Hồ Ba Bể thuở bình yên và tương lai ầm ĩ
Có lẽ hiếm tuyến du lịch nào nhạt nhẽo, rẻ tiền và nguy hại như những gì mà du khách đang được hưởng hôm nay ở Ba Bể ( Bắc Kạn).
Bến tàu trên hồ Ba Bể – Ảnh: NAM TRẦN
Chúng tôi đặt chuông lúc 5h, dù cậu lễ tân khách sạn nói trước là trời sẽ rất nhiều sương mù, nhưng với cái nắng nóng 39 độ C hôm trước dọc đường từ Hà Nội lên, viễn cảnh được mở cửa đón sương sớm và gió lạnh núi rừng hứa hẹn là một trải nghiệm thú vị.
Khách sạn Sài Gòn Ba Bể mới mở được mấy ngày, con trai tôi phá lên cười khi nhìn biển hiệu tiếng Anh “Saigon Babe Hotel”. Nhưng mấy khi có được cái tên khách sạn vừa nguyên bản, vừa thú vị thế.
Ký ức ngọt ngào
Suốt thời trẻ con, tôi luôn nghĩ về cơ hội đến Ba Bể. Ba tôi là một giáo viên địa lý, ông rất yêu thích việc nghiên cứu địa lý, tôi nhớ từ “địa mạo” được chép trong một cuốn sổ ghi chép của ông lúc tôi còn rất nhỏ, và một bức ảnh ông chụp trong một chuyến đi khảo sát vùng núi đá phía Bắc với giáo sư Hoàng Thiếu Sơn, mà tôi tin là chụp ở Động Puông trên sông Năng.
Trong những bài đọc thời trẻ con của tôi, luôn có hình ảnh những chiếc thuyền độc mộc lướt đi trong sương sớm, và những bóng áo chàm xanh lững lờ trên mặt hồ trong veo…
Nhưng trong rất nhiều năm, tôi đã không đến đây, dù vẫn lang thang quanh những nẻo đường Tây Bắc – Việt Bắc. Bao nhiêu năm, sông Năng và hồ Ba Bể vẫn ở đấy, tiếng mái chèo khua nước, tiếng lộc cộc gõ vào mạn thuyền trên mặt hồ tĩnh lặng luôn là ký ức ngọt ngào.
Mấy năm trước, đường sá xa xôi có lẽ là thứ lớn nhất ngăn cản chúng tôi dừng lại lâu hơn ở Ba Bể trên một chuyến đi dọc đường 279.
Lúc ấy, chúng tôi đã dừng lại ở Ba Bể vào lúc trời tối hẳn, hi vọng có thể vòng qua đỉnh Yên Ngựa sang Tuyên Quang, nhưng đến sáng thì đường (lúc ấy đang làm) lại tắc vì một cái máy xúc bị hỏng, “đẩy” chúng tôi đi sâu vào rừng quốc gia Ba Bể sau một đêm ngủ lại.
Tôi đã trở lại Ba Bể nhiều lần sau đó, nhưng đều chưa có một chuyến đi chỉ dành riêng cho Ba Bể.
Video đang HOT
Tuần trước, tôi rủ các cậu con trai lên đường. Chúng tôi cần một đêm ngủ tốt để dậy sớm, chèo thuyền trên tuyến chúng tôi đã dự kiến từ rất lâu, dọc sông Năng vào hồ Ba Bể.
Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi chèo thuyền trên sông Năng. Tết 2016, chúng tôi đã dừng chân ở Puốc Lốm, thả kayak xuống sông Năng và chèo qua động Puông, nhưng trời tối nên chúng tôi chỉ đến được Khuổi Tăng rồi lại buộc thuyền lên xe đi tiếp.
Lần này thì khác, đường đến Ba Bể đẹp và dễ chịu. Mất độ hơn 3 tiếng để từ Hà Nội đến Ba Bể, nhưng là ba giờ rất dễ chịu, vì đường đi tốt và cảnh sắc hấp dẫn.
