Hitman: Blood Money – chuẩn mực stealth action
Hitman là một cái tên đã không còn xa lạ gì trong làng game, và ngày 20/11 tới đây sẽ đánh dấu lần ra mắt tiếp theo của series dưới cái tên Hitman: Absolution. Cũng đã 6 năm trôi qua kể từ phiên bản gần đây nhất, và liệu các bạn, những người mới chỉ nghe qua, đã từng chơi hay một fan chính hiệu của dòng game này có còn nhớ gì về Hitman: Blood Money – một tựa game lấy đề tài về sát thủ có thể nói là xuất sắc hay không?
Là phiên bản thứ 4 trong dòng game, Blood Money vẫn được đặt dưới bàn tay của nhà phát triển quen thuộc IO Interactive. Chính vì thế mà các fan trung thành của Hitman có thể cảm nhận được phong cách quen thuộc ngay khi bắt đầu trò chơi. Trong vai sát thủ 47, nhiệm vụ của người chơi vẫn là việc phải tìm và tiêu diệt các mục tiêu được tổ chức chỉ định. Đó có thể là tên trùm buôn ma túy, con trai của một quan chức chính phủ hay nhóm sát thủ đối địch… nhưng nhìn chung đều không thể bị tiếp cận một cách dễ dàng và bạn cần phải có sự tính toán cũng như phương án hành động cụ thể để hạ gục chúng .
Cải trang là cách đơn giản nhất để tránh bị phát hiện.
Về phương diện Stealth Action, Blood Money tỏ ra khá khác biệt so với những tựa game cùng thể loại. Một khi đã bị phát hiện, sẽ rất hiếm khi bạn có thể bỏ chạy và núp vào một góc nào đó chờ tình hình lắng xuống, sau đó bình thản tiếp tục như chưa có gì xảy ra. Lực lượng bảo vệ, cảnh sát hay vệ sĩ (tùy thuộc từng màn chơi) sẽ liên tục truy đuổi đến khi 47 gục ngã thì thôi, chính vì vậy mà bạn sẽ không còn cách nào khác là phải “khử” tất cả nhũng kẻ phiền phức này.
Điểm sáng của Blood Money nằm ở chỗ không có một bất kì một ràng buộc nào trong việc bạn hoàn thành nhiệm vụ. Không có những chỉ dẫn kiểu như đi đến A, giết tên B rồi tiếp tục tới C… Bắt đầu một màn chơi, game sẽ cung cấp thông tin về mục tiêu cần ám sát, một bản đồ hiển thị vị trí hiện thời của “con mồi”, sau đó hành động ra sao là hoàn toàn phụ thuộc ở bạn. Từ việc theo dõi, tiếp cận, hành động và trốn thoát ra sao đều cần có sự tính toán từ trước, điều này đã khiến cho người chơi có cảm giác như họ đang vào vai một sát thủ thực sự.
Mặc dù có thể rambo, nhưng cái hay của Hitman nằm ở việc lên kế hoạch trước khi tiến hành.
Sự đa dạng trong việc lựa chọn cách ám sát càng khiến cho Blood Money trở nên hấp dẫn. Bạn có thể bắn, siết cổ, đâm, đầu độc, hay thậm chí là dàn dựng tai nạn để tiễn mục tiêu về chín suối. Ví dụ như màn chơi yêu cầu cần phải giết một ca sĩ opera, bạn có thể gài bom cho dàn đèn rơi xuống, tráo cây súng đạo cụ bằng súng thật để bạn diễn bắn chết hắn hay dùng súng bắn tỉa hạ gục từ xa… và còn rất nhiều phương thức khác nữa. Điều này khiến mỗi màn chơi trong Hitman là một sân khấu dành cho sự sáng tạo, bạn có thể chơi rất nhiều nhưng vẫn không thể ngờ tới những cách ám sát độc đáo được người khác đăng tải trên mạng. Bình tĩnh quan sát con mồi rơi vào tầm ngắm rồi ra tay hạ gục, lạnh lùng bước tới lối ra và icon báo hiệu mục tiêu đã chết do “tai nạn” mình dàn xếp là những cảm xúc chỉ có thể tìm thấy ở Blood Money.
