Hình phạt nào cho nạn văng tục online?
Vấn đề văng tục online một lần nữa khiến dư luận dậy sóng sau sự xuất hiện bản quy định những điều “cấm kỵ” khi lên mạng xã hội của trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Mượn mạng xã hội để cập nhật tâm trạng bản thân.
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, giới trẻ hiện có khuynh hướng mượn mạng xã hội để tự do bày tỏ quan điểm và cập nhật tâm trạng bản thân, từ đó nhận được sự phản hồi, sẻ chia từ mọi người. Việc văng tục trên mạng của một cá nhân, trong một chừng mực nào đó, nhằm thông báo cho mọi người biết về sự bất ổn trong cuộc sống của họ.
Chỉ mới đưa lên mạng từ ngày 15/1, nhưng quy định cấm văng tục trên đã thu hút hàng ngàn ý kiến tranh luận trái chiều.
Những tranh cãi
Trên trang mạng xã hội của Trường Lương Thế Vinh có hơn 80% trong gần 2.000 ý kiến phản hồi thể hiện sự bất bình trước quy định và cho rằng bản quy định “quá khô cứng”, “gây ngột ngạt”. Nick RexV bức xúc: “Đó là trang cá nhân, người ta thích làm gì thì làm. Sao lại quản?”.
“Chia buồn với học sinh Trường Lương Thế Vinh” là một trong những phản hồi lặp đi lặp lại nhiều nhất trong dằng dặc ý kiến về bản quy định nói trên. Lý do để “chia buồn” được đưa ra là “học sinh Lương Thế Vinh không được nói bậy nữa”, “mất tự do ngôn luận”…
Video đang HOT
Sự cấm đoán có thể gây tác động ngược
Cô Vũ Ngọc Thùy – giảng viên Phân viện Báo chí và tuyên truyền – cho rằng việc đưa ra quy định khi lên mạng như trường Lương Thế Vinh là không nên.
“Cũng là quy định, nhưng nên thực hiện dưới hình thức phong trào như “Phong trào dùng mạng xã hội văn minh” sẽ tác động dễ dàng, nhẹ nhàng hơn. Sự cấm đoán có thể gây tác động ngược, học sinh bị nhắm tới đang ở tuổi “mới lớn” dễ xù lông để thể hiện cho bằng được “cái tôi”, bất chấp quy định, lại thành phản kháng” – cô Thùy phân tích.
“Thật không hiểu nổi, khi quy tắc để giúp học sinh văn minh hơn lại bị đem ra bàn luận như một hình thức cấm đoán tự do” – PGS Văn Như Cương – hiệu trưởng nhà trường – than.
Bạn Phạm Văn Hoàn – lớp 10D1 Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh – bày tỏ: “Nhiều người nói quy định này quá hà khắc, thầy cô định “thiết quân luật”, nhưng những học sinh Lương Thế Vinh đều hiểu đó là cách thầy cô muốn tốt hơn cho học trò. Việc đưa ra quy định để tránh cho học sinh mắc những lỗi mà trước nay có thể các bạn không nhận thức được”.
Minh Hùng (28 tuổi, quận 1, TP.HCM) thú nhận có sở thích văng tục trên mạng mỗi khi tức giận. Theo Minh Hùng, thế giới mạng hiện là nơi người trẻ sống thật nhất và chia sẻ những điều phải nén trong đời thực… nên cần được tôn trọng. Lập luận của Minh Hùng được nhiều bạn gật đầu tán đồng.
Dưới góc nhìn của một du học sinh, bạn Sỹ Huy (SV cao học ĐH APU, Nhật Bản) cho rằng việc Trường Lương Thế Vinh đưa ra bản quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho học sinh là cần thiết, nhằm kịp thời uốn nắn những hành vi chưa phù hợp. Tuy nhiên, Huy lưu ý: “Suy cho cùng việc giáo dục ý thức ở các bạn trẻ mới là quan trọng nhất”.
Ngọc Thanh (21 tuổi, SV ĐH KHXH&NV TP.HCM) lại cho rằng những nguyên tắc ứng xử trên mạng giúp mọi người có dịp nhìn lại và chỉnh sửa bản thân. “Ở đâu không có luật lệ, ở đó sẽ tồn tại sự bất ổn”. Và Ngọc Thanh dẫn chứng những trường hợp bạn trẻ gặp hậu quả nghiêm trọng vì vô tư văng tục, thóa mạ người khác trên mạng thời gian qua.
Theo Thạc sĩ xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ, thanh thiếu niên là đối tượng thường có khuynh hướng muốn khẳng định mình. Để nổi bật hoặc khi nhận được sự cổ vũ quá khích, các bạn thường làm điều gì đó gây sốc và chính điều này khiến các bạn rơi vào tình trạng lệch lạc trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân, bộc lộ cảm xúc trên mạng.
Ảo nhưng rất thực
“Những điều này sẽ khiến hình ảnh giới trẻ Việt xấu xí trong mắt mọi người. Cá nhân tôi sẽ không bao giờ tôn trọng và kết bạn với những người như vậy”, Anh Thư (Học viện Báo chí tuyên truyền) nói.
“Không chỉ làm xấu hình ảnh bản thân trong mắt cộng đồng mà một số trường hợp khi bị “ném đá” sẽ rơi vào trạng thái ức chế, trầm cảm hoặc khủng hoảng”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long bổ sung. Ông khuyên bạn trẻ luôn suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi thể hiện bản thân trên thế giới mạng.
“Trong thế giới phẳng, chỉ cần một cú click chuột cả thế giới đều có thể biết về bạn. Và cũng chỉ một phút nông nổi, những câu nói xấu xí của bạn trên mạng sẽ không bao giờ xóa hết được”, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ. Theo ông, sự vô tư trên có khi phải trả giá bằng việc những cơ hội tốt đẹp ở hiện tại lẫn tương lai bị tước mất.
