Hillary Clinton chỉ trích chính sách quốc phòng của Trump
Cựu ngoại trưởng Clinton cho rằng Mỹ đang sa vào “đường lối sai lầm” trong chi tiêu quốc phòng, cáo buộc Tổng thống Trump quản lý yếu kém.
Trong bài xã luận đăng trên tạp chí Foreign Affairs hôm 9/10, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích Lầu Năm Góc đang “vung tay quá trán” khi đầu tư cho “những hệ thống vũ khí cũ”, kêu gọi quốc hội Mỹ xem xét mức chi tiêu quốc phòng bởi các hệ thống vũ khí đắt đỏ từ thời Chiến tranh Lạnh và cuộc chiến chống khủng bố đã lỗi thời.
“Cạnh tranh hiện nay không phải cuộc chạy đua lực lượng và hỏa lực quân sự toàn cầu như trước kia. Khơi lại chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh sẽ không giúp Mỹ chuẩn bị được gì nhiều, trong khi các đối thủ đang sử dụng công cụ mới để chiến đấu trong vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình, khai thác internet và nền kinh tế mở nhằm làm suy yếu nền dân chủ Mỹ, phơi bày điểm yếu của nhiều hệ thống vũ khí cũ”, bà cho hay.
Cựu ngoại trưởng Clinton phát biểu qua video tại Hội nghị Quốc gia đảng Dân chủ hôm 19/8. Ảnh: AP.
Video đang HOT
Cựu ngoại trưởng Mỹ, đối thủ của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, ủng hộ “cách tiếp cận rộng hơn”, chỉ ra những mối đe dọa mới nổi như tấn công mạng, virus có khả năng gây ra đại dịch, phát thải khí carbon ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, hoạt động tuyên truyền trên mạng hay chuyển hướng chuỗi cung ứng.
Clinton cho rằng Mỹ cần cắt giảm chi tiêu quốc phòng và chuyển hướng đầu tư sang ngoại giao, nghiên cứu và đổi mới. “Loại bỏ những hệ thống vũ khí cũ có thể giúp tiết kiệm rất nhiều, khả năng lên tới hàng trăm tỷ USD trong thập kỷ tới, nên như vậy”, bà Clinton viết.
Clinton, người thua Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đánh giá sai lầm trong chi tiêu quốc phòng xuất phát từ “sự phản kháng ý thức hệ của cánh hữu”, đồng thời cáo buộc Tổng thống Mỹ điều hành yếu kém.
“Tôi đã dành rất nhiều thời gian với trợ lý lâu năm Dan Schwerin để suy ngẫm về những sai lầm của Trump đã khiến nước Mỹ trở nên kém an toàn hơn như thế nào, cũng như cách chính quyền của Biden có thể đảo ngược tình thế”, bà cho hay.
Hillary Clinton thất bại trước Tổng thống Trump hồi năm 2016 do thua số phiếu đại cử tri, dù giành được nhiều phiếu phổ thông hơn. Bà cũng từng tranh cử tổng thống vào năm 2008, nhưng thất bại trước cựu tổng thống Barack Obama ở vị trí ứng viên của đảng Dân chủ.
Trong quá trình Clinton vận động tranh cử năm 2016, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã xem xét việc bà sử dụng máy chủ cá nhân để gửi email khi còn giữ chức ngoại trưởng, bê bối mà Trump nhiều lần dùng để công kích. Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business hôm 8/10, ông chủ Nhà Trắng một lần nữa yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thông tin về các email của bà Clinton, đồng thời đặt câu hỏi “tại sao Hillary Clinton không bị truy tố”.
Giải mật dữ liệu về mối quan hệ với Nga: Vũ khí cuối cùng của Tổng thống Trump?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép giải mật tất cả dữ liệu về 'mối quan hệ' của ông với Nga.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller không tìm thấy bằng chứng thông đồng giữa Tổng thống Trump và Nga. (Nguồn: Getty Images)
Đêm 6/10, nhà lãnh đạo Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter: "Tôi đã ra lệnh giải mật tất cả các tài liệu liên quan đến vụ tội phạm chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, vụ lừa bịp liên quan đến Nga cũng như vụ bê bối với thư điện tử của bà Hillary Clinton. Không kiểm duyệt".
