HLV Quốc Vượng: ‘Tiền đạo giỏi không tự nhiên mà có’
Sau trận đấu giữa ĐTQG và U22 Việt Nam, HLV Park Hang Seo thêm một lần nhắc đến câu chuyện “thiếu tiền đạo” khi giãi bày: “Chúng ta thấy ở V-League, tiền đạo ngoại đá hết rồi, tôi đảm bảo nhiều tiền đạo U22 về CLB lại dự bị hết vì cầu thủ ngoại đá chính”.
Đã hơn một lần ông Park than thở về vấn đề này trong thời gian qua. Vậy thực trạng, nguyên nhân cùng giải pháp cho câu chuyện này ra sao, chuyên mục “Đối thoại cùng Thể thao&Văn hóa” hôm nay đã nhận được những chia sẻ dưới góc nhìn của HLV Lê Quốc Vượng.
Tiền đạo giỏi, anh ở đâu?!
Đồng ý với quan điểm của HLV Park, HLV Lê Quốc Vượng cho biết: “Những gì ông Park chia sẻ như thế không hề mới, vấn đề đã cũ, tồn tại lâu nay rồi. Không chỉ riêng ông Park, tất cả chúng ta ai cũng biết từ thực tế hiển hiện, căn nguyên để đưa lý giải cũng rõ hết, rồi giải pháp để mọi thứ tốt hơn cũng có.
Tuy nhiên, biết là một chuyện, tìm ra cách thức để ứng biến lại là chuyện khác và đôi khi không đơn giản. Cùng với đó, quan trọng nhất vẫn phải kiên nhẫn với thời gian mới có được kết quả ưng ý chứ muốn nhanh cũng khó để mà nhanh”.
“Câu chuyện thiếu tiền đạo (hay cụ thể hơn là không có chân sút giỏi, hiệu suất ghi bàn cao) không chỉ bây giờ mới được đặt ra dưới thời HLV Park Hang Seo mà đã có lâu rồi. Chúng ta đã phải từng đối mặt với vấn đề nan giải này suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng nặng nhất từ thời điểm bóng đá nước nhà chuyển sang chuyên nghiệp.
Dễ thấy, khi cơ chế hoạt động chuyển sang mô hình chuyên nghiệp cũng đồng nghĩa với việc các đội bóng được phép sử dụng ngoại binh thì mọi việc bắt đầu tác động để dẫn đến chuyện khan hiếm tiền đạo giỏi”.
HLV Lê Quốc Vượng cho rằng đó là một trong những căn nguyên, còn tổng thể vẫn phải được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau: “Không phải vì thế mà chúng ta đổ lỗi hoàn toàn cho thực trạng này nếu như khẳng định việc tiền đạo nước ngoài quá nhiều ở V-League là nguyên nhân lớn nhất.
Hẳn nhiên, khi các chân sút ngoại gần như có suất ra sân đá chính thì cơ hội cho cầu thủ nội chơi ở vị trí tấn công hẹp dần đi, nhưng nhìn toàn cục đâu phải ngẫu nhiên các tiền đạo ngoại được trọng dụng như thế.
Tiến Linh là một trong những tiền đạo nội hiếm hoi thường xuyên được đá chính ở V-League. Ảnh: Hoàng Linh
Vậy nên, điều quan trọng ở chỗ, không phải cứ lý giải như thế là xong mà nằm ở chỗ phải làm sao và làm thế nào để câu chuyện ngày một khác đi”.
“Bóng đá mỗi giai đoạn phát triển mỗi khác, khác về cách thức sử dụng con người cũng như xây dựng lối chơi, áp dụng chiến thuật ở mỗi đội bóng, mỗi nhà cầm quân. Đã có thời các đội bóng ở ta cứ việc đá “khoán” cho Tây là xong chứ không có mảng miếng gì.
Có nghĩa là khi đã có được cặp tiền đạo thể hình tốt, thể lực sung mãn, tốc độ, va chạm và tì đè thì các đội bóng cứ việc phất dài lên phía trên cho những tiền đạo này “tự làm tự ăn” rồi xong.
Cũng chính từ việc không đa dạng, không nhiều sắc màu trong cách đá, trong chiến thuật thì các cầu thủ còn lại trên sân (nhất là những người đá tấn công) không biết mình phải làm gì. Nghĩa là nếu được ra sân thì họ cũng không có (hay không thể) đóng góp, không kết nối và thừa thãi trong lối chơi đó”.
HLV Lê Quốc Vượng chia sẻ: “Thậm chí, có nhiều bạn cầu thủ chơi ở vị trí tiền đạo đã phải ngán ngẩm khi không chỉ không được ra sân mà nếu có ra sân cũng không biết phải làm gì. Mình biết có nhiều bạn cầu thủ khi ăn tập ở các lứa U13, 15 hay 17 bắt đầu với vai trò tiền đạo nhưng khi lên đến U19, U21 chẳng hạn họ sẽ thui chột và không thể phát huy năng lực vì nhiều lý do.
