HLV dọa tự tử ở Vạn Lý Trường Thành, ĐT Trung Quốc đã giành vé dự World Cup như thế nào?
“Nếu lần này Trung Quốc không thể dự World Cup, tôi sẽ nhảy xuống từ Vạn Lý Trường Thành”, HLV Milutinovic thốt lên lời thề độc trước muôn vàn sức ép ở vòng loại World Cup 2002.
Thành phố Côn Minh, một buổi chiều tháng Tư năm 2002…
Cả nghìn CĐV xếp hàng dài ở Trung tâm huấn luyện thể thao Côn Minh với hi vọng được nhìn thấy, được xin chữ ký, được nghe một vài câu từ HLV đang gây sốt trên cả đất nước Trung Quốc.
“Tất cả chúng tôi đều yêu Milu. Ông ấy giống như một người hùng đối với chúng tôi. Mặc dù ông ấy là người nước ngoài, nhưng với chúng tôi giờ đây Milu đã là người Trung Quốc rồi”, một CĐV 19 tuổi thốt lên.
Truyền thông Trung Quốc theo sát từng bước chân của HLV này. Một phóng viên thậm chí còn đặt câu hỏi: “Ông đơn giản là một thiên tài huấn luyện, hay ông có một năng lực siêu nhiên nào mới tạo nên được kỳ tích này?”.
Khung cảnh này trái ngược hoàn toàn với những gì xảy ra tại Thượng Hải 9 tháng trước.
Ở đó, cảnh sát chống bạo động phải hộ tống để HLV đội tuyển Trung Quốc có thể an toàn rời khỏi SVĐ, nơi có hàng chục nghìn CĐV đang đùng đùng lửa giận.
Nhưng rồi mọi thứ thay đổi sau khi Trung Quốc giành vé tham dự VCK World Cup 2002. Và người tạo nên kỳ tích đó chính là HLV Bora Milutinović.
Rút cuộc, điều gì đã xảy ra trong 9 tháng “điên rồ” đó?
HLV Bora Milutinović (chính giữa) ăn mừng tấm vé dự World Cup 2002 cùng đội tuyển Trung Quốc. (Ảnh: Sina)
CUỘC CÁCH MẠNG CỦA MILUTINOVIĆ
Khi bắt đầu đảm nhận công việc tại Trung Quốc vào tháng Một năm 2000, Bora Milutinović gọi đó là “thử thách lớn nhất trong cuộc đời”. Và ông không hề phóng đại điều này.
Trước ngày đến Trung Quốc, Milutinović nổi danh với việc dẫn dắt 4 đội tuyển khác nhau tham dự 4 kỳ World Cup liên tiếp (Mexico 1986, Costa Rica 1990, Mỹ 1994, Nigeria 1998) và đều vượt qua vòng bảng. Bởi thế sự kỳ vọng dành cho vị HLV người Serbia là rất lớn.
Thế nhưng Trung Quốc lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Tại đây, lần đầu tiên Milutinović làm việc ở nước ngoài mà không có vợ con ở bên, đồng thời cũng không thể nói được ngôn ngữ mà các cầu thủ của mình đang sử dụng. Bóng đá Trung Quốc lúc đó chỉ có 3 cầu thủ đủ đẳng cấp chơi bóng ở châu Âu, tuy nhiên trọng trách dành cho Milutinović là rất lớn: phải giành vé dự VCK World Cup 2002.
Trước năm 2002, bóng đá Trung Quốc vẫn chưa một lần vượt qua vòng loại World Cup. (Ảnh: Telegraph)
Ngay sau khi đặt chân tới Trung Quốc, việc đầu tiên HLV Milutinović làm là lên lịch thi đấu cho đội tuyển quốc gia, sao cho các tuyển thủ được thi đấu càng nhiều càng tốt.
Video đang HOT
Thật khó tin khi trong suốt năm 1999, đội tuyển Trung Quốc chỉ chơi duy nhất một trận đấu quốc tế. Milutinović muốn học trò của mình phải được cọ sát thật nhiều, thi đấu giao hữu với nhiều đối thủ có phong cách thi đấu khác nhau.
Nhưng trớ trêu thay, ngoài những trận thắng không quá vất vả ở vòng loại Asian Cup 2000 (thắng Việt Nam, Philippines, Guam), đội tuyển Trung Quốc lại có kết quả vô cùng tệ hại khi đấu giao hữu với các đội bóng mạnh.
