HN: Thực hư chuyện rộ mốt nuôi “chó điên”
Mặc cho máu chảy ướt đẫm vùng lông cổ, con chó lừ lừ đưa đôi mắt sắc lạnh liếc nhìn, khiến người đối diện không khỏi chột dạ.
Vẻ ngoài cơ bắp và “chiến đấu” khiến Pitbull dễ bị ác cảm
(Ảnh Internet)
Vô tình mục sở thị “tính điên” của chó Pitbull
Một sáng chủ nhật, chúng tôi vô tình đi qua khu vực hồ Giảng Võ (Q.Ba Đình, Hà Nội) thấy một đám đông đang quây tròn, nhốn nháo ở thảm cỏ ven hồ. Dừng xe, lách vào xem là một cảnh tượng không mấy nhân văn: Hai con chó kích thước vừa phải, cùng màu vàng, đang điên cuồng lao vào nhau cắn xé.
Có vẻ như đây là một tai nạn của chủ nuôi, khi anh này cố gắng kéo xích cổ của 1 con chó, trong khi con còn lại sống chết lao vào cắn. Không một ai dám hỗ trợ người chủ, giữ lấy dây xích của con thứ 2. Trận chiến vì thế diễn ra khá lâu, đến hơn 10 phút. Cuối cùng, chỉ khi dây xích của con thứ 2 vướng vào một gốc cây cạnh đó, người chủ mới có thể tách 2 con chó ra và ngay lập tức phải đưa chúng đi khuất tầm nhìn của nhau.
Hai con Pitbull “khè” nhau ở Hồ Tây (Ảnh Internet)
Lúc này mới có thể quan sát kỹ đây là 2 con chó thuộc giống Pitbull. Hóa ra, người chủ mới chơi loại chó này, mua cả 2 con về nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ. Thường ngày, cứ chiều đến, anh vẫn dắt chúng đi dạo ven hồ Giảng Võ. Đột nhiên hôm nay, chúng “nổi điên” lao vào cắn xé nhau. Mặc cho máu chảy ướt đẫm vùng lông ở cổ và ức, con chó thứ 1 lừ lừ đưa đôi mắt sắc lạnh liếc nhìn, khiến người đối diện không khỏi chột dạ.
Thở hổn hển vì mệt, người chủ móc điện thoại ra gọi cho bạn: “Mày đến mang tạm một con về nuôi, không thì cho tao để nhờ vài hôm, chứ giờ đưa về một chỗ, chắc nó cắn nhau chết”.
Những lời đồn thổi “nổi gai ốc, sởn da gà”
Người ta đồn thổi rất nhiều về giống chó Pitbull. Có lẽ một phần vì ngoại hình quá dữ dằn của loài chó này: Dù kích thước tổng thể không quá to như kiểu chó Ngao Tây Tạng, song Pitbull có một bộ khung xương vững chãi “như bàn thạch”, khắp thân là những múi cơ bắp săn chắc, vai trước vạm vỡ. Đặc biệt là đôi mắt, sắc lạnh và lầm lì, nằm ở dưới cái trán to gồ lên. Có không ít con Pitbull trên người chằng chịt những vết sẹo, càng làm tăng lên ác cảm và sự sợ hãi đối với người lần đầu tiên tiếp xúc.
Video đang HOT
Cơ bắp của một con Pitbull tại Trung Quốc (Ảnh Internet)
Nhiều người rỉ tai nhau rằng, loài chó này có một cơ hàm khác biệt, có cấu tạo như khớp khóa, do đó khi nó đã cắn vật gì, hay đối thủ thì không bao giờ nhả ra. Bên cạnh lời đồn thổi về “hàm khóa”, người ta còn tin rằng Pitbull là loài chó không biết đau (!?) nhờ hệ thần kinh…có vấn đề; dù bị con khác cắn tơi bời cũng chẳng xi-nhê gì, thậm chí có xịt hơi cay vào mặt nó cũng vô tác dụng (!?)…v…v. Cũng chính vì thế nhiều người cho rằng loài chó này thường điên điên, khó kiểm soát, ẩn chứa nhiều rủi ro khi nuôi tại gia.
Lời đồn thổi “ác” nhất, đó là hiện nay tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc đang rộ mốt nuôi loài “ chó điên” này, mà phần đông- chủ nuôi là dân “anh chị”, nuôi chó Pitbull như một sự khẳng định về đẳng cấp vật nuôi, số má giang hồ.
Pitbull không hề điên, người nuôi không hề “anh chị”
Đem tất cả những chuyện này hỏi anh Hải (Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu)- một người có nhiều kinh nghiệm nuôi chó Pitbull tại Hà Nội) thì nhận được câu trả lời phủ đầu: “Lại là nghe đồn đúng không?”