Lý do đó có thể từ việc phẩm chất của họ chỉ đến đó hay không có được cơ hội tốt nhất để thể hiện, và còn một căn nguyên rất lớn nữa là các bạn này xin không chơi vị trí tấn công nữa mà chuyển sang vị trí tiền vệ hoặc hàng thủ, chẳng hạn để có cơ hội được thi đấu nhiều hơn”.
Khi ông Park xin “cơ chế đặc biệt” cho tiền đạo nội
“ VFF và VPF nên xây dựng cơ chế nào đó cho cầu thủ U21 vào sân thi đấu V-League. Tất nhiên tôi nói ý kiến này, nhiều đội sẽ phản đối nhưng làm sao để cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu, để tiền đạo được ra sân thì VPF và VFF phải nghiên cứu”.
Đó là đề xuất vừa được HLV Park Hang Seo đưa ra như một trong số các giải pháp cho việc giải quyết bài toán thiếu tiền đạo giỏi. HLV Lê Quốc Vượng cho rằng đó có thể là một “thông điệp” được ông Park gửi thẳng đến các CLB ở V-League cũng như VFF, VPF vào lúc này và cũng không phải lần đầu tiên ông nhắc về thông điệp như thế.
HLV Lê Quốc Vượng phát biểu: “Sau những thành công của các đội tuyển trong thời gian dựa trên nhiều nguồn lực quý giá, đã đến lúc ông Park biết bóng đá nước nhà đang có gì, thiếu gì và cần điều gì để phát huy, tìm tòi và bổ trợ làm vốn cho giai đoạn tiếp theo”.
“Như tôi đã nói ở trên, mỗi giai đoạn hay mỗi thời điểm khác nhau sẽ có những phương thức xây dựng khác nhau để ứng biến và hòa hợp với xu thế phát triển đó”, HLV Lê Quốc Vượng đưa ra góc nhìn rồi đánh giá: “Từ đó, có thể thấy rằng, sau giai đoạn đá “khoán” cho ngoại binh hay sử dụng tối đa nguồn lực ngoại binh (từ việc nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài) thì dần dần mọi thứ cũng đã biến chuyển khác đi tích cực hơn.
Nói thế để thấy rằng nhận ra thực trạng thì dễ, biết được nguyên nhân cũng đơn giản nhưng áp dụng các giải pháp để giải quyết hay muốn làm khác đi cần thời gian, lộ trình và cả cơ chế nữa chứ không thể nói là làm ngay”.
“Có thể những chia sẻ của ông Park là hợp lý, những đề xuất để có được “cơ chế đặc biệt” là có cơ sở và tốt cho ĐTQG. Hay nói cách khác, nếu nhìn vào lợi ích chung cho các đội tuyển là câu chuyện phù hợp thì toàn diện vấn đề sẽ không phải vừa vặn nhất nếu đặt trên bình diện về phía các đội bóng nữa.
Nhìn tổng thể khi đưa ra quan điểm như thế, ông Park có cái lý của mình nhưng với các đội bóng thì họ cũng có đủ căn cứ để đảm bảo được lợi ích hay nói cách khác phù hợp với tình cảnh của đội bóng”.
HLV Lê Quốc Vượng đã có góc nhìn của mình về thông điệp mà ông Park đưa ra như một tính gợi mở: “Không phải các HLV đang làm nghề ở mỗi CLB không nhận ra được thực trạng thiếu tiền đạo, nếu không muốn nói họ cũng đau đáu với vấn đề nan giải này để tìm ra giải pháp khắc phục.
Đơn giản là nếu có được nguồn lực tốt thì hẳn nhiên CLB hưởng lợi đầu tiên rồi sau đó cầu thủ sẽ có cơ hội lên tuyển. Bản thân những HLV ở các đội bóng cũng muốn được trao cơ hội cho các cầu trẻ hay tiền đạo nội ra sân, nhưng không phải cứ muốn là được.
Bởi vì ở đó ngoài chuyện lợi ích, thành tích hay hoàn cảnh riêng biệt khác nhau trong cung cách sử dụng con người, thì chất lượng các cầu thủ trẻ và chân sút nội chưa thể hoặc không thể đáp ứng nhu cầu làm sao cho ra sân”.
“Tóm lại, câu chuyện bóng đá nước nhà thiếu tiền đạo giỏi là vấn đề đã cũ với cả bộn bề những thực trạng, nguyên nhân cùng giải pháp như thế lâu nay rồi. Còn để có được mọi thứ tiến triển tích cực hơn thì cần thời gian, sự kết nối cùng tư duy mới và may mắn nữa, chứ không phải bỗng dưng mà có”, HLV Lê Quốc Vượng khép lại câu chuyện với nhìn nhận như vậy.
Vì sao mong muốn của ông Park khó thành hiện thực?
Đề nghị VFF và VPF tạo cơ chế cho cầu thủ trẻ ra sân của HLV Park Hang Seo khó có thể trở thành hiện thực, đặc biệt nếu chỉ để giải quyết cuộc khủng hoảng tiền đạo của đội tuyển Việt Nam.