Trung Quốc đá 10 trận chỉ thắng 1, còn lại thua 7, hòa 2. HLV Milutinović muốn tạo ra sự đột phá trong việc tập luyện khi mang đến thứ “bóng đá vui vẻ”, giảm áp lực cho các cầu thủ. Thế nhưng nhìn vào kết quả của đội tuyển Trung Quốc thì chẳng ai vui nổi.
HLV Milutinović phải chịu áp lực lớn. (Ảnh: Getty)
“Tôi nhớ mình nghe thấy đám đông hô vang “Milu, Milu” gì đó trên khán đài. Mãi về sau tôi mới biết, chính xác lúc ấy họ cùng nhau hò hét: “Sa thải Milu, sai thải Milu”", HLV người Serbia kể lại.
Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi trong một cuộc phỏng vấn trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tiền đạo nổi tiếng Hác Hải Đông đã công khai chỉ trích HLV Milutinović.
Chân sút này cho rằng Milutinović được đánh giá quá cao trong khi trình độ huấn luyện ở mức trung bình và đến Trung Quốc chỉ vì tiền (mức lương hàng năm lên đến hơn 700.000 USD).
Ngày hôm sau, tờ Sina (báo thể thao điện tử hàng đầu Trung Quốc) khiến mọi việc càng trở nên căng thẳng khi chạy dòng tiêu đề lớn ngay trang chủ: “Vẫn còn thời gian để thay thế Milu”.
HLV Milutinović đã rất khéo léo để hóa giải bất hòa với tiền đạo chủ lực Hác Hải Đông. (Ảnh: Getty)
LỜI THỀ TỰ TỬ TRÊN VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
Quá thất vọng vì liên tục bị trích, HLV Milutinović dường như đã mất bình tĩnh. “Nếu lần này Trung Quốc không thể dự World Cup, tôi sẽ nhảy xuống từ Vạn Lý Trường Thành”, HLV người Serbia đưa ra tuyên bố gây sốc.
May mắn thay, ông đã không bao giờ phải làm việc đó.
Ở vòng loại World Cup 2002, châu Á chỉ còn 2,5 suất (2 suất trực tiếp, 1 suất play-off liên lục địa) do Nhật Bản và Hàn Quốc đã có vé với tư cách đội chủ nhà. 10 đội bóng được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 5 đội đá vòng tròn 2 lượt tính điểm. Đội nhất bảng sẽ giành vé trực tiếp, trong khi đội nhì bảng sẽ đấu loại trực tiếp để giành suất đá play-off với đại diện của châu Âu.
Liên đoàn bóng đá châu Á đã gây ra tranh cãi lớn khi xếp UAE (cùng với Saudi Arabia) vào nhóm hạt giống số 1 ở vòng loại cuối. Một lá đơn với 17.000 chữ ký của các CĐV Iran đã được gửi lên FIFA để kiến nghị về vấn đề này. Tuy nhiên không có gì được thay đổi.
Mọi việc càng trở nên thuận lợi hơn cho Trung Quốc khi những lá thăm may rủi đưa hai đối thủ nặng ký là Iran và Saudi Arabia vào chung một bảng. Ở bảng còn lại, Trung Quốc dễ thở hơn rất nhiều khi chỉ phải cạnh tranh với UAE, Oman, Uzbekistan và Qatar. “Đó là một kết quả bốc thăm hoàn hảo”, HLV Milutinović nói.
HLV Milutinović và tiền vệ Lý Thiết (HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc hiện nay). (Ảnh: CFA)
Thế nhưng ông Milutinović không thể đến World Cup chỉ nhờ vận may. Để bắt đầu cho chiến dịch lớn, vị chiến lược gia này sắp xếp một cuộc gặp bí mật để hòa giải với tiền đạo chủ lực Hác Hải Đông.
Sau đó, Milutinović tới tham dự đám cưới của một cầu thủ. Tại đó, ông có cuộc nói chuyện với Tôn Kế Hải, hậu vệ đang thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh nhưng lại không được gọi vào đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ nhất World Cup 2002.
Kết quả, mọi chuyện được thu xếp ổn thỏa. Cả Hác Hải Đông và Tôn Kế Hải sau đó đều đóng vai trò quan trọng trong vòng loại cuối.
Nhưng mọi việc không chỉ có thế.
Trong giai đoạn đầu cầm quân, HLV Milutinović không gọi Tôn Kế Hải lên tuyển vì cho rằng hậu vệ của Man City quá ham tấn công. (Ảnh: China Daily)
CHIẾN TÍCH LỊCH SỬ
Sau cơn giận dữ của các CĐV ở Thượng Hải (tháng 7/2001), áp lực bị sa thải càng đè nặng lên vai HLV Milutinović. Trước trận đấu gặp UAE (tháng 8/2001), chính quyền thành phố Thẩm Dương đã phải huy động 10.000 cảnh sát chống bạo động, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất nếu đội tuyển Trung Quốc thua trận có thể dẫn đến một cuộc bạo động lớn của các CĐV.
