‘HLV Miura khác ông Calisto, giống ông Goetz’
Trợ lý ngôn ngữ Phạm Trường Minh tiết lộ thông tin thú vị và bất ngờ về ba HLV ngoại của tuyển Việt Nam.
Từng làm trợ lý ngôn ngữ cho ba HLV Henrique Calisto, Falko Goetz và Toshiya Miura, hơn ai hết trợ lý ngôn ngữ Phạm Trường Minh là người nắm rõ nhất đặc trưng tính cách của mỗi HLV.
Trợ lý Phạm Trường Minh làm việc cùng HLV Falko Goetz. Ảnh: TTVH.
Những tưởng HLV Miura đến từ châu Á sẽ có những khác biệt hơn so với hai nhà chiến lược đến từ châu Âu là Calisto và Goetz, nhưng điều đó đã không xảy ra. Theo trợ lý Phạm Trường Minh, phong cách làm việc và sinh hoạt của HLV Miura rất giống HLV Goetz, còn HLV Calisto là một sự khác biệt.
Cựu trợ lý ngôn ngữ của ba HLV cho biết: “HLV Calisto là một phong cách hoàn toàn khác biệt. Ông không họp ban huấn luyện trước mỗi buổi tập. Nội dung tập luyện và tiến hành buổi tập luôn do ông làm trực tiếp. HLV Miura và HLV Goetz lại rất giống nhau. Từ việc lên giáo án, họp BHL trước mỗi buổi tập, cách bố trí bài tập, phương pháp huấn luyện thể lực, sử dụng trang thiết bị tập luyện”.
Ngoài ra, trong mối quan hệ, quản lý cầu thủ hàng ngày cũng vậy, luôn có sự khác biệt giữa HLV Calisto so với HLV Miura và HLV Goetz. Trợ lý Phạm Trường Mình tiết lộ: “Ông Calisto với cầu thủ thì không có một khoảng cách nào cả. Hầu hết cầu thủ đều coi HLV Calisto như người bố thứ hai, bên cạnh vai trò HLV trưởng.
Còn HLV Miura và HLV Goetz luôn tạo khoảng cách nhất định với cầu thủ, không quá gần, không quá xa. Nhưng họ cũng khá tâm lý khi quan tâm đến cá nhân cầu thủ như sinh nhật hay tổ chức ăn uống, tham quan. Tuy nhiên, những quan tâm này luôn thể hiện trước toàn thể đội bóng. HLV Miura và HLV Goetz rất hạn chế đi ăn uống hay tâm sự riêng với một cầu thủ hoặc một nhóm cầu thủ”.
“Cả ba HLV đều tạo được kỷ luật rất tốt trong đội bóng, trong cả sinh hoạt và tập luyện. Tuy nhiên HLV Miura có lẽ là người dung hoà nếu so sánh với HLV Goetz và HLV Calisto. Những quy định khi ông Miura đưa ra đều có sự trao đổi với trợ lý hoặc VFF, về phong tục cũng như thói quen của cầu thủ Việt để có thể áp dụng một cách hiệu quả mà không dẫn đến những ức chế”.
Lý giải cho sự trùng hợp giữa HLV Miura và HLV Goetz, trợ lý Phạm Trường Minh cho rằng HLV Miura có thời gian học tập ở Đức nên bị ảnh hưởng bởi phong cách làm việc của người Đức.
Bên cạnh việc đưa ra những so sánh về ba vị HLV mà mình đã có thời gian làm trợ lý ngôn ngữ, Phạm Trường Minh cũng có những trải lòng rất thật về công việc của mình. Trợ lý ngôn ngữ là cánh tay phải của HLV, công việc của họ khá khó khăn và nhiều áp lực, nhưng ít khi được nhắc đến sau mỗi chiến thắng.
Nói về công việc của mình, trợ lý Phạm Trường Minh thừa nhận: “Nói thật áp lực công việc không hề nhỏ. Công việc của một trợ lý ngôn ngữ luôn đòi hỏi lúc nào cũng phải xử lý nhanh tình huống. Để thời gian chết hoặc hỏi lại là tối kỵ, nên mình lúc nào cũng phải tìm hiểu để nắm bắt tốt nhất yêu cầu, thói quen, cách diễn đạt của HLV, cách tiến hành và yêu cầu đối với mỗi buổi tập.
Ngoài ra, là một trợ lý ngôn ngữ tận tâm, tôi nghĩ họ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin nhiều nhất có thể cho HLV. Để giúp HLV có thể bắt tay nhanh nhất vào công việc thì mình cần giúp họ xây dựng một background (lý lịch) đầy đủ nhất có thể về môi trường bóng đá, đặc tính và khả năng của các cầu thủ”.