Vẻ đẹp tự nhiên và tĩnh lặng
Chúng tôi có vẻ là số ít trong những khách đầu tiên của khách sạn mới mở mấy ngày, mở cửa phòng là mùi thơm rất dịu dàng của sen. Một bình sen tươi cắm trên bàn phòng khách, hỏi ra mới biết sen đấy được hái từ đám sen mới được khu nghỉ trồng năm ngoái, nơi trước đây là cái hồ cảnh nhỏ đầy nòng nọc của nhà khách vườn quốc gia.
Bữa tối thêm chút thi vị với món bí thơm địa linh bùi, giòn tan, cậu lớn nhà tôi gọi thêm bát canh nữa và hỏi thêm, liệu ngày mai có được ăn canh bí tiếp không. Tất nhiên là có rồi, không chỉ thế, chúng tôi còn mang theo mấy quả bí địa linh về xuôi…
5h, trời đầy sương mù. Chúng tôi mang theo chút đồ ăn sáng, mấy cái cơm lam, mấy quả trứng luộc, ít bánh ngải cứu… 5h30, chúng tôi ra đến bến đò Puốc Lốm. Khi chèo ra giữa dòng, sương mù vẫn che khuất đỉnh núi trước mặt. Sông Năng đang mùa nước lên, chảy khá xiết, những xoáy nước lớn sẽ làm cho người mới chèo gặp chút ít khó khăn, sợ hãi khi sông tiến vào vách đá, nhưng chúng tôi thích thú với những thử thách nho nhỏ ấy.
Hồ Ba Bể – Ảnh: NAM TRẦN
Tôi sẽ nhớ buổi sáng tinh mơ trên sông Năng, với tiếng gà le te gáy ở đâu đó ngoài Khuổi Tăng vọng vào, thuyền của chúng tôi qua động Puông khi trời vẫn tối và mây mù còn phảng phất bên kia động, tiếng bò con gọi mẹ ở một bãi bên sông…
Tất cả những thứ ấy, cùng những tán cây cổ thụ ngả xuống sông, những ngọn núi đá dựng dứng hai bên với mây mù vờn ngang đỉnh, một dãy núi trước mặt ẩn hiện như bức tranh thủy mặc.
Gần đến chỗ rẽ vào hồ, dù mây núi vẫn còn, bức tranh thủy mặc tuyệt vời ấy bị phá tan bởi tiếng máy phành phạch của những cái thuyền máy từ trong hồ đi ra, chắc là đi về phía Puốc Lốm để đón những đoàn khách du lịch đầu tiên.
Có lẽ hiếm tuyến du lịch nào nhạt nhẽo, rẻ tiền và nguy hại như những gì mà du khách đang được hưởng hôm nay ở Ba Bể.
Bạn sẽ được lên một cái thuyền vỏ sắt, động cơ chạy dầu ầm ĩ, với chừng 500.000 – 600.000 đồng. Những cái thuyền ấy sẽ đưa khách đi qua hồ, đến Ao Tiên – nơi là một vũng nước đọng trên những dãy núi đá đã bị ô nhiễm nặng nề, với rác ở khắp nơi.
Du khách cũng sẽ được đưa đến đền An Mạ, vốn là một chỗ cầu cúng của người địa phương, để cầu cúng. Họ hầu như không thể nhìn thấy gì nhiều, không cảm thấy gì nhiều với lịch trình ồn ào ấy, bởi Ba Bể sẽ chỉ hấp dẫn ở vẻ đẹp tự nhiên và sự tĩnh lặng của nó…
Chúng tôi có chút khó khăn nhỏ khi rẽ vào hồ. Mấy hôm trước có lũ về nên nước từ hồ ra sông Năng chảy khá xiết, cần chút nỗ lực để thuyền không trôi ngược, nhưng những gì sau đó là phần thưởng tuyệt vời, với mặt hồ lấp lánh, tĩnh lặng, núi hai bên ẩn hiện, sương mù phảng phất trên mặt hồ… Bố con tôi dừng thuyền, gác mái chèo ăn sáng ở một khúc eo ở Pé Lầm.