Còn theo thạc sĩ Nhờ: “Mạng xã hội không phải là “thế giới ảo” mà rõ ràng đây là một thế giới rất thực bởi có sự tương tác giữa người và người. Chúng tạo cảm giác “ảo” bởi sự tự do ngôn luận nhưng những hậu quả, nếu có, sẽ khó thể ngờ. Nếu nặng thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, còn nhẹ phải xin lỗi, bồi thường. Nhưng hậu quả nặng nề nhất không đến từ nhà trường – lấy ví dụ từ bản quy định của trường Lương Thế Vinh – mà chính là những phán xét từ dư luận xã hội, sự tổn thương từ bản thân, gia đình”.
Theo Tuổi Trẻ
Nữ sinh văng tục: Thứ rác khó dọn
Hà Nội có hai thứ rác không đáng có và không thể chấp nhận được, đó là rác hoa (mỗi dịp qua tết) và rác ngôn ngữ - chính là việc văng tục, chửi thề. Rác hoa thì có thể dọn đi nhưng rác ngôn ngữ thì không.
Hai nữ sinh Hà Nội trong một vụ cãi vã to tiếng với nhau ngoài đường - Ảnh: Nguyễn Khánh
Văng tục, chửi thề ngày nay đã lây lan rất nhiều trong giới trẻ, trong đó có không ít nữ sinh. Họ cho mình sở hữu đặc quyền riêng đó và hân hoan sử dụng nó bất cứ lúc nào thích. Thật nguy hiểm vì việc đó đã trở thành một xu hướng, càng ghê gớm hơn khi xu hướng đó được giới trẻ thừa nhận và coi là điều bình thường. Nhiều nữ sinh lấy làm sung sướng dùng nó như câu cửa miệng hằng ngày.
Thật ra chửi thề xem ra cũng là một cách để giải tỏa bức xúc, tuy nhiên cần phải được xem xét và sử dụng trong bối cảnh, tình huống và không gian thích hợp. Tôi cũng đã có lần chửi thề, nhưng là chửi cái... ổ khóa, trong bối cảnh cũng chỉ có mình tôi với cái ổ khóa đó. Đó là lần tôi mệt mỏi kinh khủng nhưng lại bất lực trước cái ổ khóa cửa bị kẹt, câu chửi thề khiến tôi nhẹ nhõm hơn lúc đó. Nhưng với giới trẻ hiện nay thì hoàn toàn khác, họ sẵn sàng phun ra ở những chốn đông người đàng hoàng, ở những môi trường được gọi là văn hóa.
Tiếng Việt đa dạng, biết chơi chữ, sáng tạo ngôn ngữ một cách hồn nhiên là điều tốt, nhưng phải được chế ngự bằng một ý thức và tình yêu ngôn ngữ trong sáng của tiếng Việt. Tiếng Việt phải phát triển tiến lên theo căn cơ của nó chứ không phải là sự bóp méo, lệch lạc.
Văng tục là chuyện "đầu môi chót lưỡi", ý thức riêng của một người và có vẻ như vô hại, nhưng khi ở trong một đám đông, lại là đám đông thân thiết sẽ vô tình hợp thành ý thức chung, ý chí chung từ đó mặc nhiên thừa nhận đó là điều nguy hiểm. Trong một thế giới IT thịnh hành, xã hội phát triển, sự giao lưu với phương Tây nhiều hơn... khiến lối ăn nói cởi mở hơn, tuy nhiên không phải vin vào đó để bao biện cho chính mình.
Theo tôi, lý do lớn nhất khiến văng tục trở thành vấn nạn chính là việc giới trẻ quá buông thả về ngôn ngữ, thiếu ý thức giữ gìn vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt và truyền thống văn hóa dân tộc. Trong lúc đó, do hoàn toàn không bị pháp luật cấm, không hề bị cản trở bởi một chế định hữu hình nào đó nó càng có cơ hội lan rộng ra.
"Chữa trị" nạn văng tục, chửi bậy xem ra chưa có được lời giải bởi lấy cái gì để chữa khi nó là một thứ mông lung nằm sâu trong giao tiếp đời sống hằng ngày. Rõ ràng không thể áp dụng biện pháp tình thế nào để khắc phục. Xã hội buộc phải sống chung với nó nhưng là sống ở thế chủ động, tẩy chay khi nó vượt quá mức độ cho phép, chứ không phải là a dua, tán đồng.
Tuy chữa khó nhưng ngăn ngừa và triệt tiêu từ khi còn mầm mống là điều hoàn toàn có thể. Đó là việc quay về sự căn cơ của ngôn ngữ, giáo dục từ cách "ăn, nói, gói, mở". Trong gia đình hãy bắt đầu từ những bài học sơ đẳng nhất, như: tránh nói trống không, xưng hô với người hơn tuổi phải đi kèm từ "ạ!"... Về lâu dài phải có giải pháp chiến lược về giáo dục ngôn ngữ từ cấp mẫu giáo cho đến đại học.
Theo Tuổi Trẻ
Nữ sinh văng tục - Kỳ 1: Ở đâu cũng nghe Là phái yếu và là biểu tượng của dịu dàng, thùy mị, nết na, nhưng thời gian gần đây nhiều nữ sinh Hà thành khiến nhiều người thảng thốt vì nạn... văng tục. Đáng ngại hơn, nhiều nữ sinh nghiện... văng tục và xem đó là "mốt"! Câu chuyện của nhóm bạn trẻ này tại quán nước trên phố Nhà Chung (Hà Nội)...