HN: Xây cầu vượt qua di tích Đàn Xã Tắc?
Cầu vượt được thiết kế dầm thép tại ngã 5 Ô Chợ Dừa sẽ được xây dựng theo hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu và có tĩnh không đi qua khu di tích Đàn Xã Tắc.
Liên quan đến dự án xây dựng cầu vượt qua Đàn xã tắc, ông Lê Minh Đức, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội) đã trao đổi thông tin với PV.
Ông Đức cho hay, hiện tại, dự án đang trong quá trình thẩm định để trình UBND TP.Hà Nội xem xét phê duyệt.
Theo phương án đang đề xuất, cầu vượt dầm thép sẽ được thiết kế theo hướng vành đai I (từ Kim Liên đi Hoàng Cầu) có chiều dài 632m (5 dầm thép, 6 bản bê tông).
Cầu có mặt cắt ngang 14,5 m gồm 4 làn xe cơ giới, mỗi làn 3,25m. Đảo giao thông rộng 18m.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 776 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 451 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và thu hồi 549 m2 đất của 51 chủ sử dụng là 33,3 tỷ…
Theo phương án Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội trình UBND TP.Hà Nội, cầu vượt được thiết kế dầm thép tại ngã 5 Ô Chợ Dừa sẽ được xây dựng theo hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu và có tĩnh không đi qua khu di tích Đàn Xã Tắc.
Video đang HOT
Dự án xây dựng cầu vượt tại ngã 5 Ô Chợ Dừa sẽ đi qua khu di tích Đàn Xã Tắc và có khoảng cách tĩnh không từ mặt đất của khu di tích đến đáy dầm là 4,75m-6,7m, nhưng sẽ không xâm phạm đến khu di tích.
Ông Đức khẳng định, trong phương án Ban quản lý đề xuất không có chuyện xâm phạm khu di tích Xã Đàn.
“Trong quá trình đề xuất các phương án, Ban quản lý đều có quá trình thoả thuận và xin ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý văn hoá là Sở VHTT&DL Hà Nội, Sở này báo cáo lên và Bộ VHTT&DL có văn bản đồng ý thì trên cơ sở đó mới làm” – ông Đức nói.
Về mặt cảnh quan kiến trúc, ông Đức cho hay, thiết kế sẽ vẫn đảm bảo giao thông đô thị thông suốt và giữ được cảnh quan kiến trúc.
Trước lo ngại, nếu phương án xây cầu vượt bản thép theo hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu được thông qua, khi tiến hành thi công sẽ ảnh hưởng đến khu di tích, ông Đức khẳng định: Khu di tích đàn Xã Tắc là khu di tích ngầm (trầm tích bên dưới), do vậy khi thi công cầu, các cọc nhồi đóng xuống đều sẽ tránh ra.
Cụ thể, trụ cầu sẽ nằm ngoài khu di tích đã được Bộ VHTT&DL khoanh vùng lưu dấu.
Ông Đức cũng cho hay, sở dĩ phải xây dựng cầu vượt theo hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu vì không thể thiết kế cầu theo hướng Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng. Nguyên nhân, do tuyến đường này quá hẹp, và nếu làm sẽ rất khó khăn trong giải phóng mặt.
Trong khi đó, nếu làm theo hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu thì mặt cắt ngang mỗi bên 50m đã có và không phải thu hồi đất nhiều. Chỉ phải cắt xén một số hộ tại đầu đường Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên và Nguyễn Lương Bằng.
Ngoài ra, theo ông Đức, làm cầu vượt theo hướng đường vành đai I (hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu) sẽ giải toả được giao thông nhiều hơn. Do vậy, phương án này được lựa chọn là hợp lý nhất.
Trước đó, ông Nguyễn Sỹ Bảo – GĐ Ban quản lý các dự án trọng điểm đô thị Hà Nội đã cho hay, Ban đã làm việc với đơn vị tư vấn để có hơn 10 phương án. Qua đó, đã lựa chọn 3 phương án để trình lên UBND TP Hà Nội và các sở ngành.
Trong đó, tập trung vào phương án làm cầu vượt nhưng không làm ảnh hưởng tới Đàn Xã Tắc.
Theo ông Bảo, những phương án Ban trình lên đã được Hội đồng kiến trúc sư TP Hà Nội thông qua. Đặc biệt, nếu làm cầu vượt qua đây thì các mố cầu cũng nằm ngoài phạm vi di tích Đàn Xã Tắc.
Cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn!
Theo báo Đất Việt, sau khi nghe thông tin Hà Nội tính xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển khuyên rằng: Nên dừng dự án lại, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn.
GS Ngọc cho hay, dự án làm cầu vượt đã được đưa ra từ năm 2005 nhưng không được thực hiện. Khi thực hiện dự án đường Kim Liên mới (đường Xã Đàn), các nhà quản lý đã chọn giải pháp lấp cát, lập bia đá đánh dấu di tích đó cũng là giải pháp cần thiết tạm thời.
“Di tích quốc gia theo Luật Di sản bao gồm vùng lõi và vùng đệm, cả trên mặt đất và cả trong lòng đất, cả di tích, di vật và thiên nhiên cảnh quan. Việc xây cây cầu sắt khổng lồ nằm đè lên trên di tích, dù có không đụng chạm gì đến những hiện vật đã được lấp cát ở bên dưới thì cũng vẫn là một sự xâm hại di tích…
Việc xây cầu mặc nhiên là rất cần, nhưng có thể căn chỉnh hay điều chỉnh ra khỏi vùng di tích, còn di tích thì chỉ có vậy, không thể di dời sang vị trí khác được.
Vấn đề là tùy thuộc vào trách nhiệm của các nhà làm quy hoạch thôi, vì chúng ta làm sao có thể kéo cụ Lý Thái Tông lên mà cật vấn cụ sao không nghĩ đến quy hoạch Thủ đô năm 2013 mà lại cho làm đàn Xã Tắc ở giữa cái nút giao thông quan trọng này?. Nói thế chứ ai lại nỡ phá di tích của tổ tông.
Tôi tin là các nhà quản lý có đủ tỉnh táo để dừng dự án lại và chọn một giải pháp phù hợp vừa giải phóng được ách tắc ở nút giao thông có lịch sử đến hơn nghìn năm lại vừa bảo tồn được di tich có một không hai của quốc gia dân tộc” – GS Ngọc viết trên Đất Việt.
Theo 24h
Khánh thành cầu vượt dầm thép lớn nhất Hà Nội
Cầu vượt rộng 16m với 4 làn xe chạy hai chiều được làm bằng trụ bê tông cốt thép, dầm thép hộp chịu được xe trọng tải lên đến 80 tấn ở nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng chính thức được khánh thành vào sáng nay, ngày 12/12.
Cầu vượt nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng được đầu tư 348 tỷ đồng được khởi công vào tháng 5/2012. Như vậy, sau 7 tháng thi công cây cầu dầm thép này đã "cán đích".
Cây cầu chịu được xe trọng tải 80 tấn
Khác với 3 cây cầu vượt bằng thép được thông xe trước đó, cây cầu vượt trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng có trụ bê tông cốt thép, dầm thép hộp với độ bền vĩnh cửu và chịu được trọng tải 80 tấn.
Để giải quyết ùn tắc giao thông, Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng thêm cầu vượt tại ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và trên tuyến đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân.
Theo Dantri