HN: Bán thực phẩm bẩn sẽ bị “bêu tên” trên loa phường
Tên cửa hàng dịch vụ ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm sẽ được thông báo trên đài phát thanh phường, xã để người tiêu dùng tránh.
Các cơ sở dịch vụ ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm sẽ bị công khai tên trên đài phát thanh phường, xã (Ảnh minh họa)
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Theo đó, Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại địa phương.
Trường hợp kiểm tra phát hiện các cơ sở vi phạm quy định ATTP, kịp thời thông báo tên các cơ sở vi phạm trên đài phát thanh xã, phường để người tiêu dùng biết không sử dụng.
Thành phố cũng sẽ quy hoạch một số tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bảo đảm các điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng; tiếp tục duy trì nhân rộng mô hình điểm về thức ăn đường phố, mô hình cải thiện tại 30 tuyến phố văn minh đô thị.
Video đang HOT
Khi có vi phạm an toàn thực phẩm, UBND TP Hà Nội yêu cầu quy rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền, đơn vị.
Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP quận, huyện định kỳ 6 tháng kiểm tra công tác quản lý ATTP của xã, phường, thị trấn.
Sở Y tế triển khai kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn, phối hợp kiểm tra với các quận, huyện, thị xã quản lý ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Theo Danviet
"Lạc lối" giữa rừng chất độc
Đó là lo lắng của ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT tại Hội nghị Thanh tra chuyên ngành của Bộ NNPTNT tổ chức vào sáng 1.4 tại TP. Đà Nẵng.
Hội nghị này có sự tham gia của các lãnh đạo 63 Sở NNPTNT trên cả nước, nội dung chính là bàn các biện pháp để giám sát chặt việc sử dụng vật tư nông nghiệp.
Thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện chất vàng ô trong sản phẩm của một công ty thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương. Ảnh:T.L
Trên 7.500 cơ sở dùng chất cấm
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong năm 2015, Thanh tra NNPTNT đã tiến hành kiểm tra được 8.407 cuộc, với 166.306 tổ chức. Qua thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử lý 32.060 tổ chức, xử phạt 101 tỷ đồng do có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuỷ sản đã phát hiện 7.500 cơ sở sử dụng chất cấm, lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật phát hiện và xử phạt 18.800 cơ sở... Trong số này có những cơ sở sử dụng và buôn bán vật tư giả.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, thực sự thành vấn đề nổi cộm gây hoang mang dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn đến súc khoẻ người dân. Theo ông Việt, các chất Salbutamol, Celenbuterol, Ractopmine (chất kích thích tăng trưởng) và chất Auramine O (chất vàng ô) đang tràn lan trên thị trường. Những chất này được dùng trong công nghiệp và là hoạt chất sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người, nhưng lại gây độc cho người nếu chúng được sử dụng trong chăn nuôi hay nhuộm rau củ.
Mới nhất là vụ việc trong 9 mẫu dưa cải, măng mà Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản TP. Đà Nẵng lấy tại các chợ đầu mối đưa đi kiểm nghiệm thì có tới 7 mẫu măng nhiễm chất Auramine O khiến người tiêu dùng rất lo lắng.
Cần thêm cơ chế cho thanh tra
Với con số xử phạt mà Bộ NNPTNT thông tin như trên, nhiều đại biểu cho rằng chưa phản ánh đúng thực trạng thực phẩm nhiễm chất độc tràn lan trên thị trường. Ông Phan Xuân Thảo- Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, trong năm 2015 có nhiều lô gia súc từ các tỉnh về TP.HCM qua kiểm tra có tồn dư chất cấm như Đồng Nai có 16 lô, Tiền Giang 7 lô, Long An 4 lô... Riêng 2 tháng đầu năm 2016, Chi cục Thú y TP.HCM đã kiểm tra 451 lô heo từ các tỉnh về thì phát hiện 37 lô nhiễm chất Beta-agonist.
"Con số này chưa phải là cuối cùng, bởi với nhân lực thanh tra NNPTNT mỗi tỉnh chỉ có 3-4 người thì không thể bao quát được hết thị trường. Như TP.HCM đã phải bỏ tiền để mua tin từ người dân để phát hiện thương lái bán gia súc bệnh, nhiễm chất cấm. Tuy nhiên, các thương lái lại sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp hàng chục lần để mua thông tin về người, thời gian, địa điểm của lực lượng chức năng đi kiểm tra... để có thủ đoạn né tránh"- ông Thảo nói.
Còn ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản TP.Đà Nẵng cho biết, trên cả nước chưa có nhiều các trung tâm kiểm định đạt tiêu chuẩn kiểm định cấp nhà nước nên việc lấy mẫu chất cấm, hàng giả rất khó khăn và thời gian rất lâu. Ông Tứ nêu ví dụ, vừa qua đơn vị lấy 25 mẫu măng và dưa cải đi kiểm nghiệm ở TP. HCM và 9 mẫu đã có kết quả thì 7 mẫu nhiễm chất Auramine O. Những mẫu này, phải sau 15 ngày đơn vị mới có kết quả. Trong khoảng thời gian này, các hộ kinh doanh đã bán số măng bị nhiễm độc cho người dân hết mất rồi.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng: "Các quy định còn chưa kịp với thực tiễn, nhưng để đảm bảo sức khoẻ cho người dân, trước khi các thông tư, quy định, nhân lực được bổ sung, xem xét sửa đổi thì thanh tra NNPTNT phải xông xáo, chủ động phối hợp với các đơn vị có chức năng khác để hạn chế thấp nhất các chất cấm vào thị trường...".
3 cơ quan cùng quản lý nhập khẩu Salbutamol
Ông Nguyễn Văn Việt- Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết, trước đây chỉ có Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) mới kiểm soát và biết thông tin các doanh nghiệp nhập khẩu bao nhiêu chất Salbutamol... Theo quy chế phối hợp mới, ngay cả nhập khẩu 1kg, thông tin trên cũng đồng thời được chia sẻ cho Thanh tra Bộ NNPTNT, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an để kiểm soát, nắm rõ xem số lượng Salbutamol được nhập khẩu về được quản lý ra sao, sử dụng vào mục đích gì... Từ đó sẽ hạn chế tối đa việc các công ty nhập khẩu Salbutamol về tuồn ra ngoài để bán cho các đối tượng sử dụng sai mục đích.
Ngọc Lê
Theo Danviet
Kiểm tra tình trạng người dân rửa rau dưới dòng kênh đen kịt Trước tình trạng người dân xã Yên Hoà, huyện Yên Mỹ sau khi thu hoạch rau liền rửa ngay dưới dòng nước thải đen ngòm, chứa phân, vỏ của nhiều chai thuốc trừ sâu rồi đem bán, Tổ công tác liên ngành Trung ương về An toàn Thực phẩm đã có công văn chỉ đạo Hưng Yên kiểm tra và có báo cáo...