Hình ảnh hiếm của ‘007′ Sean Connery
Diễn viên gạo cội Sean Connery qua đời ở tuổi 90 hôm 31/10. Di sản lớn nhất mà ông để lại cho khán giả bộ môn nghệ thuật thứ bảy là nhân vật điệp viên James Bond.
Sean Connery tạ thế ở tuổi 90, nhưng những hình ảnh của ông trong vai điệp viên James Bond sẽ còn tồn tại mãi trong lòng khán giả. Năm nay, tác giả James Clarke có bài viết về phiên bản 007 của Sean Connery trong Bond: Photographed by Terry O’Neill. Cuốn sách ảnh cũng là cơ hội để khán giả thấy những bức hình hậu trường chưa từng được công bố khi Connery tham gia loạt phim điệp viên huyền thoại.
Ban đầu, Sean Connery từng không được lòng Ian Fleming – tác giả của nguyên tác văn học 007. Tuy nhiên, ông đã chinh phục được nhà văn khó tính sau khi Dr. No (1962) ra mắt.
Sean Connery là người duy nhất trong số sáu tài tử từng thủ vai 007 có quãng thời gian phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Anh giống như James Bond ở nguyên tác. Số đông nhận định ông đã đặt nên tiêu chuẩn cho các diễn viên đảm nhận vai diễn sau này.
Sau Dr. No, Sean Connery có thêm sáu lần vào vai James Bond trong From Russia with Love (1963), Goldfinger (1964), Thunderball (1965), You Only Live Twice (1967), Diamonds Are Forever (1971) và Never Say Never Again (1983). Từng có sáu người đảm nhận vai diễn, nhưng khi Viện Điện ảnh Mỹ bình chọn James Bond vào danh sách 50 người hùng màn bạc vĩ đại nhất, chỉ có phiên bản của Connery được điền tên.
Sự nghiệp Sean Connery gắn liền với James Bond. Song, ông từng công khai chia sẻ rằng mình chán ghét và phát ngấy nhân vật do cái bóng quá lớn mà chàng điệp viên hào hoa tạo ra. Nhưng về cuối sự nghiệp, ông đưa ra quan điểm khác: “Tôi chưa bao giờ ghét Bond như nhiều người vẫn nghĩ. Tạo ra một nhân vật như vậy cần một sự tâm huyết nhất định. Việc đi tìm những vai diễn khác chỉ là điều tự nhiên mà thôi”.
Nam diễn viên tiếp tục theo đuổi những vai diễn khác, có lúc khác xa James Bond. Ông làm giàu kho tàng sự nghiệp của mình qua các tác phẩm như Marnie (1964), The Man Who Would Be King (1975), The Untouchables (1987), Indiana Jones and the Last Crusade (1989)… Trong đó, The Untouchables đem về cho nam diễn viên tượng vàng Oscar duy nhất sự nghiệp.
Video đang HOT
Trong những năm 1980, khi được hỏi về sự hấp dẫn của Sean Connery qua vai James Bond, nhà biên kịch Richard Maibaum trả lời: “Sean không giống như tưởng tượng của Ian Fleming về James Bond. Ông ấy khiến những người bình thường có thể tự tin nhìn lên màn ảnh rồi nói: ‘Đó là tôi. Tôi đã có thể làm những điều tương tự’”.
Năm 2006, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) trao giải Thành tựu Trọn đời cho Sean Connery. Ngôi sao người Scotland không giấu nổi sự ngỡ ngàng khi biết mình vẫn được ghi nhận sau nhiều lời chỉ trích hướng tới ngành công nghiệp điện ảnh. “Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt sau một số điều tôi đã nói về Hollywood”, ông nói.
The Guardian nhận xét rằng thành tựu của Sean Connery đáng lẽ còn đồ sộ hơn nếu ông nhận lời tham gia loạt phim bom tấn The Matrix ( Ma trận), và đặc biệt là bộ ba (trilogy) thiên sử thi Lord of the Rings ( Chúa tể những chiếc nhẫn). Nhà sản xuất đã gửi hợp đồng trị giá 30 triệu USD, đồng thời hứa hẹn khoản tiền thưởng trị giá 15% tổng doanh thu loạt phim. Song, ông từ chối vai phù thủy áo xám Gandalf với lý do… không hiểu câu chuyện. Connery giải thích: “Tôi đã đọc sách, đã đọc kịch bản, nhưng rốt cuộc vẫn chẳng thể hiểu nổi tác phẩm”.
Rạp chiếu phim chết vì '007'?
