Hình ảnh kiệt quệ của y bác sĩ Italy
Vết bầm trên khuôn mặt hay những giây phút ngủ gục trên bàn làm việc đã nói lên cuộc chiến vất vả trước Covid-19 của nhân viên y tế Italy.
Italy chứng kiến 631 ca tử vong, hơn 10.000 người nhiễm nCoV. Các bệnh viện đã trở nên quá tải trước cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19. Nhiều y tá tại đây kiệt sức sau khi chịu đựng tình trạng mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần trong nhiều tuần.
Y tá Alessia Bonari đăng bức ảnh khuôn mặt đầy những vết bầm của cô sau khi mặc đồ bảo hộ nhiều giờ trong kíp trực tại một bệnh viện ở Milan. Cô tiết lộ những nỗi sợ hãi và sự quá tải trong quá trình làm việc.
Gương mặt đầy vết hằn vì mặc đồ bảo hộ của y tá Alessia Bonari.
“Tôi sợ ra ngoài mua sắm, sợ cả việc đi làm”, cô nói. “Tôi lo lắng vì khẩu trang có thể không che kín mặt. Tôi sợ rằng mình vô tình chạm vào cơ thể với chiếc găng tay bẩn, hoặc những chiếc kính bảo hộ không thể che kín mắt tôi và một cái gì đó có thể lọt qua”.
“Tôi mệt mỏi về thể chất vì chất lượng đồ bảo hộ rất tệ, áo khoác phòng thí nghiệm khiến tôi đổ mồ hôi và một khi mặc quần áo, tôi không còn có thể đi vệ sinh hoặc uống trong sáu giờ. Tôi mệt mỏi về mặt tâm lý, cũng như tất cả các đồng nghiệp của tôi, những người đã ở trong tình trạng tương tự trong nhiều tuần”.
Nữ y tá cũng kêu gọi người Italy tuân thủ các quy tắc kiểm dịch đã được công bố hôm 9/3 trong một vụ phong tỏa chưa từng có trên toàn quốc. “Tôi sẽ tiếp tục chăm sóc bệnh nhân của mình, vì tôi tự hào và yêu công việc. Điều tôi yêu cầu là bất cứ ai đang đọc bài viết này đừng nản lòng trước những nỗ lực chúng ta đang làm, hãy vị tha, ở yên tại nhà và bảo vệ những người mong manh nhất. Những người trẻ tuổi của chúng tôi không miễn dịch với virus, chúng tôi cũng có thể bị bệnh hoặc tệ hơn”.
“Tôi không đủ khả năng để trở về ngôi nhà bị cách ly tiện nghi của mình, tôi phải đi làm và thực hiện nhiệm vụ của bản thân. Tôi hy vọng các bạn sẽ làm đúng phần việc của các bạn”, Bonari kết luận.
Video đang HOT
Một y tá ở Cremona ngủ gục trên bàn làm việc.
Elena Pagliarini, một y tá ở Cremona, được ghi lại khoảnh khắc ngã gục tại bàn làm việc trong một bức ảnh được chia sẻ bởi trang web Nurse Times. Nữ y tá đã ngủ gật trong lúc vẫn đeo khẩu trang và mặc áo choàng phẫu thuật.
“Tất cả chúng tôi đều được thử nghiệm về thể xác lẫn tinh thần, nhìn thấy tất cả những người bệnh đang cầu xin giúp đỡ của chúng tôi bằng ánh mắt. Chúng tôi bắt đầu lúc 8 giờ tối, làm việc không mệt mỏi trong hơn 10 ngày. Tôi thấy Elena nghỉ ngơi khoảng 5 phút sau nhiều giờ chạy đôn chạy đáo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, cố gắng giúp đỡ một người bị sốt và suy hô hấp”, một bác sĩ đồng nghiệp của Elena Pagliarini nói.
Một bác sĩ mặc đồ bảo hộ làm việc tại một trung tâm chăm sóc đặc biệt ở Brescia thuộc thành phố Bologna, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng. Ảnh: REX.
Nhân viên y tế tại một trạm kiểm soát ở Brescia. Ảnh: REX.
Các bác sĩ tại Italy mô tả rằng các bệnh viện đang hoạt động với “200% công suất”. Nhiều nhà hát được chuyển thành bệnh viện dã chiến để chăm sóc bệnh nhân vì số lượng ca nhiễm gia tăng nhanh chóng. Nhiều bác sĩ thậm chí còn phải đưa ra lựa chọn sống còn về những bệnh nhân nào sẽ được chăm sóc đặc biệt, những bệnh nhân nào thì không, bởi các trường hợp nhiễm virus đã quá tải trên khắp cả nước.