Tình hình căng thẳng đến mức các cầu thủ Trung Quốc thông qua truyền thông phải gửi thư ngỏ tới người hâm mộ, kêu gọi tất cả kiềm chế.
Về phía HLV Milutinović, nghe theo sự tư vấn của một nữ phóng viên thân cận, ông đã tập trung các học trò của mình lại và cho họ xem “Remember the Titans”, một bộ phim thể thao cực hay của Mỹ.
“Tôi cảm thấy tự tin hơn vào sức mạnh của đội bóng. Mối liên hệ giữa các thành viên trong đội dường như được thắt chặt hơn sau khi xem bộ phim đó”, một tuyển thủ Trung Quốc tiết lộ.
HLV Milutinović đã làm nên dấu mốc lịch sử cho bóng đá Trung Quốc.
Và rồi sau đó đội tuyển Trung Quốc đã chơi một trận đấu trên cả tuyệt vời. Chỉ 2 phút sau khi bóng lăn, lưới của UAE đã rung lên. Thêm 2 bàn thắng nữa được ghi trước giờ nghỉ giữa trận và Trung Quốc thắng 3-0 chung cuộc.
Trận thắng trước đối thủ sừng sỏ nhất trong bảng giúp đội tuyển Trung Quốc càng đá càng tự tin. Kết thúc vòng loại, đội quân của HLV Milutinović giành được 19 điểm (thắng 6, hòa 1, thua 1) hơn đội nhì bảng UAE tới 8 điểm và đứng nhất bảng B.
Trung Quốc và Saudi Arabia là hai đội tuyển vượt qua vòng loại World Cup 2002 khu vực châu Á. (Ảnh: Telegraph)
Ngày đội tuyển Trung Quốc đánh bại Oman 1-0 (7/10/2001) và chính thức có lần đầu tiên được dự World Cup, nửa tỷ khán giả đã theo dõi trực tiếp trận đấu này trên TV. Tại Bắc Kinh, dòng người đổ ra đường ăn mừng, kéo về quảng trường Thiên An Môn với nhiều bức ảnh HLV Milutinović trên tay.
“Tôi rất hạnh phúc và tin rằng mọi người đều cảm thấy thế. Cảm giác thực sự rất phấn khích. Ở mỗi quốc gia tôi đã làm việc, mọi người đều vui như vậy. Nhưng sự khác biệt của Trung Quốc nằm ở quy mô.
Khi tôi dẫn dắt Costa Rica vượt qua vòng loại World Cup 1990, hơn 3 triệu người đã ăn mừng niềm vui này. Còn ở đây, mọi thứ được nhân lên vài trăm lần vì quy mô dân số”, HLV Milutinović hồ hởi chia sẻ.
HLV Milutinović có 5 lần liên tiếp dự World Cup cùng 5 đội tuyển khác nhau.
Người Trung Quốc sau đó còn kỳ vọng HLV Milutinović sẽ tiếp tục duy trì thành tích lọt vào vòng knock-out như ở 4 kỳ World Cup trước, tuy nhiên mọi việc đã không được như mong đợi.
Trên đất Hàn Quốc, đội tuyển Trung Quốc thua cả 3 trận, không ghi được bàn thắng nào và bị loại từ vòng bảng. HLV Milutinović cũng xin từ chức ngay sau đó.
Dù vậy, với hầu hết người hâm mộ Trung Quốc, vị chiến lược gia người Serbia vẫn nhận được sự tôn trọng lớn bởi kể từ sau năm 2002, bóng đá xứ tỷ dân vẫn chưa thể thêm một lần được dự World Cup.
Báo Trung Quốc: "Bóng đá Trung Quốc sẽ có tương lai tươi sáng"
Tờ Sina nhận định với việc các cựu tuyển thủ quốc gia Trung Quốc dự World Cup 2002 đang làm huấn luyện viên, trợ lý tại các cấp đội tuyển, bóng đá Trung Quốc sẽ có tương lai tươi sáng.
Trong bài viết mới nhất trên Sina , tờ báo Trung Quốc cho biết hiện tại có 5 cựu tuyển thủ quốc gia từng dự World Cup 2002, đang làm việc ở các cấp đội tuyển bóng đá Trung Quốc. Sina cho biết:
" Đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc mới chỉ vào vòng chung kết World Cup một lần trong lịch sử, đó là World Cup 2002 tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều người cho rằng do Hàn Quốc và Nhật Bản không tham dự vòng sơ loại World Cup nên đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc đã được trao cơ hội vào thời điểm đó.
