“Hô biến” than đá thành tác phẩm nghệ thuật
Người dân đất mỏ vẫn còn cất giữ trong tâm trí hình ảnh về những sản phẩm mỹ nghệ than đá nức tiếng một thời. Những nghệ nhân nơi đây đã chế tác than đá thành những tác phẩm nghệ thuật sống động để tặng khách phương xa.
Đến vùng mỏ Quảng Ninh chúng tôi chỉ hình dung ra những hầm than đâm ngang bổ dọc dưới lòng đất cùng những khai trường than khổng lồ chứ không hề nghĩ rằng ở một góc nhỏ của mảnh đất trùng điệp than đá lại có một nghề mà người dân gọi là mỹ nghệ than đá hoặc tranh than đá, nghề này một thời đã trở thành bản sắc văn hóa riêng biệt của người dân vùng mỏ.
Nhiều người dân Quảng Ninh vẫn còn cất giữ trong tâm trí của mình hình ảnh về những sản phẩm mỹ nghệ than đá nức tiếng một thời. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, hoặc khách du lịch khi đến đất Quảng Ninh chơi, họ thường muốn mua một vật gì đó làm kỷ niệm. Nhưng chẳng lẽ lại đi ôm cả khối than thô kệch không có hình hài về. Vậy là họ tìm đến những sản phẩm làm từ than đá, đó là con trâu, con hổ, cái vòng, bức tranh… miễn là chất liệu bằng than đá. Đất than mà!
Bà Phan Thị Cộng trăn trở với những tác phẩm được chế tác từ than đá đang bị mai một.
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đến xưởng chế tác mỹ nghệ than đá của gia đình bà Phan Thị Cộng ở đường Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, gia đình bà là một trong những gia đình cuối cùng ở TP Hạ Long còn giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại.
Nhìn những sản phẩm như sư tử, con trâu, bức tranh hạ long, hòn trống mái… được chế tác với những đường nét tinh tế, tỉ mỉ đủ thấy sức sáng tạo và sự rày công của người thợ chế tác than đá.
Bà Cộng nhấc một sản phẩm lên và giới thiệu: “Sản phẩm mỹ nghệ và tranh than đá cứng như các sản phẩm đồ gốm, sứ vì thế có thể để trường tồn qua thời gian. Để sản phẩm có được độ bền cao như đồ gốm, người thợ chế tác phải rày công đi tìm phôi đá. Ở Quảng Ninh chỉ có 3 nơi là Đèo Nai, Cao Sơn, Cẩm Phả là có phôi đá cứng, than đẹp có thể làm được tranh đá”.
Theo bà Cộng thì khi tìm được nơi than đá có chất lượng tốt thì phải đem cưa máy đi xẻ thành từng khối. Sau khi xẻ được phôi thì đem về xẻ nhỏ ra thành từng khối theo yêu cầu chế tác. Phôi than chất lượng cao là khối than phải đặc, đen, bằng mắt thường quan sát không thấy có những vân, mạch đứt gãy xuyên ngang, dọc qua khối than. Nếu lấy phải than kém chất lượng thì chết tác sẽ không nên, khi đẽo gọt than sẽ bị gãy, nứt…
Những tác phẩm từ than đá là “đặc sản” của đất Mỏ.
Khi lấy than về, người thợ phải dùng những dụng cụ như dao gọt, dùi để tạo hình cho sản phẩm, khi sản phẩm đã tạo hình xong thì phải đánh giấy giáp để làm cho sản phẩm nhẵn nhụi hơn. Đánh giấy giáp xong phải đánh lại bằng vải lụa để cho sản phẩm bóng, mịn nhìn đẹp mắt. Trong quá trình chế tác thì khâu khó khăn và mất thời gian nhất là việc tạo hình và đẽo gọt những đường nét nhỏ, nếu khi đẽo, gọt mà không may làm vỡ một chi tiết nhỏ thì coi như sản phẩm hỏng, phải vứt bỏ.