Cuối mỗi màn chơi, game sẽ xếp loại bạn dựa theo những gì đã thể hiện. Sử dụng các loại vũ khí càng “nặng đô” hay giết càng nhiều người, độ bạo lực sẽ tăng lên. Bị phát hiện đang hành sự cũng như quên không dấu xác chết sẽ khiến màn trình diễn của bạn bị đánh giá là ồn ào. Tùy thuộc vào 2 tiêu chí này cao hay thấp mà game sẽ đưa ra các danh hiệu tương ứng, thầm lặng nhất là Silent Assassin và Terrorist tương ứng với phong cách rambo. Có hàng chục danh hiệu khác nhau và chúng đều yêu cầu những điều kiện nhất định để có thể đạt được.
Siết cổ – lựa chọn hàng đầu nếu muốn giữ yên lặng.
Điểm thú vị là người chơi sẽ không thể biết được chính xác mình sẽ bị xếp vào mức nào cho đến khi màn chơi kết thúc cũng như không có hướng dẫn cụ thể cho từng danh hiệu. Đây tiếp tục là một yếu tố nữa nâng cao giá trị chơi lại của Blood Money, đặc biệt là ở độ khó cao nhất khi game không cho phép bạn save trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chính vì vậy mà chỉ một sơ sẩy thôi có thể khiến mọi công sức đổ bể và bạn phải chơi lại từ đầu màn. Hiện tại danh sách danh hiệu được những người chơi trên mạng tập hợp lại đã lên tới khoảng 50, trong số đó có những yêu cầu cực kì khó để đạt được. Chính vì vậy mà mặc dù phần chiến dịch có độ dài tương đối ngắn nhưng Blood Money vẫn giữ chân được người chơi rất lâu sau khi “phá đảo”.
Video đang HOT
Đôi khi bạn phải bắt buộc sử dụng một loại vũ khí cụ thể nào đó để đạt được danh hiệu.
Về AI, các NPC trong Blood Money chưa thực sự hoàn thành tốt vai trò của mình trong việc thuyết phục người chơi. Lính gác sẽ phản ứng khi bạn cố gắng đi vào những khu vực bị cấm hoặc có hành vi khả nghi, thế nhưng khi 47 đã lẻn được vào trong và từ đó đi ra thì chúng lại… không có ý kiến gì hoặc chỉ “lịch sự” mời bạn ra. Một số tên khác thì có xu hướng 30 giây đi vệ sinh một lần. Dù sao thì những khuyết điểm trên đều không có gì nghiêm trọng ngoài gây ra cảm giác thiếu tự nhiên cho trò chơi mà thôi.
Đồ họa của game cũng không có gì để phàn nàn xét theo tiêu chuẩn của năm 2006. Với mức thiết lập tối đa, môi trường xung quanh cũng như nhân vật hiển thị tương đối sắc nét và khó nhận ra răng cưa, tuy nhiên vẫn tồn tại lỗi xuyên vật thể hay tay chân của xác chết thường xuyên co giật theo những tư thế quái đản do cơ chế vật lý chưa được tốt.
Quá ổn đối với một tựa game đã 6 năm tuổi.
Bù lại mảng âm thanh của Blood Money có thể nói là tuyệt vời với những bản soundtrack cổ điển pha lẫn hiện đại. Mỗi khi hạ gục mục tiêu, tiếng nhạc dồn dập sẽ cất lên hòa lẫn với không khí náo loạn sau vụ ám sát, khiến người chơi cảm thấy được không khí căng thẳng và muốn nhanh chóng tìm đường thoát thân. Giai điệu sâu lắng của ca khúc Ave Maria ở ngay menu như muốn xoa dịu những linh hồn đã ngã xuống dưới bàn tay của 47. Thậm chí ở nhiệm vụ thứ 2, khi chứng kiến nạn nhân trình diễn một bản nhạc bằng cây đàn cello, người viết đã phải ngừng lại để nghe cho hết rồi mới tặng cho hắn… một búa vào đầu.
Diễn xong rồi thì yên nghỉ nhé ông bạn.
Với những ưu điểm kể trên, Hitman: Blood Money không chỉ là một tựa game thuộc hàng “phải chơi” đối với các fan của thể loại stealth action mà nó còn xứng đáng là một sản phẩm kinh điển của làng game. Nếu như bạn chưa từng động đến dòng game này thì cũng đừng lo ngại khi đến với Blood Money bởi cốt truyện của dòng game này cũng không phải là thứ quá quan trọng, chính nền tảng gameplay có chiều sâu và cực kì đa dạng mới là thứ đắt giá đã làm nên tên tuổi cho series Hitman. Và biết đâu sau khi thử qua Blood Money, bạn sẽ có một tựa game nữa trong danh sách trông đợi của mình vào cuối năm nay - Hitman: Absolution?