Trong nửa thế kỷ qua, chàng điệp viên James Bond đã triệt phá âm mưu thống trị thế giới của vô số kẻ thù. Song, có lẽ đại dịch Covid-19 mới là đối thủ đáng gờm nhất dành cho anh.
Zing trích dịch bài đăng No Time for Cinema to Die của cây bút Alexander Larman trên The Critic, đề cập đến tương lai mông lung của ngành công nghiệp điện ảnh tại Anh nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, sau khi chuỗi cụm rạp Cineworld đóng cửa từ 8/10 trước sự kiện bom tấn No Time to Die hoãn chiếu sang 2021.
Bộ phim thứ 25 về điệp viên James Bond - No Time to Die - gặp phải vấn đề lớn ngay từ giai đoạn tiền kỳ: đạo diễn Danny Boyle rời dự án do bất đồng ý kiến với nhà sản xuất và bị thay thế bởi Cary Joji Fukunaga. Nhiều nguồn tin cho rằng Boyle nảy sinh mâu thuẫn với chính ngôi sao Daniel Craig. Sau đó, nhà soạn nhạc Hans Zimmer được mời tham gia dự án vào phút chót để thay cho "người quen" của Fukunaga là nhạc sĩ Dan Romer.
Những sự kiện nói trên không phải là chuyện hiếm trong các dự án bom tấn ngày nay. Đối với đội ngũ sản xuất, khoản kinh phí 250 triệu USD không cho phép họ hành động thiếu thận trọng. Hồi tháng 2, nhà sản xuất Barbara Broccoli quyết định dừng chiến dịch quảng bá cho bộ phim, bởi nếu các rạp chiếu phim trên toàn thế giới phải đóng cửa thì lịch phát hành dự kiến vào tháng 4 là hoàn toàn bất khả thi.
Lần hoãn chiếu thứ hai và hệ lụy tức thời
Với hy vọng dù đại dịch có gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu thì tình hình cũng sẽ được kiểm soát vào nửa cuối năm, thời điểm phát hành mới được ấn định là 12/11, trong khi nhiều dự án bom tấn khác đã chuyển hẳn sang năm 2021. Broccoli và đồng nghiệp không mảy may suy suyển, và ngành công nghiệp điện ảnh có thể đặt hy vọng vào sự hồi phục về mặt tài chính nhờ thời điểm sinh lời trước thềm Giáng Sinh với No Time to Die là cái tên sáng giá nhất.
Thời điểm phát hành của No Time to Die lùi xuống một năm so với kế hoạch ban đầu. Ảnh: Universal.
Chiến dịch quảng bá thứ hai được tiến hành với trailer mới và các sản phẩm liên quan. Công chúng bắt đầu mong chờ trải nghiệm điện ảnh hứa hẹn mãn nhãn dịp cuối năm.
Sự thất vọng xen lẫn bất ngờ là không tránh khỏi khi hồi tuần trước, nhà sản xuất ra thông báo No Time to Die hoãn chiếu thêm năm tháng sang thời điểm 2/4/2021. Hậu quả lập tức ập đến: tập đoàn Cineworld tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ chuỗi cụm rạp cho đến khi có thông báo mới. Họ cho biết đây không phải là quyết định hời hợt, nhưng việc duy trì 128 cụm rạp tại Anh cũng không có nghĩa lý gì khi thiếu một dự án lớn như No Time to Die để tăng doanh thu.
"Chúng tôi giống như một tiệm bách hóa không có gì để bán vậy", người đại diện của tập đoàn phát biểu. Hậu quả tiếp theo là 5.500 nhân viên đứng trước nguy cơ mất việc, và nhiều khu vực sẽ không còn rạp chiếu phim hoạt động từ 8/10 cho đến tận năm sau.
Nguyên nhân của quyết định trên không chỉ đơn giản là sự hèn nhát hay thực dụng từ bất cứ phía nào. Các thị trường điện ảnh lớn như New York và Los Angeles vẫn đóng băng, tức là bất cứ tựa phim nào ra rạp tại Mỹ hiện nay đều không tránh khỏi cảnh doanh thu giảm mạnh so với dự toán trong trạng thái bình thường.
Phép thử sai với Tenet
Ngành điện ảnh từng đặt niềm tin ở tác phẩm mới nhất của Christopher Nolan. Song, kết quả của Tenet không thể gọi là khả quan. Phim mới cán mốc doanh thu 300 triệu USD toàn cầu - con số ấn tượng trong thời giãn cách xã hội. Nhưng với kinh phí sản xuất lên đến 200 triệu USD, dự án vẫn đứng trước nguy cơ gây lỗ. Dĩ nhiên, Tenet có doanh thu còn kém xa các phim trước của Nolan như Dunkirk (2017) với 527 triệu USD hay Interstellar (2014) với 696,3 triệu USD.