Ví dụ khi làm con sư tử, khó nhất là gọt bờm làm sao cho giống như thật, khi lia dao gọt qua những đường cong của bờm, không may lỡ tay cứa vỡ những chỗ khác một mảng bằng nửa móng tay thì vứt cả sản phẩm. Nếu sản phẩm bị vỡ với vết vỡ chỉ bằng que tăm, sợi chỉ thì có thể khắc phục bằng cách dán keo để cố định vết nứt, vỡ sau đó đẽo, gọt lại chỗ vừa dán keo…
Vì sự tỉ mẩn, tốn nhiều công sức nên một người thợ lành nghề phải mất một tuần mới làm được một sản phẩm, còn những người thợ mới vào nghề thì có khi làm hai, ba tuần mới làm được một sản phẩm…
Video đang HOT
Nghề chế tác mỹ nghệ than đá đã xuất hiện tại đất Mỏ từ đầu thế kỷ XX do người Pháp du nhập vào. Ngay sau đó, Pháp đã cho mở một xưởng chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá để đem về Pháp. Khi mở xưởng chế tác tranh, người Pháp cũng đã mở một số lớp dạy nghề cho dân bản địa học rồi phục vụ cho nhu cầu của người Pháp.
Sau năm 1954 khi thực dân Pháp thua trận ở Việt Nam, những xưởng chế tác tranh than đá cũng bị giải thể. Một thời gian sau, những người thợ chế tác tranh đá quí được trở lại với nghề bằng việc tham gia vào HTX Hồng Gai chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá. Tuy nhiên, HTX hoạt động không hiệu quả, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… Đến năm 1986 HTX Hồng Gai giải thể và những người làm nghề chế tác tranh đá quí tách riêng ra để làm ăn, gia đình nào bán nhiều thì hưởng nhiều, bán ít thì hưởng ít…
Theo bà Phan Thị Cộng thì hiện nay, mỗi sản phẩm tranh, mỹ nghệ than đá có giá trung bình khoảng 350 ngàn đồng. Khách hàng mua những sản phẩm này chủ yếu là khách du lịch vãng lai, nhưng số lượng sản phẩm được bán ra không nhiều, gia đình chỉ làm theo kiểu “cầm hơi” làm để giữ nghề và làm cho vui chứ chẳng mặn mà với việc phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm đến quần chúng nữa.
Gia đình bà Phan Thị Cộng gắn bó với nghề mỹ nghệ than đá đến nay đã quá ba đời người, bà bảo: “Gia đình tôi bám trụ cái nghề lắm truân chuyên này từ khi nó mới xuất hiện cho đến nay. Nhưng có lẽ đời con, cháu tôi sẽ khó mà giữ được cái nghề này bởi nó độc hại hao công tốn sức lắm. Muốn làm nghề này phải có công cụ bảo vệ sức khỏe, như máy hút bụi, khẩu trang hoạt tính… nếu không thì nhiều người sẽ bị viêm phổi.
Hiện gia đình chúng tôi chỉ có 6 cụ già đã 70 – 80 tuổi hầu hết các cụ là những người trong gia đình, họ hàng làm 2 tiếng mỗi ngày để duy trì nghề cũ, các cụ ấy là những người tâm huyết với nghề, đau đáu nỗi niềm không để nghề lạc vào dĩ vãng…”.
Theo Dantri
Thú chơi đĩa hát giá ngàn đô
Những tưởng trong thời công nghệ hiện đại phát triển như ngày nay, nhạc analog không còn được ưa chuộng nữa. Thế nhưng, ở Hà Nội và TP.HCM vẫn còn khá nhiều người chơi đĩa than.
Cửa hàng của anh Mạnh Thắng là một tụ điểm của dân chơi đĩa than.
Nơi hội tụ của dân chơi đĩa than
11h trưa, shop âm thanh Thắng Audio của anh Nguyễn Mạnh Thắng, Phố Huế, Hà Nội, đã rậm rịch khách vào xem. Đa phần là khách quen. Họ tới xem chủ quán có sưu tầm được đĩa than độc, lạ nào hay không, tiện thể xem có thiết bị đầu đĩa mới không, rồi râm ran bàn luận.