“Bữa sáng tuyệt nhất” – con trai tôi nói. Cũng phải thôi, giữa tĩnh lặng núi rừng với mây mù vờn quanh dãy núi trước mặt, thi thoảng có tiếng chim rừng đâu đó từ vách núi sau lưng. Bữa sáng với ống cơm lam chấm muối vừng và tráng miệng bằng bánh ngải cứu trong khung cảnh ấy, với chút mồ hôi sau những nỗ lực chèo ngược dòng, quả nhiên là rất tuyệt.
Chúng tôi chẳng thể chèo nhanh hơn trong hồ, bởi cứ một đoạn lại phải dừng lại, để không bị tiếng khuấy nước quấy rầy, để mặt hồ trong veo không bị vỡ vụn bởi mái chèo khua nước, và để tận hưởng những gì không thể chụp được vào những bức ảnh…
Vĩ thanh
Trong bữa sáng muộn sau đó ở khách sạn, tôi gặp Hiếu, chàng trai Sài Gòn ra quản lý khách sạn ở Ba Bể, chia sẻ với Hiếu không chỉ về những trải nghiệm thú vị của một chuyến chèo kayak trên sông Năng vào hồ và quanh hồ, mà còn về một tương lai, có vẻ như không tươi sáng lắm của viên ngọc xứ Việt Bắc này.
So với chuyến chèo trên hồ vài năm trước, năm nay đã có cả đám váng dầu lớn và rất nhiều rác trên mặt hồ, trong vùng nước giữa đảo An Mã, Bà Góa và bến thuyền. Số thuyền vỏ sắt tăng lên nhiều, tiếng máy động cơ thuyền cùng sự lười nhác của du khách trong những chuyến đi gần như vô nghĩa trên hồ, có lẽ sẽ sớm giết chết Ba Bể, như thứ đã và đang xảy ra với Ao Tiên.
Vốn là một cái hồ nước tự nhiên nhỏ giữa nhiều đỉnh núi giữa hồ Ba Bể và sông Năng, giờ đây Ao Tiên đầy rác và trở thành một ao nước tù đọng ô nhiễm.
Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở Bó Lù, bản người Tày ven hồ này đang ngày một nhiều nhà bêtông hơn, không còn sự hấp dẫn của những ngôi nhà sàn lợp ngói của người Tày ẩn hiện bên sườn núi đá. Cũng may là bản Pắc Ngòi còn nhiều mái nhà và vài bóng áo chàm, cất giữ lại một chút hấp dẫn của Ba Bể.
Chắc chắn là tôi sẽ còn trở lại, cho một chuyến chèo thuyền giữa mùa lúa chín, từ Pắc Ngòi qua hồ ra sông Năng, về phía thác Đầu Đẳng. Ba Bể còn rất nhiều thứ để khám phá, để tận hưởng, từ những chuyến trekking trong vườn quốc gia, đi bộ sang Pắc Ngòi và Bó Lù.
Nhưng hơn cả, chúng tôi mong Ba Bể sẽ được bảo vệ, trước khi những chiếc thuyền máy vỏ sắt phá tan tĩnh lặng và cả sự sạch sẽ của mặt hồ, có thể sẽ ngày một đông hơn nữa…
Pác Ngòi - ngôi làng thơ mộng và bình yên bên hồ Ba Bể (Bắc Kạn)
Bản Pác Ngòi thơ mộng và xinh đẹp ven hồ Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, Bắc Kạn). Nơi đây còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Tày với những ngôi nhà sàn cổ tựa lưng vào vách núi, phía trước nhìn ra mặt hồ trong như ngọc mỗi buổi sớm mai...
Tất cả đều tạo nên sức hút kỳ lạ với du khách.
Trên các trang mạng xã hội hay các fanpage về du lịch, bản Pác Ngòi là một trong những địa điểm nằm trong danh sách "phải đến" khi du lịch Ba Bể. Đây là bản làng của người Tày với gần 100 mái nhà sàn, trong đó có không ít ngôi nhà đã có tuổi đời cả trăm năm...
Rất nhiều du khách khi đến với Pác Ngòi đều có chung đánh giá: Đây là một trong những bản Tày hiếm hoi vẫn giữ được vẹn nguyên các giá trị văn hóa truyền thống cũng như phong tục, tập quán sinh hoạt hàng ngày.
