thảo thực hiện lại hoàn toàn trái ngược với chính những lời cam kết trên giấy trắng, mực đen của mình với UBND phường Quảng An.
Cụ thể, theo phản ánh của công dân phường Quảng An, ông Thảo đã tự ý cho xây dựng một ngôi nhà trái phép trên mặt hồ với diện tích khoảng 300m2. Cùng với đó, ông này cũng lấn chiếm diện tích mặt hồ khoảng 500m2 để chăn thả gia súc thời điểm ban đầu.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, người dân cũng phản ánh hồ Đầm Trị xuất hiện tình trạng đổ phế thải vật liệu xây dựng, rác thải ngang nhiên xuống hồ khiến môi trường nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện tại, mặc dù đã xác định rõ sai phạm nhưng ngôi nhà và diện tích lấn chiếm của ông Thảo tại mặt hồ Đầm Trị vẫn không bị dỡ bỏ.
Những hành động coi thường luật pháp này ngay lập tức gặp phải sự phản đối của người dân. Năm 2016, nhiều hộ dân sinh sống tại xóm Chùa, tổ 14, phường Quảng An đã phản ánh sự việc tới chính quyền những mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sự việc.
Trong buổi làm việc với Dân Việt cách đây hơn 1 năm (tháng 4.2016), trước những phản ánh của PV, ông Đặng Văn Hồi – Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, năm 2015, ông Thảo có làm đơn xin phép UBND phường Quảng An làm lều để trông coi, bảo vệ hồ Đầm Trị và sơ chế chè sen (?)
Nhưng dù chưa được UBND phường chấp thuận, ông Thảo vẫn tiến hành xây dựng. UBND phường đã lập biên bản, xử lý vi phạm, yêu cầu không phát sinh thêm vi phạm. Ông Thảo cũng cam kết chỉ sử dụng vào mục đích bảo vệ, trông coi và sơ chế chè sen.
Cũng trong buổi làm việc này, về việc đổ phế thải lấn chiếm hồ Đầm Trị, vị Phó chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, do việc đổ thải vào ban đêm nên không thể xác định được người đổ. UBND phường cũng đã xử lý khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Đống phế thải vật liệu xây dựng bị đổ ngay sát cạnh khu vực ông Thảo lấn chiếm đã “ăn” vào lòng hồ đến vài mét.
Ngang nhiên giữa đất trời
Theo ghi nhận của PV Dân Việt vào thời điểm hiện tại (tháng 5.2017), khu vực hồ Đầm Trị vẫn đang bị lấn chiếm và không hề có dấu hiệu của sự vào cuộc hay xử lý triệt để từ cơ quan chức năng.
Ngôi nhà được ông Thảo xây dựng trên mặt hồ Đầm Trị vẫn mọc sừng sững, không bị xử lý dỡ bỏ phần sai phạm để trả lại nguyên trạng ban đầu. Phía gần bờ, diện tích bị lấn chiếm khoảng 500m2 không những không bị dẹp bỏ, thay vào đó còn được kè, xây bờ bao cẩn thận.
Ngay sát khu vực ngôi nhà trái phép trên được xây dựng, hàng đống phế thải vật liệu xây dựng, rác thải được đổ bừa bãi, lấn ra lòng hồ đến vài mét khiến diện tích hồ bị xâm phạm nghiêm trọng; môi trường nước cũng như cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đứng sát mép nước, PV nhận thấy một mùi hôi, tanh nồng bốc lên; nước hồ Đầm Trị đã chuyển màu xanh rêu.
Thay vì xử lý triệt để bằng cách yêu cầu phá dỡ ngôi nhà được xây trái phép và diện tích lấn chiếm vào khu vực lòng hồ Đầm Trị của ông Thảo, theo lời ông Hồi vào năm 2016, UBND phường Quảng An ngoài việc lập biên bản, xử lý vi phạm thì chỉ “yêu cầu không được phát sinh thêm vi phạm”.
Việc này khiến cho công trình sai phép kia vẫn ngang nhiên tồn tại và sai phạm vẫn không được xử lý dứt điểm, khiến người dân không đồng tình.
Xung quanh hồ Đầm Trị là một khung cảnh nhếch nhác do các hàng quán được xây dựng.
Hơn một năm trôi qua, người dân vẫn đang mòn mỏi chờ đợi sự vào cuộc triệt để của chính quyền để xử lý dứt điểm sự việc, trả lại sự bình yên vốn có cho khu vực hồ Đầm Trị.
Nhưng trong khi người dân mòn mỏi chờ đợi, công trình vi phạm kia vẫn sừng sững ở mặt hồ Đầm Trị như một lời thách thức pháp luật, thách thức dư luận.