Theo GameK
Hitman: Absolution công bố chi tiết về các cấp độ khó
Những fan hâm mộ series Hitman chắc đã không còn lạ lẫm gì đối với lối chơi "chậm mà chắc" trong từng nhiệm vụ ám sát, đặc biệt là ở những cấp độ khó cao khi game giới hạn số lần save khiến người chơi càng phải cẩn thận hơn nếu không muốn đi lại từ đầu. Trong thời buổi các nhà phát triển đang có xu hướng làm gameplay đơn giản đi để phù hợp với nhiều đối tượng hơn thì Hitman: Absolution vẫn nằm trong số ít những tựa game trung thành với phong cách của mình. Và trong một tiết lộ gần đây của giám đốc dự án Tore Blystad, ông cho biết chỉ có 20% số lượng người chơi Hitman có thể đi đến cái kết cuối cùng.Series Hitman luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn và cẩn trọng nơi người chơi.
Nhưng tất nhiên cũng không vì thế mà Absolution sẽ chỉ dành cho những game thủ "cứng cựa" của dòng game. IO Interactive luôn tỏ ra rất khôn khoan khi động tới vấn đề làm hài lòng người chơi. Bằng cách phân chia ra nhiều cấp độ khó khác nhau với những hạn chế tăng dần, dù là người chưa từng động vào series Hitman hay là một fan đã nhẵn mặt 47, họ đều có thể lựa chọn được trải nghiệm phù hợp cho bản thân.
Bên cạnh đó trong phiên bản mới này, nhà sản xuất còn giới thiệu thêm tính năng mới có tên gọi Instinct - mà khi kích hoạt sẽ có tác dụng giống như một máy quét làm nổi bật những điểm đáng chú ý xung quanh 47 như lính gác, vũ khí, cửa ra vào... giúp người chơi nắm bắt môi trường xung quanh một cách dễ dàng hơn. Đây hứa hẹn sẽ là công cụ đắc lực trợ giúp cho những người mới đến với series.
Instinct giúp 47 quan sát một cách dễ dàng hơn.
Vừa qua IO Interactive đã công bố chi tiết hơn về 5 cấp độ khó của trò chơi, trong đó mô tả về đặc điểm cũng như giới hạn mà từng mức mang lại. Qua đó chúng ta có thể hình dung một cách cụ thể về những gì đang chờ đợi trong phiên bản mới nhất này.
Easy
- Người chơi có thể kích hoạt thêm các điểm checkpoint.
- Instinct sẽ tự động hồi khi không sử dụng.
- Instinct sẽ cung cấp các gợi ý cho người chơi.
- Kẻ địch sẽ phản ứng chậm hơn bình thường.
Medium
- Có thể kích hoạt thêm các điểm checkpoint.
- Instinct sẽ không có khả năng hồi phục.
- Instinct sẽ cung cấp các gợi ý cho người chơi.
- Phản ứng của kẻ địch ở mức bình thường
Hard
- Có thể kích hoạt thêm các điểm checkpoint.
- Instinct sẽ không có khả năng hồi phục.
- Không có gợi ý
- Tăng cường thêm số lượng kẻ địch với phản xạ nhanh.
Expert
- Không có checkpoint phụ.
- Instinct không hồi phục.
- không gợi ý.
- Số lượng kẻ địch tối đa.
Purist
- Không có gì ngoài một... hồng tâm trên màn hình.
Có thể thấy ngoài 4 cấp tương tự như Blood Money ra, Absolution còn có một độ khó mới dành cho những fan gạo cội, đó là Purist. Theo nhà sản xuất đây sẽ là thử thách thật sự ngay cả với người chơi lâu năm bởi sẽ không có thứ gì để trợ giúp cho họ ngay cả là các giao diện hiển thị thông tin tối thiểu, chỉ có trí nhớ cùng khả năng tính toán mới có thể mang đến chiến thắng.
Hitman: Absolution sẽ được phát hành vào ngày 20/11 trên Xbox360, PS3 và PC.
[Video] Hitman Absolution: 47 trong lốt mèo Những người thường xuyên theo dõi thông tin về Hitman: Absolution - phiên bản mới nhất của series Hitman nổi tiếng chắc hẳn vẫn còn nhớ tới sự xuất hiện của tổ chức ICA hay còn được biết dưới cái tên "The Saints". Đây là một nhóm nữ sát thủ do chính cơ quan phụ trách 47 lập ra để tiêu diệt gã...