HN sẽ mua máy bay trực thăng để chữa cháy
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho biết như vậy trong phiên thảo luận ở tổ sáng nay, 28/5, về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chữa cháy.
Tại phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) khẳng định: “Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu là đúng, nhưng triển khai tới từng người dân không tốt thì vẫn có thể xảy ra cháy nổ. Hơn 50% các vụ cháy xảy ra là do con người, vì vậy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai phòng cháy, chữa cháy tốt hơn vì sự phối hợp còn yếu và phương tiện còn thiếu”.
Nhấn mạnh hơn nữa về sự yếu kém trong việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Nhi đặt câu hỏi: “Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết với những nhà cao tầng thì thang chỉ đến được tầng 17, vậy những tầng cao hơn thì sẽ khắc phục như thế nào? Hơn nữa, với những khu dân cư hiện tại chưa đạt các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy thì phải làm gì?”.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) thì cho rằng: Ngân sách Nhà nước để bảo đảm cho phòng cháy, chữa cháy là cần thiết, song sử dụng như thế nào cho có hiệu quả là vấn đề cần quan tâm. Nhiều nước khác có cả máy bay chữa cháy, đầu tư rất lớn trong khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy của ta có từ lâu, song cần tránh việc lâm vào tình trạng trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu và khó chữa cháy khi xảy ra sự cố.
Video đang HOT
Công tác chữa cháy tại những tòa nhà cao tầng gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)
Xoay quanh các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Quang Nghị (Bí thư thành ủy Hà Nội) bổ sung thêm một số thông tin về năng lực phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội. Theo ông Nghị, Hà Nội hiện có xe cứu hỏa đặc chủng có thể vươn cao tới tầng 39. “Nếu còn có tầng cao hơn nữa thì phải làm thế nào? Theo tôi, về thiết kế thì các loại nhà cao tầng đều có thiết bị phòng cháy, chữa cháy bằng các phương tiện khác nhau nên chi phí với người dân ở nhà cao tầng đắt hơn. Ngoài ra, trong trường hợp cháy lớn, cháy to thì có thể có cả thiết bị tự chữa cháy”, ông Nghị cho biết.
Bên cạnh đó, ĐB Nghị cũng khẳng định, Hà Nội đã có dự trù mua máy bay trực thăng để trong trường hợp tự chữa không được thì sẽ áp dụng phương tiện này để hỗ trợ. Dù không cho biết số lượng máy bay và kinh phí là bao nhiêu, nhưng ông Nghị cũng nhấn mạnh, kế hoạch mua máy bay trực thăng chữa cháy đã được đặt ra và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo 24h
TP.HCM sắm 6 trực thăng để cứu hộ, chữa cháy
Theo đề cương chi tiết Dự án quy hoạch ngành phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn vừa được thành phố này sẽ có 6 chiếc trực thăng chuyên dụng phục vụ chữa cháy và cứu hộ.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Minh Trí vừa phê duyệt đề cương chi tiết dự án "Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP HCM đến năm 2025" của Sở cảnh sát PCCC. Đây là lần đầu tiên TP HCM có quy hoạch về ngành này.
Thành phố định hướng phát triển thêm quân số lực lượng PCCC, sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động 97 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp độc lập trực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC các quận, huyện và Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông. 5 năm sau, thêm 101 đội chữa cháy chuyên nghiệp sẽ được đưa vào hoạt động.
Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch sử dụng máy bay trực thăng để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dự kiến thành phố sẽ đầu tư 4 máy bay trực thăng trong thời gian 2016-2020; đến năm 2025 sẽ có thêm 2 chiếc nữa.
Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước chữa cháy đối với đường thuộc quận, huyện và khu đô thị mới với khoảng cách dưới 300 m/trụ/chiều đường.
Theo đánh giá của UBND TP, trong những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vụ cháy lớn đã xảy ra tại các khu vực dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
UBND TP cũng cho rằng, các đơn vị cảnh sát PCCC còn quá ít so với yêu cầu thực tế, thiếu trang thiết bị hiện đại cần thiết nên công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy và trong các trường hợp khác còn nhiều khó khăn, nhất là việc cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa.
Tình hình cháy nổ tại TP.HCM ngày càng phức tạp
Trước đó, ngày 10/3/2010 Tại Hà Nội đã xảy ra vụ cháy chung cư JSC 34, ở 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân khiến 2 người thiệt mạng, đã báo động về tình trạng cháy nổ và khả năng cứu cháy.
Thượng tá Nguyễn Đình Bính - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC (CATP Hà Nội) - cho biết: nước ta có hai máy bay để chữa cháy nhưng hiện chỉ khả dụng trong việc cứu cháy rừng.
Vụ cháy lớn tại tòa nhà 18 tầng, ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội ngày 10/3/2010
Cũng theo ông: "Xe chuyên dùng của lực lượng PCCC Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống, với các tầng cao hơn công tác chữa cháy, cứu hộ sẽ gặp nhiều khó khăn".
Nếu cao hơn, áp lực nước sẽ giảm, việc chữa cháy sẽ không đem lại hiệu quả khi nước nhỏ giọt. Rất may vụ cháy tòa nhà JSC 34 chỉ ở tầng 16 nên mới bắc thang đưa được người xuống.
Theo 24h