Câu hỏi đặt ra vì lý do gì, một công trình sai phạm nghiêm trọng tồn tại nhiều năm và chính quyền đã nắm bắt được nhưng vẫn không xử lý triệt để. Câu trả lời thỏa đáng cho sự việc xin dành cho chính quyền sở tại.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo Danviet
Vụ xe "ma" đổ bùn thải xuống sông Hồng: Cảnh sát môi trường vào cuộc
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh giao các cơ quan chức năng của huyện xác minh, làm rõ vụ đổ bùn thải ra ven sông Hồng. Cảnh sát môi trường cũng vào cuộc, làm rõ những sai phạm liên quan.
Làm rõ nghi vấn "bảo kê"
Chiều 4/10, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Phạm Văn Châm - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (TP Hà Nội) - nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến vụ việc đoàn xe "ma" chở bùn khoan nhồi đổ xuống ven sông Hồng tại địa bàn thôn Mạch Lũng (xã Đại Mạch).
Hình ảnh xe tải chở bùn thải đổ trộm ven sông Hồng.
Ông Châm cho hay, ngay khi nắm được thông tin, lãnh đạo huyện Đông Anh đã chỉ đạo làm rõ vụ việc. Cụ thể, huyện này đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các lực lượng liên quan khác vào cuộc kiểm tra.
"Sơ bộ xác định đây là tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng. Đó là bùn khoan nhồi của các công trình xây dựng" - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh nói.
Theo ông Châm, Đông Anh là huyện ngoại thành, cận kề các khu vực đang phát triển đô thị, các dự án đầu tư trên địa bàn lân cạnh của thành phố, nên tiềm ẩn nguy cơ các nhà thầu xây dựng đổ trộm chất thải.
"Trước mắt, huyện đã yêu cầu xác định rõ phạm vi hoạt động, truy tìm thủ phạm. Chúng tôi cũng đã giao Công an huyện xác minh, xem xét có việc tiêu cực, bao che, bảo kê cho việc này hay không để xử lý nghiêm" - ông Phạm Văn Châm cho biết hướng xử lý.
Cảnh sát gặp khó vì "chim lợn"
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết - Phó Trưởng Công an huyện Đông Anh - cho biết, hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho Đội Cảnh sát Môi trường (CAH Đông Anh) thụ lý, làm rõ sai phạm để xử lý. Phòng Cảnh sát Môi trường - CATP Hà Nội cũng được tăng cường, phối hợp với CAH Đông Anh vào cuộc làm rõ.
Theo Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết, khi nhận được thông tin vụ việc, CAH Đông Anh đã chỉ đạo Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh phối hợp với Thanh tra giao thông vận tải tuần tra kiểm soát, bắt giữ các xe vi phạm. Tuy nhiên, việc bắt giữ, xử lý các trường hợp này gặp nhiều khó khăn.
Đoàn xe "ma" này hoạt động không theo quy luật nào, lúc đổ ban ngày, lúc đổ ban đêm, có khi lại hoạt động lúc rạng sáng. Lực lượng chức năng cũng khó tiếp cận các bãi đổ bùn thải để "bắt tại trận" vì đường vào là độc đạo. Lực lượng chức năng hoạt động công khai chỉ có thể bắt giữ các xe vi phạm trên đường.
Đáng chú ý, hoạt động của đoàn xe "ma" này được sự cảnh giới của đám "chim lợn". Ngay khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, các đối tượng này đã thông báo cho nhau. Những chiếc xe chở bùn thải bỗng dưng không hoạt động. Hay khi cảnh sát chặn dừng một xe vi phạm, những chiếc xe khác cũng được "lệnh" nằm yên.
Trong các ngày từ 21-27/9, CA huyện Đông Anh đã bắt giữ, xử lý 8 trường hợp xe tải chở bùn đất vi phạm các lỗi chở quá tải trọng, không che chắn, để rơi vãi vật liệu trên đường.
Khai nhận với cơ quan chức năng, các tài xế xe tải vi phạm cho biết đã lấy "hàng" ở trên phố, tiện công trình nào có vật liệu xây dựng (phế thải) là chở, dọc đường tiện đâu thì đổ đấy để giảm chi phí vận tải, xăng dầu.
Sau khi xử phạt hành chính các tài xế xe tải theo đúng quy định, lực lượng CSGT bàn giao hồ sơ vụ việc cho Đội Cảnh sát Môi trường (CA huyện Đông Anh) tiếp tục xác minh, làm rõ các vi phạm về môi trường để xử lý.
Đồng thời, CA huyện Đông Anh cũng phối hợp với chính quyền xã Mạch Lũng, trước mắt đào rãnh, đóng cọc, ngăn không cho xe trọng tải lớn đi qua khu vực để đổ phế thải.
Tiến Nguyên - Quang Phong
Theo Dantri
Honda Super Cub "phế thải" đời 1980 độ bobber siêu độc Từ "xác" chiếc Honda Super Cub đời 1980, một xưởng độ Indonesia đã tạo ra một bản độ với phong cách Street Cub "lai" với bobber hardtail cực "chất". Bản độ Honda Super Cub đời 1980 cực đẹp mắt này đã được anh Jonathan Evan - chủ xưởng độ Minority Custom Surabaya tạo ra. Có tên gọi "The Eyes", chiếc xe đã được...