Không chỉ là nơi kinh doanh, cửa hàng này đã thành nơi tụ hội của những người có chung sở thích. Khi có đồ gì mới, anh Thắng gọi điện cho những người bạn tới xem và nghe. Những người bạn khi sưu tầm được cái gì mới cũng gọi điện hoặc đích thân tới cửa hàng của anh để khoe.
Do đó, khách đến cửa hàng nhiều khi không phải để mua hàng, mà chỉ đơn giản nói dăm ba câu chuyện về những chiếc đĩa than hay bộ máy nghe đĩa than mới tậu... Khách quen của anh Thắng khá ổn định, chừng 50 - 70 người, trong đó có những người nổi tiếng như nghệ sỹ kịch Tiến Đạt, nhạc sỹ Phú Quang... Khi thì họ tạt qua mua cái đĩa, khi thì mua thêm vài thiết bị để thay.
Giới chơi đĩa than ở Hà Nội đều biết tới các cửa hàng chuyên như Shop Land (ở phố Núi Trúc) có khá nhiều các đầu máy nghe đĩa than cũ hay Audio Transit (ở phố Bùi Thị Xuân) với số lượng đĩa than khổng lồ. Tuy nhiên, độ phong phú thì không bằng các cửa hàng đĩa than ở TP.HCM.
Có cửa hàng ở TP.HCM còn quen thuộc với dân chơi ở Hà Nội đến mức gửi list hàng mới cho khách hàng, ưng cái nào thì đánh dấu, và họ chuyển hàng ra ngay, có thể thanh toán sau. Ngoài ra, việc lên ebay tìm mua đấu giá những đĩa than cổ hay những thiết bị đĩa than quý hiếm cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, phí vận chuyển về Việt Nam khá đắt đỏ.
Dân chơi đĩa than cũng thường hay chia sẻ kinh nghiệm sôi nổi nhất là trên Mạng nghe nhìn Việt Nam (Vietnam Audiovisual network). Ở đó có diễn đàn của những người cùng thú chơi như diễn đàn hi-end (những người chơi đồ công nghệ), diễn đàn những người nghiện nhạc analog, diễn đàn những người chơi đồ cổ...
Bên cạnh diễn đàn mạng, vào các ngày cuối tuần, các nhóm chơi đĩa than thường hẹn hò nhau ở một quán café nào đó đàm đạo.
Anh K.A, ngoài 40 tuổi, ở Lò Đúc, cho biết cứ cuối tuần là nhóm hay tụ tập ở quán café ở phố Phạm Đình Hổ để cùng chia sẻ thú chơi này. Chơi đĩa than hơn 20 năm nay, K.A nói thích nghe nhạc từ bé, thừa hưởng từ người bố. Anh sở hữu dàn âm thanh khủng, và riêng thiết bị để nghe đĩa than của anh cũng khá cầu kỳ.
Không muốn nói về giá trị tiền mặt cho những thiết bị này, nhưng K.A cho biết, có đồng nào là dồn vào để nâng cấp thiết bị.
Dân trong giới đồn rằng, bộ thiết bị đó của K.A khoảng 100.000 USD, riêng kim tết cỡ chục ngàn USD. Còn K.A thú nhận: "Chơi đĩa than giống như anh nghiện. Đã trót nghiện rồi, thì cứ phải tăng liều, khó mà bỏ được". Anh khoe, anh có tới 3-4 chiếc kim tết để đọc đĩa than. Bởi lẽ, cùng một chiếc đĩa than, nhưng khi thay kim tết khác lại cho âm thanh khác hẳn, rất thú vị.
Cái gì cũng có, chỉ sợ không có tiền
Họa sỹ Quách Đông Phương chơi đĩa than từ những năm 1980. Bây giờ anh vẫn còn lưu giữ những đĩa nhạc sản xuất từ năm 1940, vẫn còn tốt. Anh bảo, đĩa than đem chôn dưới đất 3 năm sau đào lên, rửa sạch, vẫn nghe được. Khác hẳn với đĩa CD hoặc băng cối, đổ nước vào là hỏng ngay.
