Hồ chứa “đói” nước, hạn hán đe dọa, Bộ trưởng NN&PTNT chỉ đạo khẩn
Trước nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2019 – 2020 .
Ngày 25/10, Bộ NNPTNT đã có Chỉ thị số 8008/CT-BNN-TCTL yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tăng cường các giải pháp ứng phó.
Cụ thể, Chỉ thị nêu rõ, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 của khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 – 30%; dòng chảy trên các sông suối từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020 các khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 – 50%.
Đến cuối mùa mưa, các hồ chứa thủy lợi khả năng sẽ không tích được đầy nước, phổ biến thiếu hụt từ 10-20% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa thủy điện cũng ở mức thấp hơn dung tích thiết kế phổ biến từ 20-40%; trong đó, các hồ chứa thủy điện cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ thiếu hụt khoảng 40-50% dung tích thiết kế.
Do thiếu nước tưới, nhiều diện tích lúa hè thu của huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) mất trắng.
Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, Bộ NNPTNT dự báo khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 ở nhiều vùng trên cả nước; đặc biệt, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm.
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, trong Chỉ thị 8008, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể
Các tỉnh thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2019 – 2020.
Các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
Video đang HOT
Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn; tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Hồ Hòa Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) cạn trơ đáy.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng yêu cầu Tổng cục Thuỷ lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tổng cục Thủy lợi rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả của các công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, công trình quan trọng đặc biệt, công trình liên tỉnh và một số công trình lớn; lập bản đồ cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Các đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực công trình cấp nước sạch nông thôn, đề xuất các giải pháp duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động công trình, bảo đảm cấp nước cho người dân, nhất là tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi, hải đảo.
Tổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức điều hành việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ và các hồ chứa thủy điện ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Với Cục Trồng trọt, Bộ trưởng chỉ đạo xuống giống sớm lúa Đông Xuân ở các địa phương khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khuyến cáo ưu tiên sử dụng các giống chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bố trí thời vụ và diện tích xuống giống phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh xuống giống vượt quá khả năng cung cấp nước tưới.
Thực tế, hiện nay, ở rất nhiều hồ thủy điện, lượng nước về ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên lưu vực sông Đà, lượng nước về các hồ chứa lớn ở phía Bắc (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) và nhiều hồ thủy điện tại khu vực Nam Trung Bộ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tính đến đầu tháng 10/2019, mức nước của 26/37 hồ chứa thủy điện của EVN ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện khoảng 19,67 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 7,67 tỷ m3 (tương đương gần 2 tỷ kWh điện).
Theo Danviet
Xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc: Bước ngoặt lớn ngành sữa
Lễ công bố xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được tổ chức ngày 22/10.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là sự kiện thể hiện bước ngoặt lớn của ngành sữa Việt Nam và quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Cơ hội ở thị trường 1,4 tỷ dân
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước, với trị giá gần 10 tỷ USD.
Theo dự báo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu khoảng 45% tính đến năm 2025. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu được sữa sang thị trường này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam.
Khách hàng Trung Quốc dùng thử sữa TH. Ảnh: T.L
Sau 6 tháng 10 ngày, kể từ khi ký kết Nghị định thư giữa Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (ngày 26/4/2019), với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NNPTNT, sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị chức năng, quyết tâm của các doanh nghiệp, ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc;
Đồng thời, công bố Công ty cổ phần Sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện được cấp mã số xuất khẩu 2 nhóm sản phẩm sữa, gồm: Sữa tiệt trùng và sữa bổ sung hương liệu tự nhiên (Sterilized milk và Modified milk) sang thị trường tiềm năng nhất thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người và có nhu cầu rất lớn về sữa và sản phẩm sữa.
Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành sữa nói riêng.
"Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam cho thấy ngành sữa của Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới. Doanh nghiệp sản xuất sữa đã xây dựng được các mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất và quản trị..." - ông Quỳnh nói.
Bà Thái Hương - nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH cho biết: "Hơn cả việc xuất khẩu được lô sữa đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, thu được lợi nhuận, điều chúng tôi hạnh phúc hơn cả là ngành sữa Việt Nam đã thực sự lớn mạnh, chinh phục được một thị trường rộng lớn và ngày càng khó tính...".
Hỗ trợ thêm nhiều doanh nghiệp
Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, để tổ chức các nội dung trong Nghị định thư, Cục đã xây dựng và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh trên đàn bò sữa theo quy định tại Nghị định thư, quy định của Tổ chức Thú ý Thế giới (OIE) và Luật Thú y.
Kết quả 100% số mẫu, số bò sữa được giám sát các bệnh theo quy định đều đạt yêu cầu. Hiện 100% các trang trại chăn nuôi bò sữa của các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sản phẩm sữa thị trường Trung Quốc đều được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, lấy mẫu giám sát các bệnh theo quy định.
"Đối với 4/5 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu trong đợt 1 chưa được phép xuất khẩu, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm xem xét, đánh giá và cho biết kết quả về hồ sơ đăng ký xuất khẩu sữa, nếu hồ sơ chưa đạt thì hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung. Đối với các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu trong đợt 2, Cục Thú y sẽ kiểm tra giám sát các điều kiện vệ sinh thú y, giám sát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo chuỗi từ cơ sở chăn nuôi đến chế biến" - ông Đông nói.
Về lâu dài, theo ông Đông, đến tháng 12/2020, Cục Thú y sẽ thông tin, tuyên truyền để có ít nhất 50% số hộ, cơ sở, trang trại nuôi gia súc trong vùng đệm thực hiện xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh; dự kiến đến tháng 12/2021, thực hiện giám sát định kỳ để xác định được mức độ lưu hành mầm bệnh theo quy định ít nhất tại 50% số hộ, cơ sở trang trại nuôi gia súc để lấy mẫu xét nghiệm; dự kiến đến tháng 12/2020, hoàn thiện hồ sơ đề nghị OIE đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, tạo nền tảng, cơ hội để sản phẩm sữa Việt chinh phục được nhiều thị trường khó tính hơn.
Theo Danviet
10 năm nông thôn mới: Mơ về những miền quê thanh tao, đáng sống Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những đổi thay mang tính toàn diện. Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, các tiêu chí xây dựng NTM cũng phải thay đổi để phù hợp với những biến động của...