Trong một bài đăng khác, ông Trump cho biết, cách đây rất lâu, ông đã giải mật tất cả dữ liệu vốn được gọi là "sự thông đồng với Nga". Ông Trump bổ sung: "Thật đáng tiếc cho đất nước của chúng ta, mọi người đã hành động rất chậm chạp, đặc biệt nếu xét đến việc vụ này có thể là tội ác chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hãy hành động!".
Chính quyền Mỹ đã cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Moscow phủ nhận điều này. Trên cơ sở báo cáo chưa được xác nhận về "mối quan hệ" của ông Trump với Nga, các cơ quan tình báo Mỹ đã theo dõi các nhân viên trụ sở tranh cử của ông Trump. Sau đó, "vụ án Nga" được Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra nhưng ông không tìm thấy bằng chứng thông đồng nào.
Trả lời phỏng vấn đài Sputnik, nhà phân tích chính trị, ông Vladimir Shapovalov, Phó giám đốc Viện Lịch sử và Chính trị thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Moscow đã bình luận về hành động của ông Trump: "Chúng ta đã bước vào giai đoạn được gọi là kỷ nguyên chân thành mới. Một phần của sự chân thành mới này là giải mật những thứ mà trước đây không thể công khai. Đó là những cuộc điện đàm giữa lãnh đạo các nước với nhau, là thông tin tình báo bí mật. Ông Trump cũng hành động theo mô hình như vậy".
Ông Shapovalov nhấn mạnh, nước Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối của chiến dịch bầu cử. "Ông Trump đã đưa ra vũ khí cuối cùng của mình và bắt đầu chiến dịch mới chống ông Joe Biden. Tôi nghĩ tiếp theo có khả năng sẽ là vụ Ukrainegate. Ông Trump hy vọng xoay chuyển tình thế có lợi cho mình theo cách này. Tôi nghĩ rằng, ông Trump có cơ hội thu hút bộ phận đại cử tri đang do dự".
Theo ông Shapovalov, không phải ngẫu nhiên mà ông Trump quay lại chủ đề đã cũ này và áp đặt nó đối với đối thủ của ông. Ông Trump cho biết, các tài liệu được giải mật có chứa nhiều thông tin quan trọng.
"Tất nhiên, trong đó sẽ có thông tin quan trọng hay đúng hơn là sự thiếu vắng thông tin. Không hề có việc ông Trump liên quan đến Nga. Đây là điều hiển nhiên. Điều này không cần phải chứng minh vì nó đã được chứng minh trước đây, chủ yếu bởi Công tố viên Mueller. Ông Mueller đã không tìm thấy bằng chứng nào. Trên thực tế, bây giờ ông Trump vẫn đưa ra câu chuyện đó làm cho nó trở nên thời sự cấp bách trong bối cảnh những ngày tranh cử cuối cùng, khiến cử tri nhớ đến vụ gian lận được đảng Dân chủ tổ chức", chuyên gia Shapovalov bình luận.
Ông Shapovalov nhận định, đây không phải là "quân át chủ bài" nhưng điều quan trọng là ông Trump đang nêu ra chủ đề mà đối thủ chính trị của ông đã coi là xu hướng chính trong 4 năm qua. Trên thực tế, ông Trump đã ngăn họ khai thác chủ đề này trong những ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử và đây thực sự là đòn đánh chặn chương trình nghị sự. Mặc dù điều này sẽ không mang lại cho ông Trump những lợi thế hữu hình nhưng sẽ cho phép ông đánh bật "quân át chủ bài" khỏi tay đối thủ.
Các khảo sát bất lợi liệu có vẽ nên "bức tranh thảm khốc" cho Tổng thống Trump? Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy những dự báo bất lợi và tồi tệ cho khả năng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 của nhà lãnh đạo Mỹ. Vào giai đoạn nước rút của chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump cũng bị đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton dẫn trước trong...