Dễ thấy Tenet rõ ràng không phải là bộ phim công chúng mong chờ. Tại một suất ở rạp Curzon Oxford hôm khởi chiếu, khán giả chỉ chiếm số ghế, và tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy họ chẳng hề nhập tâm. Tác phẩm giống như một bài kiểm tra "xoắn não" về bản chất quay vòng của thời gian, trong khi những điểm táo bạo lại bị lu mờ bởi phần âm thanh tậm tịt, cũng như việc nhà sản xuất từ chối đơn giản hóa nội dung cho khán giả đại chúng.
Phản ứng của người hâm mộ thiếu tích cực hơn dự đoán, nên khán giả thông thường cũng không ưu tiên Tenet khi chọn phim ngoài rạp. Tính riêng ở Anh, doanh thu 15 triệu bảng là thành tích đáng kể khi xét đến tình hình dịch bệnh cũng như độ khó hiểu trong nội dung, nhưng chẳng hề đáng kể khi so sánh với 62 triệu bảng của Dunkirk.
Dù được đạo diễn bởi Christopher Nolan, Tenet hiện mới chỉ thu hơn 300 triệu USD. Ảnh: Warner Bros.
Từ tháng 3, không còn một tựa phim nào đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp ngoài Tenet. Những tác phẩm quy mô nhỏ nhưng chất lượng xuất sắc vẫn tìm được đường lên màn ảnh rộng, nhưng doanh thu phòng vé của chúng không đáng là bao. Việc trì hoãn phát hành các sản phẩm giải trí kinh phí lớn và dễ được yêu thích đồng nghĩa với việc phòng vé sẽ vắng bóng bom tấn cho đến tận cuối năm hay thậm chí muộn hơn.
Những diễn biến nói trên khiến các hãng phim e ngại trước viễn cảnh các dự án điện ảnh danh tiếng với kinh phí lớn sẽ thất bại. Đa số đều đã dời lịch phát hành sang 2021. Tình hình trở nên tiến thoái lưỡng nan khi các tựa phim hút khách nhất cùng bị dồn vào một khung phát hành có thể gây phản tác dụng với hậu quả kéo dài. Nhưng đồng thời, không ai khẳng định được đến năm sau, liệu các rạp chiếu phim có còn hoạt động để khán giả tới mua vé hay không.
Tương lai mông lung dành cho ngành điện ảnh
Vậy nếu No Time to Die vẫn quyết tâm ra rạp đúng tiến độ vào tháng 11 năm nay, tình hình liệu có khả quan hay sẽ càng bi đát?
Nếu làn sóng Covid-19 tiếp theo tại Anh không nghiêm trọng như trước, quyết định hoãn chiếu sang 2021 của No Time to Die có lẽ là vội vàng và nhà sản xuất đã bỏ qua khả năng khán giả đã rất nóng lòng muốn gặp lại James Bond tại rạp, đặc biệt là vào trước Giáng Sinh - thời điểm công chiếu đã thành thông lệ của loạt phim.
Nếu ra mắt thành công như mong đợi vào tháng 11, bom tấn sẽ thúc đẩy cả ngành điện ảnh mạnh dạn tiến hành kế hoạch phát hành thay vì liên tục dời lịch như hiện nay. Khi dời lịch tới tháng 4/2021, bộ phim có nguy cơ "mất nhiệt" hoàn toàn. Chưa kịp ra mắt, tác phẩm đã có đến hai chiến dịch quảng bá bị hủy bỏ, trong khi những sản phẩm liên quan vẫn chưa rõ số phận, các trailer chẳng còn gì để phân tích. Và khi chính thức công chiếu, khán giả sẽ bớt hào hứng so với thời điểm một năm trước.
Một rạp chiếu phim Cineworld tại Anh. Ảnh: Screen Daily.
Không thể đặt gánh nặng duy trì cả một ngành công nghiệp lên bất cứ cá nhân nhà làm phim hay nhà sản xuất nào, kể cả nếu Nolan có lội ngược dòng ngoạn mục. Tenet đã khiến hãng Warner Bros. thất thu khoảng 100-200 triệu USD, nguyên nhân chính là do hãng hoàn toàn chiều theo ý vị đạo diễn sáng giá dù quyết sách của ông có gây hại về tài chính hay không.