Nâng cao chất lượng V-League là yêu cầu quan trọng để nâng tầm các ĐTQG. Ảnh: Anh Tú
V-League thực tế đã trải qua giai đoạn từ 2013-2018 hạn chế ngoại binh với chỉ 2 người được đăng ký. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thiếu tiền đạo giỏi của đội tuyển Việt Nam thì lại kéo dài trước đó rất lâu. Nhưng không phải chúng ta không thể tạo nên những chân sút có khả năng săn bàn tốt.
Văn Quyến từng là cái tên có thể khiến giới hâm mộ mê mẩn với kỹ năng xử lý bóng, các pha dứt điểm ngẫu hứng và kỹ thuật trên sân cỏ. Lê Công Vinh thời còn thi đấu thường xuyên là trụ cột của đội tuyển quốc gia và cho tới lúc giã từ sự nghiệp quốc tế, anh đã đóng góp 51 bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam. Tiền đạo xứ Nghệ cũng trong tốp các chân sút hàng đầu ở Đông Nam Á.
Có thể thấy số bàn thắng không chỉ phụ thuộc vào việc có tiền đạo giỏi hay không mà còn vào cả các cơ hội có thể tạo nên, khả năng dứt điểm của các tuyến. Hà Đức Chinh và Tiến Linh là chủ lực của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 (Philippines), nhưng những bàn thắng có tính chất quyết định lại đến từ Hoàng Đức hay Đỗ Hùng Dũng hoặc Văn Hậu. Tương tự, Công Phượng và Văn Toàn đều có phẩm chất tốt nhưng khi cần, ông Park Hang Seo hoàn toàn có thể trông đợi vào sự tỏa sáng của Quang Hải.
Trở lại vấn đề sử dụng ngoại binh ở V-League, sau nhiều tranh cãi và tính toán thì hạn ngạch 3 ngoại binh như hiện nay đang được xem là con số lý tưởng nhất. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hay Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có thể áp đặt 1 con số thấp hơn. Tuy nhiên, cả VFF và VPF chắc chắn sẽ phải cân đối với yêu cầu đảm bảo chất lượng giải đấu, tính hấp dẫn của nó và các mặt lợi hại khác khi đặt cạnh yêu cầu của HLV Park Hang Seo.
Đơn cử như việc đối đầu với các ngoại binh vượt trội về thể hình, thể lực và tốc độ lại khiến bóng đá Việt Nam có những trung vệ xuất sắc qua nhiều thế hệ. Phòng ngự cũng chính là điểm mạnh, là cơ sở tạo nên các chiến thắng của HLV Park Hang Seo suốt hơn 2 năm qua. Phản ứng từ các HLV ở V-League là dễ hiểu khi tất cả đều chịu áp lực về thành tích với các đội bóng, điều khiến tất cả đều có xu hướng sử dụng ngoại binh ở các vị trí cần thiết, trải đều cả 3 tuyến trong đó có tiền đạo. Rất khó để buộc các CLB phải hy sinh một vị trí quan trọng như tiền đạo cho một cầu thủ trẻ. Nói như HLV Nguyễn Văn Sỹ, VFF có thể hạn chế ngoại binh nhưng buộc CLB phải dùng ai cho vị trí nào là bất khả thi. Điều này đi ngược quy luật bóng đá nói chung và có thể dẫn tới những hình thức đối phó từ các CLB.
Thực ra mỗi đội bóng đều có cách thức khác nhau để phát triển cầu thủ trẻ, tuỳ thực tế. SLNA hay Quảng Ninh có thể tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ ra sân vì thực tế đây là những đội có mức độ mua sắm trên thị trường chuyển nhượng không quá mạnh. Ngược lại, thật khó đòi hỏi CLB Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh phải dùng "cây nhà lá vườn" trong khi hàng công của họ đều là những ngoại binh chất lượng tốt. Một quyết định mang nặng tính hành chính có thể đánh đồng các đội bóng với nhau, triệt tiêu động lực cạnh tranh. Với những đội bóng dư thừa cầu thủ thì một cách thức khá phổ biến là cho mượn quân, vừa giảm bớt chi phí tài chính vừa tạo cơ hội cho cầu thủ được ra sân.
Hai năm qua VFF và VPF rõ ràng đã tạo điều kiện tối đa cho các ĐTQG của HLV Park Hang Seo nếu nhìn vào cách hai tổ chức này liên tục phải xoay xở, thay đổi lịch thi đấu để phục vụ đội tuyển. Về cơ bản, nâng cao chất lượng V-League vẫn là định hướng lâu dài để phát triển bóng đá Việt Nam, và đó nên tiếp tục là trọng tâm đầu tư.
Đội tuyển Việt Nam và nghịch lý sự thiếu thốn của thầy Park Dù sở hữu tới 7 tiền đạo nhưng HLV Park Hang-seo vẫn kêu thiếu chân sút cho hàng công đội tuyển Việt Nam. Tiền đạo Văn Quyết là chân sút nội tốt nhất mùa giải 2020 Sau trận hòa giữa tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam hôm 27/12, HLV Park Hang-seo một lần nữa than vãn về tình trạng khan hiếm tiền...