Họa sỹ Quách Đông Phương và "kho" đĩa than của mình.
Gần Tết rỗi rãi, anh lại lôi đĩa ra rửa, tất nhiên là bằng hóa chất đặc biệt. Anh bảo, bây giờ người ta còn sản xuất cả máy rửa đĩa than, giá hàng ngàn đô.
" Nhưng chả mua làm gì. Tiền đấy để mua đĩa còn hơn", anh nói. Quách Phương Đông thích sưu tầm nhạc dân tộc của các nước. Anh có nhạc của thổ dân da đỏ, nhạc thiền của Tây Tạng, nhạc Phật của Ấn Độ, Nepal... Tất thảy anh đều mua được rất rẻ vì... người ta bỏ đi.
Anh phân trần: "Giống như mình lấy vợ. Với mình, cô này là xinh, nhưng với người khác thì cô này ra cái gì".
Quách Đông Phương có chừng 400 - 500 đĩa than. Anh tự nhận: " Tôi không nhiều đĩa than, nhưng là người chơi có thâm niên và kinh nghiệm, với lại mình là người thích âm nhạc. Còn dân chơi phải như Minh ghita, anh ta có hẳn một kho đĩa than nhạc giao hưởng gồm khoảng 10.000 cái. Trước tôi hay chơi với hắn, giờ hắn đã sang Mỹ định cư, mất liên lạc".
Nhiều đĩa than Quách Đông Phương có được là nhờ đi mua chim, vẹt ở phố Phạm Đình Hổ (Hà Nội), thấy bao nhiêu đĩa than người ta dùng để lót lồng cho chim... ỉa.
Anh mua hết với giá đồng nát 1.000 đồng/ chiếc, trong đó có nhiều đĩa quí, rửa sạch, vẫn nghe được như thường như đĩa thu thanh Đặng Thái Sơn đánh hồi đi thi Chopin ở Ba Lan và đoạt giải nhất. Tuy nhiên, có những đĩa than anh mua bằng giá trị nửa cái xe đạp Mifa, Eska lúc đó.
Quách Đông Phương nổi tiếng trong giới chơi đĩa than từ những năm 80-90 vì anh thạo sửa chữa. Ngày xưa, thiêt bị hỏng thì phải tự mày mò sửa, đâu có dễ kiếm như bây giờ. Trào lưu nghe đĩa than lại đang rộ lên, không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Anh bảo: " Bây giờ cái gì cũng có, chỉ sợ không có tiền thôi".
Sơ ý một chút, mất toi ngàn đô
Theo anh Nguyễn Minh Thắng, chơi đĩa than khó nhất là phải biết phối ghép các thiết bị với nhau vì toàn là đồ thửa. Có hãng chuyên về mâm, có hãng chuyên kim tết, có hãng chỉ bán cơ quay, có hãng chuyên đầu phono (phono là tầng khuyếch đại tín hiệu cho cơ đĩa, tín hiệu đọc từ đĩa ra được đưa qua tầng phono sau đó mới được đưa xuống âm ly).
Người chơi phải tự phối ghép chúng với nhau sao cho ăn ý. Muốn biết có hợp hay không phải thử nhiều cái. Có khi phải chờ vài tháng mới tìm được cái phù hợp.
Nguyễn Minh Thắng cho biết, hồi mới chơi vất vả lắm. Hay hỏng nhất là kim tết. Chỉ sơ ý chút thôi là đi tong. Mà kim tết đâu có rẻ, cái rẻ nhất cũng vài triệu đồng, có cái bằng kim cương có giá tới 90.000 USD.
Rồi anh kể, tại triển lãm thiết bị âm thanh vừa rồi ở Khách sạn Daewoo, Hà Nội, có một anh mang bộ dàn đĩa than mới và xịn ra triển lãm, lúc cân chỉnh sơ ý một cái, gẫy luôn cái kim tết 2.500 USD.