Thừa nhận công việc có nhiều áp lực, nhưng theo trợ lý Phạm Trường Minh khi bản thân có niềm đam mê thì luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Anh cho biết: “Mình thực sự thích công việc này. Đây là đam mê. Được là thành viên của đội tuyển là niềm vinh dự và sự tự hào lớn. Được ra sân để giúp HLV kể cả tập luyện hay thi đấu mình cũng luôn thấy hào hứng”.
Theo VNE
Bóng đá Việt như 'chiếc cối xay' với HLV ngoại
20 năm qua, bóng đá Việt Nam như chiếc cối xay với HLV ngoại, bởi 12 người đã đến và phần nhiều ra đi trong cay đắng.
Năm 1995 là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử bóng đá Việt Nam kể từ ngày hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế, bởi đây là năm đầu tiên tuyển Việt Nam được đặt dưới quyền dẫn dắt của một HLV nước ngoài là ông Edson Tavares. 20 năm đã trôi qua, các đội tuyển Việt Nam, bao gồm U23, Olympic vàViệt Nam trải qua 18 đời HLV trưởng, trong đó có tới 12 đời HLV ngoại và chỉ có 6 đời HLV nội, một kỷ lục thực sự với bóng đá thế giới chứ chẳng nói riêng gì bóng đá Việt Nam.
HLV Miura đang dẫn dắt Olympic Việt Nam chuẩn bị vòng loại U23 châu Á. Ảnh:TTVH.
Có nhiều lý do dẫn tới sự thay đổi chóng mặt trên băng ghế huấn luyện các đội tuyển, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là yếu tố thành tích, bởi bất chấp việc đã sử dụng tới 18 đời HLV cả nội lẫn ngoại trong vòng 20 năm qua, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chưa một lần chinh phục được HC vàng SEA Games, còn AFF Cup thì mới chỉ có duy nhất một lần chúng ta bước lên bục cao nhất.
Trên thế giới hiếm có đội tuyển quốc gia nào sử dụng những sân chơi như vòng loại World Cup, vòng loại Olympic hoặc vòng loại giải châu lục (Asian Cup) để làm đấu trường cọ xát cho đấu trường khu vực (SEA Games, Tiger Cup - AFF Cup) như bóng đá Việt Nam suốt 20 năm qua. Người lạc quan thì nói rằng đấy là vì chúng ta biết mình biết người, ý thức được bóng đá Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ châu lục nên đặt ra mục tiêu vừa sức, còn kẻ bi quan lại cho rằng tầm nhìn của bóng đá Việt Nam chỉ giới hạn ở ao làng nên không bao giờ chúng ta dám mạo hiểm đặt ra mục tiêu cao hơn.
Bên nào cũng những chứng cứ thuyết phục để bảo vệ cho lý lẽ của mình, nhưng có một sự thực mà không một ai có thể phủ nhận, đấy là việc bất cứ HLV nào muốn giữ ghế đều phải có thành tích ở sân chơi khu vực, nếu không thể đoạt được chức vô địch thì chí ít cũng thường xuyên phải góp mặt trong trận chung kết.
HLV Alfred Riedl là một dẫn chứng tiêu biểu, khi nhà cầm quân người Áo đã có tới ba lần được mời về dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam chỉ vì HLV Riedl rất có duyên đưa đội lọt vào các trận chung kết Tiger Cup hoặc SEA Games, dù rằng ông thầy này chưa một lần đưa đội đăng quang ở sân chơi khu vực.
Từ đấy có thể dự đoán được áp lực đang chờ đợi HLV Toshiya Miura có mức độ khủng khiếp như thế nào, bởi bất chấp việc ông thầy người Nhật đã có màn ra mắt khá ấn tượng trong năm 2014 cùng Olympic Việt Nam và tuyển Việt Nam, SEA Games 28 diễn ra tại Singapore vào tháng 6 năm nay vẫn được xem là thước đo rất quan trọng để đánh giá khả năng tại vị cho tới hết nhiệm kỳ của ông Miura.
So với các đời HLV ngoại tiền nhiệm, HLV Miura đến với bóng đá Việt Nam theo một cách khác biệt, vì không phải ông Miura tìm đến VFF để xin việc, mà VFF cử người sang Nhật Bản nhờ Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) giới thiệu cho VFF một HLV có chất lượng. Tuy nhiên, ghế của ông Miura không phải là bất khả xâm phạm. Năm ngoái ban tổ chức J-League đã cử ông Koji Nakata sang Việt Nam để làm trưởng giải V-League theo đề nghị hỗ trợ của VFF và VPF, nhưng suốt cả năm ngoái, ông Nakata hầu như không thể hiện được gì và cuối cùng khi VFF mời khéo ông Nakata sang làm Giám đốc kỹ thuật của VFF, vị chuyên gia Nhật Bản này đã từ chối và trở về quê hương.