Dù có là bom tấn chủ chốt với kinh phí đầu tư ngoài sức tưởng tượng, các phim như Tenet vẫn cần thu về lợi nhuận nhất định. Nếu không, chúng có thể khiến hãng phim gặp rắc rối về tài chính. Trong trường hợp No Time to Die ra mắt thất bại và lọt top doanh thu thấp nhất của loạt 007, kinh phí của các phần tiếp theo sau này sẽ bị điều chỉnh.
Trớ trêu thay, các nền tảng giải trí trực tuyến đã trở thành bến đỗ của nhiều dự án có kinh phí trung bình, đáng lẽ phải được chiếu ngoài rạp như Enola Holmes, The Trial of the Chicago Seven sắp ra mắt của Aaron Sorkin, hay phần hậu truyện về Borat của Sacha Baron Cohen.
Khi những tựa phim mới và có tiếng tăm nằm ngay trong tầm tay của khán giả, mối liên kết tự nhiên giữa phim và rạp lại đứt đoạn, thậm chí khó lòng có thể nối lại. Nỗ lực phát hành Mulan của Disney với giá thuê gần 30 USD không cho thấy kết quả rõ ràng, nên No Time to Die hay những tựa phim tương đương khó lòng xuất hiện trên các dịch vụ trực tuyến, chưa kể đến nguy cơ bản lậu tràn lan.
Enola Holmes là bộ phim gây chú ý trên Netflix trong thời gian qua. Ảnh: Netflix.
Một người bạn làm trong lĩnh vực điện ảnh lại lạc quan hơn tôi rất nhiều, dù anh ấy vẫn tin rằng chính phủ phải hỗ trợ ngành công nghiệp thông qua các khoản vay hay chương trình trợ cấp cho đến khi tình hình bình thường trở lại.
Người này nói: "Tôi không nghi ngờ việc các rạp chiếu phim rồi sẽ hồi sinh. Việc chiếu phim sản sinh ra rất nhiều lợi nhuận, và một khi chúng ta vượt qua cơn khốn khó này, các nhà đầu tư sẽ mở rạp lại thôi. Thị trường luôn thay đổi từ trước đến nay, nhưng rạp phim sẽ thu hút cả công chúng lẫn nhà đầu tư".
Về quyết định của đội ngũ No Time to Die, anh ấy cũng có thái độ tương tự: "Barbara Broccoli không hề có lỗi. Quyết định của bà ấy gây tác động đến cả ngành điện ảnh, nhưng việc giải cứu rạp phim không phải trách nhiệm của Broccoli. Nếu không phải là No Time to Die mà là một tựa phim khác, ý kiến của tôi vẫn không thay đổi".
Tôi rất mong là bạn mình đúng, và hy vọng rằng ngành điện ảnh sau này sẽ nhìn về năm 2020 như một ngoại lệ không tích cực thay vì hình dung nó như hình mẫu cho tương lai. Nhưng mỗi khi nghe được những thông tin về việc người ta đang thích ứng với "trạng thái bình thường mới" và tỏ ra miễn cưỡng khi quay lại nếp sống trước đại dịch, tôi lại hoài nghi rằng sớm thôi, chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều rạp phim từng được yêu thích phải đóng cửa mãi mãi, trở thành những quán rượu hay khu căn hộ cao cấp, và lượng khán giả ghé thăm dần suy giảm.
Khi tôi viết ra những dòng này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người dân hãy đến rạp xem phim, tận hưởng và ủng hộ chúng. Tôi chỉ có thể phản bác rằng nếu không có tác phẩm mới cho họ thưởng thức, số phận của các rạp phim dường như phản ánh nhiệm kỳ gây thất vọng của ông. Không cần đến một kẻ phản diện, ta cũng thấy trước được "kỷ băng hà" của ngành điện ảnh, hay ít nhất là sự mông lung về việc liệu nó có thể, hay sẽ hồi phục hay không.
Những đạo diễn tài danh từng lỗi hẹn với '007' Nhiều lý do khác nhau từng khiến Alfred Hitchcock, Steven Spielberg, Danny Boyle... không thể có cơ hội xây dựng phiên bản James Bond của riêng mình. Alfred Hitchcock với Thunderball (1965): Từ trước khi Dr. No (1962) ra đời và mở ra loạt 007, nhà văn Ian Fleming muốn chuyển thể Thunderball lên màn bạc đầu tiên, với lựa chọn lý tưởng...