Giống chó không dành cho người yếu tim (Ảnh Internet)
“Pitbull cũng như tất cả các loài chó khác: điên hay không; phản chủ hay trung thành… tất cả đều do cách nuôi dạy của con người mà ra”- anh Hải thủng thẳng sau tuần trà mạn- “Tôi đã từng nuôi nhiều loại chó từ thời nuôi chó Nhật, rồi chó Béc-giê, thậm chí cả Ngao Tạng (chó ngao Tây Tạng- P.V) và giờ là Pitbull, có thể khẳng định đây là loài chó rất trung thành, tình cảm với chủ. Tương tự như thế, người nuôi giống chó này không có chuyện toàn dân “anh chị”, mà thực tế hầu hết đều là những người tử tế”.
Anh Hải mở chiếc máy tính, cho chúng tôi xem về chuyện nuôi chó Pitbull một thành viên tại Hà Nội. Thành viên này kể rằng: sáng hôm đó, con Pitbull của anh đã rất yếu rồi, nhưng vẫn cố liếm láp và vẫy đuôi chào chủ đi làm. Đến chiều về, anh này thấy con chó đã chết cứng ngắc, trong tư thế nằm hướng về phía đón chủ vào nhà. Hình ảnh đó làm anh đến giờ vẫn không thể mở lòng với một con chó khác.
Anh Hải tiếp tục mở tư liệu về cho Pitbull cho chúng tôi xem, tất cả đều chứng minh loài chó này giống như bao loài chó khác, nghĩa là không có “hàm khóa” và “thần kinh bất thường”. Điểm nổi trội của Pitbull là có thể lực tốt và thần kinh thép cũng như ý chí lãnh thổ cao, nên theo bản năng nó có thể tấn công những con chó, thú khác đến cùng (thậm chí là những con thú lớn hơn nó nhiều lần).
Cho chó cắn lốp xe để rèn luyện (Ảnh Internet)
Lợi dụng đặc tính này, ở nước ngoài và ngay cả Việt Nam trước đây từng có nhiều trận chọi chó Pitbull. Tuy nhiên, hiện nay những người nuôi, yêu chó Pitbull thực sự, cực lực lên án và tẩy chay hành vi dã man này. Họ vẫn bằng nhiều cách rèn luyện cho con chó khỏe mạnh, song là để thi thố trong những cuộc thi kéo vật nặng, sự nhanh nhẹn hay tuân mệnh lệnh chủ mà thôi. Trường hợp 2 con chó cắn nhau ở hồ Giảng Võ nêu trên, có thể do chúng đến tuổi trưởng thành, động dục mà chủ nhân do thiếu kinh nghiệm, không để ý, huấn luyện nên mới xảy ra chuyện.
Đang hào hững, anh Hải bỗng chùng giọng xuống: “Tôi không phủ nhận, có một bộ phận nhỏ người nuôi Pitbull theo mục đích không lành mạnh. Đơn giản, họ nuôi loài chó này vì “Ghét con chó nhà hàng xóm, nuôi con dữ hơn cho biết tay” hay thậm chí là “Mày đánh tao, tao thả chó cắn”; cũng có những trường hợp dân “anh chị” nuôi Pitbull theo kiểu “không đụng hàng” với thiên hạ, lấy le khi dắt con chó đi đường, ai cũng phải ngoái nhìn… Những người này thường tìm nhiều cách kích thích con vật, miễn sao nó càng hung hăng càng tốt. Họ đánh đập chó, đối xử tàn bạo, thậm chí tiêm thuốc kích thích bản năng sát thủ của Pitbull. Đến một ngày kia, bất chợt nhận ra con chó đã ở ngoài vòng kiểm soát của chủ thì họ chán chường, đem cho hoặc bán rẻ cho người khác. Khi đó con chó đã trưởng thành, về với chủ thứ 2 cũng rất khó thuần phục và có thể gây ra tiếng xấu”.
Vượt lên trên tất cả những điều thị phi ấy, những người thực sự yêu quý giống cho Pitbull tại Việt Nam vẫn đang ngày một tăng về số lượng- như một minh chứng hùng hồn, gỡ tiếng oan cho loài chó đặc biệt này.
Theo ANTD
"Vua giải độc" và bài thuốc chữa bệnh dại bí truyền 10 đời
Lão nông Mai Văn Khá (76 tuổi, ngụ tổ 8, Khu vực 4, phường Hương Sơ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lâu nay được biết đến là "vua giải độc" xứ Cố Đô. Được cho là có khả năng chữa khỏi những ca bệnh bị chó dại cắn chỉ trong vòng vài phút, tuy nhiên bài thuốc này của ông chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng.
Bài thuốc bí truyền 10 đời
Năm nay đã là năm thứ 60 ông Khá theo nghiệp giải độc chó dại cứu người. Ông bộc bạch đây là phương thuốc bí truyền của gia đình mình đã được lưu truyền qua 10 đời, hiện ông đang dạy nghề cho con trai để bài thuốc gia truyền nhà mình thêm một "tuổi" mới.