Những bệnh nhân không nhiễm nCoV đang bị bỏ rơi với một số nhân viên y tế, những người được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn mà họ không đủ điều kiện. Trong khi đó có những bệnh nhân trên 65 tuổi thậm chí không được thẩm định tình trạng sức khỏe, một bác sĩ ở miền bắc Italy cho biết. Bác sĩ này cũng cảnh báo rằng nước Anh có thể sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng của Italy nếu không nghiêm túc trong cuộc chiến với Covid-19. Một bác sĩ khác khuyên nhủ người Italy nên sợ hãi hơn, và đừng tin vào những lời kêu gọi giữ bình tĩnh bởi bạn sẽ không thể lường trước được những nguy hiểm có thể sẽ xảy ra với chính mình.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại một bệnh viện ở Schiavonia miền bắc Italy. Ảnh: EPA.
Italy ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vào tối 9/3 với những biện pháp kiểm quyết liệt nhất mà chưa có quốc gia nào đã thực hiện cho đến nay, ngoài Trung Quốc. Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố rằng “mọi người phải từ bỏ một điều gì đó để bảo vệ sức khỏe” khi ông tuyên bố phong tỏa 60 triệu dân. Bất cứ ai bị sốt đều được lệnh ở trong nhà, bị cấm đi lại ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Các cuộc tụ họp công cộng bao gồm các sự kiện thể thao tại Italy cũng buộc phải ngừng hoạt động.
Phần lớn các trường hợp tử vong và nhiễm nCoV được ghi nhận ở miền bắc giàu có, đặc biệt là ở vùng Bologna. Chính quyền Bologna đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, điều trị y tế. Dự kiến có thêm 150 giường bệnh trong tuần tới. Các bộ trưởng hàng đầu của Italy cũng cảnh báo trong nhiều ngày rằng quốc gia có thể “vỡ trận” nặng nề hơn nếu Covid-19 bắt đầu lan nhanh qua miền nam.
Chính phủ Italy hôm 11/3 tuyên bố sẽ chi 25 tỷ euro (28,3 tỷ đôla) để chống lại Covid-19 – dịch bệnh đã giết chết 631 người và khiến nền kinh tế nước này bị khủng hoảng nghiêm trọng. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đã bắt đầu đóng cửa biên giới với Italy trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của Covid-19 trên khắp lục địa.
Hoàng Hà (theo Mail)
Theo ione.net
Mỹ xuất viện nhầm ca nhiễm virus corona trở về từ Vũ Hán
Một bệnh nhân Mỹ, người được sơ tán khỏi Vũ Hán vào tuần trước, bị nhiễm virus corona đã bị cho xuất viện nhầm sau khi xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính.
Người này bị bệnh viện San Diego "xuất viện nhầm" sau khi xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính, giới chức y tế địa phương cho biết hôm 10/2.
Bệnh nhân được sơ tán từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc, đến Trạm không quân thủy quân lục chiến Miramar ở San Diego vào tuần trước.
Bệnh nhân và 3 người khác đã phải nhập viện sau khi có triệu chứng nhiễm virus corona. Tuy nhiên, các xét nghiệm ban đầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã cho kết quả âm tính ở cả 4 bệnh nhân.
Họ được xuất viện và đưa đến cơ sở cách ly tại Miramar hôm 9/2 để cách ly trong 14 ngày.
Tuy nhiên, xét nghiệm thêm sau đó của CDC đã trả về kết quả dương tính với virus corona của một bệnh nhân. Người này sau đó được gửi lại bệnh viện UC San Diego Health để theo dõi và cách ly hôm 10/2, theo CNN.
Mỹ đã sơ tán các công dân khỏi tâm dịch virus corona ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tuần trước. Ảnh: Getty.
Cùng ngày, một người nữa cũng được chuyển từ Miramar đến bệnh viện UC San Diego Health để đánh giá.
Tờ San Diego Union-Tribune cho biết dù người nhiễm bệnh vô tình được xuất viện nhưng mọi biện pháp cần thiết đều được tuân thủ.
Bệnh viện cho biết cả hai bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định và có các triệu chứng ở mức nhẹ nhất.
Ít nhất 13 ca nhiễm virus corona đã được xác nhận tại Mỹ. Trong đó, 7 trường hợp ở California. Các ca còn lại được ghi nhận ở Arizona, Illinois, Massachusetts, Washington và Wisconsin.
Virus corona chủng mới, có nguồn gốc từ Vũ Hán, đã được WHO đặt tên chính thức là "Covid-19" hôm 11/2. Đến sáng 12/2, hơn 43.000 ca nhiễm được ghi nhận tại 28 quốc gia. Riêng ở Trung Quốc đại lục, có 1.110 người chết.
Theo danviet
Người 'siêu lây nhiễm', truyền virus corona cho 11 người lần đầu lên tiếng Người đàn ông Anh bị gọi là "người siêu lây nhiễm" sau khi lan truyền virus corona cho 11 người khác. Người này được xác định là một công dân thành phố Brighton (Anh), 53 tuổi. Daily Mail nói người đàn ông là hướng đạo sinh trong khi Telegraph đưa tin ông này là một doanh nhân trung tuổi. Theo Daily Mail, người...