Hộ chiếu giả giúp các phần tử IS vào châu Âu và Mỹ như thế nào?
Theo một cuộc điều tra của The Guardian, với mức giá từ 5.000 đến 8.000 USD, bất kỳ ai, kể cả thành viên của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng có thể lọt qua kiểm tra an ninh, ngay cả ở các nước phát triển có mức độ an ninh quốc gia cao.
Hộ chiếu giả cho phép các thành viên IS vào châu Âu và Mỹ mà không bị phát hiện. Ảnh: AFP
Đài Sputnik (Nga) đưa tin hoạt động mua bán hộ chiếu giả đã xuất hiện ít nhất từ năm 2015. Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của các quốc gia phương Tây, mạng lưới này vẫn hoạt động cho đến ngày nay.
Hiện không có thông tin cho biết có bao nhiêu phần tử IS đã trốn ra nước ngoài thành công nhờ hộ chiếu giả. Trang The Guardian đã theo dõi khoảng 10 trường hợp trong quá trình điều tra. Hầu hết đã rời khỏi đất nước qua Sân bay Istanbul. Các điểm đến thông thường của họ là châu Âu, Niger và Mauritania. Nguồn tin cho biết ít nhất 2 trường hợp đã tìm đường vào Mỹ bằng cách bay đến Mexico và sau đó vượt biên bất hợp pháp.
Theo điều tra, một số người bán hộ chiếu giả cũng cung cấp dịch vụ làm giấy khai tử giả, cho phép các tay súng IS chính thức “biến mất” khỏi Trái Đất. Chỉ với 500 USD, họ có thể mua được một tờ giấy chứng tử tại Thổ Nhĩ Kỳ, giấy chứng tử này sau đó có thể được người thân hoặc bạn bè gửi về nước. Giới chức sau đó sẽ tuyên bố họ đã qua đời.
“Trừ khi bạn là cố thủ lĩnh của IS, Abu Bakr Baghdadi, sẽ không có ai đến nhà xác để kiểm tra xem bạn có chết thật hay không. Họ đơn giản là chấp nhận tài liệu đó và nhập vào hệ thống”, một người bán hộ chiếu giả nói.
Nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ Ceyhun Bozkurt giải thích rằng những dịch vụ này rất quan trọng đối với IS. Ông chỉ ra bí mật chính là “vũ khí” của tổ chức khủng bố này. Bozkurt cho rằng việc cấp giấy chứng tử giả là một cách giữ bí mật hiệu quả của các phần tử khủng bố.
Ngay cả trước khi thất bại trên chiến trường Iraq và Syria, IS đã lên kế hoạch bí mật để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu. Tổ chức này đã gây ra hàng loạt vụ tấn công ở Paris vào tháng 11/2015, bao gồm cả vụ tấn công nhà hát Bataclan, cướp đi sinh mạng của 130 thường dân. Giới chức an ninh phương Tây trước đó đã cảnh báo các tay súng IS đã có thiết bị làm giả hộ chiếu, sử dụng chúng để xâm nhập vào EU giữa làn sóng người di cư bất hợp pháp khổng lồ từ Syria.
Nga khẳng định không thể phụ thuộc vào EU về kinh tế
Nga không thể dựa vào Liên minh châu Âu (EU) trong các vấn đề kinh tế vì EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow bất cứ lúc nào.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã đưa ra nhận định này tại cuộc họp với các thành viên của Hiệp hội Các Doanh nghiệp châu Âu ở Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp với đại diện Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Nga, ở Moskva, ngày 8/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà ngoại giao này nêu rõ: "Chúng tôi nhận ra rằng việc dựa vào EU trong các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế, trong ngành công nghiệp quân sự, mong đợi các nguồn cung cấp công nghệ và linh kiện từ các quốc gia có thể áp đặt lệnh trừng phạt chống lại chúng tôi trong một đêm đơn giản là không thể chấp nhận được đối với một cường quốc như Nga".
Ông Lavrov nhắc lại rằng trước đây Nga và EU đã có các doanh nghiệp chung, đặc biệt là cùng sản xuất thiết bị quân sự với Ukraine và các nước Baltic. Ngoại trưởng Lavrov nói: "Chúng tôi đã có sự hợp tác như vậy nhưng bây giờ nó đã trở thành lịch sử. Chúng tôi sẽ sẵn sàng nối lại nó nhưng không có gì đảm bảo rằng trong một giai đoạn mới hợp tác, một số doanh nghiệp bài Nga từ EU sẽ không muốn trừng phạt chúng tôi, họ sẽ không yêu cầu các biện pháp trừng phạt mới".
Hồi tháng 7 năm nay, EU đã kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đã áp đặt với Nga từ năm 2014 vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Lệnh trừng phạt được gia hạn thêm 6 tháng, đến cuối tháng 1/2022. Các lệnh trừng phạt này nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và quốc phòng chủ chốt của Nga.
EU cấm sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm Ngày 8/10, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm việc sử dụng chất phụ gia E171 trong thực phẩm, sau khi Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) nghi ngờ về tính an toàn của chất vốn được sử rộng rãi này. E171 có chứa các hạt nano titanium dioxide và thường được sử dụng...