Họa sỹ Quách Đông Phương cũng có kinh nghiệm cay đắng với chiếc kim tết 1.000 USD của mình. Ngày xưa, nhà anh nuôi một con mèo, khi chủ nghe nhạc, nó cũng ngồi nghe, rồi thấy cái đĩa quay quay hay quá, với một phát, thế là bay.
Trong cửa hàng của anh Thắng, mỗi chiếc đĩa than đều niêm yết giá, có cái vài trăm ngàn đồng, nhưng cũng có cái vài triệu đồng. Riêng bộ đĩa hát của Thanh Hoa, Thu Hiền, Bảo Yến bày ở kệ trên cùng, không có giá. Hỏi giá, anh bảo: " Cái này không bán, chỉ bày, dù có người hỏi mua".
Rồi anh kể, những chiếc đĩa này cổ lắm, không thể tìm thấy trên thị trường. Sở dĩ, anh có được những chiếc đĩa này là do chơi với họa sỹ Lê Thanh Hải, con trai của họa sỹ Lê Thanh Đức, người chuyên vẽ bìa đĩa than cho Dihavina.
Sau khi ông Đức qua đời, anh Hải đã tặng anh một vài cái và anh giữ nó cho đến giờ. Khi chơi đĩa than, kim tết là thứ hay hỏng nhất, nhưng có thể thay được, tuy không hề đơn giản. Dân chơi đĩa than cho biết, hiện có ông Bình, ở Hàng Khay, chuyên sửa kim tết.
Gặp ông Bình thì được biết, ông vốn là thợ sửa đồng hồ. Năm 1976, khi đi bộ đội về, ông theo nghiệp cha sửa đồng hồ cho tới giờ. Năm nay, ông Bình đã ngoài 60, không còn sửa đồng hồ nữa, nhưng vẫn sửa kim tết.
Ông cho biết: "Tôi vốn thích chơi đĩa than từ những năm 70, thời ấy nghe còn phải nghe nhỏ, nếu không là bị bắt, chứ nói gì đến việc có sẵn thiết bị để thay như bây giờ. Hồi xưa, tôi chơi bị hỏng nhiều, nên tự mày mò cách sửa. Tôi chỉ làm cho vui thôi. Bạn bè, ai tôi quí, tôi thích thì làm, không thì thôi, chứ không mở cửa hàng, cửa hiệu gì cả".
Ông Bình cho biết, ông chỉ nhận sửa những kim tết giá từ 500 USD trở lên, còn những chiếc khoảng 1 triệu đồng thì ông khuyên nên mua mới. Ông đã từng sửa chiếc kim tết có giá 4.000 đến 5.000 USD.
Thiết bị chơi đĩa than: Giá từ vài triệu đến trăm triệu đồng
Với kinh nghiệm của mình, họa sỹ Quách Đông Phương cho biết, chỉ cần vài triệu đồng cũng có thể chơi được đĩa than, nếu biết cách và có đam mê. Vì hiện nay, người ta vẫn bán những chiếc máy than cổ giá vài triệu đồng.
Nhưng nếu có điều kiện, hàng đắt tiền cũng không hiếm, nhưng thường là hàng mới, của Anh, Mỹ sản xuất. Có những cái cơ quay đĩa than giá hàng triệu đô, đầu đọc đĩa than từ 15.000 đến 20.000 USD cũng có, rồi cục phono cũng có giá tới vài chục ngàn USD. Nhiều khi cái cơ quay được thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật. Nó được vận hành từ hệ thống nước chảy...
Theo xahoi
Vàng nữ trang gặp thời Mãi lực vàng nữ trang tăng mạnh dịp cuối năm dù chịu nhiều tác động từ chính sách. Mãi lực tăng 50% Các tiệm bán vàng nữ trang trên trục đường Nguyễn Văn Nghi, xung quanh khu vực chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM)... người dân ra vào tấp nập để mua sắm. Hệ thống các cửa hàng...