Hộ chiếu đường lưỡi bò sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập’
“Hành động in đường lưỡi bò lên hộ chiếu là một sự khiêu khích, người Trung Quốc sẽ bị cô lập. Chính phủ Trung Quốc nên rút lại mẫu hộ chiếu mới”, giáo sư Carl Thayer trao đổi với VnExpress,sáng 28/11.
Trao đổi bên lề hội thảo Việt Nam học, giáo sư Carl Thayer (chuyên gia Đông Nam Á, ĐH New South Wales – Australia) cho rằng, hành động phát hành hộ chiếu có in đường lưỡi bò của Trung Quốc đã tạo nên rạn nứt trong một vấn đề vốn đã có từ lâu với nhiều nước châu Á. Đây là một sự khiêu khích.
Theo ông, Trung Quốc muốn tuyên bố chủ quyền song phía Việt Nam đã có phản ứng phù hợp là không chấp nhận mẫu hộ chiếu mới. Nhiều quốc gia liên quan như Ấn Độ, Philippines cũng đã có những hành động, tuyên bố đáp trả. Đặc biệt, chính phủ Mỹ cũng đã lên án việc làm “không bình thường” này.
Giáo sư Carl Thayer: “Người Trung Quốc sẽ bị cô lập với mẫu hộ chiếu mới”. Ảnh:Nguyễn Hưng.
Chuyên gia nổi tiếng về khu vực Đông Nam Á khẳng định, Trung Quốc luôn tiến từng bước, từng bước trong việc hiện thực hóa tham vọng đối với “đường lưỡi bò” song, với bước đi lần này, chính người Trung Quốc sẽ phải gánh hậu quả. Công dân Trung Quốc chắc chắn gặp rắc rối khi tới các nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn với bản đồ trong mẫu hộ chiếu mới. Như vậy, người Trung Quốc sẽ bị cô lập.
“Chính phủ Trung Quốc nên rút lại mẫu hộ chiếu mới, bởi hộ chiếu là một vật trung lập, dùng để khích lệ các mối quan hệ kinh tế và con người song họ (Trung Quốc) lại dùng nó để đưa ra một tuyên bố chính trị”, giáo sư Carl Thayer nói.
Video đang HOT
Dù đã biết về mẫu hộ chiếu mới cũng như tác động của nó trong mối quan hệ với Ấn Độ, ASEAN song giáo sư Cốc Nguyên Dương (Viện KHXH Trung Quốc) rất bất ngờ khi biết đã có tới 6 triệu chiếc được ấn hành. Theo ông, đây là vấn đề ngoại giao và “có người ủng hộ, có người không tán thành”.
Với tư cách là một học giả Trung Quốc tham dự hội thảo Việt Nam học, giáo sư Cốc Nguyên Dương không thể bày tỏ quan điểm về việc có sửa mẫu hộ chiếu hay không. Song, ông thừa nhận, điều này ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân và “chắc chính phủ của chúng tôi (Trung Quốc) cũng đã biết”.
Giáo sư Cốc Nguyên Dương (trái) và tiến sĩ Vũ Cao Phan trao đổi bên lề hội thảo Việt Nam học. Ảnh: Nguyễn Hưng.
“Hai bên nên thẳng thắn trao đổi, bàn cụ thể thêm về vấn đề này. Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng, còn tồn tại một số vấn đề nhạy cảm. Chúng ta nên đưa ra những kiến nghị mang tính xây dựng, đoàn kết để thỏa thuận, giải quyết những vấn đề nhạy cảm đó”, học giả này nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Vũ Cao Phan cho rằng, để giải quyết những khúc mắc liên quan tới tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, trước hết, giới học giả Việt Nam, Trung Quốc cần ngồi lại với nhau. “Kể cả những người có ý kiến khác nhau trong cùng một nước cũng cần ngồi lại để trao đổi, phá vỡ các bế tắc”, ông Phan nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ), in vùng lãnh thổ tranh chấp lên hộ chiếu là một hành động mang tính biểu tượng nhưng từ đó sẽ đặt thành nguyên tắc. Nếu Việt Nam hay các quốc gia khác không phản đối, Trung Quốc hoàn toàn có thể nói bản đồ này đã được chấp nhận.
Chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là sẽ bằng mọi phương cách để buộc các bên liên quan liên tục trong tình trạng phải đối phó. Dù hộ chiếu in “đường lưỡi bò” là vô giá trị, cách thức của Trung Quốc hay áp dụng là đặt nguyên tắc trước, giải quyết sau.
“Như chuyện họ chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, các bên liên quan nếu không tỉnh táo sẽ buộc phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc”, tiến sĩ Hùng nêu ví dụ.
Sau các phiên thảo luận tại tiểu ban “Các vấn đề khu vực” của hội thảo Việt Nam học, các học giả đều khẳng định đường 9 đoạn chữ U – hay “đường lưỡi bò” – do Trung Quốc vẽ ra là không có cơ sở pháp lý. Cực nam của Trung Quốc trong các chứng cứ lịch sử, bản đồ đều khẳng định là đảo Hải Nam. Đối với việc in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu, nhiều học giả khẳng định, đây là hành động “sai lầm và thiếu hiểu biết”.
Trung Quốc mới đây ban hành mẫu hộ chiếu mới có in bản đồ Trung Quốc và vẽ thêm “đường lưỡi bò”, đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, cùng đảo Đài Loan và hai vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ, gây nên sự phản đối của các bên liên quan.
Ấn Độ phản đối việc Trung Quốc đưa hai vùng đất mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền là Aksai Chin và Arunachal Pradesh vào bản đồ trong quyển hộ chiếu bằng cách dán visa in hình bản đồ của nước mình, trong đó có hai địa điểm trên, để cấp cho công dân Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines phản đối mạnh mẽ bằng đường ngoại giao việc Trung Quốc đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu mới.
Theo VNE
Các nhà Việt Nam học bàn về 'xung đột biển Đông'
Hơn 1.500 đại biểu đến từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ có mặt tại Hà Nội để tham dự hội thảo Việt Nam học lớn nhất, diễn ra cuối tháng 11.
Ngày 22/10, GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam cho biết, hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 (26-28/11) có quy mô lớn hơn hẳn so với 3 lần trước. Hiện, có hơn 1.500 đại biểu đăng ký tham dự, trong đó hơn 1.200 đại biểu trong nước và gần 300 đại biểu nước ngoài đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng (đứng) cho hay, số lượng đông đảo đại biểu đăng ký tham dự hội thảo đã khiến ban tổ chức bất ngờ. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Theo GS Thắng, đây là cơ hội tốt để xây dựng mạng lưới những nhà nghiên cứu nước ngoài về Việt Nam để tiếp cận được những kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về Việt Nam. Nhân dịp này, các nhà khoa học và hoạch định chính sách sẽ trao đổi, hướng tới lựa chọn các chuyên gia để thành lập các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài.
"Hội thảo có 15 chủ đề với độ phủ rộng và nhấn mạnh tới những vấn đề cần giải quyết như an ninh chính trị khu vực. Ví dụ an ninh và xung đột trên biển Đông, quan điểm của các nhà khoa học như thế nào", GS Thắng nói và cho biết, lần đầu tiên sẽ có nhà khoa học Trung Quốc nổi tiếng là học giả Cốc Nguyên Dương tham dự hội thảo.
Theo ban tổ chức, với chủ đề Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững, hội thảo Việt Nam học lần thứ tư sẽ tập trung thảo luận về tất cả lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực... Thông qua đó, các học giả sẽ tham gia đề xuất các ý kiến về quan điểm và chính sách phát triển và hội nhập của Việt Nam theo tinh thần "Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững".
Theo VNE
Nguy cơ Quốc lộ 1A bị cô lập vì mưa lụt Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khiến cho nhiều đoạn đường trên QL.1A bị ngập nước. Tình trạng này khiến cho lượng xe qua lại trên tuyến đường gặp rất nhiều khó khăn. 6h sáng 8/9, anh Lê Văn Hùng, ở Quảng Xương (Thanh Hóa) xuống bến xe Giáp Bát...