Cách đây vài ngày, Giám đốc kỹ thuật Lê Thụy Hải của Bình Dương khi trò chuyện với phóng viên Thể thao & Văn hóa ấn bản hàng ngày đã đưa ra một thông tin khá sốc về hình ảnh của HLV Miura trong con mắt người làm bóng đá Nhật Bản. Ông Hải kể lại: "Sau trận đấu với CLB Kashiwa Reysol, tôi có trao đổi với một thành viên của đội bóng này, bạn có biết họ nói gì với tôi không? Họ bảo rằng, đội ông có một bàn thắng danh dự là tốt lắm rồi, bởi HLV trưởng của ĐTQG nước ông còn kém xa HLV trưởng của một CLB của chúng tôi. Lúc đầu tôi hơi tự ái, nhưng nghĩ lại thì đúng thật, bởi HLV Miura của ĐTQG và Olympic Việt Nam đã bao giờ cầm quân một đội bóng của Nhật tham dự AFC Champions League đâu? Các đội do ông này huấn luyện chỉ là vài đội làng nhàng, chẳng có thành tích gì cả".
Thông tin do ông Hải đưa ra có thể khiến nhiều người tự ái nhưng nếu suy ngẫm kỹ thì việc người của CLB Kashiwa Reysol nhận xét như vậy về HLV Miura cũng là bình thường, bởi thực tế khi còn huấn luyện tại Nhật Bản, HLV Miura chỉ làm việc với các đội bóng nhỏ, và thành tích ấn tượng nhất của ông Miura chỉ là đưa các đội bóng từ J-League 2 lên J-League 1 mà thôi.
Các đời HLV ngoại của đội tuyển Việt Nam
1. Edson Tavares (quốc tịch Brazil, thời điểm làm HLV: năm 1995, thời gian cầm quyền: 42 ngày) - Thành tích: Thắng Estonia, đưa Việt Nam 1 và Việt Nam 2 lọt vào bán kết Cup Độc lập
2. Karl Heinz Weigang (Đức, 1995-1997, một năm 8 tháng) - Thành tích: HC bạc SEA Games 1995, HC đồng Tiger Cup 1996
3. Colin Murphy (Anh, 1997, 5 tháng) - Thành tích: HC đồng SEA Games 1997
4. Alfred Riedl (Áo, 1998-2000, 2 năm 8 tháng) - Thành tích: HC bạc Tiger Cup 1998, HC bạc SEA Games 1999, hạng tư Tiger Cup 2000
5. Dido (Brazil, 2001, 1 năm) - Thành tích: Bị loại ngay ở vòng bảng SEA Games 2001
6. Henrique Calisto (Bồ Đào Nha, 2002, 4 tháng) - Thành tích: HC đồng Tiger Cup 2002
7. Alfred Riedl (Áo, 2003, 8 tháng) - Thành tích: HC bạc SEA Games 2003
8. Edson Tavares (Brazil, 2004, 9 tháng) - Thành tích: Bị loại ngay ở vòng bảng Tiger Cup 2004
9. Alfred Riedl (Áo, 2005-2007, 2 năm 8 tháng) - Thành tích: tứ kết Asian Cup 2007, vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008, HC bạc SEA Games 2005, HC đồng AFF Cup 2007, á quân King's Cup 2006
10. Henrique Calisto (Bồ Đào Nha, 2008-2011, 2 năm 10 tháng) - Thành tích: vô địch AFF Cup 2008, HC bạc SEA Games 2009, hạng tư AFF Cup 2010
11. Falko Goetz (Đức, 2011, 7 tháng) - Thành tích: Hạng tư SEA Games 2011
12. Toshiya Miura (Nhật Bản, 2014 - nay) - Thành tích: Vòng 16 đội ASIAD 17, HC đồng AFF Cup 2014
Theo VNE
Bầu Đức chờ đợi màn đối đầu của HLV Miura và Kiatisuk Hai chiến lược gia rất được ông Đức quý mến về tài năng sẽ dẫn dắt Olympic Việt Nam và Olympic Thái Lan trong trận giao hữu chiều nay 22/3. Ông Miura cùng Olympic Việt Nam sẽ gặp HLV Kiatisuk của Olympic Thái Lan lúc 18h ngày 22/3 trên đất Thái. Cả hai vị HLV đang được đánh giá cao này đều là...