Dẫu vậy, đội tuyển quốc gia năm ấy vẫn được coi là đội hình mạnh nhất trong lịch sử bóng đá Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, các cựu tuyển thủ quốc gia thi đấu World Cup năm đó đều đã giải nghệ, điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là có 5 người làm huấn luyện viên ở các cấp đội tuyển. Đây chắc chắn là niềm hy vọng mới cho tương lai của bóng đá Trung Quốc ".
Đội hình xuất phát của tuyển Trung Quốc ở trận gặp Costa Rica, bảng C, World Cup 2002.
Cách đây vài ngày, cựu tiền đạo của tuyển Trung Quốc tại World Cup 2002, Yang Chen, đã được chọn làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển U16 quốc gia, trước đó ông làm trợ lý huấn luyện viên cho U21 Trung Quốc. Yang Chen rõ ràng đang mang trên vai nhiệm vụ quan trọng, đó là ươm mầm cho bóng đá Trung Quốc.
" Yang Chen là cầu thủ bóng đá Trung Quốc đầu tiên du học ở Bundesliga, cũng là hình mẫu lý tưởng cho vô số cầu thủ trẻ. Chúng tôi tin rằng ông ấy có thể sử dụng khả năng huấn luyện của mình để giúp các cầu thủ trẻ phát triển nhanh chóng và trở lại thi đấu tại Olympic càng sớm càng tốt ", vẫn nội dung bài viết trên Sina.
Yang Chen (phải) thi đấu với Costa Rica tại World Cup 2002.
Ngoài ra, nhiều cựu cầu thủ tham dự World Cup 2002 đang làm việc cho các đội tuyển Trung Quốc. Người được biết đến nhiều nhất trong số này là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Li Tie, ông được chọn thay thế Marcelo Lippi.
Li Tie sẽ dẫn dắt đội tuyển Trung Quốc tham dự các trận đấu còn lại của vòng loại thứ hai World Cup 2022. Đội bóng của quốc gia đông dân thứ hai thế giới hiện đang đứng thứ hai ở bảng A với 7 điểm sau 4 trận, kém đội đầu bảng Syria tới 8 điểm (5 trận). Tuyển Trung Quốc còn bốn trận nữa để nuôi hy vọng sẽ vượt qua vòng loại thứ hai.
Truyền thông Trung Quốc rất kỳ vọng dưới sự dẫn dắt của Li Tie, đội tuyển của họ sẽ vượt qua vòng loại World Cup 2022. " Dưới sự dẫn dắt của Li Tie, đội tuyển bóng đá quốc gia sẽ nuôi tham vọng dự World Cup. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng đá nam Trung Quốc được dẫn dắt bởi một cựu tuyển thủ từng tham dự World Cup. Rốt cuộc, Lippi đã không hoàn thành được mục tiêu, chỉ mong đợi cựu tuyển thủ thành công nhất của Trung Quốc sẽ làm được điều đó ", Sina cho biết thêm.
Li Tie đang dẫn dắt đội tuyển quốc gia Trung Quốc.
Ngoài ra, trong đội tuyển quốc gia Trung Quốc còn có cựu tuyển thủ như Ou Chuliang đảm nhiệm cương vị huấn luyện viên thủ môn, anh là thành viên quan trọng trong ban huấn luyện của Li Tie. Shao Jiayi, người cũng tham dự World Cup 2002, hiện làm giám đốc huấn luyện đội tuyển quốc gia. Dewey, hậu vệ còn khá trẻ tại World Cup 2002, hiện làm trợ lý huấn luyện viên cho đội U18 quốc gia.
" Phải nói rằng họ không chỉ đã dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia đạt được thành công (tham dự World Cup 2002), mà còn hiểu được sự phát triển của bóng đá Trung Quốc. Lần này, bóng đá Trung Quốc chỉ còn biết trông chờ vào các cựu tuyển thủ quốc gia từng tham dự World Cup 2002 ", Sina kết luận.
Những 'đóa hồng thép' Trung Quốc thua Brazil 0-5 Đương kim vô địch World Cup và Olympic tuyển nữ Mỹ thua sốc Thụy Điển 0-3. "Bà chị" lớn châu Á Trung Quốc ra quân trận đầu ở Olympic Tokyo và thất bại 0-5 trước những cô gái xứ Samba Brazil ở bảng F. Năm năm trước cũng trận khai mạc bóng đá nữ Olympic Rio 2016, chủ nhà Brazil cũng đánh bại...