HN tiếp tục thay đá vỉa hè ‘bền vững 70 năm’ dù nát sau vài tháng
Chỉ sau một thời gian ngắn, đá tự nhiên lát trên vỉa hè Hà Nội bị vỡ nát, bong tróc. Ở một số tuyến phố vẫn tiếp tục thay lớp gạch cũ bằng loại đá này.
Để sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, nhiều tuyến phố trên 12 quận của Hà Nội được lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây.
Có thể kể đến tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn; đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), đường Trần Phú (Hà Đông); phố Trung Kính, Trần Duy Hưng ( Cầu Giấy)…
Vỉa hè đoạn trước số 231 đường Nguyễn Trãi (Thượng Đình, Thanh Xuân) bong tróc, đá lát vỡ làm nhiều mảnh.
Loại đá tự nhiên này được Hà Nội nhận định là có độ bền từ 50-70 năm nhưng mới sử dụng vài tháng đã xuất hiện cảnh tượng nứt, vỡ, ở nhiều vị trí đá còn bị bật khỏi nền.
Đến nay, hầu hết các tuyến phố được lát đá tự nhiên đều xuất hiện tình trạng xuống cấp, cả hàng dài vỉa hè nhan nhản vết nứt, vỡ gạch, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.
Ông Lê Văn Thọ (Trung Kính, Cầu Giấy) chia sẻ: “Trước, tôi thấy vỉa hè lát gạch vẫn còn tốt, không đến mức độ phải cạy lên để thay. Giờ lát đá tự nhiên mới chỉ được 4-5 tháng đã nát bét thế này rồi, vài năm nữa không biết sẽ thế nào”.
Vỉa hè đoạn ngõ 193 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) xuống cấp trầm trọng.
Vỉa hè vỡ nát trên bề mặt rộng, nham nhở vết nứt.
Vỉa hè đường Trần Duy Hưng. Ảnh chụp tại ngõ 126.
Video đang HOT
Vỉa hè đường Trung Kính.
Một số viên gạch vỡ còn bật hẳn lên khỏi mặt đất.
Vỉa hè trên đường Trần Phú (quận Hà Đông) bong tróc.
Vỉa hè trên phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn bong tróc, nhiều viên gạch dường như bị mất từ lâu.
Vỉa hè phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn bắt đầu được sử dụng vào tháng 5.2016, tuyến phố này có tổng mức đầu tư hơn 224 tỷ đồng, riêng các hạng mục như hệ thống chiếu sáng, hệ thống bó vỉa, gạch lát hè chiếm trên 50 tỷ đồng.
Đoạn vỉa hè sâu trong ngõ 299 phố Trung Kính đóng rêu, gây trơn trượt.
Hầu như không ai dám đi bộ trên đoạn vỉa hè như thế này.
Nhóm công nhân đang cạy lớp gạch cũ trên đường Trung Kính chiều 22/11 để thay bằng lớp đá tự nhiên.
Một số người dân tại đây thắc mắc, khi gạch cũ lát vỉa hè còn tốt thì có nên thay mới hay không, việc làm trên gây lãng phí tiền của mà độ bền không cao.
Tại đường Nguyễn Trãi, một nhóm công nhân đang thi công nốt các hạng mục để hoàn thiện vỉa hè.
Những đoạn vỉa hè xấu xí nham nhở trên đường Nguyễn Trãi.
Vỉa hè trên phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội).
Mới đây, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trao đổi về việc lát đá tự nhiên tại vỉa hè nhiều tuyến phố, ông Trần Việt Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, TP có chủ trương lát đá vỉa hè trên các tuyến phố để thực hiện năm kỷ cương hành chính trật tự văn minh đô thị. Căn cứ vào chủ trương này, một số quận huyện đang triển khai thực hiện.Lý giải về hiện tượng đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm đã nhanh chóng bị vỡ nát, hư hỏng sau vài tháng được lát, ông Trung cho rằng, lát đá trên vỉa hè còn phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới.
Theo Đoàn Bổng (VNN)
Sở Xây dựng Hà Nội lý giải việc đá vỉa hè "bền vững 70 năm" bị vỡ nát
Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 21/11, ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - đã thông tin về việc đá tự nhiên có tuổi thọ 70 năm mới lát trên nhiều vỉa hè tuyến phố Hà Nội nhưng đã nhanh chóng xuống cấp.
Đá tự nhiên lát vỉa hè mới lát đã nứt vỡ.
Trước đó, nhằm sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường thống nhất ở 12 quận từ nay đến năm 2020, nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã và đang triển khai lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây. Tuy nhiên sau một thời gian đi vào sử dụng, những viên đá tự nhiên được "quảng cáo" là bền vững 70 năm đã... vỡ nát.
Theo ông Trần Việt Trung, thành phố có chủ trương lát đá vỉa hè trên các tuyến phố để thực hiện năm kỷ cương hành chính trật tự văn minh đô thị. Căn cứ vào chủ trương này, một số quận huyện đang triển khai thực hiện.
Lý giải về việc đá tự nhiên được "quảng cáo" có tuổi thọ 70 năm nhưng đã nhanh chóng bị vỡ nát, hư hỏng sau vài tháng được lát, ông Trung cho rằng, lát đá trên vỉa hè còn phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới.
"Do dưới lớp đá lát tự nhiên là lớp bê tông, nhiều khi lớp bê tông còn liên quan tới trạm điện, gốc cây trên vỉa hè. Chính điều đó đã ảnh hưởng tới chất lượng lớp đá. Chất lượng lát đá vỉa hè có đảm bảo hay không thì phụ thuộc vào lớp bê tông này", ông Trung lý giải.
Lớp đá bong tróc, xô lệch và vỡ nát.
Cũng theo ông Trung, việc nhiều tuyến phố dù gạch cũ vẫn còn tốt nhưng lại bị cạy lên để lát đá tự nhiên là có thể do nhiều quận huyện đang hiểu sai ý kiến chỉ đạo nên đã lát đá tự nhiên thay vào lớp gạch cũ trên vỉa hè.
Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã kiểm tra và đánh giá về chất lượng, có phần cần chấn chỉnh, ví dụ trên tuyến Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, các chủ đầu tư đã khắc phục ngay.
Sở Xây dựng cũng đã tham mưu TP yêu cầu rà soát, không lát ở các tuyến đường vỉa hè còn tốt, chỉ lát ở các tuyến đã xuống cấp.
Ông Trung cũng thông tin thêm, nhiều vị trí quanh gốc cây, các trạm điện, các bốt điện làm không đẹp, không đảm bảo mỹ quan, chất lượng. Có đơn vị làm quá gần các gốc cây, cắt rễ cây nhiều, ảnh hưởng đến cây xanh.
"Từ những việc như vậy chúng tôi cũng thực hiện kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở. Hiện nay đang chấn chỉnh lại công tác này", ông Trung khẳng định.
Trước câu hỏi thành phố chi bao nhiêu tiền cho việc lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng từ chối trả lời và cho biết "xin phép về tập hợp lại và sẽ thông tin sau".
Trần Thanh
Theo Dantri
Hà Nội: Bà cháo sườn, ông trà đá nép vỉa hè mưu sinh "Hậu" dẹp vỉa hè, quán trà đá của ông Nguyễn Quang Ánh nằm lọt trong vạch sơn trắng. Còn bà Nguyễn Hồng Lan giờ chỉ bán được nửa nồi cháo sườn. Phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội sau chiến dịch xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, những gánh hàng mưu sinh lay lắt trở lại trong nỗi lo...