Ông Khá tranh thủ phơi khô thảo dược giữa tiết trời nắng
Theo lời "thầy lang kiêm nông dân" này thuật lại, cụ tổ gia tộc của ông là một võ sư giỏi nên biết nhiều bài thuốc quý, trong đó giải độc chó dại được ví như "môn võ bí kíp" làm nên tiếng tăm. Bản thân ông Khá từ năm tròn tuổi 15 đã được bố chọn để truyền nghề. Sau hai năm theo cha học nghề, chàng trai ngày đó đã có thể hành nghề độc lập giúp người.
Bởi đây là bài thuốc gia truyền nên ông Khá đề nghị được giấu tên các loại thảo dược, không phải vì lý do "mất bí quyết" mà lo sợ người khác làm theo không cẩn trọng có thể dẫn đến hậu quả xấu. Theo lời ông, bài thuốc giải độc chó dại cực kì đơn giản: "Chỉ cần sử dụng hai loại cây có chứa chất nhựa dẻo. Cây thuốc sau khi cắt về được phơi khô và tán mịn thành bột. Cũng có thể sử dụng thuốc ở dạng tươi nhưng như thế sẽ không phát huy hết hiệu quả, bởi cây thuốc phải lấy từ rừng, phơi khố mới cô đủ chất nhựa và phát huy công hiệu giải độc".
Nhựa thảo dược được xem là yếu tố giải độc cực kì hiệu quả. Tuy không thể giải thích một cách khoa học nhưng ông lão giải thích theo lời người cha dặn lại: "Chất nhựa này có tác dụng khống chế và đẩy lùi chất độc, không cho chất độc phát tán trên cơ thể người bệnh".
Về quy trình giải độc, lão nông cho biết gồm hai công đoạn chính như sau: Trước hết cần kiểm tra tình trạng sức khoẻ người bệnh, đánh giá mức độ nặng nhẹ của độc tính để pha thuốc theo đúng tỉ lệ. Thông thường chỉ cần sử dụng 1 - 2 thìa lớn bột cây thuốc là đủ. Vị lang vườn chỉ dẫn phải pha bột lá cây thuốc vào nước lọc rồi cho người bệnh uống để cầm độc là việc cần làm trong mọi trường hợp.
Tiếp theo công đoạn cầm độc là công đoạn giải độc: "Tôi ngậm bột lá vào miệng sao cho vừa đủ độ ướt thì nhả ra đắp vào vị trí người bệnh bị con vật cắn; vừa đắp đồng thời kết hợp việc dùng tay xoa bóp, vuốt đều thân thể người bệnh từ trên xuống dưới. Tiếp đó dùng kim nhọn chích mạnh vào vết thương và sử dụng đồng xu bằng bạc nguyên chất "kéo" máu độc ra ngoài. Để chắc chắn hơn, tôi dùng một viên đá gia truyền để "nạo vét" chất độc sạch hoàn toàn".
Điểm lưu ý đặc biệt trong suốt quá trình giải độc là khâu kiểm tra xem máu độc đã phát tán trên cơ thể người bệnh hay chưa. Ông Khá bật mí căn cứ vào màu sắc các mạch máu để nhận biết điều này: Nếu một khi chất độc đã "lên thượng" (đi lên phần phía trên cơ thể như: ngực, tay...) thì cần phải khơi thông mạch máu ở trên đầu người bệnh, phun thuốc vào nhằm ép chất độc xuống dưới và hút ra bên ngoài.
Việc ngậm bột thuốc vào miệng đóng vai trò quan trọng không kém bởi như lời ông Khá giải thích, nước bọt của người có tác dụng bổ trợ trong quá trình giải độc. Tuy nhiên nước bọt chỉ phát huy hiệu nghiệm ở mức độ vừa phải. Những công đoạn phụ này đòi hỏi thầy lang phải thạo nghề, nếu không sẽ gây nguy kịch đến tính mạng người bệnh, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên với kinh nghiệm 60 năm trong nghề, ông Khá tự tin khẳng định mình chưa từng "bó tay" trước bất kì ca bệnh nào. Tuy giải thích tỉ mỉ có phần hơi nhiều công đoạn như trên nhưng lang y Khá cho biết ông chỉ cần 5- 10 phút đồng hồ để hoàn thành mỗi ca bệnh. Với những trường hợp nặng nhất, ông cũng chỉ cần đến chưa đầy 20 phút để giải độc.