Chị Hoàng Thị Nụ (bản Pác Ngòi) cho biết ngoài công việc chính là chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề thủ công truyền thống, hơn chục năm gần đây dân bản mới mở rộng kinh doanh homestay: "Nhà tôi làm du lịch được 10 năm rồi, cảnh quan trong làng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nằm trọn trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể. Khách đến du lịch thì cũng được tản bộ ngắm cảnh hồ hoặc đi thăm những bản người Mông, người Dao ở trên vùng cao hơn".
Được thiên nhiên ưu đãi, Pác Ngòi có khung cảnh thiên nhiên như bức tranh thủy mặc. Bản nằm trên lưng núi soi bóng xuống hồ Ba Bể bảng lảng sương sớm; màu xanh mướt của những vạt rừng điểm xuyết mảnh rực rỡ nắng vàng... khiến ai đã đến nơi này cũng chẳng muốn rời đi.
Biểu diễn hát then phục vụ khách tham quan
Một trong những điều đặc biệt ở bản Pác Ngòi chính là những ngôi nhà sàn vẫn được giữ nguyên kiến trúc cổ từ cả trăm năm trước. Đây cũng là một trong những điểm thu hút du khách đến với Pác Ngòi, để được trải nghiệm cuộc sống của dân bản dưới mái nhà sàn truyền thống, được cùng dân bản chế biến những món ăn địa phương và cùng lâng lâng chén rượu men lá trong tiếng then, điệu tính bay bổng.
Anh Lã Văn Trường, một thành viên trong đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn hát then phục vụ khách du lịch ở bản Pác Ngòi chia sẻ: "Bà con trong bản vừa làm nông nghiệp kết hợp làm du lịch để tăng thêm nguồn thu nhập. Mô hình du lịch cộng đồng ở đây ngày càng phát triển. Khách đến đây cũng tham gia trải nghiệm làm ruộng, làm rẫy cùng bà con dân bản. Văn nghệ thì đa số là những đội văn nghệ của bản tự thành lập; tuy nhiên cũng nhận được sự quan tâm của Trung tâm Văn hóa huyện Ba Bể. Trung tâm cử cán bộ xuống bản hướng dẫn cho đội văn nghệ hoạt động hiệu quả".
Người dân Pác Ngòi hiền hòa, mến khách nên du khách khi đến đây sẽ có cảm giác vô cùng thân thiện. Anh Hoàng Văn Chuyền - Trưởng xóm Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết ngoài các hoạt động nông nghiệp thì hiện nay người dân bản Pác Ngòi cũng đã làm du lịch với hình thức kinh doanh homestay, giúp đời sống được cải thiện cũng như tạo nên một diện mạo mới cho cả một vùng hồ Ba Bể.
"Trong bản bây giờ vẫn giữ được khoảng 80% những ngôi nhà sàn cổ. Hiện nay đang thực hiện chủ trương của cấp trên là giữ gìn bảo tồn những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Từ khi các hộ trong xóm làm du lịch thì lượng khách đến đây ngày càng đông, tăng thêm thu nhập cho bà con trong bản" - anh Hoàng Văn Chuyền nói.
Đến Pác Ngòi, du khách có thể ngắm nhìn thiên nhiên đặc sắc, núi non hùng vĩ và đừng quên thưởng thức tất cả các món ăn đặc sản của đồng bào nơi đây, từ cá nướng, tôm chua, măng vầu đến xôi nếp nương hay lợn sữa quay... cũng như tìm hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Tày nơi đây./.
Pác Rằng - vẻ đẹp bình yên nơi miền biên cương Bản Pác Rằng, thuộc xã Phúc Sen, nằm ven Quốc lộ 3, thành phố Cao Bằng đi Cửa khẩu quốc gia Tà Lùng. Phía trước bản Pác Rằng là cánh đồng nhỏ hướng ra Quốc lộ, sau lưng là những ngọn núi đá hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh tạo nên cảnh quan thanh bình, xanh mát. Đây là nơi cư...