Không kiếm tiền từ nghề gia truyền
Có biệt tài như vậy nhưng lang y Mai Văn Khá bộc bạch không sử dụng món nghề gia truyền để kiếm sống. Ông trải lòng: "Hành nghề thuốc cốt là để cứu người, tạo phúc ở đời". Triết lí sống "cha mẹ có đức, con cái thỏa sức hưởng lộc" bởi thế không biết từ khi nào đã thấm vào máu thịt ông lang vườn. Đó cũng là lí do để vợ chồng ông gắn bó và kiếm sống từ hơn mẫu ruộng suốt mấy chục năm nay, chỉ những lúc có người cần giúp đỡ ông Khá mới trổ tài cứu người.
Về tiền công, tiền thuốc thang thì sao? Ông Khá khoát tay lắc đầu với ông tiền không không quan trọng bằng tình người. Ông chia sẻ mỗi ca bệnh ông chỉ nhận đúng 30 nghìn tiền thuốc chứ không bao giờ lấy nhiều hơn. Ai có tấm lòng thì biếu thêm gói thuốc, lạng trà. Số tiền 30 nghìn đồng đúng là quá nhỏ, có thể chỉ bằng một dĩa cơm, ấm trà hay tách cà phê ở thành phố.
Cảm phục hơn khi biết rằng để có số thuốc dự phòng trong nhà sẵn sàng phục vụ người bệnh, ông Khá định kỳ phải lặn lội lên rừng bứt thuốc, về nhà ông huy động vợ con tranh thủ lúc rảnh rỗi đem thuốc ra phơi khô, thái mịn. Đối với những trường hợp người bệnh khó khăn ông Khá hoàn toàn không lấy một đồng tiền. Đã ở tuổi xấp xỉ 80 nhưng "thầy lang chân đất" vẫn giàu lòng nhiệt huyết như tuổi thanh niên, hôm chúng tôi đến nhà ông vẫn đang miệt mài trở thuốc giữa nắng.
Trải lòng sau bao năm hành nghề giải độc cứu người, niềm vui lớn nhất của ông Khá đến giờ là con cháu ngoan hiền, biết thương người như lời ông căn dặn mỗi ngày. Ông hồ hởi kể câu chuyện cách đây vài năm như niềm tự hào: "Năm đó có cô gái ở phường Kim Long bị chó dại cắn, trớ trêu rằng trong lúc lên cơn dại cô này cắn vào vai chồng nên cả hai bị nhiễm độc. Chất độc âm ỉ phát tán cho đến ngày họ được đưa vào bệnh viện nhưng người ta trả về vì độc tính đã quá nặng. Lúc đó con gái tôi đi mua sắt vụn nhìn thấy liền chạy về chở tôi lên giúp, giúp hai vợ chồng qua cơn nguy kịch. Điều đáng quý nhất là các con tôi không mặc kệ người khác khi gặp họ đang khó khăn, nguy kịch".
Thiết nghĩ những bài thuốc dân gian điển hình như bài thuốc giải độc mà lang y Mai Văn Khá đang sở hữu cần được cơ quan chức năng chuyên ngành vào cuộc nghiên cứu. Nếu những bài thuốc dân gian đó thực sự mang lại hiệu quả tốt, sẽ có thể nhân rộng vì tính hữu ích, tiện dụng và giá rẻ; nhất là đối với căn bệnh dại đến nay y học vẫn chưa tìm ra lời giải hoàn hảo nhất.
Ưu điểm chữa bệnh chó dại cắn bằng thuốc nam:
Theo kinh nghiệm bản thân, thầy lang Mai Văn Khá cho hay người bị chó dại cắn thường phát bệnh sau 3 tuần nhiễm độc. Khi đó người bệnh sẽ có những biểu hiện như thè lưỡi, sủi bọt mép, thậm chí kêu gào đau đớn. Nguy hiểm hơn là những lúc lên cơn người bệnh có thể truyền bệnh cho những người xung quanh do không kiểm soát được chính mình. Lang y Khá cho biết thêm người bị chó dại cắn nếu được điều trị bằng thuốc nam hoàn toàn không lo lắng phải chịu các tác hại do tác dụng phụ của thuốc tây gây nên.
Tới thời điểm này khoa học hiện đại thừa nhận việc tiêm vắc-xin chống dại ít nhiều gây ra cho con người những tác dụng phụ. Trong khi đó trong y học hiện đại, tiêm vắc-xin là phương pháp duy nhất điều trị bệnh chó dại cắn.
Theo ANTD
Clip: Luyện cơ bắp để chó "thượng đài" "so hàm" Nhìn mấy chú chó Pitbull rướn mình giật đồ trên cao hay ì ạch kéo lốp ô tô, trèo thang, leo mái nhà... những người chứng kiến đều lắc đầu lè lưỡi: "Khổ như... chó chọi". Mấy ai biết nghề luyện chó chọi cũng lắm công phu. Gặp Nam, dân "chính cống" trong nghề luyện khuyển, trong một buổi trưa nắng nóng trên...